.
.

Lòng Từ – Chất liệu quan trọng trong cuộc sống.


Nói đến cuộc sống tức nói đến đầy đủ cả hạnh phúc và khổ đau. Trước đó là tiếng cười nhưng trong sâu thẳm lại là những giọt nước mắt đã ẩn dưới khóe mi. Đó là lý do Đạo Phật đã ra đời mang lại tiếng nói yêu thương và một chủ trương giáo lý chuyển hoá nỗi khổ nhân sinh. Với chủ trương ấy, hai mươi lăm thế kỷ tồn tại, Phật giáo mang đến cho nhân loại những sự thật đầy nhân bản. Đạo đức, lòng thương bao la và tiếng nói tỉnh thức nhân tâm.

doi-dieu-ve-gioi-luat

Phật giáo đã đến với cuộc đời đầy đủ trong mọi phương diện phục vụ cho mọi đối tượng và đặc biệt là đưa con người vượt thoát khổ đau, tự mình hoàn thiện đạo đức cá nhân mà vẫn không tách rời khỏi cuộc sống nhân sinh.

Trong phạm trù Tâm từ và Đạo Đức chúng ta đứng trên quan điểm Phật học để quan sát. Căn cứ trên đời sống con người và thực trạng khổ đau kiếp người làm đối tượng để chuyển hóa. Hướng về cái đẹp, xây dựng cái đẹp hay nói cách khác là xây dựng Chân, Thiện, Mỹ, bất cứ quốc gia nào cũng muốn, lãnh thổ nào cũng tôn trọng bởi con người không ai muốn nhận mình là kẻ thiếu nhân cách. Xây dựng được những điều đó từ đâu? Thiết nghĩ chỉ có duy nhất là vận dụng pháp quán Từ Bi trong đạo Phật.

1. ĐỊNH NGHĨA

Tâm từ hay từ bi là một thuật ngữ rất thường được sử dụng trong giáo điển của Phật giáo. Tiếng Pàli gọi là Mettà, tiếng Sankrit là Maitri. Tâm từ hay tâm từ nghĩa là cái gì làm cho lòng ta êm dịu, là tâm trạng của một người bạn tốt, là lòng mong ước thành thật cho tất cả đều được sống an lành vui vẻ.

Tiếng Anh gọi là Boundless love (immeasurable, unlimitted, endless love) nghĩa là tình thương vô hạn lượng, từ tâm vô hạn lượng. Thương yêu chúng sanh, mang lại cho họ niềm an lạc vui sướng gọi là Từ, đồng cảm nỗi khổ và làm cho chúng sanh bớt khổ là Bi. Vậy Từ Bi là tình thương rất chân thật không có hạn lượng, không phân biệt”.

2. Ý NGĨA TÂM TỪ BI

 Từ bi là tình thương vượt ra ngoài những diễn tả của ngôn ngữ, sức sống tiềm tàn mãnh liệt trong mỗi con người. Tâm từ có nghĩa như tình thương cha mẹ dành cho con cái, Phật dành cho chúng sanh. Ta không thể nào kể hết công ơn của cha mẹ, có chăng chỉ thể hiện bằng những giọt nước mắt ngậm ngùi khi chia ly. Phải giải bỏ hết những quan niệm thân sơ, đối đãi phân biệt ta mới có thể hiểu được phần nào đó ý nghĩa của tâm từ, nếu không như vậy ta chỉ dừng lại ở mức độ cảm thông, lắm khi còn toan tính vụ lợi.

Phật giáo có một chữ Từ Bi tuyệt vời. Tâm từ Phật giáo bao trùm cả vạn hữu. Không phải là sự luyến ái riêng tư giữa con người với con người, giữa con người với xã hội, với con vật cưng, càng không phải là tình đồng chí đồng hương hay đồng đạo mà vượt thoát tất cả. Tâm từ Phật giáo bắt nguồn từ sự cảm thông chân thật, tha thiết trước nỗi khổ của mọi người, ban phát đến tất cả vạn loài. Hay nói một cách khác, không những không làm hại mà còn nâng niu từng sự sống, chăm sóc từng nỗi đau, rộng rãi và bao la như ánh trăng tươi mát soi tận cùng những nẻo tối tăm đem lại cho nhân loại những điều ích lợi. Nếu muốn thấu hiểu tâm từ, cảm nhận tâm từ thì ta hãy bỏ qua chủng tộc, tính cách, lãnh thổ giai cấp mà chỉ có một tình thương duy nhất ban phát không mệt mỏi. Khi nào xóa sạch được nỗi đau, tâm từ không bác bỏ, chà đạp lên mà làm sống lại những tâm hồn vẩn đục, những bước chân lầm lỗi trở về với thực tại sự sống. Tâm từ không cho riêng ai, bình đẳng mà nhu nhuyến.

