Lịch Sử Phật Giáo Ấn Độ
A. Mở Đề
Khao khát cái tuyệt đối, khinh thường cái cái tương đối; mong cầu cái vĩnh viễn trường tồn, ruồng bỏ cái biến chuyển vô thường, người Viêt Nam nói riêng và người Á Châu nói chung đã được huân tập mấy ngàn năm trong một thái độ tư tưởng như trên, nên đã xem thường lịch sử, là một môn học theo sát sự biên chuyển vô thường của sự thế, mà mục đích là mong ghi chép một cách trung thành những gì đã mất hút trong bóng tối của thời gian.
Quan niệm khinh thường lịch sử ấy đã đem lại cho chúng ta nhiều điều tai hại không nhỏ. Chúng ta đã bỏ mất bao nhiêu bài học quý giá mà ông cha chúng ta mua với một giá rất đắt; chúng ta đã mất rất nhiều liên lạc với quá khứ, tắt mất đường thông cảm với người xưa, và đang lạc loài trong hiện tại vì không biết nên bỏ con đường nào và nên theo con đường nào. Người ta thường nói rất đúng: một dân tộc không quá khứ, thì cũng khó mà có tương lai.
Riêng trong phạm vi Phật Giáo chúng ta, tìm về cho đúng nguồn gốc, thử vạch lại con đường đi truyền giáo của ông cha, xây dựng lại mô hình của một thời đại huy hoàng của Phật Giáo, đó là những công việc vô cùng khó khăn, nhọc mệt.
Nhưng mặc dù mệt nhọc, khó khăn, không lẽ thấy vết xe đổ của người xưa mà nay chúng ta không tránh, cứ nhắm mắt đi càn? Người xưa đã xem thường lịch sử, ngày nay trái lại, chúng ta phải dành cho nó một địa vị quan trọng. Có thấy rõ được nguồn gốc, sự phát triển, những thời đại thịnh suy của môt tôn giáo, chúng ta mới hiểu rõ được giá trị chân thật của tôn giáo ấy. Nhất là nếu chúng ta là những người có nhiêm vụ truyền bá giáo lý của Phật Đà, thì hơn ai cả, chúng ta phải học lịch sử Đạo Phật để tìm hiểu lẽ thịnh suy, nguyên nhân những thành bại của công cuộc hoằng dương chánh pháp trên khắp năm châu, hầu bắt chước những điều hay có lợi cho Đạo, bỏ những điều dở, có hại cho Đạo, để Phật Pháp được hoằng truyền mãi mãi với thời gian.
Vậy trước tiên, chúng ta hãy trở về nguồn, tuần tự đi theo bước chân trên đường truyền giáo, từ khi Đức Giáo chủ Thích-Ca mới xuất thế ở Ấn Độ, dần dần qua Trung Hoa, rồi đến Việt Nam, để cuối cùng có một ý niệm tổng quát về hiện tình Phật Giáo ở nước nhà và trên Thế Giới phức tạp ngày nay.
B. Chánh Đề
Phật Giáo Ở Ấn Độ
I. Sự Khai Nguồn Của đức Giáo Chủ Thích Ca
1. Tình trạng xã hội đen tối và tư tưởng phức tạp ở Ấn Độ khi đức Phật xuất thế
Xét về sự bất bất công trong xã hội trên 2500 năm trước đây, thì xã hội Ấn Độ có lẽ là một trong những xã hội có một chế độ xã hội và chính trị bất công nhất. Dân chúng Ấn Độ thời bấy giờ bị phân chia rất nhiều giai cấp khác nhau, tựu trung có thể liệt vào những giai cấp chính sau đây:
a) Bà-la-môn (Brhamana) gồm những Giáo sĩ, những người giữ quyền thống trị tinh thần, phụ trách về lễ nghi, cúng bái. Họ tự nhận mình là hạng cao thượng, sinh từ lỗ miệng Phạm Thiên (Brahma) hay Phạm Thiên cầm cương lãnh đạo tinh thần dân tộc, nên có quyền ưu tiên được tôn kính, và an hưởng cuộc đời sung sướng nhất.
b) Sát-đế-lỵ (Kastryas) là hàng vua chúa quý phái, tự cho mình sinh từ cánh tay Phạm Thiên, thay mặt cho Phạm Thiên nắm giữ quyền hành thống trị dân chúng.
c) Vệ-Xá (Vaisyas) là nhữnh hàng thương gia chủ điền, tin mình sinh ra từ bắp về Phạm-Thiên, có nhiệm vụ đảm đương về kinh tế trong nước (mua bán, trồng trọt, thu huê lợi cho quốc gia )
d) Thủ-Đà-La ( Sudra) là hàng Hà tiện, nô lệ tin mình sinh từ gót chân Phạm Thiên, nên thủ phận làm khổ sai suốt đời cho các giai cấp trên.
