.
.

Bình Dương: HT. Thích Gia Quang chia sẻ đề tài “Một số giải pháp phát triển Truyền thông Phật giáo nhiệm kỳ VIII của TƯ GHPGVN”


Vào lúc 09h30’, cùng ngày 04/07/2018 (nhằm ngày 21/05/Mậu Tuất), tại Hội trường chùa Hội An (TP.Mới, tỉnh Bình Dương), HT. Thích Gia Quang, Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Thông tin Truyền thông TƯ GHPGVN đã có buổi chia sẻ với chủ đề: “Một số giải pháp phát triển Truyền thông Phật giáo nhiệm kỳ VIII của TƯ GHPGVN” đến trên 400 học viên tham dự khóa bồi dưỡng nghiệp vụ hành chính và xử lý thông tin truyền thông Phật giáo.

Trước khi bắt đầu buổi chia sẻ, HT. Thích Gia Quang, Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Thông tin Truyền thông TƯ GHPGVN đã gửi lời tán thán và đánh giá cao sáng kiến của HT.Thích Huệ Thông, Phó Tổng thư ký kiêm Chánh văn phòng II TƯ GH, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bình Dương đã tổ chức khóa bồi dưỡng này.

Hòa thượng chia sẻ rằng: Trong những năm vừa qua, đặc biệt là kể từ khi chính thức thành lập Ban TTTT TƯ đến nay, khi đề cập đến lĩnh vực TTTT Phật giáo, chúng ta phải nhìn nhận khách quan để thấy được bên cạnh các thông tin về các hoạt động Phật sự của Giáo hội trên tất cả các mặt, những thông tin đó là tích cực mang tính xây dựng, thì vẫn có những thông tin tiêu cực được đăng tải trên báo điện tử, trên youtube và trên các trang mạng xã hội. Theo đó, trong thời đại bùng nổ các phương tiện Thông tin truyền thông, khi mà các phương tiện thông tin đang phát triển mạnh mẽ theo xu hướng vừa cá nhân hóa (các trang cá nhân) vừa tích hợp trên trang mạng xã hội để kết nối cộng đồng như chúng ta đã và đang tiếp xúc hàng ngày qua máy tính, điện thoại thông minh và các phương tiện nghe nhìn khác. Ở đâu đó còn có các thông tin tiêu cực, bất lợi thì chúng ta cần phải giảm thiểu mặc dù cũng cần có những góc nhìn đa chiều với những quan điểm đánh giá đa dạng, khác nhau nhưng mang tính xây dựng.

HT.Thích Gia Quang chia sẻ tại Khóa bồi dưỡng

Đến nay, GHPGVN đã trải qua 37 năm xây dựng và phát triển, đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các mặt hoạt động Phật sự ở khắp mọi vùng, miền của đất nước. Nhưng có thể nói rằng, công tác Hoằng pháp thông qua công tác TTTT giữa các vùng miền trong nước, giữa vùng đồng bằng với vùng núi, giữa miền ngược với miền xuôi vẫn còn khoảng cách chênh lệch khá lớn. Có thể nói, đây là thiệt thòi đáng tiếc cho việc lan tỏa chánh pháp đạo Phật đến vùng sâu vùng xa. Chính vì vậy, việc truyền bá Phật pháp thông qua  các kênh truyền thông về vùng sâu vùng xa cần được xem là nhiệm vụ hàng đầu của sự nghiệp Hoằng pháp độ sanh, nhất là trong thời kỳ Phật giáo đang phát triển và có nhiều đóng góp tích cực vào đời sống xã hội của đất nước.

Khu vực miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên là những địa danh có những đặc thù so với các vùng miền khác trong nước. Ở Tây Nguyên, đa số tín đồ Phật giáo là người dân tộc Kinh còn tín đồ người dân tộc thiểu số thì rất ít, Tăng Ni người dân tộc thiểu số gần như chưa có. Do vậy, khi bồi dưỡng nguồn nhân lực, mong rằng quý Tăng Ni chú trọng cho những vấn đề trọng yếu nêu trên, đây cũng là vấn đề đặt ra cho công tác TTTT trong cả nhiệm kỳ VIII.

