.
.

Tuổi trẻ và niềm hạnh phúc trong công việc


Dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, các ban trẻ cũng đều cảm nhận được rằng: Hạnh phúc là điều quan trọng nhất trong cuộc sống. Dalai Lama đã từng nói:“Tôi tin mục đích chính của cuộc đời là tìm cầu hạnh phúc. Điều đó thật rõ ràng. Dù ta tin vào tôn giáo hay không, dù ta tin vào tôn giáo này hay tôn giáo kia, tất cả chúng ta đều tìm cầu điều tốt đẹp hơn trong đời sống.


Vậy nên, tôi nghĩ rằng, động cơ chính của cuộc đời là tiến tới hạnh phúc.”  Vậy, hạnh phúc là gì? Và làm thế nào các bạn trẻ biết tạo hạnh phúc trong công việc mình làm?

Hạnh phúc là điều may mắn,  là niềm sung sướng mà mình được hưởng, là cảm giác thoải mái khi đạt được một giá trị, một mục đích, một kết quả….

Hạnh phúc trong công việc nghĩa là trong khi làm việc chúng ta cảm thấy được hoan hỷ qua thành quả lao động mang lại, nói khác đi là ta hưởng được niềm vui thành đạt, niềm vui giàu có, niềm vui thịnh vượng bằng tất cả trí tuệ và sức lực, bằng các phương thức lao động, kinh doanh hợp pháp. Lý giải vấn đề này, cũng có nhiều cách khác nhau. Trong đạo phật, chính Đức Phật cũng đã đề cập đến vấn đề này thật mầu nhiệm. Đức Phật đã từng dậy: việc tạo ra của cải vật chất với mục đích cao cả là đem lại sự an vui và hạnh phúc cho mình và tha nhân.  Người đã từng khuyến khích hàng đệ tử phải cố gắng làm giàu, kinh Tăng Chi Bộ II, (chương 5, phẩm vua Munda, phần trở thành giàu): “Hãy gầy dựng tài sản, làm giàu với mục đích cao thượng. Làm cho cá nhân và xã hội trở nên giàu có, thịnh vượng là khát vọng của nhân loại”.

Để có được sự giầu có và đem lại lại sự an vui và hạnh phúc cho mình và tha nhân, Đức Phật khẳng định rằng phải gieo trồng và biết tạo hạnh phúc trong công việc mình làm? Các ban trẻ biết rằng ngoài các yếu tố: sắp xếp lại thời gian cá nhân, cải tạo môi trường,  biết lên kế hoạch và thực hiện đúng…, còn có những yếu tố mà trong Đạo Phật gọi là tam đức cần phải thực hiện để tạo được niềm hạnh phúc trong công việc của mình.

Một là, Tri đức

Tri đức nghĩa là có tuệ giác. Có tuệ giác chính là biết nhìn thật sâu vào bên trong con người. Nhờ có tuệ giác mình giải quyết những vấn đề, mâu thuẫn, khó khăn rất dễ
Là những người trẻ tuổi, phẩm chất thiết yếu là trí đức hay tuệ giác mà Đạo Phật gọi là Bát nhã. Nhờ trí đức mà các bạn trẻ nhìn nhận vấn đề sáng suốt, thấu đáo, để đưa ra những giải pháp thích hợp dù trong hoàn cảnh nào.

Lưỡi dao sắc bén của sự cạnh tranh là dựa vào trí thông minh… Công việc của các bạn trẻ dù lớn hay nhỏ, dù phát triển vững chắc hay không đều phải hoạt động với tính linh hoạt và sáng tạo. Trí đức được thể hiện qua những yếu tố sau đây:

1. Khám phá ý nghĩa của công việc

Xem việc làm của các bạn trẻ như là  phương thức để giúp đỡ người khác. Điều đó làm cho các bạn trẻ là những người hạnh phúc nhất. Sự đánh giá tốt về bản thân các bạn trẻ không bị trói chặt vào danh vị, lương bổng hay những gì người khác nghĩ về mình.

2. Phương cách làm việc

Khi các ban trẻ làm một  việc gì, thì chỉ biết có việc đó mà thôi, và trong suốt quá trình thực hiện công việc ấy, chẳng để bất cứ một niệm nhỏ nào khác xen vào. Tập trung vào một việc sẽ cho các bạn sự sáng suốt và khi đã định hướng rõ ràng công việc cần làm, bạn thực hiện bằng một thái độ dứt khoát, chắc chắn sẽ mang đến sự chính xác, thao tác nhuần nhuyễn, đưa đến  kết quả tốt đẹp. Đây gọi là làm việc trong chánh niệm.

