.
.

Những Khúc Ca Cho Thời Đại


Thế giới hiện đại đang chứng kiến sự trỗi dậy của khủng bố, bạo lực, thường trực trong đó là mối quan hệ giữa bản ngã và tha nhân, giữa từ bi và ác độc, giữa mưu cầu và buông bỏ… Do đó, thức tỉnh tâm tính con người từ thẳm sâu bản ngã yêu thương như từ xa xưa Phật giáo đã gieo truyền vào nhân thế hạt giống từ bi bác ái là một việc làm bức thiết.

Pháp Bảo xin giới thiệu đến quý vị độc giả bài viết “Những khúc ca cho thời đại” của tác giả Jamura Rao – một bài viết ngắn về các tác phẩm văn học – tôn giáo cổ điển Ấn Độ với chủ đề chính là ứng xử của con người trong chiến tranh – những mong thông điệp về Pháp, về chánh đạo sẽ đến được với con người đã và có thể “vướng vào những hành động sai lầm”.

April-17-B13-H01

(Ảnh minh họa)

Hoàng đế Ashoka (A Dục Vương), sau cuộc chiến đẫm máu Kalinga, đã nguyện lòng theo Phật giáo. Đây là một bước tiến cho hòa bình nhưng chắc chắn lại là một bước lùi đối với sự thiết lập chế độ đẳng cấp. Khi Ashoka bắt đầu ban hành các sắc lệnh riêng của mình thì chúng đã bị xem là một sự tước đoạt quyền hạn đối với những người Brahmin.

Các học giả phương Tây, với sự chú ý của họ đối với những mối quan hệ quyền lực ở thời kì bấy giờ, đã xem sử thi Mahabharata là một cuộc chiến do tầng lớp có nhiều đặc quyền Brahmin thực hiện để duy trì vị thế thống trị của họ. Tác phẩm Bhagavad Gita được viết cho người anh hùng Arjuna vì Krishna đã giục giã anh đứng lên chiến đấu như một chiến binh.

Sự nản lòng của Arjuna trên trận địa là tiếng vọng nỗi đớn đau của Ashoka nhưng nó đã bị bác bỏ như một biểu tượng bất lực. Mối ưu tư của Yudhishtara về đức hạnh đã bị Draupadi chế giễu là không phù hợp với một Kshatriya (tầng lớp chiến binh trong chế độ phân biệt đẳng cấp Ấn Độ – NAD). Chính bản thân chiến tranh được xem là sự trả thù đối với sự sa ngã trong một bộ phận những người Kshatriya trong khi tuân theo thứ Pháp được quy định của họ, thứ bao gồm cả việc tôn kính những người Brahmin và phán quyết theo luật được đặt ra bởi giới trí thức.

Tuy nhiên, sử thi Mahabharata phức tạp hơn, cho phép nó đưa ra nhiều lý giải khác nhau. Ở Nam Ấn, hoàng đế của Pallava, Mahendra Verma, sở hữu bản dịch sang tiếng Tamil của bộ sử thi này. Sau khi thất bại dưới bàn tay của Pulakesi, Chalukya của Badami, Draupadi – người mẹ đáng thương đã mất tất cả con trai của mình trong cuộc chiến – đã trở thành nhân vật trung tâm của tác phẩm (tức sử thi Mahabharata phiên bản tiếng Tamil – ND). Bà đã kêu gọi các chiến binh đứng lên và chiến đấu cho danh dự của bà. Đến lượt mình, Draupadi lại trở thành mẹ của nữ thần Shakti người đã bảo vệ các chiến binh trên trận địa. Những người Pallava cần một khúc chiến ca và nó đã được biểu diễn trên những con đường để giúp những người chiến binh của họ thêm dũng khí.

Mahatma Gandhi lại xem Bhagavad Gita theo một cách rất khác. Đối với ông, hiện thực là một chuỗi hành động mà ở đó những mối quan tâm chính là sự đúng đắn của từng hành động. Tư duy có thể trở thành bãi chiến trường nơi mà mỗi ngày nổ ra các cuộc chiến giữa thiện và ác, đúng và sai. Những cuộc chiến này, như Krishna đã nói với Arjuna trong Bhagavad Gita, con người không thể tránh được. Những người chiến thắng là những người vượt qua được dục vọng, tự ngã, tức giận và chấp trước để đảm bảo rằng họ không vướng vào những hành động sai lầm.

Sử thi Mahabharata tồn tại đượcqua nhiều thế kỉ vì những lý giải đa chiều của nó. Các giai đoạn thời gian khác nhau và những thế hệ không giống nhau đều có thể tìm thấy những ý nghĩa mới, những phát lộ mới từ trong bộ sử thi này, cho thấy sự xác tín của câu nói: “Những gì có trong Mahabharat đều có thể tìm thấy ở nơi khác, những gì không có trong Mahabharata thì ở nơi khác cũng không tồn tại”.

Theo Dân Nguyễn (Dịch từ Deccan Herald)/ Pháp bảo