.
.

Thích Chân Quang giảng đề tài ”Đẳng cấp của chúng sinh” tại chùa Tương Mai


Vừa qua, tối ngày 20/06/2018, TT Thích Chân Quang – Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang đã thuyết giảng đề tài ĐẲNG CẤP CỦA CHÚNG SINH tại chùa Tương Mai (Trương Định, Hà Nội), với sự tham dự của hơn 4000 phật tử gần xa.

Bài Pháp thoại cho thấy đặc điểm, sự phân tầng đẳng cấp của chúng sinh. Đồng thời, chỉ ra tâm tôn trọng người khác chính là yếu tố quyết định đến sự cao thấp của đẳng cấp. Từ đó, mọi người ra sức tu tập, sớm thành tựu được hạnh Bồ tát là yêu thương, tôn trọng vạn loài, nâng đẳng cấp mình lên như một bậc Thánh.

Mở đầu bài Pháp, Thượng tọa trích dẫn hai câu thơ trong truyện Kiều:

Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao.

Người khẳng định, đây là hai câu thơ tinh tế trong nhân quả, đúc kết toàn bộ cái bí mật của truyện Kiều. Từ những gì tác giả viết, ta thấy Thúy Kiều là một người tài sắc vẹn toàn, lại rất đạo đức, lẽ ra nàng phải được hưởng những điều tốt đẹp, xứng đáng với giá trị con người. Vậy mà, nàng lại rơi vào chốn lầu xanh, nơi bị cho là nhơ nhớp, đáng thương.

Do vậy, cái Nguyễn Du gửi gắm ở đây là số phận chúng ta không do chúng ta quyết định, nó bị một yếu tố bí mật khác chi phối, cái mà chúng ta hay gọi là “trời”. Cho nên, tác giả viết “Ngẫm hay muôn sự tại trời”.

Xét chữ “trời” đó có phải “ông trời”không? Tất nhiên là không, bởi khái niệm “trời” trong Việt Nam rất mênh mông, giản dị, trừu tượng mà cao siêu, nó khác hoàn toàn với chữ “trời” của tôn giáo. Tuy nhiên, chữ “trời” trong nhân gian và chữ “trời” trong Phật giáo lại có một mối liên hệ rất tinh túy.

Trước hết, thông qua thông điệp hai câu thơ của Nguyễn Du, ta xem mình là người bị cho là bắt phong trần hay thanh cao. Tức là, ta hiểu được thân phận mình. Bình thường, mọi điều không hay, không biết trong cuộc sống ta đều đổ thừa cho ông trời để yên tâm rằng mọi việc xung quanh đều có câu trả lời. Cho nên, chữ trời mơ hồ nhưng lại thỏa mãn được tâm lí tò mò, đồng thời ru ngủ sự kiêu căng của con người.

Nghĩa là, con người cho rằng mình biết mọi thứ. Cái gì không phải con người làm ra, gây ra thì đều là do ông trời. Mà ngày xưa, người nào phải thông minh lắm mới nghĩ ra được từ ông trời. Còn ngày nay, ta đổ việc này, việc kia tại ông trời có khi bị người khác cười cho vì họ nghĩ ta mê tín, không hiểu biết khoa học.

Thật vậy. Cái thời mà cách đây 10 hay 20 nghìn năm, ai nghĩ được có một ông trời chịu trách nhiệm hết cho mọi điều trong cuộc sống thì hẳn phải là người rất thông minh. Và từ một ông trời mơ hồ đó, qua nhiều giai đoạn, thời kì khác nhau, đến khi tôn giáo hình thành thì ông trời bắt đầu có hình dáng cụ thể, giống con người nhưng cũng đẹp hơn, uy nghi, to lớn hơn con người.

Ngày nay, ông trời đó đi theo nhiều hướng khác nhau. Mỗi đất nước lại đưa ra một khái niệm ông trời riêng theo văn hóa, phong tục, suy nghĩ của họ. Cuối cùng, họ đẩy mạnh khái niệm ông trời lên tột đỉnh thành tôn giáo – một khái niệm hết sức cứng rắn và cực đoan. Riêng ông trời của Việt Nam lại hết sức hiền lành, đúng bản chất của người Việt Nam luôn và cũng chỉ chúng ta là không đẩy ông trời thành tôn giáo. Vì ông hiền lành nên thay vì sợ, chúng ta rất thương ông, lúc nào cũng cho rằng ông là người sắp đặt mọi thân phận của con người.