Ngoài bốn giai cấp trên, còn có một hạng người hà tiện nhất là giống Ba-ri-a (Pariahs) giống dân tộc mọi rợ, bị coi như sống ngoài lề xã hội loài người, bị các giai cấp trên đối xử như thú vật, vô cùng khổ nhục, tối tăm.
Năm giai cấp này mặc y phục màu sắc khác nhau. Mỗi giai cấp sống theo luật lệ hệ thống cha truyền con nối, không được thay đổi nghề nghiệp hay cưới hỏi lẫn nhau, và không được di chuyển chổ ở khác. Theo luật Bà-la-môn, chỉ ba giai cấp trên có quyền đọc kinh, học đạo, còn hai giai cấp dưới thì đời đời chỉ làm nô lệ cho ba giai cấp trên mà thôi.
Hạng Bà-la-môn hưởng sung sướng nhàn hạ bao nhiêu, thì đám người hà-tiện ở dưới lại khổ sở, nhục nhã bấy nhiêu. Sự bất công xã hội thật không thể nào diễn tả nổi. Giữa người với người, thật không có một nhịp cầu thông cảm nào, nguồn yêu thương tắc nghẹn, giai cấp này đối với giai-m cấp khác là địch thủ mà càng bóc lột được bao nhiêu là càng tốt bấy nhiêu.
Về phương diện tôn giáo, Triết học, tư tưởng thì xã hội Ấn Độ thời bấy giờ cũng diễn ra một cảnh tượng vô cùng hỗn tạp. Về tín ngưỡng người thờ thần lửa kẻ thờ thần núi, thần sông, kẻ thờ thần gió, thần chớp, thần mặt trời. Về triết-học, kẻ cho rằng Phạm Thiên là căn-bản của vũ-trụ, vạn hữu, kẻ cho rằng đất là căn bản, kẻ cho rằng nước là căn bản, kẻ cho rằng gió là căn bản …có phải đi xa hơn, từ cụ thể đến trìu tượng, lập ra những thuyết: thời gian luận, không gian luận, phương-hướng luận, chủ trương nhất nguyên, nhị nguyên, đa nguyên …Gồm một trăm phái khác nhau, luôn luôn đã kích chống báng nhau.
Tóm lại, xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ là một xã-hội về vật chất thì đang rên siết dưới ách bất công, áp bức, về tinh thần thì đang quay cuồng, điên đảo trong những luồng tư tưởng lý thuyết rối reng, tà vạy. Xã hội ấy đang khao khát tình thương và bình đẳng, đang mong chờ được chói rạng dưới ánh sáng của trí huệ.
Trong hoàn cảnh ấy, Đức Phật Thích Ca đã xuất hiện đúng lúc để cứu vớt cõi đời sầu khổ.
2. Đức Phật Thích Ca, vị giáo chủ của Đạo Từ bi và Trí huệ:
a) Niên lịch Đản Sinh
Như chúng ta đã nói ở phần mở đề, người Phật Tử chúng ta không cho vấn đề lịch sử là quan trọng; lại thêm trải qua một thời gian lâu dài từ khi Đức Phật xuât hiện đến nay, tài liệu bị thất lạc nhiều, nên có nhiều thuyết khác nhau về niên lịch đản sinh của Đức Phật.
