.
.

Tây Tạng: Tiêu Chuẩn Hóa Tranh Phật Giáo Truyền Thống Thangka


Hôm thứ sáu, ngày 23/12/2016, các nhà chức trách Khu tự trị Tây Tạng ở phía tây nam Trung Quốc cho biết, họ đang thực hiện các tiêu chuẩn cho tranh Thangka – một phong cách truyền thống của tranh cuộn Phật giáo Tây Tạng.

Wangchen, giám đốc Viện chuẩn hóa, cho biết các tiêu chuẩn sẽ xác định tranh Thangka từ các khía cạnh vải vóc, bột màu và những kĩ thuật vẽ tranh…

Hệ thống tiêu chuẩn sẽ được ban hành vào năm 2017 sẽ bao gồm những nguyên tắc đánh giá các tác phẩm Thangka, theo ông Wangchen.

Những tiêu chuẩn này sẽ cải thiện chất lượng của tác phẩm và bảo vệ các họa sĩ theo nghề truyền thống này.

Thangka là một hình thức tranh lụa có niên đại từ thời Vương quốc Tubo Tây Tạng (khoảng năm 629-840). Thangka luôn được vẽ với chất màu hữu cơ và khoáng vật có nguồn gốc từ các vật liệu như san hô, mã ngão, ngọc bích, ngọc trai và vàng, do đó màu sắc trên các bức tranh Thangka có thể tồn tại qua hàng thế kỉ.

Các bức tranh Thangka, các nghi lễ, hàng thủ công mỹ nghệ và những tác phẩm điêu khắc của Tây Tạng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Phi vật thể của nhân loại vào năm 2009.

Là một hình thức nghệ thuật Phật giáo, những bức tranh Thangka thường được treo lên các bức tường của những ngôi nhà trong các gia đình Tây Tạng để thờ phụng. Ngoài ra, tranh Thangka còn là món quà kỉ niệm lý tưởng dành cho du khách.

Trong những năm gần đây, thị trường tranh Thangka đã phát triển mạnh mẽ. Hơn 3000 người đã tham gia vào ngành công nghiệp này ở Tây Tạng.

“Vì Thangka ngày càng trở nên nổi tiếng, chúng ta nên tiêu chuẩn hóa các tác phẩm Thangka và tiếp thị để phát triển loại hình nghệ thuật đặc sắc này”, Nyima Tsering, một quan chức thuộc bộ phận văn hóa khu vực, cho biết.

Theo Dân Nguyễn (Dịch từ CRI)/ Pháp bảo