.
.

Nicolas Cornet và lương duyên với chùa Việt Nam


Sách “Chùa Việt Nam” (Vietnam Pagodas) là một dự án lớn đối với Nicolas. Ông thường xuyên tới Việt Nam trong suốt hơn 30 năm qua.


Thường xuyên tới Việt Nam trong suốt hơn 30 năm qua, Nicolas Cornet, nhiếp ảnh gia người pháp, từng chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt bậc đã tạo ra bao nhiêu đổi thay cho diện mạo đất nước, ở thành phố cũng như nông thôn. Quan tâm đến lịch sử văn hóa và kiến trúc của Việt Nam, thì số phận của các đền chùa và ý nghĩa của nó trong đời sống của người dân đương nhiên là một chủ đề cuốn hút đối với ông.

Năm 2014, Nicolas muốn thăm thú vài ngôi chùa nổi tiếng mà ông thích ở miền Bắc. Khi ông đến nơi, những ngôi chùa này đang được trùng tu. Trên thực tế trong những ngôi chùa này, kiến trúc cổ xưa đang bị phá hủy. Vì vậy, ông quyết định thực hiện một cuốn sách để trình bày bằng hình ảnh di sản tuyệt đẹp về đền chùa của Việt Nam để thế hệ tiếp theo nhớ đến di sản này. Nicolas muốn con cháu của ông, có mẹ là người gốc Việt, cũng như con cháu của các bạn bè người Việt có một ký ức về điều này.

Hành trình ba năm

Sách “Chùa Việt Nam” (Vietnam Pagodas) là một dự án lớn đối với Nicolas. Mất 3 năm để thực hiện những cuộc thăm viếng gần 100 ngôi đền, chùa và nơi thờ cúng từ Bắc đến Nam để hoàn thành cuốn sách này. Mỗi cuốn sách được xuất bản là một cột mốc trong sự nghiệp của người nghệ sĩ nhiếp ảnh, nên ông làm việc rất chậm, chăm chút cho việc ra mắt cuốn sách.

Thực hiện một cuốn sách lớn giống như một cuộc phiêu lưu. Cuốn sách đem đến một cơ hội lớn để thể hiện kỹ thuật nhiếp ảnh và cho công chúng những thông tin quan trọng để hiểu “ngôn ngữ của những ngôi chùa”. Ông đã làm việc với những chuyên gia về sách từ Pháp và Việt Nam. Họ đang làm cho những nhà xuất bản lớn. “Chúng tôi là một đội tuyệt vời, chúng tôi đã xuất bản nhiều sách cùng nhau. Họ là chuyên gia có kỹ năng rất tốt về sách hình (coffee table book), thực hiện 20-30 cuốn sách mỗi năm. Vì vậy, tôi nghĩ thành quả của mình rất đẹp, nhiều màu sắc, tất cả hình ảnh cho thấy di sản đền chùa tuyệt vời của Việt Nam”, ông nói.

Khi làm việc với một dự án lớn như vậy trong 3 năm, Nicolas hoàn toàn tập trung vào những bức hình. Nhưng dần dần ông quên mất bởi vì ông phải làm việc với 30.000 tấm ảnh. Khi chọn lọc những hình ảnh đưa vào sách, ông có dịp xem lại tất cả những tấm hình đó, và những kỷ niệm cũng ùa về. “Cảm giác ngạc nhiên như khi gặp lại một người bạn cũ đã không gặp từ rất lâu rồi”, ông nói.

Nicolas đã gặp rất nhiều người thú vị trong quá trình thực hiện cuốn sách này. Ông thường làm việc rất chậm rãi, đôi khi ngồi lại trong chùa, hoặc ở lại một, hai ngày. Những người ở chùa ngạc nhiên khi thấy một phóng viên “Tây”, một người nước ngoài không đến chỉ để chụp một vài tấm ảnh mà ở lại trong một thời gian dài. Họ nhìn ông và ngạc nhiên như kiểu “một thông điệp từ một nơi nào đó”. “Họ đối xử rất tốt với tôi, mời tôi cùng ăn những bữa trưa chay tịnh và cho phép tôi nghỉ trưa ở trong chùa. Đôi khi tôi đến chùa cùng với một người bạn, vì vậy tấm hình nhắc tôi nhớ lại lúc chúng tôi đi cùng với nhau”, Nicolas nói.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất là khi ông đến thăm một ngôi chùa ở Hòn Gai, Hạ Long. Có một cô gái trẻ, không phải sư cô, có lẽ là một Phật tử, đang lau dọn ở đó. Ông chỉ đang quan sát và chụp hình khi cô gái đến chỗ ông và đưa cho ông thứ gì đó để cùng cô lau chùi. “Thoạt đầu, tôi nghĩ có thể đó là một thông điệp, có thể tôi đã làm điều gì xấu gần đây nên tôi cần phải lau chùi. Nhưng sau đó tôi dừng suy nghĩ, cô ấy mời tôi làm việc thì tôi làm việc. Cô ấy không phân biệt tôi là người nước nào, tôi và cô ấy cùng ở trong chùa và chúng tôi đều có thể lau dọn như nhau. Việc ấy rất thú vị vì khiến tôi cảm thấy là một phần của nơi này, thậm chí tôi còn không chụp một bức hình nào”, ông kể lại.

