.
.

Tiểu sử Đại lão Hòa Thượng Thích Thanh Sam


Do niên cao lạp trưởng Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Sam đã thu thần viên tịch vào lúc 06 giờ 30 phút ngày 12 tháng 03 năm 2018 (nhằm ngày 25 tháng Giêng năm Mậu Tuất) tại Tổ đình Đại Thành số 245 đường Lê Phụng Hiểu, phường Kinh Bắc, Tp.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh . Trụ thế: 90 năm : 69 Hạ lạp


TIỂU SỬ

ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH THANH SAM

Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN;

Chứng minh BanTrị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Ninh;

Nguyên Chánh Thư ký Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh;

Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN;

Nguyên Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bắc Ninh;

Nguyên Ủy viên UBTWMTTQVN;

Nguyên Đại Biểu Hội đồng Nhân dân Tỉnh Bắc Ninh Khóa XIII, XIV, XV, XVI, Ủy viên MTTQVN tỉnh Bắc Ninh;

Trưởng Môn Phái Tổ Đình Vĩnh Nghiêm – Đức La Bắc Giang

Viện Chủ tổ đình Đại Thành, chùa Đáp Cầu, chùa Bồ Sơn, chùa Thiên Thai thôn Bảo Tháp, Chùa Mỹ Lộc huyện Gia Bình, Chùa Tổ Đại Bi tỉnh Bắc Ninh.

  1. THÂN THẾ:

Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Sam, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thế danh Hoàng Đăng Sam (Soang), Pháp hiệu Viên Minh, sinh năm Kỷ Tỵ – 1929, tại thôn Đông Bình, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, trong một gia đình thuầnnông vùng thôn quê thuần túy kính tín Đạo Phật.Ngài là con thứ 3 Trong Gia Đình Có 4 con trai 3 con Gái của cụ ông Hoàng  Đăng Âm và cụ bà Nguyễn Thị Kỷ.

Tuổi ấu thơ Ngài thường được cha mẹ cho đến chùa Làng,  nên đã sớm có chí hướng mến mộ đạo Phật. Năm Nhâm Ngọ – 1942 khi tròn 13 tuổi, với túc duyên hội đủ, được sự đồng ý của song thân, Ngài đã xuất gia theo học tại chùa Đông Bình với Sư tổ Thích Thanh Hán.

Sau 03 năm chấp lao phục dịch hầu cận bên thầy, sớm khuya đèn sách, kinh kệ nỗ lực kiên trì tinh chuyên đạo hạnh, làm tròn phận sự của bậc sơ tâm, được thầy yêu mến, năm 15 tuổi, Ngài được Sư Tổ cho đăng đàn thụ giới Sa Di tại chốn tổ chùa Phúc Long, xã Phù Lãng, huyện Quế  Võ, tỉnh Bắc Ninh.

Hòa chung cùng dòng chảy lịch sử dân tộc của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, Ngài đã cùng với Sư Tổ Thích Thanh Hán chuyển từ chùa Đông Bình về tu tập tại chùa Mỹ Lộc, xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, Sư Tổ viên tịch năm 1946, Ngài tiếp tục ở lại chùa Mỹ Lộc cho đến năm 1949, Ngài y chỉ vào Sư huynh là Tổ Thích Tâm Duyệt             thụ giới Tỷ khiêu tại chốn tổ chùa Nhị Châu, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

  1. NHỮNG ĐÓNG GÓP CHO ĐẠO PHÁP VÀ DÂN TỘC:

Với tư chất thông minh đĩnh ngộ, Ngài luôn luôn được Sư Tổ thương yêu và kỳ vọng là pháp khí của Tùng lâm, Giáo hội. Mặc dù trẻ tuổi, nhưng Ngài đã được Sư Tổ Thích Thanh Hán giao phó nhiều trọng trách trong Tùng lâm, quán xuyến chăm lo cho các chùa và các Hội quy của Phật tử trong vùng. Bận rộn các Phật sự của chốn Tùng lâm, song Ngài vẫn chú tâm đèn sách, sam học với các bậc cao tăng, thạc đức tại các chốn tổ đình lớn như Phù Lãng, Vĩnh Nghiêm, Nam Sách… trau dồi Kinh – Luật – Luận, Hán học và nghi lễ chốn tùng lâm.