Nhiều khi ỷ vào thế có thể làm việc này trong vòng một giờ, bạn không thực hiện ngay mà lại phân tán vào những chuyện ngoài lề nào đó, như là ngẩn ngơ nhìn ra ngoài cửa sổ, gọi điện thoại nói chuyện với người bạn ngày mai đi xa…Nên xác định: đừng bao giờ tự cho mình một lý do nào đó để xao nhãng công việc. Hãy luôn cập nhật hai chữ hiện tại trong đầu. Công việc luôn phải được diễn ra trong suốt thời gian làm việc của bạn, đó chính là sức mạnh hành động để bạn nuôi giữ ý chí thành đạt. Trong tuệ giác của Đạo Phật, tương lai được làm bằng hiện tại. Nếu mình làm tốt cái hiện tại chính là mình đã tạo chất liệu tốt cho tương lai. Chúng ta phải an trú trên mảnh đất của thực tại để thiết kế tương lai. Lo lắng, sợ hãi cho tương lai chính là làm hại cho tương lai của mình. Khi các bạn trẻ trở về với giây phút hiện tại thì mới chăm sóc cho thân và tâm của mình, lấy đi những căng thẳng và đau nhức trong thân. Nếu cứ tiếp tục sống với những lo âu sầu khổ, các bạn sẽ càng ngày càng dồn nén và sinh ra đủ thứ bệnh và ảnh hưởng đến tâm. Những căng thẳng này đưa tư tưởng và lời nói của các bạn trẻ đến bạo động vì nó bị thúc đẩy bởi lo lắng, sợ hãi. Điều này tạo ra sự đổ vỡ cho bản thân, gia đình và nơi làm việc  của mình. Trở về với hiện tại là để quản lý những gì đang xảy ra trong hiện tại, để thực sự có mặt cho mình và cho người đang cùng làm việc với mình. Nếu mình khỏe mạnh, thư thái, nhẹ nhàng thì những tư tưởng, sáng tạo mới mẻ sẽ tới rất dễ dàng. Nếu mình cứ căng thẳng, sợ hãi thì mình khó mà nghĩ ra được những điều hay ho, mới mẻ. Phải biết chăm sóc thân và tâm của mình thì các bạn trẻ mới có căn bản để thành công trong công việc. Tuệ giác chỉ có được khi mình trở về với giây phút hiện tại. Và từ căn bản đó mà những ý thức sáng tạo và ý kiến hay xuất hiện rất thường xuyên. Chỉ 1, 2 ý kiến hay thôi các bạn đã vượt qua người khác. Tuệ giác giúp bạn có khả năng biết được cái gì đang và sắp xảy ra cho mình khi mình biết thở để thân tâm về làm một. Nếu mình đau đáu ngày đêm suy nghĩ để đối phó với đối phương mình thì không có sự thư thái, có định, có tuệ. Lúc đó các bạn có thể thành công nhưng cũng có thể trở thành nạn nhân của sự thành công của mình.

– Nhờ trí tuệ nên các bạn trẻ không quá vui khi được, không quá buồn khi mất. Điều đó rất quan trọng với người trẻ tuổi hiện nay, giúp các bạn làm chủ bản thân, tỉnh táo trước đồng tiền và ắp đầy lòng trắc ẩn.

3. Biết thư giản

Những lúc có quá nhiều áp lực, các bạn trẻ phải biết thư giản để làm việc hiệu quả hơn. Hãy hít vào thở ra ba hơi thở nhẹ và sâu, miệng mở một nụ cười; chỉ mất khoảng mấy giây thôi đã thấy khỏe rồi, Norme De Plume là một doanh nhân ngân hàng, ông vẫn luôn thực tập phương pháp thở trong lúc làm việc ở Wall Street, trung tâm thị trường chứng khoán Mỹ.

Theo triết lý Đạo Phật, một ao nước bị đàn trâu quấy lên làm cho nước đục ngầu, thì sẽ không thấy đáy ao. Để một thời gian, bùn đất sẽ lắng xuống, nước trong trở lại có thể thấy đáy ao. Tâm ta cũng vậy, những lo âu, buồn phiền, tính toán… che mất những hạnh phúc và vẻ đẹp  của cuộc sống. Dừng lại, thở và cười sẽ giúp làm tan đi những đám mây phiền não đó. Trời lại trong như chưa bao giờ đục. Tâm trở nên bình an và thanh thản. Khi đã có thể kiểm soát hơi thở của mình, các bạn sẽ nhận ra rằng làm chủ cuộc đời của mình cũng dễ biết bao.