Để có được những góc nhìn độc đáo nhất về con người, ông thường di chuyển rất chậm, một cách kính trọng. Nicolas ngồi trong khoảng 20 phút mà không làm gì hết. Đến khi họ quen với sự có mặt của ông, ông mới chậm rãi lấy máy ảnh ra ghi lại những khoảnh khắc thắp nhang cầu Phật của họ.

Nơi gửi gắm lòng tin

Các hình ảnh của cuốn sách trình bày một bức tranh phong phú về kiến trúc đền chùa cổ và chú trọng vào các chi tiết mỹ thuật của một di sản quốc gia giàu có, mà đôi khi chưa được biết đến của Việt Nam. Ông phối hợp hình ảnh trong cuốn sách để giới thiệu về những ngôi chùa, kiến trúc và sau đó cận cảnh vào những chi tiết thú vị như những bức tượng, phù điêu. Ông thích tất cả các ngôi chùa, vậy nên khó để nói ngôi chùa nào ông thích nhất. “Ở miền Bắc là chùa Bút Tháp, ở miền trung là chùa Từ Hiếu, nơi thiền sư Thích Nhất Hạnh xuất gia, ở Sài Gòn thì Giác Lâm là chùa tôi thích và tôi thích hai ngôi chùa ở Trà Vinh và Sóc Trăng”, ông nói.

Ông phối hợp trong cuốn sách những hình ảnh về đời sống thường nhật, bởi vì đó là phong cách chụp hình ưa thích của ông. Đôi khi Nicolas thể hiện kiến trúc nhưng chủ đề chính của ông là về con người. Ông tập trung nhiều về cách con người đi chùa. Ông cố gắng tập trung vào cách chùa chiền được sử dụng ở những vùng miền khác nhau, không chỉ về tôn giáo mà còn về xã hội, ai có quyền lực.

Người Việt có xu hướng tiếp nhận và thích nghi với các tín ngưỡng lành mạnh từ mọi nơi. Bên cạnh đức Phật, họ còn tôn vinh các vật linh, hồn, anh hùng và thánh, của cả đạo Khổng và đạo Lão.Việc truyền bá đạo Phật và phát triển chùa chiền gắn liền với lịch sử đất nước. Đạo Phật xuất hiện ở Việt Nam khi các lái buôn đặt chân đến đây trên hành trình đường biển giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Rồi các nhà sư và các nhà truyền đạo xuống từ phương Bắc. Đạo Phật đã đồng hành cùng số phận đất nước này qua chiến tranh, chinh phạt, liên minh và cả trong việc mở rộng bờ cõi xuống đồng bằng sông Cửu Long, địa giới phía Nam ngày nay.

Không chỉ có Phật giáo, ở Việt Nam, đặc biệt là miền Bắc chào đón nhiều tư tưởng trộn lẫn với nhau. Chùa là nơi thờ Phật, bên cạnh rất nhiều loại đình, đền. Trước hết phải kể đến Đình, một ngôi nhà chung của làng, nơi thờ cúng thành hoàng, vị thần hộ mệnh cho làng; rồi Đền là tên chung cho các nơi thờ Đạo giáo khắp nơi nhưng thờ Lão tử và Miếu thì thờ Khổng tử. Ngoài ra, Nicolas cũng đi tới những địa điểm thờ cúng khác như nơi thờ thánh, chùa Khmer, chùa của cộng đồng người Hoa và một số điểm hành hương như động và núi thiêng.

Đền chùa truyền thống Việt Nam đều được làm bằng gỗ, vật liệu tự nhiên này mang lại vẻ ấm áp và thoáng mát, tuy nhiên cũng dễ bị hư hại do thời tiết ẩm ướt và côn trùng phá hoại. Các nhà nghiên cứu Việt và Pháp, nhất là từ Trường Viễn Đông của Pháp, từ hơn thế kỷ nay đã tìm ra biện pháp tu bổ theo phương pháp cổ truyền để bảo toàn được linh hồn của những nơi chốn thiêng liêng này. Những kỹ thuật đắt tiền và dày công này là cái giá để gìn giữ lâu dài vẻ đẹp nội tại và giá trị văn hóa của chúng.

Chúng ta cũng nhận thức được rằng đền chùa Việt Nam là một phần di sản văn hóa quốc gia. Chúng ta mong rằng nhận thức đó sẽ dẫn đến việc áp dụng các phương pháp khoa học và sử dụng kiến thức của cộng đồng chuyên môn quốc tế vào việc bảo tồn các di sản này.

“Mong rằng người Việt và tất cả những ai yêu mến đất nước Việt sẽ có thể chia sẻ với con cháu những kỳ quan của quá khứ mà chúng ta từng ngưỡng mộ, minh chứng cho sự giàu có của một nền văn hóa phong phú, đất nước và con người”, Nicolas tâm sự.

Ông chia sẻ thêm: “Tôi muốn nghỉ ngơi sau dự án dài này. Vì lần này tôi chỉ làm một mình trong dự án của riêng tôi nên khá mệt mỏi. Tôi rất may mắn đã xuất bản được 7 cuốn sách. Mỗi cuốn sách mới trong mỗi 2-3 năm là cách tôi thể hiện thành quả hoạt động của mình.

Kế hoạch của tôi trong năm 2018-2019 là một cuốn sách về nấu ăn ở Việt Nam,cũng có thể về đền Angkor Wat ở Campuchia”, Nicolas nói.

Hằng Nguyễn