Nêu cao truyền thống đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam, vốn có tinh thần yêu nước và thấm đượm triết lý từ bi trong những lời Phật dạy, Khi mới chỉ là một vị Sa Di ở chùa, Ngài đã tích cực hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946. Với sức trẻ, Ngài đã tham gia vào Ban Thuế xã Cao Đức, trực tiếp thu thuế nông nghiệp nuôi quân kháng chiến, đồng thời làm liên lạc cho Hội Phật giáo cứu quốc huyện Gia Bình. Vừa vận động nhân dân, tín đồ Phật tử đóng góp sức người, sức của vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, vừa xây dựng tổ chức Hội Phật giáo cứu quốc Gia Bình vững mạnh, tham gia hoạt động cách mạng, che dấu và bảo vệ cán bộ hoạt động bí mật tại xã Cao Đức.

Năm 1952, Hòa thượng bị giặc Pháp bắt giam 3 tháng. Ngài chỉ nhất tâm niệm Phật, không khai báo. Sau khi không có đủ chứng cứ buộc tội, giặc Pháp đã phải trả tự do cho Hòa thượng.

Sau năm 1954, hòa bình lập lại, hưởng ứng phong trào chống giặc dốt, Hòa thượng đã tham gia vào Ban Bình dân học vụ xã Cao Đức và trực tiếp tham gia dạy học bình dân học vụ xóa mù chữ cho nông dân.

Năm 1958, Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam tại miền Bắc được thành lập, Hòa thượng được bầu vào Ủy viên Trị sự Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam, kiêm chức vụ Phó Thư ký Chi hội Phật giáo thống nhất tỉnh Bắc Ninh. Khi Phật giáo tỉnh Hà Bắc được thành lập, Hòa thượng giữ chức vụ Phó Ban Thường trực kiêm Chánh Thư ký Hội Phật giáo tỉnh Hà Bắc.

Với tinh thần hành Bồ tát đạo, hiện thân đại sĩ để cứu đời, đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân, từ năm 1958 đến năm 1961, Hòa thượng làm Tổ trưởng tổ đổi công và Ban quản trị Hợp tác xã nông nghiệp thôn Mỹ Lộc. Năm 1962, Hòa thượng vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Năm 1966, khi giặc Mỹ leo thang bắn phá ác liệt miền Bắc. Hưởng ứng lời kêu gọi tất cả vì miền Nam thân yêu, tập trung chi viện của miền Bắc đối với miền Nam ruột thịt, Hòa thượng trực tiếp chỉ đạo một mũi nhọn xung kích dân công xã Cao Đức tham gia chiến dịch thủy lợi đào sông Đồng Khởi tại huyện Gia Lương do Tỉnh ủy tỉnh Hà Bắc phát động. Cũng trong thời gian này, Hòa thượng được bầu làm Phó Chủ tịch, rồi Quyền Chủ tịch MTTQ xã Cao Đức.

Từ năm 1971 đến năm 1975, Hòa thượng tham gia khóa học của Trường tu học Phật pháp Trung ương, được tổ chức tại chùa Quảng Bá và chùa Quán Sứ, Hà Nội, nhận được sự truyền giảng của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Độ, Hội trưởng Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam, do Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận làm hiệu trưởng.

Với kiến thức Phật pháp được trau dồi và đạo hạnh tăng trưởng tại Trường tu học Phật pháp Trung ương , năm 1975, Hòa thượng được bổ nhiệm về công tác Phật sự tại chùa Đại Thành – Trụ sở của Tỉnh hội Phật giáo Hà Bắc, giữ chức vụ Phó Trưởng Ban Thường trực kiêm Chánh Thư ký Tỉnh hội Phật giáo Hà Bắc. Sau khi Hòa thượng Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh viên tịch, Hòa thượng được kế vị ngôi trụ trì tổ đình Đại Thành từ đó cho đến ngày viên tịch hôm nay.

