.
.

Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam


Chúng ta cần quyết tâm hơn trong thái độ tiêu dùng hàng ngày của mình là: Người Việt dùng hàng Việt. Và cũng mong chờ các nhà doanh nghiệp Việt Nam thể hiện lòng yêu nước của mình để hàng Việt chinh phục được người Việt.

Văn học Phật giáo có một bài thơ mà hai câu kết rất hay: “Mái chùa che chở hồn dân tộc, Nếp sống muôn đời của tổ tông”. (Huyền Không) Hồn dân tộc chính là bản sắc văn hóa của dân tộc. Đạo Phật hội nhập dòng văn hóa Việt đã trở thành mạch sống của dân tộc, như nhà thơ Hồ Dzếnh đã nói:

“Trang sử Phật,

Đồng thời là trang sử Việt,

Trải bao độ hưng suy,

Có nguy mà chẳng mất…”.

Sự gắn kết bất khả phân ly với nền văn hóa dân tộc đã trở thành truyền thống tốt đẹp của đạo Phật suốt hai ngàn năm qua. Sứ mệnh của đạo Phật là bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc ấy. Điều này rất có ý nghĩa trong thời đại ngày nay, như một học giả đã viết: “Trong thời đại toàn cầu hóa và khi thế giới ngày càng trở nên “phẳng” hơn thì việc đề cao bản sắc văn hóa, giữ gìn văn hóa lại càng nên coi trọng. Văn hóa cũng là một biên giới. Để mất cái biên giới này là nguy hại cho đất nước”(Lê Thiết Cương, Vietnamnet).

Truyền thống quay về với những giá trị của văn hóa dân tộc, với những cảm xúc nặng về tinh thần hơn là những giá trị vật chất của cha ông ta từ ngàn xưa, khi dân tộc phải đối mặt với nguy cơ mất nước. Sự hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích quốc gia đã được lịch sử chứng minh qua nhiều thời đại.

Có những đúc kết nôm na, giản dị nhưng nặng tình yêu quê hương như: “Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”(Ca dao) là những đạo lý thấm đẫm lòng yêu nước thương nòi. Hơn nữa, tiêu đề của cuộc vận động sử dụng từ “ưu tiên”, điều này rất có ý nghĩa: Khi mà hai sản phẩm có chất lượng và giá cả tương đương, ta nên ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Khi đã nói ưu tiên thì dù sản phẩm Việt Nam có kém đi một chút ta cũng bỏ qua như ta thường nói “Thương nhau bỏ chín làm mười”  trong văn hóa ứng xử của chúng ta.

Người Phật tử Việt Nam vốn mang trong mình sứ mệnh gắn kết và bảo tồn nền văn hóa dân tộc, tinh thần phụng sự đạo pháp và dân tộc là phương châm hành động. Trải qua 2.000 năm trên quê hương Việt Nam thân yêu này, chưa một lần bị pha loãng hay mất đi tinh thần phụng sự đạo pháp và dân tộc ấy.

Hơn nữa với tinh thần vô ngã vị tha, người Phật tử luôn nghĩ đến ích lợi và hạnh phúc của tha nhân, của cộng đồng hơn là cho bản thân mình. Trên tinh thần ấy, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” lần này đối với người Phật tử rất có ý nghĩa, là một cơ hội thể hiện lòng yêu nước, thể hiện bản sắc văn hóa và nhân văn của mình: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Chúng ta cần quyết tâm hơn trong thái độ tiêu dùng hàng ngày của mình là: Người Việt dùng hàng Việt. Và cũng mong chờ các nhà doanh nghiệp Việt Nam thể hiện lòng yêu nước của mình để hàng Việt chinh phục được người Việt.

Thích Viên Giác