.
.

Khổ đau mầu nhiệm


Ta thường né tránh khổ đau và thích hưởng thụ hạnh phúc, nhưng hạnh phúc không phải tự nhiên mà có hay mong muốn mà được. Hạnh phúc đến từ cách sống và suy tư của ta trong cuộc sống hằng ngày. Để nếm trải sự bình yên thì cần nhiều điều kiện, khổ đau là một trong số những điều kiện ấy. Khổ đau cũng mầu nhiệm và đẹp như một đóa hoa nếu ta biết cách trân quý và học hỏi từ những khó khăn trong cuộc sống.

Sen nở từ bùn, hạnh phúc có mặt từ khổ đau, không thể chạy trốn khổ đau để tìm cầu hạnh phúc. Bùn và sen là một, rác và hoa không hai, buồn vui tương tức, bất nhị. Buồn vui là hai mặt của thực tại, hạnh phúc cần bấy nhiêu thì khổ đau cũng cần bấy nhiêu. Có qua những ngày nắng mới biết quý những ngày mưa, có thấm thía nỗi đau bệnh tật mới trân trọng tháng ngày mạnh khỏe, có buồn mới thấm ngày vui trọn vẹn, có an lạc mới hiểu giá trị của sầu thương. Mất đi người mình thương yêu mới nuối tiếc những phút giây ta sống hững hờ bên người ấy.

Đứa trẻ được bảo bọc ấm êm từ cha mẹ sẽ dễ thất bại khi tiếp xúc với đời. Những người từng nếm trải mất mát bi thương sẽ có trái tim chịu đựng sâu sắc và rộng lớn hơn người sống trong môi trường chở che đầy đủ. Cây trong đất xốp tươi khi mưa gió qua dễ bị ngã, cây trong vùng sỏi đá sẽ vững vàng chịu đựng bão giông. Có qua lần lầm lỗi, ta mới biết cách hành xử khéo léo để tránh rủi ro sau này.

Nhiều người có lẽ sẽ chẳng bao giờ đoái hoài đến đời sống tâm linh nếu chưa một lần nếm trải sự thất vọng, cô đơn hay hệ lụy. Nếu cuộc sống chỉ có màu hồng và bước trên thảm nhung sung sướng thì mấy ai đặt ra những suy tư về khổ đau, về thân phận kiếp người và con đường giác ngộ. Và rồi cũng sẽ chẳng bao giờ đi tìm ý nghĩa đích thực của cuộc đời là gì khi mãi mê quanh quẩn trong vòng buồn giận và xem thường bảo vật trong tay. Cánh cửa tâm linh sẽ mở ra và một hành trình mới bắt đầu khi những gian nan nghiệt ngã xuất hiện trong đời. Nên gian khổ sẽ là vực thẳm cho người yếu đuối nhưng là kho tàng cho người thông minh và là nấc thang đi đến an lạc cho người biết học hỏi và trân quý nó.

Mỗi một khổ đau như một cơn sinh nở để ta lột xác trở thành một con người mới, sâu sắc, an nhiên và vững chãi hơn. Mỗi lần vấp ngã sẽ cho ta cơ hội tái sinh với trái tim độ lượng, bước  chân nhẹ nhàng và đôi mắt trầm tĩnh. Nhờ thất bại, bệnh tật và mất mát mà ta tìm đến Đạo, đến nơi mà ta nghĩ có thể sẽ được an ủi và nương tựa chốn an bình. Tìm ngọc trong đá, tìm sen từ bùn, tìm bình yên ngay giữa dòng đời biến động đục trong. Nên ai đó đã nói rằng “Tôi không mong một thiên đường hạnh phúc, mà chỉ mong trong đau thương làm chủ được chính mình”. “Đừng mong cho trời yên bể lặng, chỉ mong sao chân cứng đá mềm”; với nụ cười vô uý và bước chân thảnh thơi là hành trang ta bước vào đời để tuỳ duyên hoá độ.

Nhìn sâu một chút, ta hãy cảm ơn những lụy phiền, vì nhờ nó mà ta biết còn nhiều yếu kém cần bù đắp và sửa đổi. Nhiều lần ta hay cho rằng mình hay mình giỏi, đôi lúc có những tự mãn âm thầm về những thành công đạt được. Có thất bại rồi mới thấy ta còn nhiều khiếm khuyết và có thể sẽ ngạ quỵ bất cứ lúc nào. Mong manh và dễ tổn thương là khi tâm chưa có định lực, tâm ta vẫn thường như thế. Nên xin tạ ơn những lúc ta dại dột và muộn phiền, có những lần trôi dạt đến tận cùng bến bờ của sự chán nản, mệt mỏi và tuyệt vọng mà ta đã vực dậy được bản năng sinh tồn, mạnh mẽ ý chí đứng dậy từ nơi vấp ngã để chữa lành những vết thương, lau khô dòng nước mắt, tìm lại những nụ cười, chuyển hoá những lầm lỗi và biết yêu thương chính mình. Ngày trước Đức Thế Tôn đã không tìm thấy sự giác ngộ nơi lối sống khổ hạnh của Ngài, Người đã thay đổi và xem đó như những kinh nghiệm để thân tâm được nhẹ nhàng bước vào thiền định. Với thân đầy đủ sinh lực và tâm an trú trong thiền định, Ngài đã tìm ra ánh sáng giác ngộ cho nhân loại. Hãy tiếp xử với những điều bất như ý như những người bạn cần thiết để ta chỉn chu thân tâm và cuộc sống được vẹn tròn hỷ lạc.

Thiện tuệ