.
.

NGỒI THIỀN


Trong khi ngồi thiền, đầu tiên là mình để ý tới hơi thở. Thở vào mình có thể nói: “Con mời Bụt thở bằng phổi của con”. Vừa mời xong thì lập tức Bụt sử dụng phổi của mình để thở liền. Trong khi thở như vậy, cơ thể của mình rất buông thư, và mình nếm được pháp lạc. Chỉ khi nào ngồi thiền mà có pháp lạc thì khi ấy bạn biết rằng mình đang thở đúng. Còn ngồi thiền mà không có pháp lạc tức là bạn đang thở sai rồi đó. Có thể là lúc ấy bạn đang cố gắng quá nhiều, dụng công quá nhiều, nên bạn cảm thấy cả thân lẫn tâm mình bị căng thẳng. Thở chứ có làm gì đâu mà phải dụng công?

Tiếp theo, mình mời Bụt ngồi bằng cái lưng của mình. Mời xong thì cái lưng của mình tự động thẳng lên, bởi vì một khi Bụt đã ngồi thì Bụt ngồi rất thẳng. Mình ngồi với cái lưng của Bụt chứ nhất định không chịu ngồi với cái lưng của bà ngoại.
Chúng ta bắt đầu ngồi thiền bằng việc điều thân và điều tức. Điều thân là điều chỉnh tư thế ngồi của mình cho ngay ngắn, buông thư. Cái đầu không cúi quá cũng không ngước lên, thân buông thư thật mềm mại. Điều tức là điều hòa hơi thở. Hơi thở có ý thức làm cho cái tâm thấm vào trong cái thân và cái thân thấm vào trong cái tâm. Khi thân tâm đã nhất như, đã buông thư rồi thì trong người sẽ khoẻ nhẹ, dễ chịu. Mỗi khi ngồi thiền chúng ta đều phải làm việc này trước hết. Làm sao để mỗi khi ngồi thiền thân tâm phải buông thư, phải cảm thấy dễ chịu, thư thái trong giây phút ấy.
Bạn chỉ ngồi đó ý thức, để ý tới hơi thở mà không cần phải làm gì hết vì cuống óc đã phụ trách nhịp thở và nhịp đập của trái tim rồi. Còn nếu bạn muốn thì bạn có thể kéo dài nhịp thở của mình để có thêm pháp lạc. Thành ra, khi mình thở vào, thở ra có ý thức thì hai cánh tay, hai bờ vai rồi toàn thân từ từ được buông thư trọn vẹn. Khi thấy thân của mình đang thư giãn, nhịp đập của trái tim chậm lại, tức là khi ấy hệ thống miễn dịch đang được củng cố. Lúc này cơ thể của mình có khả năng tự trị liệu được những đau đớn trong thân cũng nhưng trong tâm.
~ Thiền Sư Nhất Hạnh
Hình ảnh có thể có: 1 người
_St_
ảnh và tin: Bổn An Thư – TTTT