.
.

Đạo Mẫu, nghi thức lên đồng và sự trao quyền lực cho người phụ nữ


Đối với những phụ nữ theo đạo Mẫu thì việc thực hiện nghi thức lên đồng trước hết cho phép họ bước vào thế giới của các vị thánh – một không gian tâm linh khác với thế giới mà họ đang sống.

Bài viết này phân tích cách mà sự vận động của các giá đồng trong nghi thức lên đồng phản ánh đời sống văn hóa của người phụ nữ theo Đạo Mẫu thông qua một phương pháp quyền lực mềm. Phương pháp phân tích trong chuyến đi lễ của Van Gennep (1) nhấn mạnh vào vai trò biến đổi (1) của quá trình làm lễ là công cụ chính giúp thực hiện phân tích này. Quan điểm của Rappaport về ảnh hưởng của nghi thức này đến sự phát triển văn hóa và những giá trị tín ngưỡng, tôn giáo cũng là một công cụ phân tích quan trọng: “Trong nghi lễ, logic trở nên vô hiệu và được thể hiện qua những cách rất riêng”. Giải thích của ông về nghi lễ như “căn cứ cho những khái niệm tín ngưỡng tôn giáo (thần thánh, thiêng liêng, huyền bí, siêu phàm) xuất hiện” là một công cụ phân tích quan trọng và hữu ích của đạo Mẫu (3).Nhiều người Việt, bao gồm các tín đồ đạo Mẫu, cho rằng trên đời tồn tại hai thế giới, một thế giới hữu hình do con người làm chủ và một thế giới tâm linh vô hình – nơi mà các thánh thần cư trú. Họ tin rằng các vị thánh này có ảnh hưởng tới cuộc sống của con người. Những vị thánh thường thực hiện việc giao tiếp với con người trần tục thông qua việc nhập đồng trong nghi thức lên đồng của đạo Mẫu. Thần linh có thể nhập vào những ông đồng bà đồng bằng các hình thức khác nhau phụ thuộc vào nhu cầu của người đi lễ, trong đó có lên đồng, tìm mộ, nhập hồn và gọi hồn (4). Trong số những hình thức trên thì lên đồng là nghi thức chính của đạo Mẫu. Các vị Thánh Mẫu được mời về và ban phúc ban lộc cho con nhang đệ tử qua các giá đồng.

Nghi thức lên đồng trong sinh hoạt tín ngưỡng đạo Mẫu là một hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh của một số không nhỏ phụ nữ Việt Nam đương đại. Nghi thức lên đồng chính là sự huyền thoại hóa, bí ẩn hóa và tâm linh hóa thế giới xã hội thực tại. Trong khoảng thời gian sinh hoạt nghi thức này, tín đồ đạo Mẫu thể hiện niềm tin vào thế giới tâm linh thông qua việc thực hiện nghĩa vụ ngồi đồng hay còn gọi là hầu thánh. Họ tin là được thánh ban sức mạnh và niềm tin thông qua nghi thức này để họ có thể vượt qua những khó khăn thường nhật và vui sống.

Một buổi lễ lên đồng hoàn chỉnh gồm ba mươi sáu giá đồng, trong đó có giá đồng của Thánh Mẫu, đức Trần Hưng Đạo, các Quan, các Chầu, các Ông hoàng, các Cô, các Cậu và các vị thần là năm ông hổ (Ngũ hổ) và hai ông lốt (Ông lốt rắn) (5). Nghi thức cho mỗi giá đồng khác nhau tùy theo vị trí, thứ bậc và quyền năng của mỗi vị thánh.

Đầu tiên là các Thánh Mẫu được coi là những vị thánh cao quý nhất có trách nhiệm cai quản các vùng khác nhau trong vũ trụ. Quá trình các Thánh Mẫu nhập và thăng trên đồng thường diễn ra rất nhanh, trầm lặng và uy nghiêm, thể hiện vị trí và đặc tính của các Mẫu. Rất hiếm giá hầu Thánh Mẫu, đồngvén khăn trùm đỏ lên để gặp gỡ hay trò chuyện với con nhang, đệ tử. Vì thế, các giá Thánh Mẫu thường được gọi là hầu trùm khăn. Thay vì nhập đồng thì Thánh Mẫu thường chủ yếu giáng đồng tức là thánh về và đi rất nhanh qua đồng. Việc Thánh Mẫu giáng hay nhập đồng cho thấy Thánh Mẫu đã chứng giám và phù trợ cho đồng được hầu thánh và cho con nhang đệ tử tham gia trong giá đồng trước khi những thánh khác nhập vào.