Tuy thế, ngày nay để được thống nhất toàn vẹn về niên lịch Phật Giáo thế giới họp tại Đông Kinh năm 1952, đã thỏa thuận rằng ngày trăng tròn tháng hai của xứ Ấn Độ (tức ngày rằm tháng tư âm lịch) năm 624 trước Jésus Christ ra đời là ngày Đàn sanh của Đức Phật Thích Ca. Như vậy, tính đến năm nay (2018) thì Đức Phật đản sinh đã được 2642 năm (2018 + 624). Nhưng nếu chúng ta thấy ghi Phật-lịch 2562 (tính đến năm Tây lịch là 2018) là vì Tổng hội Phật Giáo Quốc Tế lấy năm nhập Niết bàn của Đức Phật làm năm đầu kỷ nguyên, chứ không phải lấy năm sinh (2642 – 80 năm đời Đức Phật = 2562).
b) Quốc độ và dòng họ
Thời bấy giờ xứ Ấn Độ gồm nhiều tiểu quốc, khi hòa khi chiến với nhau như đời Chiến quốc bên Tàu. Tuy thế, đại cuộc vẫn thu về nước Ma kiêtđà (Magadha) như nhà Chu ở Trung Quốc đối với các nước chư hầu vậy. Nước này lớn nhất ở phía nam sông Hằng Hà (Gange) làm trung tâm cho toàn xứ Ấn Độ. Ở phía Bắc xứ Ấn Độ, gần dưới chân dãy núi Hy mã lạp sơn (Bây giờ là nước Népal) có một Quốc độ tên là Ca tỳ la vệ (Kapilavastu). Vua trị vì nước này là Tịnh Phạm Vương (Sudhodana) thuộc giai cấp Sát đế lỵ (Kastrya) dòng Kiều-Tât-la (Gotama) là một đại quý tộc ở Ấn Độ. Bà Hoàng Hậu, vợ của vua Tịnh Phạn là Ma Gia (Maha-maya) đến 45 tuổi mới có thai.
Theo tục lệ Ấn Độ, gần ngày sinh, Hoàng Hậu trở về nhà cha mẹ là vua A-Nậu-Thích-Ca ở nước Câu-Ly (Koli). Một buổi bình minh, Hoàng Hâu ra dạo chơi trong vườn hoa Lâm Tỳ-Ni (Lumbini) và sinh hạ Thái tử ở đấy. Thái tử được đặt tên là Tất-Đạt-Đa (Siddharta) và theo tục lệ Ấn Độ lấy họ mẹ là Thích-Ca (Sakya). Sau khi đã sanh Thái tử Tất-Đạt-Đa được 7 ngày, Hoàng-hậu Ma-Gia tạ thế. Em gái của hoàng hậu là Ma-Ha-Ba-Xà-Ba-Đề (Maha-Prajapati) thay chị nuôi Thái-Tử Tất-Đạt-Đa cho đến lớn.
Thái-tử Tất-Đạt-Đa, sau này tức là Đức Phật Thích-Ca Mâu-ni, vị Giáo-chủ từ-bi và trí-huệ của Đạo Phật.
c) Hình-tướng và tư-chất
Hình tướng của Thái-Tử có những nét đặc biệt hơn người thường: Ngài có ba mươi hai tướng quý và tám mươi vẽ đẹp. Cho nên khi xem tướng Ngài, Đạo sĩ A-Tư-Đa (Asita) đã tiên đoán sau này Ngài sẽ thành Phật, làm chủ cả tam thế, dắt đường chỉ nẻo cho chúng sinh thoát khỏi bể khổ luân-hồi.
Thuở thơ ấu, tư chất thông minh và tánh tình đức-độ của Ngài đã biểu lộ một cách rỏ rệt. Những Đạo-sĩ thông thái, những Vỏ-sĩ tài danh điều được Tịnh-Phạn vương mời đến dạy cho Thái-Tử; và chẳnh bao lâu Thái-Tử đã trở thành một vị văn vỏ toàn tài, không ai sánh kịp.
Cùng một nhịp với tài-năng, đức-độ của Ngài cũng được phát triển một cách vô cùng nhanh chóng và sâu rộng. Tình thương của Ngài lan tràn, bao phủ tất cả mọi vật mọi người.
Và củng do tư chất thông minh nhìn thấy rỏ được tánh cách giả dối, vô thường của sự thế, và lòng thương vô hạn, không thể ngồi yên để nhìn thấy sự rên-siết, khổ đau của cỏi đời, nên tâm-hồn của Ngài không bao giờ được yên ổn. Ngày đêm, Ngài luôn luôn nghĩ đến phương pháp cứu khổ cho chúng sinh.
