.
.

Phát ngôn: cần cẩn trọng!


Bên cạnh những thông tin về các hoạt động mùa Vu lan trong, ngoài nước thì có lẽ, những ngày qua, vấn đề bạn đọc và Tăng Ni, Phật tử quan tâm nhất chính là phát ngôn của TS.Nguyễn Ngọc Mai – Viện Nghiên cứu Tôn giáo VN, đã được Giác Ngộ online đăng bài phản ánh hôm 19-8 qua. Vụ việc này gợi lên rất nhiều điều đáng ngẫm…

phatngon.jpg

Từ chuyện “lỗi đánh máy” ở Lào Cai

Đầu tháng 8 vừa rồi, báo chí thông tin, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh chụp lại văn bản thông báo của Công an huyện Si Ma Cai (Lào Cai) do Thượng tá Trịnh Minh Phú, Phó Trưởng Công an huyện ký với nội dung: “Ngày 27-7-2016, Công an huyện Si Ma Cai nhận được Công văn số 1177/CAT-PV11 của Công an tỉnh Lào Cai thông báo, tại địa phận giáp ranh Việt Nam – Trung Quốc, tỉnh Hà Giang trong 6 tháng đầu năm 2016 đã xảy ra 16 vụ/16 nạn nhân bị bắt cóc, mổ lấy nội tạng (gan, thận, tim, mắt…).

Qua xác minh, nắm được các đối tượng là người Trung Quốc, tổ chức thành từng nhóm từ 3 đến 5 đối tượng, sử dụng xe ô-tô (không có biển kiểm soát), đối tượng tập trung vào những gia đình có người già, trẻ em ở, học sinh các trường tổ chức đi học ngoại khóa, trẻ em đi chăn thả gia súc, làm nương rẫy một mình… Các đối tượng bắt cóc đưa lên ô-tô, đến khu vực vắng rồi mổ lấy nội tạng.

Để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả loại tội phạm này, lãnh đạo công an huyện yêu cầu công an các xã, các trường học trên địa bàn huyện thông báo đến toàn thể nhân dân và học sinh các phương thức thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này, tuyên truyền cho mọi người khi đi đến gần khu vực biên giới không nên đi một mình mà đi theo nhóm 3 người đến 5 người để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Khi phát hiện đối tượng nghi vấn có các hành vi hoạt động như đã nêu ở trên, báo cáo kịp thời về công an huyện để phối hợp bắt giữ đối tượng”.

Nội dung văn bản trên được đăng trên nhiều báo, tuy nhiên, ngay sau đó, báo Tiền Phong có tin vào ngày 11-8, cho biết, trao đổi với phóng viên, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến – Cục trưởng Cảnh sát Hình sự (C45) Bộ Công an khẳng định, thông tin bắt cóc lấy nội tạng tại Hà Giang là bịa đặt. Đại diện Công an Hà Giang cũng cho biết, Công an Lào Cai xác nhận họ… sơ suất trong soạn thảo văn bản. Chiều 11-8, Đại tá Lê Văn Canh – Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Hà Giang khẳng định không có vụ việc nào như vậy và cũng không đưa ra thông tin đó.

Liên quan tới vụ việc trên, báo Tuổi Trẻ ngày 12-8 đăng tin “Thu hồi văn bản soạn thảo nhầm lẫn”, cũng cho biết, cơ quan Công an tỉnh Lào Cai nói rằng, nội dung văn bản do Thượng tá Trịnh Minh Phú ký là không đúng sự thật (thực tế không có chuyện như vậy) và phía huyện Si Ma Cai đã có cuộc họp khẩn – xác định văn bản chỉ có tính chất cảnh báo, phòng ngừa tội phạm, nhưng quá trình soạn thảo có nhầm lẫn nên đưa thông tin không chính xác. Công an huyện sở tại và Thượng tá Phú đã rút kinh nghiệm về vụ việc.

Đến vụ Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Mai với phát ngôn lệch lạc về nguồn gốc lễ Vu lan

Như Giác Ngộ online đã thông tin, trong chương trình Cuộc sống 24H phát trên kênh truyền hình kỹ thuật số VTC14 vào ngày 17-8-2016, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Mai phát biểu: “Cái lễ Vu lan bắt nguồn từ một cái tích trong Phật giáo. Đó là có một người đi tu tên là Mục Kiền Liên, là sau khi mà tu thành chánh quả, thành vị Đại Bồ-tát thì trí tuệ rất là thông tuệ. Đấy là một trong những đệ tử được ‘cưng’ nhất của Đức Phật. Khi ông ấy đạt được mức độ thông tuệ thì ông đã dùng tâm nhãn của mình để nhìn thấu xuống dưới địa ngục. Khi nhìn xuống dưới địa ngục thì thấy rằng là mẹ đẻ của mình bị đọa đày rất là khổ sở. Thế thì Mục Kiền Liên mới tâu với Đức Phật xin được thỉnh kinh Vu lan và làm các phép thần thông để phá ngục cứu mẹ. Khi cứu mẹ như thế thì mẹ của Mục Kiền Liên được cứu ra.

Và chuyện còn kể rằng khi được cứu ra thì bà biến thành một con chó và hàng ngày quấn quýt bên ông ấy để thể hiện một sự hối lỗi của mình. Mục Kiền Liên sau đó dùng một phép thuật của mình để biến mẹ trở thành người. Và ông ấy đã dùng tâm đức của Phật giáo để mà khuyên giải mẹ và từ đấy bà mẹ đã ngộ được ra cái chân lý và hai mẹ con cùng ăn chay niệm Phật. Và sau đó đến một ngày đẹp trời thì bà ấy được trở về trời” (xem đầy đủ trên Giác Ngộ online ngày 19-8).