3. TÍNH CHẤT CỦA LÒNG TỪ:

 Tâm từ – nguồn gốc lành

Tâm từ là một trong Bốn Vô Lượng Tâm, một công hạnh nhập thế của các vị Bồ tát và cũng là nơi trưởng dưỡng các pháp lành. Phật dạy: “Này Thiện Nam tử tất cả Thanh Văn, Duyên giác, Bồ tát, Chư Phật, chỗ có căn lành, tâm từ là cội gốc. Nếu có người hỏi gì là căn bản của pháp lành nên đáp đó chính là tâm từ. Bởi tâm từ là đạo vô thượng, là cảnh giới vô song, chẳng thể nghĩ bàn của chư Phật. Tâm từ là thường, lạc, ngã, tịnh, là Cam lồ, là Phật tánh, là Pháp, là Tăng. Tâm từ  chính là Như Lai. Do vì nghĩa đó nên biết tâm từ là chân thật, chẳng phải hư vọng. Nếu Bồ Tát tu tập tâm từ có thể sanh vô lượng căn lành. Như vậy tâm từ là cội gốc”. Các thiện pháp đều thành tựu do tâm từ, là cảnh giới chư  Phật  và các đại Bồ Tát. Bởi chỉ có như vậy mới lắng yên một cách chân thật, nhận diện được sự quan yếu cho tính cách bình đẳng và không buông thả, đem lại lợi ích cho chính mình và giải thoát chúng sanh. Phật dạy : “ Từ năng dữ lạc, Bi năng bạt khổ” nghĩa là đem niềm vui cho tất cả chúng sanh và diệt khổ cho mọi loài. Người có lòng từ bi là vừa thoa dịu vết thương đau khổ trong hiện tại mà vừa chữa khỏi nguyên nhân gây ra đau khổ. Nói chung Từ Bi trong đạo phật là cần phải thực hành rốt ráo hai phương diện đó là gây nhân vui và diệt nhân khổ

Ta có thể thấy rằng toàn bộ hệ thống giáo lý của Phật giáo xây dựng trên ý nghĩa không phân biệt mà cho tất cả vạn loài tu tập. Hiểu cách khác là một phương tiện cực kỳ thù thắng để cho các bậc thượng nhân nhập thế độ sanh. Tất cả nếukhông có tâm từ thì mình không thể thương chính mình, không thể tự mình làm cho mình yên ổn thì làm sao cảm thông trước nỗi đau của người khác. Qua lời dạy của Đức Thế Tôn, ta thấy được tầm quan trọng của tâm từ. Nó làm nên hạnh nguyện của chư Phật, Bồ tát và diệu dụng chính là: “Thường, lạc, ngã, tịnh là Phật tánh, là Pháp, là Tăng”. Một khi người ta rời bỏ tâm từ thì chắc chắn sẽ mất hết cội rễ của căn lành. Một khi không có căn lành và từ tâm thì thay vào đó chắc chắn là bất thiện pháp. Bởi tính huân thâm và tập quán lâu ngày trong chủng tử của chúng sanh. Kinh Ưu Bà Tắc Giới Đức Phật dạy: “Từ tâm là nhân duyên của tất cả sự an vui, rời bỏ từ bi thôi chẳng còn pháp lành”. Đó chính là kinh nghiệm mà trải qua vô lượng kiếp Đức Phật đã nhập thế độ sanh và thành tựu viên mãn.

