.
.

Bạo lực học đường và những biện pháp khắc phục


Hiện nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng như facebook, youtube, người ta truyền tay nhau các clip về việc những nữ sinh đánh nhau ngay trong lớp học, vào giờ tan trường hoặc trên đường nạn nhân đi học. Hệ lụy mà những hành động này mang lại không thể xác định cụ thể nhưng những tổn thương tâm lý và thể xác của những nạn nhân là những điều không thể tránh khỏi. Vậy nguyên nhân và chúng ta cần phải làm gì để giảm bớt tình trạng bạo lực học đường nói trên.

Tôi còn nhớ, thời học sinh cắp sách đến trường, những nữ sinh như chúng tôi luôn được “mặc định” là yếu đuối nên tất cả những công việc nặng đều được nam sinh phụ giúp. Bất kỳ lớp học nào, các bạn nữ cũng đều chơi đùa rất vui vẻ, dẫu cho có những khúc mắc, những giận hờn và cả những lúc tranh cãi rất dữ dội, chúng tôi cũng chỉ dùng lời lẽ để nói chuyện với nhau.

Thế nhưng, gần 10 năm trở lại đây, tình trạng bạo lực học đường, nhất là những vụ xô xát, ẩu đả giữa các bạn học sinh nữ diễn ra ngày một nhiều và trên khắp cả nước.

Đôi khi một clip được lan truyền trên facebook, trên các diễn đàn hoặc trên you tube, người xem không khỏi rùng mình kinh hãi trước những cảnh tượng mà mình chứng kiến. Có khi một nhóm các bạn nữ nhào đến một cô bé đang ngồi trong lớp học hoặc đang đạp xe đến trường rồi dùng tất cả những hành động như túm tóc, tát và mặt vào đầu, dùng chân đạp vào người nạn nhân, miệng không ngừng chửi rủa. Sau đó, nhóm nữ sinh tiếp tục xé hết áo trắng hoặc áo dài của nạn nhân mặc kệ cho em đó phản ứng yếu ớt.

Xem những clip đó, đôi khi chúng ta nghĩ chẵng khác nào một cuộc đánh ghen thời hiện đại. Tình trạng học sinh nam gây gỗ, đánh và thậm chí chém nhau cũng không còn là chuyện hiếm có của thời hiện đại này. Đây thật sự là một thực trạng đáng báo động mà cả gia đình, nhà trường và xã hội đều cần phải lưu tâm. Vậy xuất phát từ những nguyên nhân nào khiến cho tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng?

1. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đạo đức của học sinh ngày càng xuống cấp trầm trọng trong đó có thể kể đến những nguyên nhân sau: xuất phát từ ngay nội tại bản thân các em, nguyên nhân từ gia đình, tác động của nhà trường và cuối cùng là ảnh hưởng từ xã hội.

Nguyên nhân từ bản thân các em

Tuổi từ 12-17 là giai đoạn các em có những chuyển biến tâm lý rất phức tạp, thường tỏ ra ương bướng, thích làm theo ý mình và có cái tôi cá nhân rất cao. Đôi khi chỉ vì một xích mích nhỏ với bạn bè đồng trang lứa nhưng các em đã tỏ ra rất tức giận, căng thẳng và tìm cách dằn mặt bạn mình.

Từ sự lệch lạc trong suy nghĩ, thiếu khả năng ứng xử hợp tình hợp lý với những mối quan hệ xung quanh, sai lệch trong quan điểm sống dẫn đến thái độ sai trong nhận thức và hành động. Các em chưa định hình được lí tưởng sống cho bản thân nên rất dễ xa đọa.

Nguyên nhân từ gia đình

Hiện nay, trong thời buổi kim tiền, các bậc phụ huynh đều lao đầu vào công việc và cả những mối quan hệ khác bên ngoài mà lơ là việc chăm sóc và giáo dục, định hướng cho con cái. Nhiều gia đình, chỉ biết chu cấp đầy đủ tiền bạc để con tiêu xài, phung phí và chứng tỏ bản thân.

Đôi khi, con dùng chính những đồng tiền để chơi bời lêu lổng, gia nhập vào nhóm bạn xấu và dùng tiền đó để mua chuộc những người bạn của mình nhằm “dằn mặt, dạy cho người mà chúng không ưa”.Đồng thời, nhiều hộ gia đình lại xuất hiện tình trạng bạo lực ngay trong nhà mình. Ví dụ chồng đánh vợ, cha đánh con vô hình chung đã gieo rắc vào đầu trẻ sự tổn thương tâm hồn cũng như mầm mống bạo lực.

Nguyên nhân từ nhà trường

Trong xu thế phát triển như hiện nay, khi mà các trường học tập trung giảng dạy về kiến thức văn hóa, chạy theo căn bệnh thành tích là chủ yếu mà thiếu sự theo dõi sát sao, khuyên răn và ngăn chặn kịp thời những trường hợp ẩu đả giữa các bạn nữ sinh hoặc nam sinh với nhau

Mặc khác là sự tha hóa đạo đức, nhân cách cũng như công cuộc mải mê chạy đua kiếm tiền của một bộ phận nhỏ giáo viên đã làm mờ đi vẻ đẹp giáo dục. Việc thiếu tấm gương ngay trong nhà trường đã khiến nhiều học sinh mất phương hướng không biết phải trở thành người như thế nào.