Phát biểu này trong một nội dung được nhà đài giới thiệu là “vì nhiều người chưa hiểu rõ về Vu lan và ngày xá tội vong nhân cũng như lễ cài hoa hồng” – nên trở thành “tâm bão” của dư luận. Sở dĩ nhiều người cảm thấy phát biểu này kỳ cục, phản ứng gay gắt là vì nội dung của bà Mai nói không dựa trên kinh điển cũng như chính truyện về duyên khởi của Vu lan bồn, của mùa Báo hiếu vốn rất phổ biến. Và do, bà Mai được giới thiệu là “chuyên gia văn hóa”, học vị tiến sĩ, đến từ Viện Nghiên cứu Tôn giáo Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).

Cẩn trọng khi nói hoặc viết

Hai vụ việc trên thoáng thấy không liên quan, nhưng nó cùng một… bệnh. Đó là việc phát ngôn, truyền tin đã không được tự thân người làm công tác ấy kiểm duyệt kỹ. Nội dung phát đi không đúng với thực tế khiến dư luận đổ vào bày tỏ bức xúc, gây ra phản ứng theo hướng xấu (không đáng có và lẽ nên không được phép đối với những người có vị trí quan trọng cũng như học vị cao trong xã hội).

Thường, những người có vị trí, học vị cao thì những điều người ấy nói và cao hơn là ký tên, đóng dấu – nghiễm nhiên trở thành “khuôn vàng thước ngọc” trong việc định giá niềm tin đối với quần chúng. Do vậy, nếu được mời phát ngôn hay chủ động phát ngôn, thông tin một vấn đề nào đó, bản thân người ấy cần phải cẩn trọng, chắc chắn.

Hơn nữa, những vấn đề liên quan tới học thuật hoặc cuộc sống đương đại với những sự việc cấp bách, nhạy cảm như lương thực, thực phẩm, an ninh trật tự, tôn giáo… càng cần phải cẩn trọng, suy nghĩ từng từ, từng ý khi viết, khi nói – bởi, tác động định hướng rất lớn, được nhiều người quan tâm mạnh mẽ. Theo đó, một khi có lỗi, dù là chủ quan không chuẩn bị kỹ hoặc nhận thức chưa đúng, hay chỉ là nội dung ở nghĩa hẹp thuộc về văn hóa vùng miền mà quy thành nội dung mang tính phổ quát rộng rãi thì chắc chắn hứng chịu búa rìu dư luận.

Riêng, đối với người làm công tác truyền thông cũng cần thận trọng trong mọi bản tin được đăng tải, phát sóng. Bạn đọc, khán-thính giả luôn có khả năng thẩm định và đặc biệt rất đa dạng, cũng như nhiều trình độ khác nhau. Do đó, có những nội dung nếu sai sót thì sẽ gây ngộ nhận, để lại hậu quả nghiêm trọng, khiến người xem, người đọc, người nghe hiểu không đúng về một con người, sự việc. Một khi nhận thức không đúng thì hành động chắc chắn cũng sai theo. Trong khi đó, báo đài vốn là kênh được số đông đặt niềm tin gần như tuyệt đối thì việc người làm truyền thông dễ dãi trong sản phẩm của mình sẽ rất nguy hiểm. Ngoài gây nhận thức sai cho bạn đọc tin tưởng mình thì còn là tự hại mình – vì sau những cái sai như vậy luôn khiến uy tín kênh thông tin của mình giảm xuống đáng kể.

Trước đây, kênh truyền hình quốc gia Việt Nam (VTV) cũng đã có nhiều lần sai như cho dời thủ đô nước ta sang tận Trung Quốc đến việc dàn dựng một phóng sự về trồng rau ở Thanh Hóa… khiến mọi người bất bình, để lại những “vết thương” không nhỏ trong lòng khán giả. Tuy nhiên, những cái sai đó luôn được nhà đài xin lỗi công khai, hứa rút kinh nghiệm.

Xét cho cùng, thì đã là con người, dù làm công việc gì cũng có lúc sai do nhận thức, suy nghĩ non kém, do không cẩn thận… Người làm báo, phát ngôn cũng vậy. Nhưng, sai thì cần phải sửa, phải chủ động nhận lỗi. Làm được vậy là biểu hiện của một người mạnh mẽ, một tập thể có sự tự trọng. Khi mỗi người, mỗi tổ chức hay lớn hơn là mỗi quốc gia có sự tự trọng thì đương nhiên sẽ nhận được sự tôn trọng của người khác, quốc gia khác, thậm chí của cả đối thủ.

Thiết nghĩ, một cá nhân hay một tập thể dám chịu trách nhiệm với việc mình làm thì chắc chắn họ sẽ làm tốt hơn trong tương lai, sẽ luôn được khách hàng, bạn đọc tin cậy vì bản thân việc ấy đã cho thấy một thiện chí phục vụ chân thành. Sự chân thành và nghiêm túc với tự thân, không chống chế khi sai lầm bao giờ cũng là cầu nối đến trái tim người khác gần nhất. Chắc chắn là như thế!

Lưu Đình Long (GNO)