.
.

Hà Nội: Hội thảo khoa học “Giáo dục Phật giáo Việt Nam: Truyền thống và hiện đại”


Hôm nay, 6-11 (7-10-Bính Thân), Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Ban Giáo dục Tăng Ni T.Ư trang nghiêm tổ chức hội thảo khoa học “Giáo dục Phật giáo Việt Nam: Truyền thống và hiện đại”, chào mừng kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN.

Quang lâm chứng minh và tham dự có HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN; HT.Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS GHPGVN; HT.Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN; HT.Thích Thiện Tâm, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN; HT.Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN; HT.Thích Thanh Đạt, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, chư Tôn đức lãnh đạo Ban Thường trực HĐTS, lãnh đạo Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Huế, TP.HCM; quý thầy, cô cán bộ, giảng sư, Tăng Ni sinh Học viện.
Đại biểu đến tham dự Hội thảo có TS Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo – Ban Tôn giáo Chính phủ; PGS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; các học giả, nhà nghiên cứu Phật giáo, xã hội học, v.v..
Sau nghi thức chào Quốc kỳ, Đạo kỳ, HT.Thích Thiện Nhơn tuyên đọc Thông điệp Đại lễ Kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN của Đức Pháp chủ GHPGVN – Đại lão HT.Thích Phổ Tuệ gửi Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử trong nước và ở nước ngoài, lời chúc mừng đại hoan hỷ, đại đoàn kết hòa hợp, đại thành tựu trong sứ mệnh phụng sự Đạo pháp và Dân tộc của GHPGVN nhân Đại lễ Kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN.
Tiếp đó, HT.Thích Gia Quang đọc diễn văn Đại lễ Kỷ niệm 35 năm thành lập GHPGVN. Diễn văn nêu quá trình hình thành và phát triển GHPGVN trong 35 năm qua, đồng thời thành kính tri ân đến chư tôn đức tiền bối lãnh đạo Giáo hội qua các thời kỳ đã cống hiến công đức to lớn xây dựng Giáo hội.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TT.Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch HĐTS cho biết, từ góc độ khoa học, Hội thảo bàn về: Những giá trị của giáo dục Phật giáo truyền thống; khai thác, vận dụng vào xây dựng nền giáo dục Phật giáo Việt Nam hiện đại. Nội dung của Hội thảo vô cùng phong phú, cả về đề tài lẫn góc độ tiếp cận, về phương pháp luận và thao tác cụ thể, v.v..
Tại hội thảo, HT.Thích Thiện Nhơn đã có bài tham luận với chủ đề: Giáo dục Phật giáo truyền thống và hiện đại. Theo đó, bằng tinh thần kế thừa truyền thống giáo dục hướng nội: Kinh, Luật, Luận – Giới, Định, Tuệ từ giáo lý đức Phật ngàn xưa, liệt vị Tổ sư cận đại và các nhà giáo dục đương đại, chắc chắn tầm vóc và nội dung, môi trường giáo dục Phật giáo luôn luôn khởi sắc, sinh động và phát triển theo hướng đi lên và mở rộng về mọi mặt.
HT.Thích Giác Toàn cũng có bài tham luận cho Hội thảo với chủ đề: Giáo dục đạo đức Phật giáo trong thời hiện đại. Tham luận có đoạn: Người xưa có câu “Tiên học lễ, hâu học văn”. Lễ hay đạo đức, khả năng giao tiếp đúng phép tắc, phẩm hạnh của mỗi người, nhất là của một Tăng sĩ. Quần chúng đánh giá sự trang nghiêm của Giáo hội qua cái nhìn vào những biểu hiện phẩm chất của Tăng Ni. Hòa thượng mong muốn việc giáo dục đạo đức cho Tăng Ni trẻ được phát huy, có hiệu quả tích cực, phù hợp với mục tiêu giáo dục đã đề ra.
Với đề tài “Giáo dục Phật giáo trong bối cảnh cải cách giáo dục ở Việt Nam”, HT.Thích Gia Quang nhấn mạnh, giáo dục Phật giáo là việc rất quan trọng trong tổ chức Phật giáo, cần thiết phải luôn được sửa đổi và bổ xung theo thời gian để đáp ứng và thích nghi với nhu cầu đặt ra của thời đại, nhằm đảm bảo cho sự phát triển của nhân loại. Phản ảnh và thể hiện được phương châm hành động của tổ chức Phật giáo, làm sáng tỏ mục tiêu, đường hướng và kỳ vọng của GHPGVN trong giai đoạn hiện tại cũng như trong tương lai.
Phát biểu tại hội thảo, TS Bùi Hữu Dược đánh giá cao những ý kiến, tham luận của chư Tôn đức, các học giả, nhà nghiên cứu trong buổi Hội thảo. Qua các bài tham luận, chúng ta có thể khảng định, giáo dục Phật giáo Việt Nam đang hội nhập và phát triển mạnh mẽ.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, TT.Thích Phước Đạt cho biết, sau một ngày làm việc, trong không khí trang nghiêm, tinh thần hòa hợp, khoa học nghiêm túc, đến nay, hội thảo khoa học “Giáo dục Phật giáo Việt Nam: Truyền thống và hiện đại” đã thành công tốt đẹp. Từ góc độ tiếp cận vấn đề của chư Tôn đức là giảng sư, lãnh đạo các cơ sở giáo dục đào tạo trong hệ thống giáo dục Phật giáo thuộc GHPGVN; các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau đã thảo luận về các nội dung chính là: Đánh giá khái quát về chặng đường 35 năm hình thành và phát triển của giáo dục Phật giáo Việt Nam; Giáo dục Phật giáo truyền thống với giáo dục Phật giáo hiện đại; giáo dục Phật giáo với việc bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa Việt Nam; những vấn đề  đặt ra với giáo dục Phật giáo Việt Nam hiện nay.

Xin trân trọng gửi tới quý độc giả một số hình ảnh đã ghi nhận được:


Hoàng Tuấn – Phúc Thông