Tại Thiền Tôn Phật Quang (Ấp Chu Hải – xã Tân Hải – huyện Tân Thành – BRVT), bắt đầu từ đêm giao thừa cho đến ngày mồng 6 tết, đều có rất đông khách thập phương tìm đến du xuân. Lượng người viếng chùa lễ Phật đầu năm mỗi ngày dao động từ 4000 – 10.000 người, trong đó rất nhiều người lựa chọn ở lại chùa ăn tết.
Theo truyền thống, vào những ngày đầu năm người Việt thường đi viếng chùa, dâng lên những nguyện ước để xin may mắn, an lành cho năm mới.
Có những người ở xa tìm đến, có những gia đình cùng nhau khăn gói lên chùa, có những em thanh niên tạm biệt phố thị huyên náo mà về đây… Nơi ngôi chùa đơn sơ nằm giữa núi rừng này có điều gì đó đặc biệt làm ai nấy đều lưu luyến tìm về.
Có lẽ vì khi đến chùa, ai nấy đều được bao bọc trong bầu không khí núi rừng trong trẻo. Đến nơi đây, giữa sắc xuân rộn ràng tươi thắm, mọi người được tiếp đãi ân cần, được hướng dẫn tu tập tâm linh. Đặc biệt là được lắng nghe những bài pháp thoại từ Thượng tọa trụ trì. Thiền Tôn Phật Quang tuy hòa vui với đất trời vạn vật trong những ngày đầu xuân, nhưng vẫn chú trọng khía cạnh sinh hoạt đạo lý, xem như món quà xuân mang pháp lạc đến cho mọi người.
Bắt đầu từ đêm giao thừa – thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, chùa đã đón tiếp hàng nghìn lượt phật tử về thăm. Dịp này, Thượng tọa Trụ trì đã thuyết giảng bài Pháp thoại có chủ đề “YÊN TÂM VỀ MÌNH”.
Mở đầu, Thượng tọa chia sẻ niềm vui khi Thánh tượng đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đã hoàn thành sau hai năm miệt mài thi công. Không gì có thể sánh được với niềm hạnh phúc khi tôn tượng mang vẻ đẹp Thần Thánh được hoàn thành, mang lại sự xúc động kính ngưỡng cho mọi người. Cũng bởi tất cả mọi đường nét của sắc thân Phật được các nghệ nhân điêu khắc trên đá y như thật, đến nổi ai chiêm ngưỡng cũng có cảm giác như Đức Phật đang thực sự hiện diện nơi này. Theo Thượng tọa, đó là kết tinh của công sức, tâm huyết, lời cầu nguyện của bao người, không thể nào đong đếm hết được. Và khi hoàn thành một bức tượng đẹp đẽ uy nghi rồi, Thượng tọa mới được một điều là ‘yên tâm’. Vì thế, Người đã chọn chủ đề bài Pháp thoại là “YÊN TÂM VỀ MÌNH” như sự cúng dường lên chư Phật.
Chia sẻ thêm về chủ đề bài giảng, Thượng tọa cho biết “YÊN TÂM VỀ MÌNH” cũng là lời thoại của nhân vật trong một bộ phim, kể về một chiến sĩ tình báo đã hi sinh cuộc đời mình cho đất nước, không màng danh lợi, không cần được đền đáp xứng đáng. Theo nhân vật, sống một đời hi sinh như vậy là chỉ để được “yên tâm về mình”. Câu nói thoáng qua này rất ít người để ý đến, nhưng làm Thượng tọa hết sức xúc động.
Theo Thượng tọa, người viết kịch bản hẳn là người rất yêu nước, có đạo đức, có lý tưởng mới viết ra được một lời thoại sâu sắc đến như vậy, gói được cả một đạo lý lớn lao.
Thường ai sống trên đời cũng có ước muốn được thành công, hạnh phúc, vinh quang. Và đa phần để đạt được ước mơ, người ta phải nỗ lực rất nhiều, bằng hai con đường: một là con đường chân chính, đúng với pháp luật, đạo đức, đạo lý; hai là con đường mưu mô, thủ đoạn. Cả hai con đường đều có thể đưa đến thành công nếu ta có đủ phước.
Đương nhiên nếu đi đến thành công bằng thủ đoạn hiểm độc thì chỉ còn tội lỗi, ác nghiệp và quả báo chờ ở phía sau. Do đó, người ngu si, không đạo đức, không trí tuệ, chẳng màng nhân quả thì mới tìm thành công bằng con đường này, dù có thể đến đích rất nhanh nhưng hậu quả thì khủng khiếp, phải trả quả báo trong bao nhiêu trăm, nghìn năm.