Vậy nhưng, ngay câu thơ tiếp theo, Nguyễn Du có viết “thiện căn ở tại lòng ta”. Mới đầu, nhà thơ cũng theo quan điểm của mọi người nhưng dẫn dắt qua một vài câu thơ, ông lại kết luận mọi việc do chính nơi con người hết. Cuối cùng, từ ông trời lại đưa về nhân quả của đạo Phật một cách nhẹ nhàng, khéo léo. Từ đây, con người chịu trách nhiệm chính cho số phận của mình chứ không phải ông trời nữa. Ông trời chỉ là người thực thi công lí thôi. Ông cho người tốt làm người thanh cao, bắt người có lỗi làm người phong trần. Còn trách nhiệm hay cái khởi điểm ban đầu vẫn là nơi tâm ta.

Cái thiện căn, cái trách nhiệm ban đầu không phải chỉ ở kiếp này mà nó đã được hình thành sâu xa từ rất nhiều kiếp trước. Giờ xuất hiện tại cuộc đời này, trong sự thưởng phạt của ông trời, chúng ta bỗng khởi lên hai niềm mơ ước. Người tầm thường, không biết suy nghĩ xâu xa thì mơ ước được sống hạnh phúc. Đây là cái quyền hết sức tự nhiên, không vi phạm pháp luật hay hiến pháp nên không bị phê phán mà còn được ủng hộ. Tuy nhiên, nó rất tầm thường.

Cái mơ ước thứ hai dành cho những người biết suy nghĩ. Họ mong mình trở thành người tốt, có đạo đức. Từ đó, họ ra sức tu dưỡng, phấn đấu, sửa đổi, đi tìm cái gốc là bản thân mình trước. Họ biết rằng theo nhân quả, hạnh phúc không tự dưng đến, cũng không phải giỏi xoay sở mà có được. Nó bị một cái bí mật đằng sau chi phối, đó là thiện căn nơi lòng người. Ai hiểu đạo, biết suy nghĩ mới nhận thấy đạo đức là gốc rễ của hạnh phúc. Từ đó, họ đi tìm thiện căn nơi chính mình trước, chứ không khờ dại từ bỏ gốc rễ đạo đức để chạy theo cái ngọn hạnh phúc.

Vậy nhưng, đa số chúng sinh đang chạy theo cái mơ ước tầm thường, lo mưu cầu hạnh phúc cá nhân, rất ít người biết mơ ước thành người đạo đức. Vì mong muốn mọi người biết mơ ước trở thành người tốt mà chúng ta đang cố gắng tổ chức nhiều buổi nói chuyện, tu tập, tọa đàm, v.v… Khi nào ta biết mơ ước mình trở thành người tốt thì ta biết mình là người có trí tuệ. Đến lúc tâm tốt rồi, mọi điều khác sẽ mở ra. Còn khi tâm chưa tốt thì cái gì cũng gượng gạo, tạm bợ, không bền vững.

Tuy nhiên, không phải ta cứ muốn thành người tốt là thành người tốt liền, muốn tâm thay đổi là tâm thay đổi ngay. Kể cả khi ta thích nghe Pháp, dâng được niềm kính ngưỡng với Phật thì ta cũng chưa bao giờ là tốt. Vậy nên, ta hiểu điều tốt, muốn trở thành người tốt chỉ là một chuyện thôi. Ngoài bản thân ta, còn rất nhiều yếu tố khác nữa chi phối. Do vậy, không nói đến những điều cao sang, chỉ mơ ước thành người tốt thôi đã khó vô cùng rồi.

Hiện tại, rất nhiều phật tử thường xuyên đến chùa nghe Pháp, tụng kinh, ngồi thiền. Hễ tu là thích, nghe kinh là hiểu rồi lầm tưởng rằng mình tốt. Thực ra không phải vậy. Khi đụng phải chuyện gì đó thì bản chất xấu trở lại ngay. Cho nên, dù tích cực tu tập, nghe Pháp nhưng ta đây vẫn chỉ là phong trần, chưa phải thanh cao.

Hay theo nguyên tắc, tất cả chúng sinh đều bình đẳng trước pháp luật nhưng thực tế, chúng ta vẫn có sự sai biệt. Ví dụ, chúng ta từ bỏ tất cả sự khác biệt để về chùa nghe Pháp thì ai cũng giống ai. Nhưng khi rời khỏi chùa về nhà thì cái khác biệt liền xuất hiện. Sự sai khác đó chính là gia đình, truyền thống, địa vị, nghề nghiệp,… Tức là xã hội loài người bị phân biệt bởi nhiều đẳng cấp vô hình.