Các Quan và các Chầu là những vị thánh ở vị trí cao phục vụ cho các vị Thánh Mẫu và đức Thánh Trần. Chính vì thế, giá các Quan và Chầu thường nghiêm trang và long trọng. Vẻ mặt, động tác và cử chỉ của đồng thể hiện khí chất của những vị đứng đầu các công việc hành chính quốc gia, các vị tướng điều binh, các bậc trí sĩ là thày của hoàng tử, công chúa… Những vị thánh này rất hiếm khi cười hay tỏ ra thân thiện với con nhang đệ tử. Ví dụ như vị Quan đệ nhất đến từ thiên phủ đảm bảo công lý, vị Quan đệ ngũ chiến đấu với quân giặc bảo vệ đất nước, vị Chầu đệ nhị cai quản 81 cửa ngàn trong khi vị Chầu đệ thập giúp vua Lê Lợi đánh đuổi quân giặc nhà Minh ở phương Bắc. Tất cả các vị thánh này khi nhập đều khiến đồng mang một tư thế trang nghiêm, uy dũng.

Tuy nhiên, sang đến giá Ông hoàng, giá Cô, giá cậu Cậu, không khí giá đồng lại mang tính thân thiện, vui tươi, hòa đồng như những sinh hoạt cộng đồng. Các vị thánh này thường không phải mang trọng trách với đất nước và ít phải đảm đương trách nhiệm với dân và cộng đồng như Thánh Mẫu, các Quan và các Chầu. Họ xuất hiện rất thân thiện và tự do trong khi nhập đồng và giao tiếp với các con nhang, đệ tử trong giá đồng của mình. Các vị thánh này khi nhập đồng thường hay thư giãn, rong chơi, vui đùa, ca hát rất hồn nhiên hoặc phóng túng. Điệu múa, động tác, cử chỉ, thái độ của các vị thánh này thường rất sôi nổi, vui tươi và tràn đầy sức sống khiến người tham gia cảm thấy rất vui, hòa đồng và thư giãn. Ví dụ, thánh Cô và Cậu là những vị thánh nam, thánh nữ tuổi còn trẻ và không làm nhiệm vụ gì mà thường hay rong chơi thưởng ngoạn. Điệu múa của họ rất sinh động, sôi nổi và hoạt bát. Trong các giá đồng này thường diễn ra các hình thức giao lưu giữa thánh – đồng – con nhang, đệ tử. Nhiều con nhang, đệ tử tham gia cùng vỗ tay, ca hát và nhảy múa với thánh đang nhập đồng.

Sự biến chuyển về không khí trong cả hình thức thể hiện và nội dung được biểu đạt mang tính quy tắc mặc dù bất thành văn nhưng lại được các đồng và con nhang đệ tử tham dự giá đồng tuân theo rất nghiêm ngặt và thành kính. Sự vận động trong chuỗi các giá đồng trong tiến trình của một nghi thức lên đồng thay đổi từ đặc tính nghiêm trang, long trọng, rất xa cách và nghi thức đến đặc tính gần gũi, giản dị, bình dân; từ hết sức thâm trầm, nghiêm nghị, đôi khi rất ưu tư hoặc u sầu đến hồn nhiên, dân giã, vui tươi nhộn nhịp… Điều này chính là bản chất phương pháp quyền lực mềm đã trao sức mạnh cho những người phụ nữ theo đạo Mẫu để họ được trải nghiệm và được sống như những điều họ mong muốn. Bản chất của sự trao quyền lực mềm này xuất phát từ sự đồng điệu và tương tác giữa nhu cầu, khát vọng sống của các nữ tín đồ và một cơ chế sinh hoạt tâm linh cho phép gắn kết giữa thế giới thực tại và thế giới tâm linh, giữa nguồn lực của niềm tin, sự trao truyền và các cảnh huống sống cụ thể. Cụ thể là, các giá đồng với nội dung biểu đạt và cách thức thể hiện như đã phân tích đã tạo nên cảnh huống cho người phụ nữ theo đạo Mẫu được thể hiện và thực hiện cả những bổn phận trách nhiệm không thể tránh khỏi của họ trong đời sống thường nhật đầy ưu tư ràng buộc và cả những khao khát của họ về một thế giới khác mà họ yêu thích – đó là một thế giới tưởng tượng mà ở đó họ hoàn toàn tự do, hồn nhiên vui sống với bản tính như trẻ thơ.

