.
.

Sao mẹ chịu thương cha?


Sau mỗi cơn nóng nảy của cha, tôi thường hỏi mẹ vậy.

Mẹ cười, hồi đó lấy chồng không dễ ra riêng ngay như bây giờ, khi gật đầu với người ta là coi như gật đầu chịu làm dâu. Mà thời đó… bao nàng dâu chỉ biết nuốt nước mắt.

nhauchay.jpg
Nghĩ về cha – Ảnh minh họa

Mẹ kể bà nội chăm chỉ đi chùa lắm. Dân buôn bán, cực chẳng đã lỡ đụng chuyện phải nghỉ vài ngày là đủ mối lo, lo mất khách lo sạp kế bên giành mối rồi thì tiền đâu mà góp hụi ngày, có hụi ngày mới có hụi tháng…

Vậy mà bà nội đều đều mỗi tháng nghỉ bán mùng một và rằm. Mấy sạp gần quanh đó ngày nào không thấy bà nội dọn hàng mà có khách hỏi thăm là họ trả lời: “Tới chùa chắc chắn gặp liền”. Có người chỉ dẫn rõ ràng hơn: “Không gặp liền thì đợi chút xíu, coi chừng là đi chợ mua ngò thơm đó”.

Vậy, bà nội đi chùa làm công quả. Việc gì cũng làm không nề hà. Lau chùi, quét sân, tỉa lá héo úa những chậu kiểng, phụ bếp… Lần đó nhà bếp quên chút ngò thơm nêm canh nhờ bà nội đi mua trở thành giai thoại vì tiền đi xe ôm ra chợ tốn gấp sáu lần tiền ngò thơm. Mọi người trách bà bếp chính khó tính không đáng, lỡ thiếu tí rau nêm thì có sao. Người thì nói ủa, bếp chùa nấu chay mà cũng kỹ tính vậy à? Bà nội lắc đầu, nồi canh rau nêm chút ngò thơm để mấy chú ngon miệng hơn là điều rất nên làm. Quý thầy tu sâu sắc rồi thì sao cũng được, thương là thương mấy điệu mấy chú còn trẻ quá, mình chẳng giúp được gì, tí tiền xe ôm tính toán so đo làm chi.

Là mẹ nghe người ta kể lại vậy chứ ngay khi đó mẹ chưa biết bà nội. Mẹ chỉ là người bán mớ ngò thơm. Nói đúng hơn, mẹ là con của bà bán rau. Chợ trưa rồi, thấy cái xe thồ thắng kít lại tưởng gặp may được khách mua bao hết gánh rau ế giùm cho, ai ngờ chỉ lấy mấy cọng ngò. Mẹ xịu mặt. Bà nội kêu lên: “Con nhỏ này được phước trời cho mặt mũi dễ thương mà sao bí xị nhìn dễ ghét uổng quá vậy. Cười lên đi cưng”.

Mấy gánh hàng chung quanh cười ồ mà mẹ không cười nổi, chỉ thấy sượng sùng. Bà nội tiếp tục: “Đừng có để chuyện bán được mớ rau hay không khiến mình buồn vui con à. Mớ rau mà làm chủ được cái tâm của mình sao con?”.

Rất lâu sau mẹ mới hiểu được lời nội nói, còn khi đó mẹ chỉ thấy rối rắm. Rồi thì bà nội thường xuyên tới mua rau. Nhớ lời bà nội nên mẹ luôn cố gắng mỉm cười, chỉ là để lấy lòng khách thôi. Nào ngờ một ngày kia bà nội nói: “Thiệt tình là con trai bác hơi nóng tính, mà con chịu làm dâu bác không?”.

Một bà mẹ chồng hay cười và thích người khác cũng cười vui. Dân chợ nói cô gái nào làm dâu bà nội là được phước ba đời. Vậy nên mẹ gật đầu.

Và mẹ theo bà nội đi chùa từ đó.

*

Cha thẳng thừng không thích mẹ theo bà nội đi chùa, chùa chiền là dành cho mấy bà già. Bà nội tỉnh bơ, nhờ phước đức làm công quả nên mới có được nàng dâu hiền, cha là con của bà nội nên chỉ được hưởng phước lây thôi mà cũng có được vợ vừa hiền vừa xinh đẹp.

Cha thích mẹ ăn diện rực rỡ để cha khoe vợ với bạn bè, mà mẹ chỉ thích màu sắc đằm thắm giản dị. Trước đây, mùng một và rằm, bà nội đi chùa thì cha tới quán cơm gà. Nay, có vợ rồi thì cha ăn ở nhà, nhìn mâm cơm nửa chay nửa mặn cha cau có thốt lời châm chọc là nhà chia thành hai mà mẹ là phe kia, cha còn đòi đóng cửa sổ lại rủi lỡ hàng xóm tò mò nhìn qua tưởng chồng keo kiệt cho vợ ăn toàn rau với rau.

Rồi làm sao mà cha chịu ăn chay hả mẹ?

Ừ, nhờ có con. Hôm đó là lần cuối cùng cha quăng đồ đạc vô tường, lần cuối cùng, là vì con khóc thét lên. Những lần trước, mẹ cố che chắn để con không phải chứng kiến, mà lần đó mẹ không kịp. Nỗi kinh hoàng khiến con đổ bịnh, tiếng động nhẹ cũng khiến con giật mình lên cơn co rút. Cả nhà ai cũng sợ hãi…

Không dễ có gì khiến cha sợ hãi đâu con.

