.
.

Nguy cơ về hiện tượng lão hóa tín đồ


Đối với tôn giáo, tín đồ giữ vai trò quan trọng, vừa là đối tượng hướng đến vừa là yếu tố tạo nên sức sống, quyết định sự tồn vong và phát triển của một tôn giáo.

Phật giáo qua hàng ngàn năm hiện diện trên mảnh đất hình chữ S đã phát huy những giá trị tích cực của một tôn giáo nên được đón nhận như là lẽ sống đạo đức, tâm linh cần thiết của cộng đồng xã hội và các tầng lớp nhân dân qua các giai đoạn lịch sử. Các thiết chế về văn hóa, tư tưởng, triết lý của Phật giáo dần trở thành một phần không thể tách rời với dân tộc và có giai đoạn Phật giáo được xem là quốc giáo.

Sau 35 năm hình thành và phát triển, hệ thống hành chính Giáo hội đã phủ khắp 63/63 tỉnh, thành của đất nước. Và ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên, Giáo hội cũng đã tạo lập, phân công nhiệm vụ cho hai ban trực thuộc chuyên trách về công tác Tăng Ni, tự viện, tín đồ nhưng suốt thời gian dài đó vẫn chưa có một số liệu chuẩn xác về tình hình tín đồ Phật giáo tại Việt Nam chia theo độ tuổi, cơ cấu, thành phần, địa bàn phân bố.

Cho đến năm 2015, trước những bức xúc của xã hội và trong giới Tăng Ni, Phật tử trước những tín hiệu giảm sút về tín đồ, Giáo hội đã ban hành thông tư hướng dẫn về việc thống kê Tăng Ni, tự viện, tín đồ trên toàn quốc. Tuy nhiên, do không có những hướng dẫn cụ thể và không đưa ra các công cụ thống kê chuẩn mực nên kết quả mang lại có tính phỏng đoán và không đáng tin cậy.

Trong phát biểu mới nhất về nội dung này tại Hội thảo Tăng sự toàn quốc 2016 vừa diễn ra tại Hà Nội, HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS cho biết có thể tạm ước tính: tín đồ Phật tử đã quy y có sổ bộ và phái Quy y tại các tự viện trên 63 tỉnh thành trong cả nước là 16.232.064 người, còn lại là tín ngưỡng đạo Phật 38.376.355 người.

Tuy nhiên, một trong những số liệu mà Hòa thượng Chủ tịch HĐTS đưa ra cần được quan tâm là với thông tin này, “lượng Phật tử trẻ còn tương đối thấp, chỉ khoảng 15%, còn lại là thành phần lớn tuổi”. Lần đầu tiên, vị đứng đầu cơ quan điều hành cao nhất của Phật giáo cả nước thừa nhận tỷ lệ chênh lệch quá lớn về cơ cấu theo độ tuổi tín đồ trước toàn thể chư tôn túc lãnh đạo Phật giáo khắp các tỉnh, thành trong toàn quốc nhân một hội thảo khoa học là điều đáng quan tâm.

Qua đó, dù chưa có số liệu chính xác, chưa thể đánh giá được tín đồ Phật giáo tại Việt Nam tăng hay giảm theo thời gian nhưng cũng có thể hình dung được hiện tượng lão hóa lực lượng Phật tử đang sinh hoạt trên khắp các tự viện. Và với số liệu về tỷ lệ Phật tử trẻ trong số tín đồ Phật giáo như đã xác định, không cần đặt câu hỏi nhưng với những ai có tâm huyết với công cuộc truyền bá Chánh pháp, xiển dương giá trị giải thoát cũng có thể tự hiểu thực trạng thay đổi niềm tin tôn giáo hiện đang diễn ra âm thầm mà khốc liệt như thế nào và giới trẻ đang chuyển hướng về đời sống tâm linh ra sao.

Rồi đây, nếu không có những phương thức phù hợp, những chiến lược tốt trong công tác hoằng pháp, chỉ khoảng vài chục năm nữa, ta sẽ phải thừa nhận, tín đồ Phật giáo Việt Nam giảm thiểu một cách rõ rệt, đáng quan ngại.

 

Sơn Thoại | Báo Giác Ngộ