Tâm Từ – Sự Có Mặt Của Trí Tuệ

Tâm từ, tình thương rộng rãi bao dung, những tình thương ấy phải do trí tuệ rọi sáng và dưỡng nuôi mới thành tựu. Nếu tình thương còn trong vòng lẩn quẩn của ái dục và chấp thủ, thiếu hiểu biết thì chẳng khác nào ta đem thêm vật cho kẻ đã gánh nặng quằn vai. Nhưng nếu nhìn nhận ở góc độ đó thì ta chưa thấm nhuần triết lý của tâm từ Phật giáo, cội rễ của thiện pháp. Nên các Thánh giả bước lên Thánh vị khi tâm từ thành tựu.

Ai dùng các hạnh lành

Làm xóa mờ nghiệp ác

Chói sáng rực  đời này

Như trăng thoát mây che. PC: 173

Hạnh lành là từ bi, dùng tâm từ để chuyển đổi nghiệp thì chính tâm từ là trí tuệ. Chỉ có trí tuệ chiếu sáng mới thoát khỏi những sự u tối của vô minh. Con đường an tịnh là con đường của từ bi và trí tuệ vốn dĩ đã có sớm trong mỗi chúng sanh nhưng phải trưởng dưỡng mới thành tựu. Sử dụng tâm từ biến thành một phương tiện nhu nhuyến thiện xảo. Thông suốt một vấn đề duy chỉ có trí tuệ mà thôi. Ta thường nhìn vạn pháp bằng đôi mắt thiếu khách quan và cũng chủ quan đưa ra kết luận. Bó buộc như vậy nên một khi có sự đổi thay sinh ra buồn khổ. Nhưng khi trí tuệ có mặt thì mọi dãy phân cách được tháo bỏ và tâm từ cũng thành tựu như vậy.

 Tâm Từ – Triết Lý Thực Dụng Cho Sự Sống:

Từ bi Phật giáo dạy con người ta tránh xa hai thái cực là con đường đi đến tạo nghiệp khổ, và mối an ổn. Phật dạy: “Mọi hành động gì có hại cho mình, có hại cho người, có hại cho cả hai, bị người chỉ trích, nếu chấp nhận và thực hiện sẽ đem lại tâm khổ, tâm ưu. Hành động như vậy gọi là bất thiện và chúng ta loại bỏ hành động ấy. Hành động gì không có hại cho mình, không có hại cho người, không hại cho cả hai, được người trí tán thán. Nếu chấp nhận và thực hiện sẽ đem đến tâm lạc, tâm hỷ, hành động như vậy gọi là thiện vô chí ta phải thực hành”. Vì sao có những hành động bất thiện gây đau khổ cho mình và người? Đó chính là thiếu trí tuệ trong cuộc sống. Xét ở mỗi nỗi đau của cá thể bản thân thì hiểu hơn ai hết.

Làm cho người hay vật khác đau khổ để bạn được hạnh phúc là chuyện vô lý. Nhưng nếu bạn hành động từ bi, nhân ái đối với mọi loài người hay vật cũng như nhau, thì chính thần linh cũng thờ bạn. Ta không thể kêu gọi lòng thương bao la của kẻ khác khi mình chìm trong ích kỷ và những suy tính thiệt hơn, chấp nhận lối suy nghĩ nhỏ nhen chính là bạn đã bị vo tròn  mình trong chiếc kén khổ đau. Còn hành động theo tâm từ thì chính bạn đã trải lòng mình ra và đón nhận mọi ý nghĩa của cuộc đời bằng chính một tâm hồn trong sáng rộng rãi và một cuộc sống thăng hoa. Đó là giá trị của tâm từ mang lại sự cân bằng trong cuộc sống, hay tinh thần trung đạo Phật giáo.

4. PHƯƠNG PHÁP TU TẬP

Làm thế nào để chúng ta huân tập lòng từ bi, đó chính là thực hành phương pháp quán từ bi. Có ba pháp tu

4.1 Chúng sanh duyên từ 

Nghĩa là lòng từ bi do quán sát cảnh khổ của chúng sanh mà phát khởi. Nhưng làm sao để lòng từ bi được phát khởi? Đức phật dạy “ là phải quán sát tất cả chúng sanh trong lục đạo, mười phương đều như bà con thân thuộc”. Đây là pháp quán để hòa hợp với mọi chúng sanh. Con người chúng ta có thói quen là cái gì ở ngoài ta hay không phải của ta thì ít quan tâm đến. Bây giờ thực hành quán từ bi tức là chúng ta đã phá vở cái tính ích kỷ hẹp hòi, xem tất cả chúng sanh là cha mẹ, anh em, bằng hữu của mình, một khi thấy chúng sanh bị tổn thương đau khổ là chính mình mình bị đau khổ.