Vua Tịnh-Phạn, để làm khuây-khỏa lòng con, truyền dựng lên một cung điện nguy nga, bày đủ trò đàn ca múa hát bao vây lấy Thái-Tử, và còn cưới cho Ngài một người vợ tuyệt-thế giai-nhân làm nàng Da-Du-Đà-La (Yosodhara) nhưng Thái-Tử vẫn không khuây nổi buồn mênh mông của cõi thế.
d) Xuất-gia. -Năm ngài mười chín tuổi (có chổ nói 29 tuối) sau khi đã để lại cho Tịnh-Phạn vương một người cháu nội là La-Hầu-La(Lahula).Thái-Tử quyết -định rời bỏ Hoàng-gia, từ bỏ cuôc đời vinh- hoa phú-quy, trốn ra khỏi hoàng-thành, cắt tóc vào rừng sâu mong được yên-tĩnh để tìm nghĩ phương -pháp cứu độ chúng-sinh thoát khỏi vòng khổ ải và đưa họ lên bờ giác -ngô vĩnh-viễn yên vui. Ban đầu Ngài phải đi tìm học hỏi với những đạo- sĩ danh-tiếng nhất Ấn- Độ thời bấy giờ, nhưng rồi Ngài nhận thấy chân-lý và lối tu hành của họ cũng không có gì là siêu-thoát. Từ đó, Ngài đi vào ẩn trong dãy núi Tuyết-Sơn, phải tự mình tu luyện để tìm ra cái đạo giải thoát như ý Ngài mong muốn. Trong sáu năm tròi tu khổ-hạnh,Ngài củng chưa thu-thập được-kết quả gì khả-quan.Bấy giờ, Ngài mới đi đến núiTượng-Đâù(Gajasirsa) bên bờ sông Ni-Liên-thuyền. Sau khi tắm rưã xong Ngài thọ bát cháo sữa (đè-hồ) của mấy nàng mục-nữ cúng. Rồi Ngài đi đến dưới gốc cây Tất-bát-la (Pippale, sau này người đời gọi là cây Bồ-đề nghĩa là cây giác ngộ, để kỷ niệm sự giác ngộ cuả Đức Phật dưới gốc cây ấy). Ngài ngồi thiền-định ở đó và thề rằng:
“Nếu ta ngồi đây mà không chứng được đạo-quả, thì dù thịt nát xương tan,ta quyết không bao giờ đứng dậy”.
d) Thành đạo và thuyết pháp độ sinh.-ngài ngồi thiền định dưới gốc cây Tất-bát-la, cho đến ngày thứ bốn mươi chín, lúc sao mai vừa mọc, thì Ngài hốt-nhiên đại -ngộ, thấy được chân lý của vũ trụ và nguồn gốc sinh tử của chúng -sinh. Ngài đã thành Phật với danh hiệu làPhật Thích-Ca-Mâu-Ni (Sakya Muni).
Sau khi thành đạo trong khoảng thời gian bốn mươi chín năm(Có chổ chép là bốn mươi lăm năm) đức Phật chu du khắp cả các lưu vực sông Hằng, đem đạo vô thượng của ngài giáo hóa chúng sinh, không phân biệt già trẻ, nam nữ, giàu nghèo, sang hèn, màu da, chủng tộc, trí thức hay ngu si.
Nhờ lòng từ bi không bờ mé, đức hy sinh rộng lớn vô biên, Ngài đã giảng nói pháp trên năm trăm hội, hóa-độ vô số quần-sinh, thoát vòng mê-mờ khổ não. Và do đó, đạo Phật được thành lập trên cõi đời.
e) Phật nhập Niết-bàn: Vào năm 554 năm Trước tây-lịch (tính đến năm 1964 tức là: 1964+554=2508 năm) Đức Phật bây giờ đã 80 tuổi. Nhận thấy chiếu nguyện của mình đã thực hiện, nhiệm vụ độ sinh của mình đã đầy đủ, một hôm, đức Phật cho hội đệ từ của Ngài lại, ban những lời di chúc cặn kẽ, rồi từ giã cõi đời một cách bình thản, giản dị móc ở giữa hai cây Sala ngoài châu thành Câu-thi-la (Kusinagar),
Như thế ấy, một cuộc đời vô cùng vĩ dại đã xuất hiện và biến ẩn như một luồng ánh sáng mầu nhiệm khi đã đánh dấu ba giai đoạn lớn một cách vô cùng giản dị và đầy ý nghĩa:
-Ra đời bên cạnh một gốc cây
-Thành đạo bên một gốc cây
-Và lìa đời ở giữa hai cành cây !