Hai là, Đoạn đức

Đoạn đức là đoạn tuyệt với những lo âu, sầu khổ.Tức là biết chuyển hóa những tâm lý tiêu cực nơi tự thân bằng những tâm lý tích cực. Chẳng hạn như: định kiến được thay bằng lòng từ, sự ganh tỵ được thay thế bằng lòng tùy hỷ, tính tham lam được thay bằng sự rộng lượng …

1.Vượt qua những xung đột (định kiến được thay bằng lòng từ):

Các bạn trẻ hãy quan sát con người và sự việc không chỉ bằng mắt mà còn bằng trái tim và luôn đặt mình vào bối cảnh và hoàn cảnh của từng số phận để mong thấu cảm một cách trọn vẹn. Hạnh phúc là khi bạn giúp đỡ được môt ai đó mà không mong được báo đáp, khi bạn làm cho ai đó cười.  Hạnh phúc khi bạn thấy người khác vui và càng hạnh phúc hơn khi bạn là người ban phát thứ đó.

Bạn là người phải nhường nhịn người khác một chút nhưng đổi lại bạn thấy được niềm vui của họ – đó cũng là hạnh phúc. Hạnh phúc không chỉ là bạn được hài lòng và thỏa mãn được những sở thích của bạn… mà còn là bạn cảm nhận được niềm vui và sự yêu quý của nguời khác dành cho bạn.

2. Có quan niệm ai cũng là người tài như mình (biết tùy hỷ)

Tất nhiên trên thế giới có vô số người tài như bạn và hơn gấp nhiều lần bạn nữa, vì thế đừng ngạo mạn và cũng đừng quá khiêm tốn. Giữa cuộc họp cùng xây dựng đề án, các bạn trẻ đừng tự ý nói rằng bạn chưa am hiểu cái này cái kia; tốt hơn là mạnh dạn trình bày cách làm của bạn và đề nghị được tham khảo ý kiến của mọi người. Người tự tin có sức thu hút rất lớn, sự vững dạ của bạn sẽ tạo cho bạn quyền chủ động và nâng cao địa vị của bạn.

3. Trung thực

Đức Phật dạy: Muốn hạnh phúc suốt đời thì hãy là một người trung thực. Đây là một đức tính hết sức cần thiêt để làm nhân tố hạnh phúc cho các bạn trẻ. Thuở xưa, cách đây năm kiếp, tại vương quốc Sari, Bồ-tát làm nghề buôn bán chén bát bình chậu và được gọi tên là “Hành thương B”. Cùng với một vị thương nhân khác cũng buôn bán mặt hàng như vậy, là một kẻ tham lam cũng được biết đến với tên gọi “Hành thương A”, Bồ-tát băng qua sông Nại-lạp-ngoã-hạp (Telavāha) và đi vào thành phố An-đạt-phổ-lạp (Andhapura). Sau khi hai người phân chia các đường phố, Bồ-tát bắt đầu rao bán hàng hóa của mình quanh các đường phố thuộc khu vực của mình, và người kia cũng đã làm như vậy….Hai người lần lượt  đi đến căn nhà đổ nát (xưa kia đã một thời giàu có) ngã giá để mua một cái bát mà cả hai đều thừa biết là nó được làm bằng vàng. Vị “Hành thương A” do lòng tham nên nói dối với chủ nhà rằng đây là cái bát tầm thường không đáng giá rồi làm bộ bỏ đi. Tiếp đến vị “Hành thương B” với lòng trung thực của mình, đã trả cho chủ nhà một số tiền gần tương xứng, xong lấy bát vàng rồi sang sông tiếp tục việc đi buôn của mình. “Hành thương A” quay trở lại với ý định lấy không chiếc bát nhưng đã muộn. Ông ta chạy theo vị  “Hành thương B” nhằm đoạt lại chiếc bát vàng song chiếc đò đã tách bến khá xa… Do vì lòng thù hận chống lại Bồ-tát, ông ta đã chết ngay tại chỗ vì bị nhồi máu cơ tim. Còn Bồ-tát, sau khi trải qua một đời làm việc bố thí và thực hành thiện nghiệp, đến khi mạng chung đã tái sanh theo hành nghiệp của mình.Và sau khi kể xong câu chuyện, đức Thế Tôn nói lên mối liên hệ của chúng và nhận diện Tiền thân để kết thúc: Hành thương Sari A chính là Đề-bà-đạt-đa và vị thương nhân B chính là tiền thân của đức Phật.

