Những sơn nữ nuôi con một mình, những đứa trẻ mang họ mẹ ở miền sơn cước xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa, Phú Yên) đã lớn lên. Nhưng, nỗi đau của họ vẫn còn thăm thẳm như lời ru buồn…
“Làng sơn nữ… buồn”
Nơi núi rừng xa tít ấy có bảy bà mẹ chờ “chồng” và tám đứa con thơ đợi cha. Những sơn nữ đẹp như bông hoa của núi rừng có lời ru buồn khi nuôi con một mình vì đã trao niềm tin cho những công nhân thủy điện từ nhiều năm trước.
Ngày ấy (năm 2005), từ khi có công nhân người Kinh dưới xuôi lên ngăn dòng sông Ba Hạ để xây dựng thủy điện, cùng với đó là những sơn nữ Ê Đê mười chín đôi mươi. Khi ấy, những con đường bê-tông rải nhựa thay cho đường đất đá gồ ghề, những ngôi nhà xây khang trang xóa đi những ngôi nhà tạm bợ.
Lực lượng lao động nhiều nơi đổ về vùng cao đã góp phần tạo nên cơ sở hạ tầng khang trang. Và, những thanh niên xây dựng ấy đã “góp phần” làm cho nhiều sơn nữ trở thành… mẹ đơn thân.
Nhiều người bà ở xã Suối Trai phải thay con nuôi cháu
A Lê Toàn Hão Huyền là con của chị A Lê H’Mâu (32 tuổi, ở buôn Xây Dựng). Câu chuyện của H’Mâu gần như đã là điển hình của những sơn nữ nơi này. Hồi ấy, H’Mâu là nhân viên điểm bưu điện văn hóa xã. Từ khi có công nhân lên ngăn dòng sông Ba Hạ, nơi H’Mâu làm việc tấp nập hẳn, trong đó có một người đàn ông hay lui tới.
H’Mâu kể: “Anh ấy bảo tên là Hoàng Quốc Thắng, ở Nghệ An vào làm công trình. Anh nói những lời hay lắm, mình tưởng Thắng thật cái bụng nên ưng… Nhưng khi mình có bầu, bảo Thắng để mình làm thủ tục bắt chồng thì anh ấy chỉ cười ‘chờ vài tháng nữa làm có tiền rồi cưới’. Nào ngờ chỉ thời gian sau, Thắng mất hút như con nai rừng trông thấy người”, nói rồi H’Mâu chỉ vào đứa con đang chơi lăn lóc ngoài sân: “Mình đặt tên con như vậy để luôn nhớ đến một quá khứ buồn, khi mình quá hão huyền tin vào người đàn ông xa lạ, để giờ mình mới khổ thế này”.
Cũng như H’Mâu, mẹ của A Lê Y Kỳ là chị H’Nhan (sinh năm 1984), cứ mỗi khi gọi tên con là H’Nhan khóc: “Mình buốt lòng khi gọi tên con, nhưng cũng chỉ để nhớ đến thôi. Mình biết, nếu người đó thương hai mẹ con mình thì đã ở lại. Cha nó là người Bắc, nên mình đặt tên con như vậy thôi”. Tưởng đau một lần thì thôi, nào ngờ H’Nhan lại sinh thêm một cậu con trai thứ hai tên A Lê Y Huy cũng không có cha. Đang nói chuyện thì bé Y Kỳ vội đến gần mẹ và nói vài câu bằng tiếng Ê Đê. Ôm con vào lòng, H’Nhan rơm rớm nước mắt cho chúng tôi biết, A Kỳ tưởng bố về thăm nên vội vã đến thế.
Bên túp lều lụp xụp gần con suối, tiếng khóc thét của mấy đứa trẻ khiến chúng tôi giật mình. Trong lều, bà A Lê H’Kin (57 tuổi) đang vật vã chăm sóc đứa bé. “Con của H’Hia, con gái mẹ đó. Nó đi lên rẫy hay xuống suối bắt cá rồi. Khổ lắm, mấy đứa con của mẹ bị chê cười là không chồng mà có con”, bà H’Kin buồn bã nói.
Em gái H’Nhan là H’Hia (sinh năm 1986), cũng có hoàn cảnh giống chị. Đợi đến tối mịt, người mẹ trẻ H’Hia mới trở về, cất vội chiếc gùi rồi tất bật vào nhà. Đứa con trai gần hai tuổi của H’Hia chỉ thôi khóc khi được bú mẹ. Ngày nào H’Hia cũng lên rẫy, chiều muộn mới trở về. H’Hia nói: “Anh ấy nói quê ở Quảng Bình và lái máy xúc. Nói thì mình tin chớ có biết nơi đó ở đâu mà tìm”.