Đối với những phụ nữ theo đạo Mẫu thì việc thực hiện nghi thức lên đồng trước hết cho phép họ bước vào thế giới của các vị thánh – một không gian tâm linh khác với thế giới mà họ đang sống. Những người tin đạo thông qua vai trò trung gian của đồng hoặc tự mình trải nghiệm thế giới tâm linh nhờ có sức mạnh của những vị thánh trong đạo Mẫu. Đồng chính là những người đầu tiên được đưa tới thế giới này và rồi trở lại giao tiếp với các tín đồ trong vai một vị thánh của đạo Mẫu. Khi đồng được Thánh nhập hoặc giáng, những người tham dự trong nghi thức lên đồng cũng sẽ được đưa đến thế giới khác theo đồng. Sức mạnh sản sinh khi thánh nhập sẽ cuốn họ vào một thế giới khác, thế giới bên kia của thực tại, và họ sẽ được trải nghiệm một trạng thái thực tế khác, rồi sau đó họ được trở về với thế giới mà họ đang sống. Tất cả chỉ xảy ra trong chốc lát. Thời gian, không gian của cõi trần tục sẽ không còn là cõi trần tục đối với những người được thánh nhập. Người ta gọi khoảng thời gian đó là khoảnh khắc mê mị không sao mô tả được mà chỉ có thể cảm nhận hay còn được gọi là liminal period (6) – trạng thái mê mị mà chúng tôi gọi là trạng thái đồng. Trạng thái đồng này, theo chúng tôi, vừa có đặc tính như cách mô tả của Đặng Văn Lung (7) đó là đặc tính đồng ấu như đứa trẻ được ở bên mẹ, được chở che, chăm sóc của mẹ; đồng thời đó cũng chính là một trạng thái tái sinh, được thoát thai, không thuộc về thế giới bên này, cũng không thuộc về thế giới bên kia, một trạng thái tách bạch cá thể với quá khứ, hiện tại và tương lai, với gia đình và cộng đồng, với mọi ràng buộc, bổn phận và trách nhiệm. Đó là một trạng thái thiêng liêng tột đích mà con người có thể trở nên tuyệt đối tự do, tự chủ, tự tái sinh. Tuy nhiên đó cũng là một trạng thái tuyệt đối mong manh mà con người phải đối diện chỉ có mình và với mình, không thuộc vào một yếu tố hay lực lượng nào khác mà hoàn toàn đơn độc. Trạng thái này diễn ra chỉ trong những tích tắc mà chỉ có đồng và người tham dự nghi thức lên đồng mới được trải nghiệm trong những giá đồng tại điện đền uy linh.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là: liệu cuộc đời của những người phụ nữ theo đạo Mẫu này có thật sự thay đổi và mọi khổ đau có biến mất và liệu sự thay đổi có phải chỉ đến trong thái độ của những người phụ nữ hay không? Tất nhiên với đồng và những người tham gia vào nghi thức lên đồng, họ luôn có niềm tin rất chắc chắn rằng có điều gì đó xảy ra và sẽ có sự thay đổi trong cuộc sống của họ. Những thay đổi này được vật chất hóa hiển hiện rất rõ trong những lời ca những điệu múa – một phần của buổi lễ mà những người phụ nữ theo đạo Mẫu luôn tham gia và tận hưởng trong một nghi thức lên đồng với sức hấp dẫn và thuhút kỳ lạ như vậy. Năng lượng này sẽ tiếp tục tồn tại và tiếp sức trong đời sống của họ và giúp cho họ có được sức mạnh, sự tự tin cùng những kĩ năng để giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống thường ngày. Các kỹ năng này theo mô tả của các đồng và con nhang đệ tử mà chúng tôi phỏng vấn trong nghiên cứu này bao gồm kĩ năng xã hội, khả năng phát triển cá nhân và tự tin vào bản thân, khả năng giúp đỡ người khác, có sức mạnh tâm linh, kĩ năng tổ chức và lãnh đạo, hay bên cạnh đó còn được sự đảm bảo về tài chính, có nhiều lựa chọn về nghề nghiệp; ngoài ra còn biết cách tôn trọng bản thân và nhận thức về giới.

