.
.

Nguy cơ tiềm ẩn từ hiện tượng tuổi trẻ hành đạo sớm


Gần đây, hiện tượng tu sĩ vi phạm giới luật, được dư luận đặc biệt quan tâm, đáng báo động ở mức độ nghiêm trọng, ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài đến sự thịnh suy của đạo Phật.

Ngoài những nguyên nhân thông thường, một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên, có thể dễ dàng thấy được, đó là việc tu sĩ xa rời Tăng đoàn, dấn thân hành đạo trong khi kinh nghiệm tu tập cũng như các ứng xử khác chưa thực sự cần và đủ của một vị Sứ giả Như Lai.

Điều nguy hiểm nữa, việc đó lại chưa được Giáo hội quan tâm đúng mức, xem xét trong quyết định bổ nhiệm trụ trì cũng như giao các trọng trách Phật sự khác.

hanhdao90540593_400x320
Trên bước đường tu – Ảnh minh họa

Một trong những tiêu chuẩn quan trọng liên quan tới giới luật Phật chế trong nhiều nội dung để xét bổ nhiệm một vị trụ trì, theo Nội quy Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN, đó là vị Tăng / Ni đã thọ giới Tỳ-kheo 5 năm (hoặc có tuổi hạ 5 năm). Và văn bản làm cơ sở cao nhất liên quan tới việc quản lý Tăng sự này quy định, vị trụ trì sau khi được bổ nhiệm 2 năm có thể nuôi nhận đệ tử xuất gia.

Trong khi ấy, về giới luật dành cho người xuất gia lại quy định khác. Liên quan tới nội dung người xuất gia được phép nuôi nhận đệ tử, tại phần “Yết-ma súc chúng”, Đức Phật quy định vị Tỳ-kheo tối thiểu phải đủ 10 tuổi hạ mới có điều kiện xét cho nuôi nhận đệ tử. Và số lượng 10 tuổi hạ cũng chưa phải là điều kiện đủ, mà cần xét thêm trình độ hiểu biết về giới luật, pháp hành, tư chất làm thầy…, những điều kiện đó phải được sự đồng thuận của tập thể – Tăng sau thủ tục xin ý kiến (yết-ma) và được sự đồng thuận nghiệm xét của Tăng.

Tư cách làm thầy, việc dấn thân hành đạo đã được Đức Phật quan tâm và chế định rất rõ ràng trong Luật tạng. Giới luật là sinh mệnh của người xuất gia. Nếu là Tăng Ni, nhưng làm ngơ, không tuân thủ giới luật thì chắc chắn đó chỉ là hình thức xuất gia, như cái xác không hồn, không xứng đáng đại diện cho đạo Phật.

Trong bài trả lời phỏng vấn báo Giác Ngộ, nói về tình hình của Phật giáo Việt Nam hiện tại, Đức Đệ tam Pháp chủ Thích Phổ Tuệ đã nhận định: “Từ nhiều năm nay tất cả các sơn môn, các hệ phái Phật giáo nước nhà đã được thống nhất trong một tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Giáo hội đã đoàn kết được Tăng Ni cả nước để cùng thực hiện các Phật sự lớn không chỉ ở tầm quốc gia mà còn ở cả tầm quốc tế. Tuy vậy, việc duy trì luật lệ trong từng sơn môn có phần lơi lỏng, đó là nguyên nhân khiến một bộ phận Tăng Ni không được kiềm thúc vào khuôn khổ, xa rời giới luật”.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập đã gần tròn 35 năm, hiện đã kiện toàn bộ máy hành chánh, hệ thống tổ chức từ Trung ương đến quận / huyện / thị xã. Mong rằng Giáo hội quan tâm hơn nữa đến việc quản lý Tăng Ni, có những chỉnh đốn, đánh giá trong việc bổ nhiệm nhân sự các cấp Giáo hội một cách nghiêm ngặt hơn.

Đặc biệt, đối với việc bổ nhiệm trụ trì, ngoài những yếu tố mang tính hành chánh, cần quan tâm tới vấn đề tới đạo lực – kinh nghiệm hành trì và nhận thức về giới luật của người tu, có những khóa bồi dưỡng giới luật, tránh nhiều vị đại diện cho Giáo hội, là người xuất gia nhưng có các hành vi, những biểu hiện không phù hợp với giới luật của người tu, làm tổn thương niềm tin của số đông về Tăng đoàn, về Phật giáo.

Thích Pháp Hỷ