Cái vô hình không thấy nhưng ta có thể cảm nhận được. Giống việc có người ta gặp thì kính nể, có người ta gặp thì dửng dưng. Dù chúng ta có quyền và trách nhiệm ngang nhau trước luật pháp nhưng cái tâm lí đó vẫn luôn hình thành khi đứng trước một chúng sinh nào đó. Nên người có phước lớn, đứng ở đẳng cấp cao rồi thì tự cái giá trị nó hiện ra, không cần phải gượng gạo, tô điểm, đóng kịch.

Ngược lại, những người ít phước thì dù có trang điểm, đóng kịch thì cũng chỉ tạm bợ, có khi còn tệ hơn lúc trước.      Phần phước của ta có vậy thì dù có cố gắng chỉnh sửa, chau chuốt thì cũng không thay đổi được. Không ai đóng kịch được cái đẳng cấp con người trong cuộc sống này. Dù là ở đâu, vị trí nào cũng vậy.

Giờ ta mơ ước đất nước vươn lên, phát triển mạnh mẽ thì người dân cũng phải hiện ra phong cách văn minh, quý phái. Nên việc mỗi người cố gắng nâng cái phước của mình lên là điều hết sức cần thiết. Những cái phước cá nhân đó sẽ gom lại thành cái phước chung của đất nước, đưa đất nước phát triển bền vững.

Ta không thể nào nói một đất văn minh khi còn những người cãi lộn, chửi bới, ném rác bừa bãi,… Đây là hành động tầm thường, bỗ bã của hạng người bắt phong trần. Nếu đã là người thanh cao thì dù có tức giận đến mấy thì họ cũng kiềm chế, cư xử đúng mực, lựa lời ăn tiếng nói để khuyên nhủ, giảng giải. Chỉ khi nào tất cả người dân đều cư xử đúng mực vậy thì đất nước đó mới được gọi là văn minh.

Thượng tọa khẳng định, người bắt phòng trần thì dù một hành động nhỏ nhất cũng thể hiện sự hạ cấp, vô văn hóa. Biểu hiện cụ thể của nó bao gồm 4 điều. Đầu tiên, người bắt phong trần là người ở bẩn. Thứ hai là ăn nói bỗ bã. Thứ ba là kiến thức hạn hẹp. Thứ tư là cảnh quan xung quanh người đó cũng bẩn thỉu. Vậy nên, dù họ có đóng kịch, chải chuốt cũng vẫn không sạch đẹp; muốn dung nạp kiến thức rộng lớn của thế giới cũng không được. Giờ nhìn vào bản thân, nếu ta có yếu tố nào trong bốn yếu tố đó thì biết mình thuộc đẳng cấp thấp.

Ngược lại, người thuộc đẳng cấp thanh cao rất sạch sẽ, trong tâm không bao giờ chấp nhận mùi hôi hám hay sự bẩn thỉu. Ngày xưa, các bậc Thánh cũng xác định điều này. Việc các vị Bồ tát ăn ở sạch sẽ được ghi lại trong quyển kinh Bồ Đề Tâm Văn. Càng tu, chúng ta càng thấy rõ điều này là đúng.

Đức Phật đã nói, mùi hôi của con người bốc xa 10 do tuần. Đây là một trong những lí do mà Chư Thiên ít xuống với chúng sinh. Vậy nên, cái mùi là yếu tố đầu tiên thể hiện sự đẳng cấp, quý phái của một con người.

Tiếp đến, người ở đẳng cấp thấp nhìn rác không thấy chướng mắt. Rất nhiều người trong số chúng ta bị trạng thái này. Nghĩa là, hầu hết chúng ta thuộc đẳng cấp thấp. Còn người đẳng cấp cao, thấy rác họ rất phiền. Giờ rác ở đường thì lỗi của ai? Lỗi của tất cả chúng ta. Chính những điều này khiến ta mãi bị giam trong cái đẳng cấp thấp của cuộc đời.

Hiện tại, rất nhiều người thắc mắc không biết tại sao mình vệ sinh, tắm giặt sạch sẽ, học thức sâu rộng mà cơ thể vẫn bốc mùi. Nguyên nhân bởi nhiều kiếp trước chúng ta hay xả rác, làm ô nhiễm môi trường hay làm hôi hám những nơi thời thần Thánh. Nhân quả rất khó giải thích nhưng lại rất công bằng. Hiểu nó rồi, ta đừng làm việc gì gây ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh.