Còn người có trí tuệ, đạo đức, tin nhân quả thì đi tìm thành công bằng cách giúp người khác thành công trước. Sau này nhân quả xoay chuyển, đẩy đưa khiến chính họ buộc phải thành công, nhưng thành công đó là kết tinh của thiện nghiệp, cho nên tâm họ an vui, không bất an trăn trở. Hơn nữa cái tâm muốnngười khác được thành tựu điều tốt đẹp – đó là liều thuốc giúp diệt trừ sự đố kị trong lòng ta.
Tóm lại, ai cũng mơ ước được thành công. Người xấu thì tìm thành công bằng ‘thủ đoạn’. Người tốt thì tìm thành công bằng sự ‘lao động chân chính’. Người tốt hơn nữa thì đi tìm thành công bằng cách ‘giúp người khác thành công trước’. Và cả ba hạng người này đều giống nhau ở một điểm, là ‘muốn’ được thành công.
Theo Thượng tọa, thế gian xuất hiện một hạng người kì lạ hơn, đó là hạng người thứ tư – làm điều thiện, giúp người khác thành công, tử tế với mọi người trong cuộc sống mà trong thẳm sâu tâm hồn không hề cần điều gì cho chính mình. Họ sống tử tế trách nhiệm chỉ bởi vì đó là điều đúng. Thấy điều đúng đắn thì làm, có chết cũng làm. Gặp điều sai quấy thì khước từ, dù bị mua chuộc cách nào cũng không lung lay. Họ không cần phần thưởng từ con người, sự ban ơn từ thần linh, hay quả báo do luật nhân quả mang lại.
Và chúng ta không hiểu họ, cho rằng đó là người lập dị, ngu ngơ, khù khờ, để kẻ khác lợi dụng, vì họ sống rất tử tế mà không có động cơ, mục đích gì. Nếu ta hỏi họ: “Anh sống vậy để được cái gì?” (Thượng tọa nhấn mạnh rằng người vừa dùng chữ “được” trở lại, bởi từ đầu Người đã nói rằng ai cũng đều mơ ước mình sẽ được cái gì đó).
Nếu trả lời “Không cần được gì” thì quá khác người, nên họ đành phải trả lời là để được một cái, đó là được “yên tâm về mình”.
Cả thế giới ai cũng khát khao sự ban thưởng của thần thánh, sự đền trả của quả báo, cho nên thế giới không hiểu họ, không hiểu tại sao họ chẳng cần gì cho mình, cũng chẳng hiểu tại sao họ nói: nếu cần thì chỉ cần được “yên tâm về mình”.
Sự yên tâm đó vĩ đại, sâu xa, thấm thía vô cùng, và chính là hạnh phúc. Không phải giàu sang, kiêu kì, vinh quang, thật sự hạnh phúc chỉ là hai chữ “yên tâm” mà thôi. Vì sao yên tâm? Vì đã không làm điều sai lầm tội lỗi, vì đã sống một đời hết sức tử tế, trách nhiệm.
Chỉ những người cực kì cao thượng mới hiểu được: sống tròn trách nhiệm, sống rất tử tế, làm vô số điều thiện chỉ để được một điều là yên tâm về mình. Cái tâm, cái đạo đức này ngang tầm với một bậc Thánh, người này khi bỏ thân chắc chắn sẽ đi về cõi trời. Thượng tọa nhấn mạnh: “Sự cao thượng của một người tỷ lệ nghịch với ước muốn cá nhân của họ”, càng ít ước muốn cho cá nhân thì càng cao thượng.
Nhân đây Thượng tọa nhắc nhở mọi người nhìn lại trong tâm hồn mình, ngẫm xem mình còn bao nhiêu ước muốn cho cá nhân? Nếu những ước muốn vị kỷ vẫn tồn tại rất nhiều thì đó thật sự là một nguy cơ lớn, bởi ngày nào đó sẽ có những kẻ tìm đến kích động cho các ước muốn đó trỗi dậy, rồi móc nối, lôi kéo ta đi theo họ, và chúng ta dần dần trở thành con người biến chất, xấu ác.
