.
.

Phật Sự, Pháp Sự, Nhân Sự


Ngày nay, thực hành những việc liên quan trực tiếp đến Tam bảo thì đều gọi là ”Phật sự”. Những việc khác như từ thiện xã hội, công quả, xây nhà, đóng giếng, làm cầu, tạo mãi, đắp đường, giáo dục, giúp đỡ người tàn tật, mở trại cô nhi dưỡng lão…được xem là ”Pháp sự”, hay còn gọi là ”đạo sự”.


????????????????????????????????????

Theo Phật Quang đại từ điển:

 “Phật sự” có nghĩa là “Lập địa”. Việc Phật. Phàm các việc làm nhằm phát huy đức của Phật, gọi là Phật sự.

Theo kinh Duy ma quyển hạ thì đức Phật đối với tất cả mọi việc đều xem là Phật sự, đó là biểu thị đức tính của Phật. Thiền tông dùng từ ngữ này để chỉ cho những việc làm nêu cao Phật pháp, như khai nhãn, an vị, niêm hương, thượng đường, nhập thất, phổ thuyết, dạy chúng…đều là Phật sự.. Đời sau gọi chung những nghi thức được cử hành trước bàn thờ Phật là Phật sự.

“Pháp sự” cũng gọi là Pháp yếu, Phật sự. Chỉ cho các việc làm có liên quan đến Phật pháp như tụng kinh, giảng kinh, trai hội…hoặc chỉ cho sự tu hành.

Pháp trụ ký (đại 49, 14 thượng) nói: “Nay ở trong chánh pháp của đức Phật Thích Ca Mâu Ni làm các pháp sự, để gieo trồng mầm lành”.

   ***
tayninh

Như thế, ngày xưa, công việc làm Đạo chưa phát triển nhiều mặt, chủ yếu hành trì, hoằng dương, nếu có những việc ngoài ranh giới đó, có tính phát huy Phật pháp, cũng đều được gọi là Phật sự hoặc pháp sự.

Ngày nay, thực hành những việc liên quan trực tiếp đến Tam bảo thì đều gọi là “Phật sự”. Những việc khác như từ thiện xã hội, công quả, xây nhà, đóng giếng, làm cầu, tạo mãi, đắp đường, giáo dục, giúp đỡ người tàn tật, mở trại cô nhi dưỡng lão…được xem là “Pháp sự”, hay còn gọi là “đạo sự”.

Nếu cùng một hình thức hành sự như trên nhưng với tâm mong cầu, ý đồ bất thiện, thì gọi là “thế sự”, vì không có bản chất của đạo đức.

Việc lẫn lộn từ “phật sự, pháp sự” lúc đầu do khởi tâm trong sáng, dần dà, nhiễm ô bởi lợi danh, đưa đến việc làm thế sự là điều không tránh khỏi nếu người hành sự thiếu cảnh giác trong mọi lúc. Những người hành sự gọi chung là “nhân sự”.

“Nhân sự” trong một tổ chức, một đoàn thể, đảm trách nhiều nhiệm vụ khác nhau, gọi chung là “chức sự”. Từ Tôn giáo đến chính trị, từ học đường đến xã hội…bất cứ tổ chức nào đều không tránh khỏi sự biến thái lệch lạc, do tâm bất định, do “Tham sân si” chủ động, do vọng tưởng lệch lạc nên đưa đến con đường xa với mục đích ban đầu.
Xưa có câu – “nhất niên Phật tại tiền, nhị niên Phật trung thiên – tam niên Phật xuất thiên”. Nghĩa là năm đầu tiên tu Phật thì luôn thấy Phật trước mắt, qua năm sau thấy Phật  lơ lững giữa tầng mây, rồi năm thứ ba trở đi không còn thấy Phật nữa mà thấy toàn chuyện phù phiếm thế tục.

Việc hành trì “pháp mạch” cũng thế, khởi đầu là phát tâm tiến tu giải thoát, quá trình nhiếp tâm vào định, do nghiệp thức tác động, hiện tướng ma tâm, hoặc hoan lạc, hoặc hỷ xả, thể nghiệm cảnh giới an lạc, trang nghiêm…hành giả không đủ kinh nghiệm của 50 ấm ma trong kinh Lăng Nghiêm cảnh báo, dễ sa lầm cứ ngỡ là chứng đắc; bám vào  thể nghiệm đó chắc chắc bị lạc dẫn vào ma ấm.Lúc bấy giờ do tâm định trợ lực nên năng lực ngũ ấm ma phát tác mạnh và hiệu quả trong mọi mưu chước, tạo thanh thế, uy tín cho  hành giả, đó là lúc hành giả trở thành quyến thuộc, con dân của ma lực. Nơi đây thuộc lãnh vực hành chứng, chúng ta không đào sâu; chỉ chú trọng vào công việc pháp sự mà những người có nhiệm vụ thực hiện cần tự cảnh giác.