Kể từ khi thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981, Hòa thượng luôn là thành viên tích cực và tham gia vào Hội đồng Trị sự nhiều nhiệm kỳ với nhiều trọng trách ở các Ban chuyên môn ở Trung ương, đồng thời Ngài luôn là trụ cột trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo Phật sự của Phật giáo tỉnh Hà Bắc.

Năm 1997, tỉnh Hà Bắc được phân chia lại địa dư hành chính là Bắc Giang và Bắc Ninh, Hòa thượng được bầu làm Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Ninh và được tấn phong lên hàng giáo phẩm Hòa thượng.

Năm 2002, tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ V (2002 – 2007), Hòa thượng được Đại hội suy cử làm Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN.

Năm 2007 tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI (2007 – 2012) và Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII (2012 – 2017) Hòa thượng được Đại hội suy tôn ngôi vị Phó Pháp chủ kiêm Chánh thư ký Ban Thường trực Hội đồng chứng minh GHPGVN.

Năm 2017 tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII (2017 – 2022) Hòa thượng tiếp tục được Đại hội suy tôn ngôi vị Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPHVN.

Suốt một đời, Hòa thượng sống hết sức bình thường dung dị, siêng năng cần cù, nhu hòa nhẫn nhịn. Tuy nghiêm khắc với bản thân, nhưng lời nói và việc làm luôn “tri hành hợp nhất”, hết lòng phụng sự Tam Bảo, nên hạt giống Bồ Đề luôn giữ trọn trong tâm. Cho dù thế sự đổi thay, nhưng niềm tin nhân quả vẫn tròn đầy như ngày sơ tâm học đạo. Đời sống tu hành có lúc gặp nhiều khó khăn, nhưng Hòa thượng vẫn “an bần thủ đạo”. Hàng ngày, ngoài giờ tu tập, Hòa thượng vẫn tham gia lao động sản xuất để tự túc sinh hoạt cho bản thân và xây dựng chùa cảnh.

Từ ngày nhận trách nhiệm đứng đầu lãnh đạo Phật giáo tỉnh Bắc Ninh, Hòa thượng đã cùng với các Hòa thượng, chư Tăng trong toàn tỉnh chủ trương mở trường Trung cấp Phật học đào tạo Tăng Ni trẻ có kiến thức về Phật học và thế học để truyền trì mạng mạch Phật pháp, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức.

Từ năm 1980 đến nay, Hòa thượng được thỉnh mời làm Giới sư, Tôn chứng sư, Hòa thượng Đàn đầu trong các giới đàn thụ giới của tỉnh Hà Bắc trước kia, và tỉnh Bắc Ninh ngày nay, cũng như các tỉnh thành ở miền Bắc như Hải Dương, Quảng Ninh…Nhiều đệ tử của Hòa thượng đã trưởng thành giữ trọng trách cao trong Giáo hội và phát huy truyền thống giữ gìn mạng mạch Phật giáo Kinh Bắc.

Để đền đáp công ơn thầy tổ và trang nghiêm ngôi Tam Bảo, Hòa thượng đã nhiều lần trùng tu chốn tổ chùa Đông Bình nơi Hòa thượng sơ cơ xuất gia, đại trùng tu, xây dựng mới nhiều hạng mục chùa Đại Thành, trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Ninh.

Với cương vị lãnh đạo của mình, Hòa thượng còn đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam giao lưu quốc tế, kết tập quần hiền, tham dự Hội nghị Phật giáo Châu Á vì hòa bình được tổ chức tại Liên Xô (cũ) và nước Cộng hòa Mông Cổ.

Chăm lo việc đạo, nhưng cũng không sao nhãng việc đời, bởi Đạo pháp và Dân tộc không thể tách rời nhau. Hòa thượng đã tham gia HĐND tỉnh Bắc Ninh liên tục 5 khóa. Hòa thượng là thành viên của UBMTTQ tỉnh Hà Bắc (cũ), Ủy viên UBMTTQ tỉnh Bắc Ninh 5 khóa liên tục, Ủy viên UBMTTQ thị xã Bắc Ninh 3 khóa liền.