Nguyên nhân từ xã hội

Còn một nguyên nhân mà chúng ta không thể không nói đến là do tác động của mặt trái xã hội đến các em học sinh. Hằng ngày, trẻ thường xuyên chứng kiến những vụ ẩu đả, đánh nhau tại nơi mình sinh sống hoặc trên phim ảnh, game bạo lực đẫm máu. Chính những điều này đã  khiến nhiều em học sinh bị tiêm nhiễm và đã thực hành theo.

2. Một số biện pháp khắc phục

Nếu bạn bất chợt lướt facebook, you tube hoặc các diễn đàn, bạn sẽ thấy không khó để xem những clip rất “dã man” giữa các nam sinh, nữ sinh. Bạn tức giận, căm phẫn và cả lo lắng nữa. Bởi bạn cũng có những đứa con, những đứa cháu cũng tầm tuổi đi học và bạn sẽ làm gì để tình trạng đó không xảy ra với con em mình cũng như những đứa trẻ khác.

Nếu mỗi người, mỗi gia đình đều chung tay góp sức vì một môi trường học đường không bạo lực, chúng tôi tin rằng tình trạng đó sẽ giảm đi rất nhiều. Sau đây là một vài biện pháp khắc phục tình trạng trên:

Giáo dục ý thức của trẻ:

Để giảm tình trạng học sinh với xu hướng bạo lực hóa như hiện nay thì bản thân mỗi gia đình cần có định hướng, giáo dục trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Chỉ có lòng nhân ái được gieo trồng bên trong mỗi đứa trẻ thì cái ác, cái xấu mới bị đẩy lùi.

Muốn vậy, ngay từ khi con còn nhỏ, các bậc làm cha mẹ nên dạy trẻ yêu thương tất cả mọi người xung quanh, biết nhẫn nhịn và vị tha. Trước một sự việc bất như ý nào, trẻ cũng nên bình tĩnh xử lý, không nên tức giận mà dùng tay chân nắm đấm để giải quyết.

Cha mẹ nên là nơi chia sẻ những nỗi niềm của trẻ, để kịp thời ngăn chặn những hành động thiếu suy nghĩ của các em hoặc tránh để con mình bị những bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo vào những vụ đánh nhau tập thể.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến những mảnh đời bất hạnh, những hoàn cảnh khó khăn, khơi gợi trong các em tình yêu thương và sự san sẻ, để trân trọng những gì mà các em đang có và để cố gắng học tập, sống có ích hơn.

Ngoài ra, những lớp học tâm lý, những buổi giao lưu bổ ích sẽ là sân chơi lành mạnh dành cho các em. Ở đó, các em tư vấn và tháo gỡ kịp thời những khúc mắc, mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình giao tiếp.

Về phía nhà trường:

Các giáo viên cần chú trọng song song việc bồi dưỡng tri thức và giáo dục nhân cách, đạo đức cho các em học sinh.  Bên cạnh đó cần giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, rèn luyện các kĩ năng ứng xử, giảm tải các chương trình học thay vào đó là những giờ học ngoại khoá các hoạt động vui chơi, giao lưu bổ ích cho học sinh.

Các giáo viên chủ nhiệm cần quan tâm và chia sẻ đến các em như những người bạn, để kịp thời giải tỏa những vướng mắc, xích mích giữa các em học sinh với nhau, xây dựng một môi trường lớp học thân thiện, đoàn kết. Đồng thời, các giáo viên cần cung cấp những số điện thoại nóng để có thể hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân của bạo lực học đường.

Một giải pháp nữa đó là các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến chùa để các em được gieo trồng hạt giống yêu thương, nhân ái, hiểu được cội nguồn nhân quả, phân biệt được việc đúng sai, từ đó, ngăn cản bản thân đến với những hành vi bạo lực.

Vào những thời gian rảnh rỗi, các gia đình nên khuyến khích con em đến chùa làm công quả. Từ những công việc nhặt rau, rửa chén, nấu cơm cùng các Thầy, các bạn trong gia đình Phật tử, các em sẽ thấy quý trọng công sức mình làm nhiều hơn, thấy mình có ý nghĩa hơn và giảm dần tính hung hăng, khó chịu.

Thêm nữa, mỗi khóa tu học một ngày hay khóa tu mùa hè là khoảng thời gian quý giá để các em được trau dồi nhân cách, học sống có khoa học, kỷ luật, được tiếp xúc với những người bạn tu thân thiện, dễ mến. Đó cũng là một trong những giải pháp rất tốt để giúp các em rời xa những người bạn xấu.

Nguồn Blog Phật Giáo
Tác Giả: Nhuận Đoan