.
.

Lắng nghe không chỉ là nghệ thuật sống


Lắng nghe trong đạo Phật là một hạnh tu. Đức Quán Thế Âm (cũng gọi là Quan Thế Âm hay Quán Âm, Quan Âm) là vị Bồ-tát hiện thân của tâm từ bi rộng lớn, luôn quán chiếu và lắng nghe âm thanh của thế gian để giúp chúng sinh thoát khỏi các khổ ách. Ngài biểu tượng cho tinh thần dấn thân cứu độ, và điều quan trọng trước hết của con đường cứu độ đó là kỹ năng lắng nghe.

Tĩnh lặng để nghe và thấy sâu sắc – Ảnh minh họa

Lắng nghe để nhận biết thế giới sự vật hiện tượng, những biểu hiện muôn hình vạn trạng trong cuộc đời này là duyên sinh, luôn biến động và không  có gì vững chắc. Nhận biết như thế để tỉnh giác, không bám víu vào bất cứ đâu, không bám víu vào danh lợi, cả sự thất bại lẫn niềm vinh quang, tự tại trong các ràng buộc và tương quan duyên sinh giữa cuộc đời này.

Lắng nghe để thấu hiểu cuộc đời, kết nối truyền thông, nhận biết những nơi cần giúp đỡ để có động thái kịp thời và phù hợp, đem đến niềm vui, sự an lạc và hạnh phúc cho tha nhân, lợi ích cho cộng đồng.

Lắng nghe, do đó, là phẩm chất cần thiết đối với mọi người, từ trẻ thơ cho đến người trưởng thành, từ người làm kinh doanh, chính trị và cả tôn giáo, trong mọi lĩnh vực của đời sống, trong gia đình và cả ngoài xã hội, trong doanh nghiệp và cả cộng đồng, v.v… Nó là phẩm chất quan trọng và cần thiết cho mọi lộ trình đưa đến sự thành tựu, kết quả tốt đẹp và lâu dài.

Trong bối cảnh xã hội hiện nay, sự lắng nghe lại càng có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Với sự bùng nổ, tràn lan của các phương tiện nghe nhìn, con người cùng một lúc tiếp cận nguồn thông tin đa chiều và hỗn loạn. Cùng với các áp lực khác cũng như hiện tượng khủng hoảng đạo đức lối sống, kỹ năng lắng nghe, thấu hiểu và phân định chất lượng thông tin lại càng cần thiết.

Khi tiếp cận thông tin nếu thiếu sự tỉnh giác, chúng ta rất dễ có sự phản ứng sai lạc, đi ngược lại với động cơ tốt đẹp, đưa đến những tai hại ngoài mong muốn cho bản thân, công việc, cộng đồng.

Lắng nghe giúp chúng ta kiểm soát bản thân, kiểm soát hành vi để trước hết giảm thiểu những khổ đau, ách nạn cho mình, đồng thời tránh tối đa sự gây não hại, đem lại khổ đau cho người khác.

Với người Việt cũng như đa số các nước ảnh hưởng văn hóa Phật giáo Đại thừa số đông có tín ngưỡng Đức Bồ-tát Quán Thế Âm, luôn có tâm niệm thành kính cầu nguyện, mong được Ngài gia trì, bảo hộ để có được sự bình yên, hanh thông mọi việc.

Tín ngưỡng đó là một nhu cầu tinh thần hoàn toàn chính đáng. Trong thực tế cũng có nhiều câu chuyện về sự mầu nhiệm của năng lượng chí thành chí thiết, sự gia trì của vị Bồ-tát biểu hiện cho sự quán chiếu âm thanh của thế gian, lắng nghe một cách thấu đáo nỗi khổ của vạn loại để cứu độ.

Ở đây xin không đề cập thêm mà chỉ nhấn mạnh rằng, kính ngưỡng Ngài, không gì cao quý hơn là học và thực tập theo hạnh của Ngài, tập lắng nghe một cách thực sự trong đời sống hàng ngày, để phẩm chất đó hiện hữu ngay trong mỗi người. Đó là việc làm không chỉ đem lại sự bình an cho mình, mà góp phần tích cực xây dựng cuộc đời, giảm thiểu những khủng hoảng trong xã hội hiện nay.

Diệu Nghiêm