II. Lịch Sử Truyền Bá Phật Giáo Tại Ấn Độ
1.Bốn thời kỳ kiết tập kinh-điển.-Bốn tháng sau khi Đức Phật nhập niết-bàn, Ngài Ma Ha Ca Diếp (MaHa Kasyapa) thay Phật thống suất tăng-chúng đã triệu-tập một hội nghị gồm khoảng 500 đại đệ-tử của Phật, ở thành Vương-Xá (Rajagrika) để giảng tụng lại những giáo-lý mà Đức Phật đã dạy. Trong hội-nghị đầu tiên này, Ngài Ma Ha Ca Diếp được suy tôn ngồi ghế chủ-tọa; Ngài A-Nan, là Vị đệ-tử thường theo Phật nghe nhiều và nhớ lâu, được cử ra tụng lại những lời dạy của Phật; còn Ngài Ưu-Ba-Ly (Upali) là vị đệ-tử thông-suốt và nghiêm-trì giới luật nhất, được cử ra tụng giới-luật. Hội nghị này đã kết-thúc sau bảy tháng làm việc và 500 vị đại đệ-tử đều công nhận đó là những lời chân thật của Phật.
Đại-hội này được mệnh-danh là “Kỳ kết-tập thứ nhất “.
b). Kỳ kết-tập thứ hai. -Khoảng một trăm năm sau khi Phật nhập- diệt , vì có sự bất đồng về giới-điều, nên tăng chúng chia làm hai nhóm, họp riêng ở hai thành Vaisaly và Vàjji.
Nhóm tăng-sĩ họp ở thành Vesali do sự triệu tập của Ngài trưởng-lão Yasa thọ 165 tuổi, gồm có 12.000 Tăng-sĩ, nhưng trong số ấy chỉ có 700 vị lão-thành mới có quyền biểu- quyết . Hội-nghị này họp dưới quyền chủ-tọa của Ngài Revala và đồng-thanh biểu-quyết: “Không nên sữa đổi cho sai những điều luật của Phật đã truyền đạo mặc dù Đức-Thề-Tôn đã có di-huấn rằng nếu chư Tăng đồng ý cung 2 nhau là thấy điều-luật nào của Như-Lai đã chế-định là ít quan-trọng và không thể thụ-trì được nữa, thì được phép sữa chửa”.
Trong khi ấy thì nhóm Tăng-sĩ ở thành Vajji họp dưới quyền chủ-tọa của đại-đức Vajjiputra lại chấp-thuận. Trong kỳ kết-tập thứ hai này chỉ đặt trọng tâm trong việc giải-quyết về giới-luật mà thôi. Tuy thế, Tăng-đồ cũng chia thành hai phái rõ rệt. Phái do Ngài Yasa triệu-tập và giữ đúng giới-luật của Phật, thì gọi là phái nguyên thủy (Théravadins) hay thượng-tọa bộ.
Phái do Ngài Vajjiputra sữa đổi mười điều luật của Phật thì gọi là phái Tiến-thủ, hay là Đại-chúng bộ (Mahasanghikas).
Từ đấy, Phật Giáo chia ra hai phái rỏ rệt và là cội rể cho hai mươi tôn-phái sau này.
c). Kỳ kết-tập thứ ba: Hơn hai thế-kỷ sau ngày Phật nhập-diệt ( 274 năm trước tây lịch), Hoàng-Đế A-Dục lại triệu-tập 1000 vị Đái-trưởng-lão Uyên-thân đê kết-tập kinh điển tại thành Pataliputra ( tức là Bihar và Patra ngày nay ) duới quyền chủ tọa của Ngài Mục-Kiền-liên Tu-Đế(Mogaliputta Tissa). Sau chín tháng làm việc,hội nghị đã hòan- thành công -tác k61t-tập kinh-điển,ngòài ra lại còn chỉnh- đốn Tăng- giới, bài trừ những hạng Tu-sĩ phạm trai, phá giới, vô kỷ -luật.
d) Kỳ kết-tập thứ tư .-Vào khoảng 600 năm sau khi Phật nhập -diệt ,nghĩa là vào thế-kỷ thứ nhất Tây-Lịch,Vua Ca-Ni-Săc-Ca (Kaniska) một vị Đại-Đế Ấn Độ, có tâm hộ pháp chẳng thua gì Vua A-Dục, đã triệu tập 500 vị Bồ Tát, 500 vị Tỳ-kheo cùng 500 người tại-gia cư-sĩ, tại thành Ca-Thập-DiLa để kết-tập kinh-điển dưới quyền chủ-tọa của hai Ngài Hiếp-Tôn-Giả và Thế Hữu.