Trường hợp của H’Dên, ở buôn Thống Nhất cũng thật đặc biệt. Vợ chồng chia tay khi H’Dên đã có 3 đứa con. Thế mà H’Dên lại tin tưởng những lời nói “có cánh” của Pháp. Hậu quả là H’Dên lại nuôi con một mình, khi Pháp chạy biệt tăm về miền xuôi, sau này H’Dên mới biết “hắn đã có một vợ và hai con”. Mỗi ngày, đứa bé không cha ấy mới hai tháng tuổi đã phải nằm trong địu, cùng mẹ lên rẫy để kiếm cái ăn. Chúng tôi đắng lòng khi nghĩ đến sự thật thà, tin người đến đáng thương của những sơn nữ, đã bị người ta lợi dụng. Vậy nên mấy năm qua, nơi núi rừng xa tít ấy có bảy bà mẹ chờ “chồng” và tám đứa con thơ đợi cha…
Lời ru buồn bay trong gió…
Những đứa con ra đời thiếu sự chăm sóc, dạy dỗ của cha, lâm vào cảnh đói nghèo, thất học, bị hắt hủi. Khổ nỗi, cái tên được mẹ nó chọn để ghi nhớ nỗi đau bị lừa dối và ruồng bỏ ấy lại trở thành nỗi khổ tâm của những đứa trẻ, khi bị bạn bè chọc ghẹo. Càng buồn hơn khi trong giấy khai sinh của chúng phần dành ghi tên người cha vẫn bị bỏ trống. Chúng thắc mắc thì chỉ nhận được câu trả lời từ mẹ nó là “chết rồi”.
Khi chúng tôi chia cho mấy đứa trẻ những chiếc kẹo rẻ tiền mua vội ngoài trung tâm xã, chúng tranh nhau, có đứa khóc thét lên vì bị đứa khác cướp mất. Cái ăn không đủ nên đứa trẻ nào cũng gầy gò, còi cọc. Sáng, chúng theo mẹ lên nương rẫy, chiều theo mẹ xuống suối bắt cá, hầu như chúng đều thất học cả. Chưa biết đến quyển sách và cây bút như thế nào, chúng hồn nhiên lớn lên như cây rừng, chỉ biết làm bạn với nương rẫy, với gió núi, mây ngàn và sự nghèo khổ.
H’Mâu và những đứa con nheo nhóc
H’Hia ở cái tuổi 27 vẫn phảng phất nét đẹp của cô sơn nữ thủa nào đang kẹp mớ rau gồm: rau má, diếp cá, ngò tàu, cần… chấm muối nhai ngon lành. Mấy đứa trẻ mũi thò lò, quần áo tả tơi, ngồi chồm hổm bên bếp. Nồi sắn chỉ một lúc là hết veo. Bên bếp, trên tàu lá chuối, còn một mớ bã mì… là thực phẩm của bữa ăn kế tiếp. Chúng tôi gửi biếu chị một trăm ngàn, bàn tay H’Hia mân mê tờ giấy bạc rồi hỏi: “Chừng ni là mấy ngàn. Mua được ký gạo không?”.
Lúc ấy, chúng tôi mới biết, chị chưa một lần thấy được tờ mười ngàn đồng, chứ đừng nói đến một trăm ngàn. Những người mẹ đơn thân ở đây ngậm ngùi, cay đắng nuôi con một mình, ít nhiều chịu sự xa lánh, cười chê của người đời và bế tắc trong cuộc sống. Hiện H’Nhan ở cùng cha mẹ, trong căn nhà tình nghĩa do Nhà nước cấp, bên trong trống hoác. Với H’Nhan, nhà như vậy là tốt lắm rồi, chứ trước kia 9 người họ ở chung trong một cái lều trống huơ trống hoác.
Chị Bùi Thị Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Suối Trai, buồn bã cho biết: “Hầu hết hoàn cảnh của những cô gái bản đều nghèo khó. Một khi có người cho tiền, quà thì thích, dễ tin. Hơn nữa, các cô đang tuổi lớn, tuổi yêu, lại thất học, thiếu hiểu biết nên bị đàn ông lợi dụng. Cùng với đó là công tác tuyên truyền sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình vẫn còn xa lạ với thôn bản.
Hoàn cảnh của những sơn nữ này đều nghèo và đã có con nên cơ hội tìm cho mình một tổ ấm mới rất khó. Bởi, theo phong tục của người Ê Đê, phụ nữ bắt chồng phải có của. Của hồi môn thường là 2 con bò cùng nhiều sính lễ khác, nếu có con riêng thì phải 4 con bò và thêm 1 con nữa để người cha dượng nuôi đứa bé.
Tôi nhẩm tính, nếu H’Nhan may mắn bắt được chồng thì phải cần tới 8 con bò, trong khi cả nhà cô đang bữa đói bữa no với cơm trắng, muối ớt rừng. Vậy thì số phận của H’Nhan và những sơn nữ khác đã “đóng khung” trong vòng tròn lẩn quẩn của đói nghèo và sự bi thảm. Điều lo lắng của địa phương là nỗi lo các chị và các bé có thể bị HIV, AIDS.
Những năm gần đây, đồng bào Ê Đê ở Sơn Hòa không còn “luật tục” đuổi những cô gái không chồng mà chửa vào rừng đẻ hay chôn sống đứa trẻ nữa. Theo chị Bùi Thị Hương, Hội Phụ nữ xã đã tìm cách giúp đỡ chị em, như tạo điều kiện cho họ vay vốn nhưng nguồn vốn cũng có hạn.
Chỉ mỗi H’Mâu được giúp đỡ, trở thành nhân viên y tế buôn vì H’Mâu có chút kiến thức. Trong khi đó, cuộc sống của những chị em kém may mắn này chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn. Những đứa trẻ như: Y Kỳ, A Lê Toàn Hão Huyền… rồi sẽ ra sao. Chúng tôi cứ khắc khoải mãi về những ánh mắt trẻ thơ bên rừng ấy. Cuộc sống, tương lai của những đứa trẻ này sẽ là những chuỗi ngày đói rách, thất học, lẩn quẩn giữa chốn thâm sơn…
Bảo Anh – Minh Ngọc