Minh Triết phóng viên Phật sự Online tác nghiệp tại Khóa bồi dưỡng

  1. Thông tin truyền thông chính là sự tương tác, trao đổi, chia sẻ thông tin trong các lĩnh vực đời sống xã hội. TTTT Phật giáo cũng không nằm ngoài sự tương tác đó. Nhận thức được vấn đề này, GHPGVN đã xác định công tác TTTT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của mỗi đơn vị, từ cấp địa phương đến TƯ.
  2. Đội ngũ làm công tác TTTT cần phải trao dồi kỹ năng, nghiệp vụ, tích cực trao đổi kinh nghiệm, đồng thuận có những kế hoạch truyền thông mang tính chiến lược, từng bước nâng tầm công tác truyền thông.
  3. Trong thời đại Truyền thông Thông tin hầu như chiếm ngự hết mọi sinh hoạt của từng cá nhân, mỗi Tăng Ni, Phật tử cần ý thức rõ và sử dụng các phương tiện truyền thông để hỗ trợ công cuộc hoằng pháp, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển GH bền vững.
  4. Bố trí sắp xếp nhân sự đúng người, đúng việc, dám nghĩ dám làm sẽ phát huy hết năng lực trong công tác quản lý, điều hành. Duy trì sinh hoạt hội họp của tổ chức thường xuyên và nghiêm túc, tôn trọng quy định của tổ chức, thường xuyên nâng cao bản lĩnh trí tuệ, phẩm chất đạo đức của người làm truyền thông.
  5. Mạnh dạn nhìn vào thực tế, nhận xét những ưu, khuyết điểm và những tồn đọng, hạn chế, những khó khăn trở ngại qua đó rút kinh nghiệm để thực hiện các kế hoạch, chương trình một cách sáng tạo, khoa học hơn. Trên tinh thần cầu thị, thực sự lắng nghe, không ngừng tiếp thu những tinh hoa công nghệ mới, quyết tâm xây dựng và phát triển, tạo sự đồng thuận trong GH, góp phần vào sự thành công để hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ truyền thông đã đề ra.
  6. Công tác phật sự được triển khai phù hợp với giáo luật, phù hợp nhu cần và nguyện vọng của Phật giáo các cấp, của tăng Ni, Phật tử trong tổ chức; phù hợp với sự phát triển toàn diện của GH và đất nước theo tinh thần nghị quyết của GHPGVN và chủ trương chính sách của nhà nước. Phát huy tốt tinh thần hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc. Thực hiện đường hướng đoàn kết, hòa hợp, ổn định và phát triển để đóng góp vào thành tựu chung của GH.

Phật sự Online thực hiện Livestream và đưa tin trong suốt thời gian Khóa bồi dưỡng

Trước khi kết thúc buổi chia sẻ, Hòa thượng Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Thông tin Truyền thông TƯ GHPGVN hy vọng thông qua khóa tập huấn này các học viên tiếp tục vận dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ vào việc phát triển Truyền thông Phật giáo, góp phần giới thiệu và nâng cao hình ảnh cũng như vị thế của GHPGVN trong sự phát triển chung của đất nước. Cuối lời, Hòa thượng đã gửi lời chúc cho Khóa bồi dưỡng Nghiệp vụ Hành chính và Kỹ năng xử lý thông tin khu vực miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên thành công tốt đẹp.

Một số hình ảnh tại buổi chia sẻ:

Niệm Phật cầu gia hộ

TT.Thích Minh Nhẫn, Phó trưởng Ban tổ chức giới thiệu Hòa thượng đến với Khóa bồi dưỡng

Toàn cảnh khóa bồi dưỡng

Chư Tôn đức Tăng các tỉnh thành tham dự Khóa bồi dưỡng

Chư Tôn đức Ni các tỉnh thành tham dự Khóa bồi dưỡng

Ngọc Mai – Ban TTTT tỉnh Bình Dương