.
.

Hưng Yên: Chùa Nễ Châu – “Di tích Quốc gia đặc biệt” kêu cứu


Chùa Nễ Châu có tên chữ là “Thụy Ứng tự”, nằm ở phía Đông Nam thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên). Ngôi chùa được xây dựng vào thế kỷ thứ X. Lúc mới đầu, chùa Nễ Châu chỉ có 3 gian nhà lá với những pho tượng rất uy nghi. Đến khi Lê Hoàn và Giới Quốc công đi qua đây, thấy ngôi chùa đẹp nhưng lại đang bị đổ nát, nên đã cho khởi công xây dựng một ngôi chùa mới trên nền đất cũ (tức chùa Nễ Châu ngày nay).

Theo cuốn “Đất Hưng Yên” của Phạm Như Tiên và gia phả dòng họ Nguyễn thì chùa Nễ Châu gắn liền với tên tuổi bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh. Truyền thuyết kể lại rằng: “Trong xã Nễ Châu bấy giờ có gia đình ông Nguyễn Tín và bà Trần Thị Hiên. Hai vợ chồng đều hiền lành nhân hậu mà về phận con cái lại muộn màng. Năm ấy, ông Nguyễn Tín đã 36 tuổi, còn bà vợ 33 tuổi mới có thai. Đến ngày 15 tháng Giêng năm Bính Thân sinh được một người con gái, đặt tên là Nguyễn Thị Ngọc Thanh; vợ chồng ông hết mực yêu quí và chiều chuộng. Ngọc Thanh khi sinh ra đã đẹp, đến năm 19 tuổi trở thành một bậc tuyệt sắc giai nhân, tiếng lành đồn xa, trai tráng khắp nơi ai cũng muốn trở thành phu quân của nàng.

Vừa khi ấy, Lê Hoàn về đóng quân trấn ải ở đây để chống quân Tống, thấy bà xinh đẹp đã lấy làm vợ và xây dựng một “Ngọc Dinh thự”. Không những thế còn mua thêm nhiều đất, rồi phong cho Nguyễn Thị Ngọc Thanh làm chính thất phu nhân và mời cha mẹ nàng về ở cùng trong “Ngọc Dinh thự”.

Tuy nhiên, trong thời gian đó, việc nước chưa ổn định, chiến tranh còn xảy ra, Lê Hoàn còn phải xông pha bên ngoài mặt trận. Ngọc Thanh ở lại vùng đất Nễ Châu giúp Lê Hoàn cất dấu lương thảo và chiêu mộ binh sĩ.

Khi đất nước được hoàn toàn độc lập, Lê Hoàn đã giúp Đinh Bộ Lĩnh bình định được Thập Nhị sứ quân. Vua Đinh Tiên Hoàng lên ngôi hoàng đế, đóng đô ở Hoa Lư và phong Lê Hoàn làm Tổng quốc nguyên soái. Lúc triều Đinh xụp đổ, Lê Hoàn lên làm vua, có cho người về dựng lại ngôi chùa Nễ Châu để bà Ngọc Thanh tu ở đấy. Khi bà Ngọc Thanh qua đời, nhà vua cho lập đền thờ ngay trước cửa chùa Nễ Châu để phụng thờ”.

a

Sư thầy Thích Đàm Phương, trụ trì chùa Nễ Châu

Chùa Nễ Châu được xây dựng với kiến trúc “nội công ngoại quốc”. Sát với đường Phố Hiến là Tam quan chùa. Phía sau tam quan là một sân rộng, có đường nhất chính đạo chạy thẳng vào Tiền đường, Thượng điện. Hai bên là hai dãy hành lang. Nhưng trải qua những thăng trầm biến động của lịch sử, chùa đã bị hư hại đi rất nhiều, hiện tại phần chính của chùa Nễ Châu gồm có Tiền đường, Thượng điện và một dãy hành lang bên trái. Song song với dãy hành lang bên trái là một cái sân nhỏ, tiếp đến là nhà thờ Tổ và Mẫu, phía sau Thượng điện có vườn tháp. Ngoài ra còn có các công trình phụ trợ khác như nhà bếp, bể nước, ao chùa,… Toàn thể mặt bằng của chùa, bố trí các khu nhà khá cân đối, tạo thành một tổng thể kiến trúc cân xứng, hài hòa.

Đến nay, chùa Nễ Châu đã 2 lần được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử: Xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1992; xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2015. Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, di tích này đang bị xâm hại nghiêm trọng khi có một số hộ gia đình sát vách với nhà chùa, xả thải các thứ nước bẩn từ nhà vệ sinh và chuồng trại vào đất chùa, làm ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước, gây mùi hôi khó chịu ở ngôi chùa được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt này. Đồng thời, một số hộ dân ở liền kề với ngôi chùa này còn không ngần ngại khi xây dựng lấn chiếm đất chùa và giếng cổ của nhà chùa làm ảnh hưởng đến cảnh quan, kiến trúc ngôi chùa.

b

Cũng do đất chùa bị lấn chiếm, nguồn nước khu vực chùa bị ô nhiễm,… sư trụ chì Thích Đàm Phương đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền sở tại và gửi đơn đi nhiều nơi để đòi lại diện tích đất chùa bị lấn chiêm và xây dựng tường bao quanh khu vực di tích. Nhưng suốt từ năm 2001 đến nay, nguyện vọng đó của nhà chùa vẫn chưa được giải quyết. Tình trạng đó kéo dài, dẫn đến việc chùa Nễ Châu bị kẻ trộm lẻn vào chùa lấy đi nhiều cổ vật có giá trị; Cảnh quan, kiến trúc ngồi chùa được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt đang bị bóp mép, biến dạng; nước thải từ một số các hộ dân liền kề với nhà chùa chảy vào giếng chùa, ao chùa gây ô nhiễm, mất cảnh quan khu di tích.

c

Hộ gia đình sát vách với nhà chùa, xả thải nước bẩn từ nhà vệ sinh và chuồng trại chăn nuôi vào đất chùa, gây mùi hôi khó chịu.

Trước sự việc trên, rất cần sự quan tâm của các cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc để xem xét, giải quyết thấu đáo, để giữ gìn nguyên vẹn quần thể di tích Quốc gia đặc biệt này. Đồng thời, chính quyền sở tại cần có những hành động và việc làm thiết thực, giúp sư trụ trì Thích Đàm Phương đòi lại được diện tích đất chùa đang bị lấn chiếm; đo đạc lại và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho quần thể di tích chùa Nễ Châu; giúp nhà chùa xây tường bao để bảo vệ quần thể di tích và ngăn chặn triệt để tịnh trạng một số hộ dân liền kề xả nước thải vào khu vực chùa gây mất mĩ quan khu di tích và gây ô nhiễm nghiêm trọng ở khu vực di tích Quốc gia đặc biệt này.

Văn Bình