4.2. Pháp duyên từ

Đức phật dạy tất cả chúng sanh đều có phật tánh. Và quán pháp duyên từ là lòng từ bi do duyên pháp tánh mà phát khởi. nghĩa là quán sát thấy tất cả chúng sanh, cùng mình đồng một thể tánh, nên chúng sanh đau khổ là mình đau khổ, vì vậy mà khởi lòng từ bi cứu khổ ban vui cho chúng sanh. Phải quán sát thấy rằng mình với tất cả vạn loại hữu tình vô tình là một, nên khi cứu khổ ban vui không cần biết đó là ai, và khi làm không chấp mình đã làm.

4.3. Vô duyên từ.

Vô duyên từ là lòng từ bi không có tâm năng duyên và cảnh bị duyên, không còn dụng công, không còn quán sát, đối đãi giữa mình với người. lòng từ bi này xứng theo thể tánh chơn như mà khởi ra bao la, trùm khắp, không thiên lệch một nơi nào. Cũng như mặt trời chiếu khắp gần xa, không phân biệt cao thấp, không chú ý một nơi nào.

+ mục đích của sự tu tập là phá trừ ngã chấp, thành tựu đạo nghiệp. Nhưng trong khi tu tập tại sao ta lại thương người này nhiều, kẻ kia ít? Vì do ta còn chấp ngã. Đây là loại phiền não vi tế khó đoạn trừ được gọi là “ ái kiến đại bi”. Đây chỉ cho lòng thương yêu có sự phân biệt, có điều kiện. Ví dụ chúng ta có một trăm người thân quen, những người nào hợp với mình hơn thì mình thương nhiều hơn; những người khác thì mình cũng thương nhưng ít hơn. Cũng là “bi” nhưng trong lòng thương yêu này vẫn còn tính chất phân biệt, còn đặt điều kiện,chưa lìa được ý niệm về người thương và người được thương, nên ta gọi là ái kiến đại bi. Trong khi đó bản chất thật của tâm đại bi là biểu hiện tình thương không còn phân biệt, không đòi hỏi bất cứ điều gì nơi đối tượng. Tâm từ mênh mông, trải rộng và ban phát một cách tự nhiên như sương mù ướt đẩm đại địa, như ánh nắng sưởi ấm hành tinh không có sự phân biệt, thì gọi là vô duyên từ.

4.4. Lợi ích của pháp quán từ bi.

Theo kinh Tăng Nhất A– Hàm thì người quán bi sẽ được những lợi ích như sau:

– Khi thức hay ngủ đều được an vui

– Hiện tại được nhiều người thương

– Sống trong đời không bị tai nạn, trộm cướp.

Và trong khi tu pháp quán từ bi chúng ta sẽ:

– Trừ được lòng sân hận độc ác

– Trừ được ngã chấp hẹp hòi

– Đoàn kết được với mọi người

– Đời sống cá nhân và đoàn thể nhờ vậy được vui vẻ, có ý nghĩa.

Từ bi là một phương thuốc trị tâm sân hận, sân hận là đầu mối sát hại, là cái chìa khóa của tất cả kho tội lỗi. trừ được nó tức là trừ được giết chóc, là dập tắt được cái ngòi biến loạn. Trong nhân loại, không còn ai là cừu địch, không còn giai cấp bốc lột, đấu tranh. Ai cũng là người đáng thương, đáng giúp giúp đỡ. Giữa người và người, giữa người và vật sẽ có một sự liên lạc, đoàn kết mật thiết. Con người sẽ vô cùng sung sướng khi thấy xunh quanh mình đều là bà con quyến thuộc, bốn biển đều là anh em và cùng chan hòa trong phật tánh.

 

Thánh Trí