Như vây, có thể thấy nghi thức lên đồng giúp đỡ người phụ nữ trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống thay vì coi họ như những người ở tầng lớp thứ hai, thứ yếu trong xã hội. Lên đồng trong quan niệm của những người theo đạo Mẫu đã giúp họ ý thức về bản thân mình, khiến họ thấy tự tin hơn và có thể giải quyết hiệu quả hơn các vấn đề trong cuộc sống, và có khả năng thay đổi mình và thay đổi người khác.

Một trong những biểu hiện rõ nét nhất về năng lực trao truyền sức mạnh của phương pháp quyền lực mềm trong nghi thức lên đồng cho các tín đồ đạo Mẫu đó là khích lệ nhận thức của họ về vẻ đẹp bên ngoài của mình cũng như tin vào bản thân và cuộc sống hơn. Trải nghiệm khi thấy mình trở thành thánh là một trải nghiệm đặc biệt cho các đồng và người tham dự lên đồng bởi một niềm hân hoan phấn khích đầy uy lực từ sự giao lưu thần thánh trong một không gian thời gian thiêng tràn đầy sự ban phát và những lời ca tụng. Theo đó, thày đồng trong đạo Mẫu có thể dùng nghi thức này để thay đổi cái nhìn về thế giới và trạng thái tinh thần của những người khác bằng cách cho họ cơ hội gián tiếp trải nghiệm khi tham gia vào buổi lễ. Làm như vậy, đồng tạo cơ hội cho những người khác có thể trải nghiệm cảm giác mà họ đã trải qua, giúp thay đổi suy nghĩ của những người này về bản thân. Khi tạo cơ hội cho họ như vậy, đồng đã trao cho họ niềm tin và cả sức mạnh vào bản thân, từ đó tiếp cận tới đời sống thường ngày của họ. Đây chính là giá trị và sức mạnh của đạo Mẫu đối với những người phụ nữ trong thế giới trần tục, đó là khả năng tạo cho họ một hình ảnh mới, một tính cách mới, như trong ví dụ của những thày đồng.

Xét về mặt tâm lý, việc những người phụ nữ theo đạo Mẫu thấy bản thân mình trở thành những vị thánh đóng vai trò quan trọng giúp họ bày tỏ những khát khao và mối quan tâm cũng như những âu lo của mình. Khi thấy cơ thể mình trở thành nơi để thánh nhập, những người phụ nữ theo Đạo Mẫu nhận ra cơ thể cũng có thể nhận định và đóng vai trò quan trọng đối với việc trải nghiệm cuộc sống cũng như giúp họ có được niềm tin vào vẻ đẹp cá nhân của chính mình và niềm tin vào phẩm chất, năng lực được trao chuyền từ thần thánh. Họ nhận ra rằng cơ thể của họ là những thực thể bên ngoài đầu tiên và cuối cùng như một cội nguồn của sức mạnh và bản sắc. Bởi lẽ đó, trong buổi lễ, những người phụ nữ luôn khẳng định họ phải thật xinh đẹp, lôi cuốn và đồng thời vẻ đẹp của họ cũng phải được người khác công nhận. Nói cách khác, một sự thật được chấp nhận, đó là không gian sinh hoạt nghi lễ cho phép họ mơ mộng và coi trọng vẻ đẹp hình thức dù rằng tập tục xã hội đòi hỏi họ cần phải có những cử chỉ nhũn nhặn, khiêm nhường, tránh phô trương hoặc đòi hỏi được khen ngợi. Chính vì vậy, nghi thức lên đồng cho phép những người phụ nữ có cơ hội thoát ra khỏi cuộc sống thường nhật; mang hình ảnh thần thánh vừa đẹp đẽ vừa tôn nghiêm và thánh thiện. Dù rằng cảm giác đó có thể chỉ là trong khoảng khắc của thời gian diễn ra nghi thức lên đồng.