Năm 2004, Hòa thượng được bầu làm Ủy viên UBTWMTTQVN.

Vì có nhiều công lao to lớn, có nhiều thành tích xuất sắc, đóng góp vào sự nghiệp ích đạo, lợi đời, Hòa thượng đã nhận được những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng và của Giáo hội ghi nhận những cống hiến của Hòa thượng đối với Đạo pháp và Dân tộc:

  1. Huân chương Độc lập Hạng Nhất, hạng Ba;
  2. Huân chương Kháng chiến Hạng nhì;
  3. Huy chương vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân;
  4. Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng;
  5. Bằng tuyên dương công đức của Hội đồng Trị sự GHPGVN;

Và nhiều Bằng khen, Giấy khen của lãnh đạo tỉnh Hà Bắc, tỉnh Bắc Ninh.

III. NHỮNG NĂM THÁNG CUỐI CÙNG KHI VẮNG BÓNG:

Những năm gần đây, khi tuổi cao sức yếu, Hòa thượng vẫn cố găng nỗ lực tham các công việc của Giáo hội và xã hội. Ngài vẫn sách tấn, khích lệ các đệ tử tu hành tinh tiến để báo ân Phật tổ và sắp đặt công việc của chốn Tổ đình trụ sở, đề phòng khi lúc Ngài lâm chung trở về nơi an dưỡng hương các môn nhân đệ tử khỏi bối rối ngỡ ngàng.

Từ hàng giáo phẩm Tăng Ni, đến các vị sơ cơ tân học đều quý mến đức hạnh của Ngài. Không những thế, nhân dân Phật tử xa gần hết thảy đều khen Ngài bậc chân tu đức hạnh. Những tưởng bước chân của Ngài trên con đường phục vụ Đạo pháp và chúng sinh còn dài hơn nữa. Thế nhưng, thân năm uẩn giả hợp, mượn cảnh nhân gian làm nơi trú chân của Hòa thượng đã mỏi mòn sau 90 năm ở cõi Sa bà. Nay kỳ nhân duyên đã mãn, những việc cần làm cho bản thân, cho Đạo pháp và Dân tộc, cho Sơn môn chốn tổ và đệ tử Hòa thượng đã làm xong.

Hóa duyên nay đã mãn rồi,

Thu thần thị tịch quy hồi chân nguyên.

Tưởng rằng Ngài sẽ được trụ lâu hơn nữa để làm thạch trụ cho Tăng ni Phật tử và các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là khu vực phía Bắc nương y ở nơi Ngài được mãi mãi. Song quy luật vô thường vốn có, Ngài đã an nhiên thu thần thị tịch xả bỏ báo thân cõi Sa bà ảo mộng, theo hầu Đức Phật Di Đà vào hồi 6 giờ 30 ngày 12 tháng 03 năm 2018 tức (ngày 25 Tháng Giêng năm Mậu Tuất), trụ thế 90 tuổi đời và 69 hạ lạp, gần 80 năm tu sống trong cảnh thiền môn.

Thế là từ nay, Hòa thượng đã bỏ huyễn thân, trở về cảnh giới ao Thất bảo sen bày 5 sắc, gác trùng lâu ngọc lát bốn bề, 7 hàng cửa võng câu lơn, chen bày lẫn hàng cây ngọc.

Thế nhưng, công đức và đạo hạnh của Hòa thượng vẫn còn lưu lại thế gian trong tâm tư tình cảm của Tăng Ni, Phật tử hôm nay và cả mai sau.

Ngài viên tịch đã để lại cho môn đồ tứ chúng, các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam niềm tiếc thương vô hạn. Ngài mãi mãi là tấm gương sáng về tinh thần phụng sự Đạo pháp và Dân tộc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

NAM MÔ VIỆT NAM PHẬT GIÁO GIÁO HỘI HỘI ĐỒNG CHỨNG MINH

PHÓ PHÁP CHỦ

ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THƯỢNG THANH HẠ SAM

GIÁC LINH THIỀN TỌA HẠ

VPTWGHPGVN