Ba là, Ân đức

Ân đức là biết ban ơn, biết tha thứ, là đức từ bi.

1. Ý niệm lòng khoan dung và tha thứ, không phá hoại hạnh phúc của người khác

Biết thương yêu chăm sóc cho bản thân và những người chung quanh là một phẩm chất cần thiết cho các bạn trẻ – những con người làm chủ vận mệnh của đất nước . Nếu chỉ thèm khát quyền uy và danh vọng, tiền tài thôi thì bạn thật sự không bao giờ có hạnh phúc. Khi biết nhận diện những nổi khổ niềm đau, biết làm cho chính mình lắng dịu lại, thì mình không gây căng thẳng cho những người chung quanh, không gây những đổ vỡ. Điều đó rất quan trọng cho các bạn trẻ đang sống trong thế giới ngày nay . Nếu bạn có sự tươi mát, nhẹ nhàng của tình thương yêu thì sẽ đem lại niềm vui cho mọi người. Nếu bạn có hạnh phúc thực sự, sẽ đem lại hạnh phúc cho nhừng người thân, đồng nghiệp và xã hội, Bạn lo lắng, chia sẻ và ân cần với những người khác và họ trở lại trung thành với bạn. Sống với tình thương, với chiều hướng tâm linh trong đời sống hàng ngày , các bạn trẻ sẽ thành công nhiều hơn, bền hơn.

2. Nuôi dưỡng lòng thương yêu

Bạn hãy cho người khác và đừng đòi hỏi mình sẽ nhận được lại gì. Niềm vui và may mắn sẽ tự đến với bạn. Hạnh phúc là cảm thấy vui khi những người xung quanh mình hạnh phúc và điều đó sẽ lại càng tuyệt vời hơn khi chính mình là người mang đến điều đó cho họ.

Trong tất cả mọi hoạt động con người, dù đó là công việc hay hoạt động nào đó khác, mục đích chính nên là ích lợi cho con người. Bây giờ, các bạn  đang tìm kiếm cái gì trong công việc, mục đích của công việc là gì? Giống như bất kì hoạt động nào khác, bạn đang tìm kiếm cảm giác hoàn thành và thoả mãn và hạnh phúc. Chẳng phải thế sao? Và nếu nói về hạnh phúc con người, thế thì tất nhiên chú ý tới mối quan hệ con người trong công việc, cách chúng ta tương tác lẫn nhau, và cố gắng duy trì các giá trị nhân bản ngay cả trong công việc.

Hãy quan hệ với nhau bằng sự nồng nàn, sự yêu mến nhân bản, bằng sự trung thực và chân thành. Từ bi, bạn biết đấy, một điều cần lưu tâm khi nói về các giá trị của nó không đơn giản là chủ đề tôn giáo. Chính hạnh phúc của chúng ta phụ thuộc vào giá trị này. Những trạng thái tâm trí – từ bi, yêu mến con người – có ích lợi rõ ràng cho sự mạnh khoẻ thể chất, tinh thần của bạn trong tất cả các mối quan hệ trong công việc hay ở nhà, và thậm chí còn là chủ chốt cho ích lợi chung của xã hội. Khi các bạn trẻ trau dồi từ bi, ích lợi chính thực sự là cho bạn.

Các bạn đã được tập hợp lại để làm việc hợp tác với người khác vì sự sống còn của mình. Dù một người có thể mạnh mẽ đến đâu, nếu không có bạn đồng hành là người khác, cá nhân đó không thể sống còn được. Và chắc chắn, không bạn bè thì người đó không thể hoàn thành công việc và đời sống hạnh phúc. Cho nên, trong công việc, nếu bạn có trái tim nồng nàn, sự yêu mến con người, thì tâm trí bạn sẽ bình thản hơn và an bình hơn.

Một số bạn làm việc trong môi trường thực sự căng thẳng, và có thể không có được sự hoà thuận với người cùng làm việc. Trong những tình huống đó phụ thuộc khả năng và sự sẵn lòng của bạn để cố gắng kiểm soát xúc động của mình, như giận dữ, ghen tị, và vân vân. Bạn cố gắng hết sức có trách nhiệm về xúc động riêng của mình, thực hành khoan dung, và cố gắng giảm bớt ghen tị, mặc dầu tất nhiên điều đó không phải bao giờ cũng dễ dàng. Nhưng nói chung, người ta có thể bắt đầu bằng việc thừa nhận rằng chúng ta tất cả đều phụ thuộc lẫn nhau, phụ thuộc vào người khác vì kế sinh nhai. Đó là chỗ các bạn trẻ có thể bắt đầu. Cho nên, trong khi nghĩ về những điều khác có thể giúp người ta giải quyết với những người khó khăn trong công việc, bạn cố gắng trau dồi từ bi sâu sắc hơn cho những người khác.