Hay người hạ cấp là người có kiến thức hạn hẹp, tự nhiên không thích dung nạp thông tin, chỉ thích sống theo bản năng. Khác với người đẳng cấp cao, tâm lúc nào cũng khao khát kiến thức. Và cao hơn kiến thức là đạo lí, triết lí. Phải người đẳng cấp rất cao mới thich thu thập đạo lí. Tức là ta vẫn thuộc người đẳng cấp nhưng thuộc đẳng cấp cao hơn. Giờ chỉ cần xem ta quan tâm, hứng thú với điều gì, sẽ biết ta thuộc hạng người nào.

Tuy nhiên, cũng có người không thích thu thập kiến thức nhưng lại thích thu thập đạo lí. Không thích thu thập kiến thức chứng tỏ người đó thuộc đẳng cấp thấp. Họ thích thu thập đạo lí bởi họ có một cái thiện căn gì đó. Nhờ thích thu thập đạo lí nên cuối đời hay kiếp sau, tự dưng họ thích thu thập kiến thức, biết chuyện này chuyện kia của xã hội.

Ngày nay, cái gì cũng cần thiết cả. Biết thêm một điều thì tốt một điều. Vì muốn đưa con lên đẳng cấp cao của xã hội mà ta bắt ép chúng học nhiều thứ. Cũng bởi cái đẳng cấp cao cũng là giá trị của con người, cũng là phẩm chất đạo đức. Nếu chỉ mơ ước hạnh phúc thôi thì quá tầm thường. Ta phải mơ ước thành người đẳng cấp cao để đóng góp vào nền văn minh của cả đất nước.

Thực sự, đất nước mà quá nhiều người hạ cấp, ăn nói bừa bãi, kiến thức hẹp hòi, môi trường dơ bẩn thì không thể văn minh, phát triển được. Nếu mỗi chúng ta đều là người đẳng cấp cao, ăn nói đàng hoàng, môi trường sạch đẹp thì đó sẽ là tiền đề để đưa đất nước trở nên văn minh.

Yếu tố quyết định ta thuộc đẳng cấp nào chính là cái phước. Phước nhiều ta thuộc đẳng cấp cao, hết phước ta rơi vào đẳng cấp thấp. Vậy nên, Nguyễn Du mới nói:

Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao.

Suy cho cùng, cái chi phối đẳng cấp của ta chính là cái nghiệp. Ai biết tích cực làm phước thì đẳng cấp lên cao. Ai phạm lỗi thì đẳng cấp bị tụt xuống. Người không biết phấn đấu, chỉ biết chấp nhận số phận thì mãi mãi chỉ đứng phía dưới mà thôi.

Nhân đây, Thượng tọa chỉ rằng, có hai nơi mà con người đành chấp nhận, nói gì họ cũng thuộc đẳng cấp thấp là nhà tù và viện tâm thần. Nhưng ở đâu khiến người ta rơi vào cảnh tù tội, ở đâu khiến người bình thường hóa điên?

Người khẳng định, một người mới sinh ra không xấu. Chính những suy nghĩ, hành động, lời nói hằng ngày mới khiến họ trở nên xấu. Như cái nhân khiến một người bình thường bỗng hóa điên chính là những tác ý xấu thầm kín trong đầu. Tuy chỉ là suy nghĩ không ai thấy nhưng khi nó chín muồi, nếu không kịp sám hối, làm phước, chắc chắn ta sẽ hóa điên.

Hay đâu là cái nhân khiến nhiều người dám cầm dao đâm người khác? Với người biết đạo, giết hại một con gà đã là điều không thể, chứ đừng nói đến việc giết hại người khác. Nhưng tại sao bao nhiêu vụ án cướp, giết, hiếp vẫn xảy ra hàng ngày? Tất cả là do cái tâm hết. Nếu tâm ta không khởi lên những suy nghĩ bậy bạ, ác độc đó thì sẽ không có những hành động xấu xa đó.

Mỗi tình huống trong cuộc sống đều là một cơ hội cho ta thấy rõ bản chất, đẳng cấp của mình. Chỉ cần thấy thái độ, cách ứng xử của ta trong mỗi tình huống đó, là biết ta thuộc đẳng cấp cao hay thấp. Đơn giản vì cái bí mật, cái thiện căn nằm trong lòng ta, cái mà ta hay gọi là phước. Nói phước ở đâu ra thì rất mênh mông. Nhưng hôm nay, ta chỉ đề cập đến một điều là sự tôn trọng.