Đường lối, chủ trương của một tổ chức như Tôn giáo, mục đích luôn tốt đẹp đi đến hoàn thiện. Tổ chức như thế, việc sử dụng “nhân sự” là điều không thể y cứ vào công trạng, vào lý lịch, vào tình cảm, vì lợi tức, hay vì phe nhóm mà công cử. Đối với Phật giáo chúng ta ngày nay, điều này hơi tùy tiện; Mặc dù cơ bản nhân thân trong Phật giáo quan trọng là luật giới, là thân giáo, là ý tưởng và khẩu thuyềt. Chư Tổ xa xưa truyền giáo cho môn đồ, người thân cận như thị giả chưa chắc đã được tiếp nhận “mạch pháp” của thầy,  trường hợp Thần Tú và Huệ Năng đủ chứng minh.Ngày nay, việc giao nhiệm vụ thực hiện Phật sự, pháp sự có vẻ tùy tiện, do vậy, đưa đến những tác phong thiếu nghiêm túc, làm lệch nhiệm vụ, tạo mất uy tín cho tập thể.

phat-su-nhan-suNhân sự đứng trên cương vị càng cao, thẩm quyền càng lớn, càng dễ sa ngã bởi tâm tham dục, tâm ngã mạng ngầm phát triển. Cùng một việc làm, nếu vô tư thì việc chỉ đạo có khác hơn khi không bị tỉnh cảm, thành kiến, lợi nhuận xen vào.Và người nhận nhiệm vụ, đừng nghĩ đến quyền lợi, thì tâm phục vụ sẽ đạt hiệu quả tốt. Nói thế chứ hiện nay nhân sự Phật giáo không nhiều thì ít cũng đã bị quyền lợi ám ảnh nên có hiện tượng tranh chức chạy quyền, đấu đá nhau không thương tiếc.

Thế gian học để có văn bằng vào đời kiếm cơm, đó là kẻ đi làm thuê, nếu học để mở mang kiến thức, sáng tạo thì đó là người có óc lãnh đạo. Cũng thế, một tu sĩ học rộng hiểu nhiều, giới đức tinh nghiêm là người có tâm hoằng truyền Chánh pháp, ngược lại, học vì quy chế của giáo hội sau này ra trụ trì, được phép nhận đệ tử, chọn cảnh chùa để nương thân qua ngày đoạn tháng, là người an phận thủ thường. Tuổi hạ giúp trao dồi giới đức là bậc “phát túc siêu phương”, đi nhập hạ để đủ tuổi Đạo theo định chế của Giáo hội hầu được công cử đảm nhận chức việc chỉ là cán bộ của tôn giáo, dĩ nhiên lợi dưỡng sẽ theo đó mà phát triển; Danh-Lợi-Tình không chóng thì chày sẽ nhận chìm nhân sự đó vào cỏi vô minh.

   ****

Trên 30 năm hiện hữu một GHPGVN, trãi qua bao thăng trầm, học được lắm bài kinh nghiệm thành công và thất bại, thế nhưng, việc tuyển chọn nhân sự vào các chức vụ trong 13 ban ngành của Giáo hộivẫn là chuyện chưa đạt tiêu chuẩn: đúng người – đúng việc – đúng tài – đúng khả năng và có giới đức. Những bậc chân tu và chuyên tu, thường họ  sống lặng lẽ, cách xa một tổ chức bát nháo.  “con đường danh lợi cong cong, kẻ trông ra khỏi người mong bước vào” luôn đúng với thực tế.

Muốn một tổ chức lớn mạnh, vững chắc và hoạt động hiệu quả, nhân sự vẫn là yếu tố quan trọng. Hiến chương GHPGVN hiện nay, việc tuyển dụng nhân sự “vượt tuyến” là điều bất khả thi. Kế thừa chủ quản đầu ngành vẫn là phó trực. Chính đó là con đường tiến thân để những ai còn tham vọng tranh thủ lên chức “phó trực”. Còn bao vị giới đức tinh nghiêm chưa được trọng dụng, đành nằm trong tay kẻ trên nhiều bất tịnh; một tổ chức như thế làm sao hoạt động hiệu quả và lớn mạnh. Tổ chức Giáo hội hiện nay chủ yếu duy trì hình thức sinh hoạt hơn là cần một tổ chức nhiều sáng kiến năng động để phát triển Phật giáo. Như thế đừng thắc mắc tại sao ngoại đạo phát triển mạnh ngay trong lòng tín đồ Phật giáomà các sư vẫn an phận chức vị và thừa hưởng sự hỷ cúng của một số tín đồ  còn mang cặp kính màu xanh.

***

Tháng 11 năm 2017 đủ một chu kỳ 5 năm tái cấu trúc Giáo hội, dĩ nhiên, nhân sự cũng đã được an bài để  Đại hội chỉ làm thủ tục hành chánh chứ không công khai công cử, nghĩa là công khai nhân sự chứ không lấy ý kiến về những nhân sự “Đảng cử dân bầu” như ngoài xã hội. Thời gian này, ban tổ chức nên xét lại một cách công tâm để tuyển chọn nhân sự xứng đáng với chức vụ và đạo đức, tài năng. Không chỉ đất nước đang hội nhập thế giới, Tôn giáo như đạo Phật cũng từng bước có mặt trên một số quốc gia châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, đòi hỏi nhân tài thật sự của một cán bộ năng động chứ không cần một nhân sự cần mẫn nghiêm túc thừa hành mệnh lệnh như lâu nay. Và dĩ nhiên, ngoài nhiệm vụ đối với Giáo hội, nhân thân cần tinh nghiêm giới đức, không chỉ làm gương cho tín chúng mà còn là hành trang cho lai sanh khi nhân thân quả mãn.

Tứ chúng hiện nay đang mong có một tổ chức Phật giáo vững mạnh và trong sạch, tự quyết và sáng tạo. Một Giáo hội chủ động hơn là thừa hành.

Ngưỡng mong cho một Đại hội có nhiều thay đổi.

Bài viết: “Phật Sự, Pháp Sự, Nhân Sự”
Minh Mẫn