Kỳ kết-tập này gọi là kỳ kết-tập lần thứ tư.
Trong bốn kỳ kết-tấp này thì hai kỳ đầu chưa cần đến sự biên chép,nghĩa là chỉ đọc tụng lại, xem lời lẽ nào là của Phật đã nói ra, hay xét những ý nghĩa nào là đúng với chánh-pháp.
Đến thời kỳ thứ ba và thứ tư mới dùng đến văn-tự để biên chép thành sách -vở. Trong sự biên chép này, chư Tăng chia làm hai phái: Phái Nam thì ghi bằng văn Pali, còn phái Bắc thì ghi bằng văn phạn.
2.-Nam -phương và Bắc-phương Phật Giáo. -Như trên đã nói, vì kinh-điển được ghi chép bằng hai thứ văn: Pali và Phạn, nên những xứ nói tiếng Pali thì kinh-điển bằng Pali được truyền bá,còn những xứ dân chúng nói tiếng Phạn thì kinh-điển bằng Pali được truyền-bá, còn những xứ dân-chúng nói tiếng Phạn thì kinh-điển bằng Phạn-văn được truyền tụng. Nếu lấy Trung Ấn Độ là cứ-điểm, thì những xứ phía Nam Ấn Độ và lan ra đến những xứ Tích-lan, Miến-điện, Thái-lan, Ai-lao, Cao-mien …đều theo kinh điển Pali, nên cũng gọi là Nam-phương Phật Giáo.
Còn những xứ thuộc Trung Ấn Độ, Bắc Ấn Độ và lan ra đến Nêpal, Tây-tạng, Trung- hoa, Việt-nam, Cao-ly, Nhật-bổn…thì lại căn-cứ theo kinh điển chữ Phạn, và được gọi là Bắc-phương Phật Giáo.
Nam-phương hay Bắc-phương Phật Giáo đều thờ chung một đấng giáo-chủ là Đức Phật Thích-ca và đều tuân theo những yếu điểm mà Phật đã dạy. Tuy thế, tùy theo căn-cơ, tâm-lý và ảnh hưởng văn hóa cùng đời sống của dân chúng có khác nhau giữa Nam và Bắc-phương mà phương pháp tu hành và sự phát huy giáo lý có điểm dị và đồng. Bắc-phương phần nhiều đi về lối tung-hoành, phát-triển, phóng-túng không câu nệ về hình thức. Nam-phương thì lại có tánh-cách thủ-cựu, trung thành với Phật Giáo Nguyên-thủy, tôn-trọng hình-thức. Do đó mà có hai phái: Tiểu-thừa Phật Giáo ở Nam-phương và Đại-thừa Phật Giáo ở Bắc-phương.
3. Sự phát-triển của Đại-thừa và Tiểu-thừa. Ở đây vì chúng ta còn đang ở trong phần lịch sử truyền bá Phật Giáo, nên chưa vội đề-cập đến sự sai khác giữa giáo-lý Đại-thừa và Tiểu-thừa . Chúng ta hãy khu-biệt vấn-đề và nói đến sự phát-triển của hai phái ấy ở Ấn Độ như thế nào mà thôi.
Sự phát-triển của các bộ-phái Tiểu-thừa .- Như chúng ta đã biết, nguyên-nhân Tiểu-thừa chia ra làm hai bộ-phái, vì trong kỳ kết-tập lần thứ hai, về vấn-đề giới-luật có chổ bất-đồng, Tăng-chúng mới chia ra làm hai phái: Một phái gồm các vị Trưởng-lão gọi là Thượng-tọa-bộ; và một phái gồm phần nhiều các vị Tăng-sĩ trẻ tuổi, nhưng rất đông đảo, gọi là Đại-chúng-bộ.
