.
.

Trung Quốc: Kiến Trúc Tôn Giáo Bị Ảnh Hưởng Văn Hóa Truyền Thống


Theo các kiến trúc sư, mô hình kiến trúc của nhiều đền thờ Đạo giáo và Phật giáo ngày càng giống nhau ở Trung Quốc bởi lẽ nhiều tòa nhà của cả hai tôn giáo này đều chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa truyền thống.

10-h01

Một kiến trúc đền thờ Đạo giáo. (Nguồn: cebu-tourism.techcellar.net)

“Đối với tôi, sự khác biệt hữu hình duy nhất đó là các kiến trúc ở sân chính của một ngôi chùa Phật giáo là tháp trong khi ở đền thờ Đạo giáo lại là án thờ”, Tao Jin, một kiến trúc sư có chuyên môn trong lĩnh vực thiết kế các công trình tôn giáo, chia sẻ.

Kiến trúc Đạo giáo gồm các đền thờ, cung điện, ni viện, ban thờ và các túp lều nơi các hoạt động tôn giáo được thực hiện.

Tương tự đối với kiến trúc Phật giáo, kiến trúc Đạo giáo có thể được chia thành các phòng hội linh thiêng dành cho tế lễ, các ban thờ để cầu nguyện, các ngôi nhà để sống và các căn phòng để tụng kinh phù hợp với nhu cầu sử dụng của họ, theo trang web của Hiệp hội Đạo giáo Trung Quốc.

Liang Sicheng, kiến trúc sư và học giả Trung Quốc đã quá cố, thường được biết đến như là cha đẻ của kiến trúc hiện đại Trung Quốc, đã viết rằng, sơ đồ của các kiến trúc Phật giáo ở Trung Quốc đã được định hình trong các thế kỉ 4 và 5.

10-h02

Sân trong của một ngôi chùa Phật giáo Trung Quốc. (Nguồn: 123rf.com)

“Mô hình này thường tiếp thu sơ đồ sân trong của các kiến trúc thế tục. Bắt đầu bằng cổng chính của ngôi chùa đến hội trường chính giữa các khoảng cách cố định. Tầm quan trọng của các hội trường sẽ được tăng dần lên, trong đó, hội trường quan trọng nhất nằm ở phần thứ ba hoặc thứ tư ở tất cả các tòa nhà”, học giả Liang viết.

Hoàn toàn khác với những khuôn mẫu phổ biến khi mà các ngôi chùa Phật giáo thường được xây dựng ở các khu vực ngoại thành hoặc trên các vùng núi hoang sơ, học giả Liang đã viết rằng, phần lớn các ngôi chùa Phật giáo trong các thời kì cổ đại đều được đặt ở những khu vực đô thị đông dân cư.

Kiến trúc sư Tao Jin cho biết, phần lớn các ngôi chùa Phật giáo và Đạo giáo trong thời cổ đại đều được xây dựng bằng các kiến trúc gỗ.

“Và điều này cũng khiến chúng dễ bị hỏa hoạn, khó bảo tồn trong một thời gian dài”, ông Tao phát biểu.

Dân Nguyễn

(Dịch từ China Daily)