.
.

Cảnh giác nạn “giả” sư


Mới đây tại tỉnh Vĩnh Phúc, người dân đã phát hiện và trình báo công an bắt giữ một “giả” sư đến địa phương “vận động” tiền xây chùa đang trong giai đoạn sắp hoàn thành nhưng gặp khó khăn về kinh tế.

Trước đó hai “sư giả” tại Khánh Hòa cũng bị phát giác khi đến các xã, ấp để bán nhang cho chùa với giá “cắt cổ”. Tại tỉnh Bình Dương nhiều người xấu chây lười lao động giả dạng nhà sư đi khất thực để moi tiền cúng dường của các phật tử… và còn rất nhiều thủ đoạn giả danh nhà tu hành chân chính để trục lợi.
Điều đáng nói là bọn chúng có thủ đoạn khá tinh vi, xảo quyệt như nắm bắt rất chi tiết địa chỉ của chùa mà chúng mượn danh lừa đảo; tên tuổi sư trụ trì để tạo lòng tin cho đối tượng mà chúng ra tay. Cạnh đó chúng còn làm cả con dấu, giấy giới thiệu của nhà chùa hay các cơ sở bảo trợ xã hội để qua mắt người dân và đánh vào lòng nhân của giới phật tử nói chung, chúng sanh nói riêng. Một số khác tự trang bị áo cà sa, chuỗi hạt, bát hương để đi “khất thực” phi pháp.

                           Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Thời gian qua, các phương tiện truyền thông đã thông tin một số trường hợp bị phát hiện và xử lý đúng pháp luật nhưng xem ra vấn nạn nầy chưa có phần thuyên giảm.
Ban Thông tin Truyền thông Trung Ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thông tin chính thức rằng không có nhà chùa nào trên phạm vi cả nước cử người đi đến các cơ quan, các hộ dân để vận động tiền xây dựng chùa cũng như bán các vật phẩm thờ cúng.
Lòng nhân ái rất cần thiết và luôn được mọi người sẵn lòng chia sẻ, ủng hộ những trường hợp chính đáng nhưng hơn lúc nào hết, mọi người cần ra sức cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo, phối hợp và báo ngay với công an, chính quyền địa phương các trường hợp nghi vấn; liên hệ trực tiếp với các đơn vị chủ quản trước khi ủng hộ tiền bạc, tài vật để không phải “sập bẫy” của bọn bất lương.
Vân Anh     
Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP. Cần Thơ