Trong khoảng thời-gian 100 năm sau kỳ kết-tập lần thứ hai ấy, Đại-chúng-bộ lần lượt chia ra tám bô-phái như sau:
-Nhất-thuyết-bộ
Lần thứ nhất chia làm ba bộ -Thuyết-xuất-thế-bộ
-Kê-dẫn-bộ
Lần thứ hai chia ra một bộ nữa là -Đa-văn-bộ
Lần thứ ba chia ra một bộ nữa là -Thuyết-giả-bộ
-Chế-đa-bộ
Lần thứ ba chia ra một bộ nữa là Tây-sơ-bộ
Bộ nữa là: Bắc-sơn-bộ
Như thế là từ một bộ phái chính là Đại-chúng-bộ mà lần lượt chia làm tám chi bộ (cộng là 9 bộ). Trong lúc ấy thì bên Thượng-tọa-bộ ban đầu sống một cách yên-ổn trong núi Ca-Tháp-di-la, nhưng theo với thời-gian, cũng phân phái dần, và cuối cùng gồm những bộ như sau:
1. Thuyết-nhứt-thế-hữu bộ
2. Độc-tử bộ
3. Pháp-thượng bộ
Thượng-Tọa-Bộ 4. Hiền-vị bộ
5. Chánh-thượng bộ
6. Mật-lâm-sơn bộ
7. Hóa-địa bộ
8. Pháp-tạng bô
9. Âm-quang bô
10.Kinh-lượng bộ
Tóm lại, bên phía Thương-Tọa-bộ, từ căn-bản (Thương-Tọa-bộ) đến chi nhánh, gồm cả thảy 11 bộ.
Nếu tổng cộng cả Thương-Tọa-bộ lãnh Đại chúng bộ, thì Tiểu-thừa gồm cả thảy là 20 bộ.
b) Sự phát triển của phái Đại-thừa.
Mặc dù trong giáo-lý của Đức Phật có gồm cả ý nghĩa Tiểu-thừa lẫn Đại-thừa, nhưng trong bốn, năm thế-kỷ đầu của Phật-lịch, vì căn- cơ của Tăng-sĩ và tín đồ Ấn Độ thích hợp với Tiểu-thừa hơn, nên giáo-phái Tiểu-thừa được phát triển mạnh. Nhưng từ thế kỷ thứ nhất Tây-lịch, hay thứ sáu Phật-lịch, giáo -lý Đại-thừa bắt đầu phát-triển mạnh ở phía Bắc Ấn Độ và dần dần lan rộng ở Bắc-phương.
Công đầu tiên, nhờ đó Đại-thừa Phật Giáo được phát-triển mạnh là của Ngài Mã-Minh.
Ngài Mã-Minh, người ở Bắc Ấn Độ, sanh vào thế-kỷ thứ nhất Tây-lịch, lúc đầu theo ngoại-đọa, có tài biện-bác, sau vì biên-luận thua Ngài Hiếp-Tôn-Giả, nên mới quy-y theo Phật Giáo. Chính Ngài là tác-giả bộ luận Đại-thừa Khởi-tín, Đại-thừa Trang-nghiêm kinh luận, và nhờ sự hộ-pháp đắc-lực của Vua Ca-Ni-Sắc-Ca,Ngài đã phục-hưng và truyền-bá môt cách mạnh-mẽ giáo-lý Đại-thừa.
Một trăm năm sau, nối tiếp sự nghiệp của Ngài Mã-Minh, có Ngài Long-Thọ ở nước Tỳ-Dạt-La (Nam Ấn Độ) có Thiên-Tư rất tốt, lúc còn nhỏ đã thông-hiểu những kinh-giáo của Bà-La-Môn, Phệ-Đà…, tinh-thông cả Thiên-văn, địa-lý, y-học, số-học. Ban đầu Ngài tu theo Tiểu-thừa, sau Ngài nghiên-cứu giáo-lý Đại-thừa và làm ra những bộ luận Trung-quán, Thập-nhị-môn, Trí-độ…để phá-trừ tà-chấp, chỉ rỏ chánh-lý Đại-thừa, và đi chu-du các nước để hàng-phục ngoại-đạo. Đại-thừa nhờ đó ngày một thêm tỏ rạng.
Nối tiếp Ngài Long-Thọ có hai vị đệ-tử là Ngài Long-Trí và Đề-bà là những người có công lớn trong việc phát dương Đại-thừa.
Sau khi Phật nhập Niết-bàn hơn 900 năm, nghĩa là khoảng thế-kỷ thứ tư Tây-lịch, có hai anh em Ngài Vô-trước và Thế-thân, sanh ở Bắc Ấn Độ, trước theo Bà-la-môn giáo, sau quy-y theo Phật.