Ở chính giữa ban thờ Công đồng, nơi diễn ra nghi thức hầu đồng, ngay phía trước mặt đồng có đặt một chiếc gương, đó chính là tượng trưng cho việc coi trọng vẻ đẹp hình thức bên ngoài này. Chiếc gương thánh trước ban thờ Công đồng chỉ được dùng trong nghi thức lên đồng. Khi được hầu dânggiúp mặc đồ hay trước các điệu múa dâng thánh, đồng thường hay ngắm nhìn mình trong gương để đảm bảo họ đã trở nên xinh đẹp như họ mong đợi. Khác với trong đời thường, quá trình thay khăn chầu áo ngự và điểm trang ở đây không mang tính riêng tư, mà được diễn ra trước ban thờ Công đồng, trước mọi người và tại ngay giữa chiếu đồng. Khi đã thấy hài lòng với vẻ ngoài của mình, đồngsẽ thưởng cho hầu dâng rất nhiều tiền thánh (là tiền thật của đồng).

Trong buổi lễ, những người tham dự thường khen tặng vẻ đẹp và sức lôi cuốn của đồng bằng những lời lẽ tốt đẹp nhất. Trong trường hợp này, đồng sẵn lòng ban tặng các con nhang đệ tử của mình tiền thánh hay lộc thánh, và vì vậy họ còn nhận được nhiều lời khen tặng hơn nữa. Trên phương diện biểu diễn, nghi thức lên đồng có vẻ ngoài giống với một đêm hội nhạc rock ở các nước phương Tây. Ở cả hai đều có giao lưu cuồng nhiệt giữa người trình diễn và người xem. Điểm khác biệt là ở chỗ, không còn là tương tác giữa thế giới tâm linh với thế giới thực và không chỉ là việc thánh nhập vào đồng, nghi thức hầu đồng chính là tượng trưng cho niềm tự hào của nữ tín đồ đạo Mẫu khi được là người phụ nữ như họ mong muốn và là một buổi ca tụng vẻ đẹp và niềm đam mê của họ. Có lẽ vì thế mà để xem mức độ thành công của mỗi nghi thức lên đồng, chúng ta phải xét xem buổi lễ có diễn ra tốt đẹp không, những người phụ nữ theo đạo Mẫu có thỏa mãn với buổi lễ không cũng như họ có thành công xin được phù trợ của thánh hay không.

Nhiều con nhang, đệ tử tin rằng khi thánh nhập vào đồng là lúc vẻ đẹp tiềm ẩn bên trong (khác với vẻ đẹp bên ngoài) sẽ được bộc lộ ra và xuất hiện ở đồng. Rất nhiều người tham gia buổi lễ bị mê hoặc bởi điệu múa, khúc hát được đồng tác động tới và họ cảm thấy như thể chính mình cũng biến thành những người phụ nữ xinh đẹp và quyền uy. Họ nhận thức được vẻ đẹp bên ngoài cũng như khả năng kiểm soát cơ thể, và các năng lực ban phát như Mẫu mẹ của chính mình.