Tuy nhiên, từ bi đó không thiên vị mà phải hướng tới mọi người bình đẳng như nhau. Đó mới là từ bi thực, từ bi phổ quát. Chẳng hạn, thường bạn trẻ nghĩ về từ bi như cái gì đó hướng tới những người còn tồi tệ hơn mình, những người ít may mắn, người nghèo hay trong hoàn cảnh khó khăn nào đó. Do đó, tất nhiên, từ bi là sự đáp ứng hoàn toàn thích hợp. Nhưng thường nếu ai đó giầu có hơn mình, hay nổi tiếng hơn, hay được hưởng hoàn cảnh may mắn nào đó, các bạn cảm thấy rằng họ không phải là đối tượng thích hợp cho từ bi. Từ bi của bạn cạn đi, và thay vì thế bạn có thể cảm thấy ghen tị.

Nhưng nếu bạn nhìn sâu hơn, thì ai đó giầu bao nhiêu cũng chẳng thành vấn đề, họ vẫn là con người hệt như bạn, chủ thể của vô thường của cuộc sống, của tuổi già, bệnh tật, mất mát và vân vân. Cho dù điều đó không rõ ràng trên bề mặt, sớm hay muộn họ cũng là chủ thể của đau khổ. Họ đáng nhận được từ bi trên cơ sở đó – là một con người. Cho nên, điều này đặc biệt có liên quan tới chỗ làm việc, nơi mọi người thường xung đột với người giám sát mình, các ông chủ, nhưng bạn có thể cảm thấy đố kị, sợ hãi, hay thù địch chứ không nghĩ về họ đơn thuần như là một con người, xứng đáng với từ bi của bạn như với bất kì người nào khác.

Bây giờ, với những người đó, bạn có thể dùng những tình huống thách thức này như một phần của thực hành tâm linh của bạn, và coi các tình huống có xung đột với những người cùng làm khó tính như cơ hội để thực hành những phẩm chất con người kì diệu, để làm mạnh thêm các giá trị tâm linh. Đó là điều kì diệu nếu bạn có thể dùng chỗ làm việc của mình như nơi thực hành tâm linh. Tuy nhiên, việc thực hành kiên nhẫn và khoan dung không có nghĩa là bạn phải thụ động cho phép bản thân mình hay người khác bị hại theo bất kì cách nào. Trong những trường hợp đó, bạn cần tiến hành các biện pháp đối phó thích hợp. Nhưng điều này phải có liên quan tới đáp ứng và phản ứng bên trong của bạn trong công việc, hay với tình huống có thể gây ra những xúc động như giận dữ, hận thù, hay ghen tị nảy sinh. Và cách tiếp cận này dứt khoát là có thể được.

Tổ Long Thọ nói: “Đời sống hiện tại chỉ mang tính tạm thời, tất cả mọi vật chất trần gian rồi đây cũng sẽ bị bỏ lại, nhưng nếu quý vị trao tặng nó, quý vị có thể tích lũy được thiện nghiệp”. Những người mà bạn phân phát dâng tặng của cải cũng giống như những người thợ đem lại những điều tốt đẹp cho các kiếp sau của bạn. Tương tự như thế, lòng khoan dung độ lượng cũng sẽ giúp bạn được thịnh vượng trong những kiếp sau. Thế nên, trong khi tìm kiếm lợi ích cho bản thân, bạn hãy hiến mình nhằm giúp đỡ người khác.

Có thể nói, các bạn trẻ hãy xây dựng phước báu cho mình trong đời này và đời sau để có được sự giầu có và đem lại sự an vui và hạnh phúc. Đức Phật dạy: “Ảnh hưởng mạnh nhất là sự tạo phước bằng cách trợ duyên cho người thành tựu giới đức có điều kiện tu tập”. Và nếu như các bạn trẻ tìm thấy hạnh phúc trong công việc đó là các bạn đã và đang phát huy tất cả vẻ đẹp của con người trong cuộc sống, biết mở rộng tâm hồn tức có tình thương, có hiểu biết, đó cũng chính là vun bồi phước báu để thành công.
Tác giả: TS.Lê Hữu Tuấn