Lần đầu tiên cha tự nguyện quỳ trước bàn thờ Phật để cầu xin cho con được bình an mạnh khỏe, cha hứa sẽ ăn chay…

Mới biết là cha thương con lắm. Lấy chồng có tính phong kiến mẹ không dám mong được chồng yêu chiều, nhìn thấy cha bộc lộ nỗi thương con là mẹ đủ vui rồi, nhất là con chỉ là con gái. Mẹ sinh con phải mổ, con là duy nhất. Nhiều khi nghe mấy ông hàng xóm cười cợt cha chỉ là ông ngoại, mẹ thương cha thắt lòng mà chẳng biết làm sao. Những chiều cha uống rượu tới tối chưa về, mẹ nghĩ gần xa, biết đâu cha đang cố kiếm đứa con trai. Thôi thì…

*

Vậy nên tôi ghét cha. Mẹ hiền quá nên tôi ghét giùm luôn phần của mẹ. Tỉnh rượu cha nhìn quanh nhà tìm dấu vết đổ vỡ và tỏ vẻ sẵn sàng nhận lỗi lỡ tay trong cơn say. Trong khi mẹ vội trấn an là tối qua về tới nhà là cha ngủ vùi luôn thì tôi tự hỏi vẻ sẵn sàng nhận lỗi kia có phải để che giấu sự mãn nguyện?

Bà nội hỏi tôi mong ai mà dạo này sao hay giật mình nhìn ra cổng? Ban đầu tôi nín lặng. Bà nội cứ hỏi dồn, tôi thẳng tuột luôn là chờ gặp người đàn bà của cha và thằng bé. Phải, với một thằng bé thì người ta có quyền ngang nhiên lắm.

Bà nội thảng thốt, cháu nghe ai nói?

Cháu tự biết, tôi trả lời.

Bà nội vốn hay cười mà lúc này như chết lặng. Tôi cũng chết lặng. Lời cay đắng thốt ra như lưỡi dao từ trái tim bà nội xoay ngược lại đâm vào tim tôi.

Mẹ nghẹn ngào. Đừng nói bậy, con.

Con không nói bậy. Tôi cãi bằng giọng không để mẹ nói gì được nữa. Người đàn bà đó với thằng nhóc đó mà về đây thì con sẽ đi liền. Mẹ cam chịu chứ con thì không đâu.

*

Lời tuyên bố bỏ nhà đi khiến bà nội không chần chừ phút giây nào, ngay lập tức bà nội đi tới xưởng mộc là nơi cha làm việc. Cái máy cưa inh tai. Thợ thầy đang xẻ gỗ, đơn hàng gấp, không bỗng nhiên mà đòi tắt máy được.

Cha gỡ cái khẩu trang và hét lên: “Bụi bặm điếc tai má tới đây làm gì?”.

Bà nội kể lại, lúc đó nhìn cha khó coi lắm. Mạt cưa bám đầy từ tóc xuống cổ mà cái cổ rướn lên nổi đầy gân ngoằn ngoèo, chỗ đeo khẩu trang được che chắn khiến khuôn mặt cha vằn vện.

Khi nổi giận bà nội cũng ghê gớm, bà túm vai áo kéo cha ra đường. Thợ thầy kinh ngạc đến nỗi nhấn nút tắt luôn cái máy cưa để nghe cho rõ chuyện gì mà bà già thích đi chùa đâm ra dữ dằn vậy.

Mày lăng nhăng với ai hả? Bà nội quát lên.

Cha lắc đầu, mạt cưa trên tóc cha rắc xuống tay bà nội châm chích châm chích…

Má nói gì?

Nói gì hả? Tao nói là đời tao đây chỉ đón dâu một lần thôi.

Cha dụi mắt, mạt cưa từ ống tay áo khiến mắt cha đỏ kè.

Mấy ông thợ cười ha hả. Con trai của bà nhậu chay thôi bà ơi, nhắm rượu với đậu khuôn mà bà lo gì chớ.

*

Bà nội nói tôi phải đọc kinh sám hối cái tội vọng tưởng. Mẹ tự thú là chính mẹ cũng tưởng. Bà nội bắt mẹ kể lại tỉ mỉ đúng từng câu chữ nghe ra làm sao mà tôi đòi bỏ nhà đi.

Bà nội lắc đầu, sao tôi không thấm thía: “Mới biết là cha thương con lắm” mà lại để mình thấm chuyện tào lao kia?

Cha cáu kỉnh đi lên đi xuống đi qua đi lại khắp nhà. Khi nổi nóng cha thường hay vậy, nện bàn chân khắp nhà, cứ như cái điều làm cha tức giận đang kẹt trong ngóc ngách nào đó mà chân cha sẽ đá trúng và nó chắc chắn phải văng ra tan nát.

Cha gầm lên, tưởng mấy người đi chùa hay ho lắm, ra là cũng nghĩ ngợi nói năng lung tung. Cả ngày khiêng vác gỗ ván, chiều tối anh em làm xị rượu thuốc giải mỏi mà cũng thành chuyện được à?

Không để cha có cớ suy diễn lỡ nặng lời mắc tội, bà nội át đi, may mà trắng đen rõ ràng kịp, chứ lỡ mà con gái con đứa ngu dại bỏ nhà đi…

Miệng ba đang há rộng vụt ngậm lại, tắt lịm cơn cáu kỉnh, cha nhìn tôi sợ hãi xót xa.

Tôi chỉ biết cúi đầu, đúng là tôi tưởng không đâu, nhắm rượu với đậu khuôn là cha vẫn giữ trọn lời hứa với Phật, vì tôi, đúng vậy mà…

Truyện ngắn Nguyên Hương