Ngài Vô-trước là anh, giác ngộ giáo-lý Đại-thừa trước, còn Ngài Thế-Thân ban đầu tu học giáo-lý Tiểu-thừa, sau nhờ anh là Ngài Vô-trước hướng-dẫn sang Đại-thừa. Từ đó hai anh em tích-cực phát-dương giáo-nghĩa Đại-thừa Duy-thức và làm ra các bộ: Hiển-Dương Thánh-giáo luận, Nhiếp-Đại-thừa luận…cả hai Ngài đều chủ trương về Duy-thức, biên rỏ cái lý: “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”. Do đó, học thuyết của hai Ngài gọi là Pháp-tướng Duy-thức-học, và hai Ngài được xem như là khai-tổ của Pháp-tướng Duy-thức-học.
Ảnh hưởng của hai Ngài nối tiếp lan rộng sang đến thế-kỷ thứ 10 Tây-lịch và làm cho Đại-thừa Phật Giáo ở Ấn Độ được phát-triển một cách rực-rỡ, và lu-mờ giáo-lý Tiểu-thừa .
4- Sự suy-tàn của Phật Giáo tại Ấn Độ -Vào khoảng 2000 năn sau khi Phật nhập -diệt, đạo Phật ở Ấn Độ lu -mờ dân và hầu như không còn vang bóng gì nữa. Nguyên-nhân của sự suy-tàn ấy có thể quy vào ba lý-do sau đây:
a.-Đạo Bà-La-Môn, trước thời kì Đức Phật xuất hiện là một Tôn-giáo độc-tôn ở Ấn Độ. Nhưng từ khi đạo Phật ra đời và càng ngày càng được phát-triển mạnh vì tinh-thần từ-bi bình-đẳng và ánh-sáng rực-rỡ của trí-huệ Đạo Bà-La-Môn mất dần thân-thế và lui mãi vào trong bóng tối. Nhưng những vị lãnh đạo tôn-giáo ấy không ngã lòng, một mặt họ lo tu-chỉnh giáo-lý của họ, một mặt họ thanh-lọc hàng ngũ và dựa vào thế-lực của chính-quyền, dần dần họ chiếm lại địa-vị cũ và hết sức bài-xích Phật Giáo.
b. Hồi -giáo là một tôn-giáo nguyên ở Thổ -Nhĩ -Kì (Turquie) khi đã xâm nhập Ấn Độ bằng quân-sự, đã dùng những thủ-đoạn khốc-liệt để hủy diệt chánh-pháp, tàn hại Phật Giáo bằng cách đập tháp, phá chùa, đốt kinh-điển, giết hại Phật-tử. Do đó, đạo Phật hầu như không còn chổ đứng ở Ấn Độ nữa.
c.-Lý do thứ ba là lý do nội-lai. Nếu chỉ vì hai lý do ngoại-lai nói trên, thì đạo Phật ở Ấn Độ không dễ gì bị tiêu-diệt một cách nhanh chóng như thế. Sự suy-sụp Phật Giáo ở Ấn Độ còn là sự suy-đồi của Tăng-giới, Phật-tử thiếu tu thiếu học, thiếu tinh-thần tiến-thủ của giới lãnh-đạo Phật Giáo Ấn Độ lúc bấy giờ nữa
Nếu sự phá-phách ở bên ngoài không có sự gián-tiếp tiếp tay phá -hoại ở bên trong, thì Phật Giáo ở Ấn Độ không diễn ra cái cảnh suy-tàn hoang-vắng như chúng ta đã thấy trong năm thế-kỷ trước đây.
C. Kết Luận
Đức Phật đã dạy: có sanh thì có diệt, có thành thì có hoại. Vậy sau mười lăm thế-kỷ hưng-thịnh, Phật Giáo ở Ấn Độ dần dần suy-đồi cũng là một sự thường. Luật Vô-thường chi phối tất cả những sự việc của đời này.
Và cũng do cái luật biến-dịch, chổ này khuyết thì chổ kia bồi, làn sóng lặn ở chổ này để hưng ở chổ khác. Đạo Phật đã chuyển đi từ trung-tâm điểm là a đã chuyển đi từ trung-tâm điểm là Ấn Độ để lan ra, hưng thịnh ở nước khác trước tiên là chung quanh Ấn Độ, rồi sang Trung Hoa và dần dần lan ra khắp thế-giới.
HT. Thiện Hoa