Một buổi lễ trọn vẹn được con nhang đệ tử ủng hộ nhiệt tình, cùng với tiếng nhạc, mùi nhang, vị say nồng của rượu, thuốc lá và miếng trầu cay…tất cả góp phần đem lại cho đồng cảm giác đặc biệt và niềm say mê cộng hưởng. Có đôi lúc đồng còn rơi vào trạng thái xuất thần, và kéo mọi người vào trạng thái đó cùng mình. Cô đồng Na ở Hà Nội cho biết khi tiến hành lên đồng, cô cảm thấy như thể cô là những ông hoàng bà chúa: Tôi mặc những bộ trang phục rất đẹp ở mỗi buổi lễ. Thường thì người ta chẳng dám mặc những bộ đồ đặc biệt như vậy cũng như nhảy múa khi nghe những bài hát cổ xưa thiêng liêng (chầu văn) về cuộc sống của các vị thánh. Mọi người sẽ nghĩ đầu mình có vấn đề. Nhưng ở buổi lên đồng, mọi người sẽ đều khen ngợi mình: “Lạy quan, quan thật là phong nhã”; “Lạy Mẫu, Mẫu đẹp quá”. Cảm giác lúc đó rất đặc biệt, rất sung sướng và thoải mái. Vì thế mà mỗi năm tôi luôn thiết kế và làm mới lại trang phục. Tôi không chỉ làm theo mẫu các trang phục trong đạo Mẫu mà còn học theo phim ảnh, sách báo và cả trang phục của những cô đồng khác để thiết kế trang phục của riêng mình. Trang phục rất đẹp, như mọi người đã thấy ở buổi lễ đấy.

Chú thích:

1. Van Gennep Arnold, The Rites of Passage, Trans, Manika B, Vizedom and Gabrielle L. Caffee. Chicago: University of Chicago Press, 1960.

2. 6. Turner, Victor, Betwixt and Between: The Liminal Period in Rites De Passage, In Symposium on New Approaches to the Study of Religion: Proceedings of the 1964 Annual Spring Meeting of the American Ethnological Society. J. Helm, ed. 4-20. Seattle: American Ethnological Society, 1964.

3. Rappaport, Roy, Ritual and Religion in the Making of Humanity, Cambridge University Press, 1999, tr.3.

4. Nguyễn Thị Hiền, The Religion of the Four Palaces: Mediumship and Therapy in Viet Culture, Ph.D. Dissertation. Indiana University, 2002, tr.66.

5. Ngô Đức Thịnh, Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2001. Tuy nhiên những thánh tượng trưng loài vật như Ngũ hổ hay Ông lốt rắn rất ít khi nhập hồn.

7. Đặng Văn Lung, Văn hóa Thánh Mẫu, NxbVăn hóa Thông tin, Hà Nội, 2004.

Như vậy, có thể thấy những người phụ nữ theo đạo Mẫu đã nhờ vào không gian tâm linh, sự cộng hưởng sức mạnh từ thế giới thánh thần đã tạo ra một bức tranh hoàn chỉnh về một cuộc sống tốt đẹp. Trong đó, từ cuộc sống nghiêm túc ngoài đời thật thành một cuộc sống lễ hội, gần gũi, tràn đầy niềm vui, sự giao lưu chia sẻ; từ một cuộc sống của những con người trưởng thành đảm đương những bổn phận và trách nhiệm thành cuộc sống trong sáng hồn nhiên như trẻ thơ đầy niềm vui sướng và thoát khỏi mọi ràng buộc.

Hiểu được ý nghĩa của việc thực hiện nghi thức lên đồng trong đời sống của người phụ nữ theo đạo Mẫu cũng chính là nhìn ra được tính tượng trưng của nghi lễ này. Bên cạnh những giá trị trao truyền sức mạnh theo phương pháp quyền lực mềm, vẫn còn đó những câu hỏi khoa học mới cho những tín đồ đạo Mẫu, các nhà nghiên cứu và những người quan tâm đến đạo Mẫu. Cụ thể như: những điểm tượng trưng này có liên quan thế nào tới những giá trị văn hóa, xã hội và nó làm thay đổi những giá trị này như thế nào trước thái độ và hành vi của con người? Tính tượng trưng này có trong vật dụng, hoạt động, lời nói, mối quan hệ, các sự kiện, các cử chỉ hay trong các khoảng không gian? Các vấn đề thú vị đó, tuy nhiên, xin được trình bày ở một bài viết khác.

Theo TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ THUẬT