Như có những người xuất gia đã phản bội cả Thầy tổ mình, sẵn sàng trở thành kẻ bất trung, bất nghĩa vì đã có người tìm đến hứa hẹn cho họ những chức vụ, danh lợi mà họ âm thầm mơ ước. Những tham vọng thầm kín bấy lâu nằm đợi sẵn, khi có kẻ tìm đến kích động liền trỗi dậy, khiến họ không thoát khỏi lưới ma. Cho nên, ta hãy hết sức cẩn thận với những ước muốn vị kỉ thầm kín trong tâm mình.
Vậy thế nào là một bậc Thánh giải thoát? Bậc Thánh giải thoát là một bậc đã xóa được ước muốn cuối cùng cho cá nhân. Một người tu cho đến khi Thánh tính cao dần, công phu tiến bộ dần thì ước muốn vị kỉ cũng mất dần, nhưng vẫn còn sót lại ít nhiều. Cho đến ngày mà chút ước muốn cuối cùng đó cũng biến mất, người này được gọi là một bậc Thánh giải thoát vĩ đại.
Thượng tọa đặt câu hỏi: sống không còn ước muốn là thế nào, có phải như cây đá chăng? Thật ra khi diệt mất chút ước muốn vị kỉ cuối cùng thì cũng là lúc mở ra một điều kì diệu: mở ra tình thương vô tận với chúng sinh, và mở ra một ước muốn cực kì mênh mông, bao la, vô biên cho tất cả chúng sinh.
Cho nên với những vị A-la-hán, hay như Đức Phật đã nhập trong niết bàn thì ước muốn của các vị, tình yêu thương của các vị với chúng sinh vẫn phủ trùm vô biên vô tận, sự cảm ứng là vô biên vô tận. Và một khi chúng ta đã là con của Phật, đã quỳ trước Phật xin quy y, đã biết lễ Phật với lòng tôn kính thì ta không bao giờ cô đơn.
Nhiều người thắc mắc tại sao theo Phật tu hành rồi nhưng vẫn gặp những chuyện xui rủi? Sẽ có ngày họ hiểu rằng những cái xui đó là bài học lớn của họ. Cho nên, hãy yêu thương cái xui đó, hãy ôm cái bất hạnh đó mà sống, sau này ta sẽ nghiệm ra đó là tình yêu thương của Phật, một ân huệ của Phật giúp cho ta ngộ ra bài học lớn trong đời mình, từ những điều trái ý nghịch lòng, từ nghịch cảnh đắng cay. Hãy yên lòng rằng tình yêu thương của Phật phủ trùm và khôn khéo đối với từng chúng sinh. Phật luôn quanh ta.
Trở lại với ý “Yên tâm về mình”, Thượng tọa cho rằng người chọn con đường xấu ác thì có thể nhanh đi đến vinh hoa phú quý, nhưng nội tâm sẽ luôn bất an, lo lắng, sợ hãi. Còn chúng ta chọn con đường phụng sự cống hiến mà không tìm cầu gì cho mình thì ta lại được cái “yên tâm về mình”. Giá trị của yên tâm về mình là gì? Là không có gì cả, nhưng cao quý hơn mọi danh lợi của thế gian này.
Vậy chúng ta tọa thiền để làm gì? Để thứ nhất, nhờ công năng của thiền định nên ta không làm gì sai.Thứ hai là để được yên tâm về mình. Thứ ba là để diệt từng ước muốn cho cá nhân mình. Thứ tư là mở ra những mơ ước mênh mông vô bờ cho tất cả chúng sinh.
Sau cùng, bài Pháp thoại được Thượng tọa đúc kết bằng bài thơ:
“Một đời vất vả tu hành
Cuối cùng chỉ được về mình yên tâm,
Chẳng mưu tính chuyện cao thâm
Sống sao để được yên tâm về mình.
Luôn luôn tận hiến hy sinh
Chẳng cầu danh lợi nên mình yên tâm
Vui trong thiền định quanh năm
Nội tâm như ánh trăng rằm mà thôi”
Thật vậy, bên thềm năm mới, những lời Pháp nhủ đã làm cho tình đạo, sắc xuân thêm ý vị, nồng ấm. Với cái nhìn minh triết, Thượng tọa đã mở ra đạo lý kì diệu từ những điều giản đơn mà con người thường vô tình bỏ qua. Thật hữu duyên cho những ai được tìm về quây quần đón xuân nơi Thiền Tôn Phật Quang, cùng sưởi ấm bằng đạo lý trong thời khắc giao thừa thiêng liêng này./.
Tâm Trụ