.
.

Vai trò người phát ngôn của Giáo hội


Hướng tới Đại hội đại biểu Phật giáo TP.HCM lần thứ IX (nhiệm kỳ 2017-2022), về công tác thông tin – truyền thông, tôi có một vài suy nghĩ vốn là những tâm tư từ lâu của tôi trong công tác này. 


1.jpgViệc phản ứng và có những phát ngôn kịp thời là cách để giảm thiểu sự khủng hoảng về truyền thông

Chúng tôi nghĩ trong nhiệm kỳ mới, Giáo hội nên hoạch định rõ phương cách và kế hoạch về truyền thông, giao nhiệm vụ cho một vị phát ngôn chính thức. Bởi phát ngôn chính thức rất cần thiết đối với bất kỳ tổ chức, cơ quan hay đoàn thể nào, dù tổ chức đó thuộc về nhà nước hay tư nhân. Người phát ngôn có bổn phận trả lời cho cơ quan báo chí hay đối tác có nhu cầu nắm rõ và chính xác những thông tin về các hoạt động của tổ chức mình mà không cần phải là thủ trưởng hay các vị lãnh đạo. Đây là cách tốt nhất và nhanh nhất nhằm tránh những thông tin xấu, sai lệch xảy ra khá nhiều trong truyền thông hiện nay.

Phật giáo chúng ta gần đây bị động hoàn toàn trước những thông tin bôi nhọ hoặc sự việc xảy ra bất lợi. Việc không tìm đâu ra người phát ngôn chính thức khiến những sự vụ đó loan truyền theo cách “thêu dệt” do báo chí bên ngoài không biết hỏi ai, và bởi không có thông tin chính thức, những thông tin đó lại bị nhiễu do mạng xã hội loan truyền một cách chóng mặt, sự việc thường bị đẩy đi quá xa.

Trong Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN ngày 14-7-2017 tại TP.HCM, ông Bùi Thanh Hà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ đã có ý kiến: “Thay vì, thông tin nếu được định hướng ngay từ đầu thì sẽ giải quyết vấn đề thuận lợi hơn”. Chính vì không có phát ngôn kịp thời, phải chờ lãnh đạo trả lời, mà các vị tôn túc lãnh đạo thì quá nhiều Phật sự, khó có mặt khi báo chí hay cơ quan chức năng muốn tìm hiểu chính thức, điều này vô tình khiến sự việc thêm rối, tạo dư luận bức xúc trong xã hội.

Nhiều sự việc xảy ra trong vài năm gần đây đang đặt ra cho lãnh đạo Giáo hội với ban chuyên trách thông tin – truyền thông phải có ngay giải pháp thực tiễn. Đây cũng là tiếng chuông báo động, một lời cảnh báo nguy cơ đang tiềm ẩn, làm xói mòn niềm tin của tín đồ Phật tử đối với Tăng Ni hiện nay. Chúng ta không thể chỉ dựa vào vài văn bản thông tư, thông báo… hay nhờ các cơ quan báo chí xã hội hoặc các cơ quan chức năng can thiệp khi sự việc xảy ra trong chính nội bộ của mình; chính tổ chức Giáo hội phải có cách ứng phó tình thế trước và sau khi xảy ra vụ việc.

Thật ra, điều này đã được Báo Giác Ngộ nhiều lần đề xuất và có dự báo khi mạng xã hội, nhất là Facebook, càng ngày càng lan tỏa nhanh chóng. Đây là một thách thức lớn trong thời đại thông tin bùng nổ, từ những sự việc trên mạng xã hội, khi người xuất gia tham gia Facebook với ý thức còn non kém, do không được cảnh báo hoặc vô tình đã khiến cho hình ảnh đạo Phật, một tôn giáo lớn bị xã hội có cái nhìn thiếu thiện cảm…

Thực tế, Giáo hội đã có quyết định chính thức ban hành quy chế phát ngôn (ngày 5-1-2014, do HT.Thích Trí Tịnh, Chủ tịch HĐTS GHPGVN ấn ký). Tuy nhiên để vận dụng quy chế này vào hoạt động của Giáo hội vẫn còn là một khoảng cách, vì chưa được các vị lãnh đạo ban chuyên môn triển khai cụ thể, chủ yếu chỉ đề cập đến truyền tải thông tin trên website, bản tin mà không đi sâu vào lãnh vực đời sống, sinh hoạt hàng ngày của giới xuất gia.

Gần đây sự vụ “hai sư thầy triệu view” tham gia thi thố ca hát và bị công ty tổ chức sử dụng hình ảnh với yếu tố “độc, lạ” để quảng bá cho một gameshow, dự kiến phát trên sóng truyền hình, đã tạo nên phản ứng trong dư luận, cho là gây phản cảm, không phù hợp với truyền thống Phật giáo. Sự vụ này đã được vị có trách nhiệm của Phật giáo tỉnh phát ngôn chính thức, được cho là kịp thời, tuy nhiên, qua phát ngôn chính thức này, dư luận đánh giá là có phần nào đó chưa đáp ứng tình hình thực tế… đã góp phần tạo nên “làn sóng” dư luận không rõ ràng giữa khái niệm “giả dạng nhà tu” với tu sĩ xuất gia… trong Tăng Ni, Phật tử. Điều đó cho thấy người phát ngôn không chỉ làm nhiệm vụ kịp thời định hướng dư luận mà cần phải thông tin chính xác, có kiểm chứng, khách quan, chỉ cần “sai một ly là đi… một dặm”. Điều này đặt ra vấn đề là cần nâng cao vai trò của Ban Thông tin – Truyền thông Giáo hội, phải ứng xử kịp thời, chính xác, tham mưu như thế nào khi phát ngôn của Giáo hội đứng trước “sóng gió” của khủng hoảng thông tin Phật giáo trong bối cảnh hiện nay.

HT.Thích Thiện Bảo
Trưởng ban Thông tin – Truyền thông GHPGVN TP.HCM