Người lí giải, ai biết tôn trọng người khác thì sẽ từ từ trở thành đẳng cấp cao. Ta không phân biệt đó là nam hay nữ; trẻ hay già, địa vị cao hay thấp,.. Ta chỉ nghĩ rằng đã là con người thì mình cần phải tôn trọng. Kể cả khi họ nghèo hèn, xấu xí, nhỏ tuổi thì mình cũng không được xua đuổi, ghét bỏ. Trừ những người có ý đồ xấu mà thôi.

Đặc biệt, người chúng ta cần tôn trọng tuyệt đối chính là Đức Phật. Dưới Đức Phật là biết bao vị Bồ tát, A La Hán. Rồi thầy cô, cha mẹ, hàng xóm,… Dù là ai thì ta cũng tôn trọng hết. Nó sẽ thành cái phước trong tâm ta, hay còn gọi là thiện căn. Dần dần, ta thành tựu được những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Trong xã hội có rất nhiều đẳng cấp, và đẳng cấp của mỗi con người hiện ra ở nhiều khía cạnh như: gương mặt, lời nói, sở thích,.. Và cái bí ẩn đằng sau đẳng cấp là phước. Phước mênh mông nhưng phước để tạo nên đẳng cấp chính là tâm tôn trọng chúng sinh. Hiểu điều này, ta có bí quyết nuôi dạy trẻ, tu dưỡng nơi chính mình. Đó là dạy trẻ biết tôn trọng người khác.

Tức là, nhà nào muốn con mình sau này thành công, thuộc đẳng cấp cao quý thì dạy con biết tôn trọng người khác ngay từ nhỏ. Không chỉ các con, bản thân chúng ta cũng có được chìa khóa của phước nghiệp, bắt đầu kiểm soát được bản thân.

Con người, vốn dĩ có ba cái tâm: khinh người; không khinh không ghét; và tôn trọng người khác. Từ hôm nay, ta bắt đầu đem ba cái tâm ra xem xét, sử dụng. Nếu thấy tâm khinh người khởi lên thì phải lo diệt trừ sớm rồi sám hối. Thấy tâm không khinh, không ghét nổi lên thì phải lo lấp đầy nó bằng cái tâm tôn trọng người khác. Ta tu đến khi nào mà ai ta cũng tôn trọng được, thấy cái gì cũng đáng yêu, đáng kính thì biết mình đã đắc đạo, thành tựu được công đức rồi.

Người nhắc nhở, chúng ta đừng khờ dại mà đi chê bai, chống đối người khác bởi nó chỉ làm ta tổn phước, đẳng cấp theo đó mà tuột dần thôi. Hơn nữa, cuộc đời này, ta không thể đánh giá con người qua vẻ bề ngoài, cũng không biết ai là phàm, ai là Thánh. Cho nên, khôn ngoan thì cứ tôn trọng tất cả mọi người. Vậy mới không lo mắc nghiệp.

Sau hôm nay, ta lo sắp xếp, dọn dẹp, tu dưỡng lại tâm hồn mình, làm sao để ngày nào đó, nó chỉ còn sự yêu kính, tôn trọng chúng sinh muôn loài thì thôi.

Trước khi kết bài Pháp thoại, Thượng tọa gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến tất cả các phật tử, làm sao để khỏe đẹp thành công, thăng tiến và nhất là thành tựu được cái hạnh của Bồ tát là yêu thương, tôn trọng tất cả chúng sinh.

Chỉ bằng hai câu thơ nhưng được Thượng tọa phân tích, đúc kết thành những chân lí rất sâu sắc, phù hợp với tất cả chúng sinh, kể cả những người không theo đạo Phật. Vậy mới thấy, đạo Phật có mặt ở khắp nơi, không chỉ trong cuộc sống, trong khoa học mà còn trong cả nghệ thuật. Dù đã xuất hiện rất lâu nhưng những tư tưởng, đạo lí của đạo Phật vẫn phù hợp, thậm chí là đi trước cả thời đại.

Ngoài ra, bài Pháp thoại cũng đề cập đến một loại cảnh giới, một loại mỹ đức là lòng tôn trọng. Chúng ta đừng quên, nhu cầu cảm xúc cao nhất của con người là cảm giác được tôn trọng. Một người biết tôn trọng người khác thì mới truyền được lửa chia sẻ đạo lý với người khác. Đây chính là biểu hiện của con người văn minh, của người tri thức. Và thế giới cần những con người văn minh, tri thức vậy mới phát triển bền vững, lâu dài được./.

Bài, ảnh: Tâm Trụ