Chúng ta nghĩ tới người nghèo kẻ thiếu đem tiền của dư giúp họ là do lòng từ bi, song việc làm đó có khi là tâm muốn được phước nữa. Ở đây ông Bàng Uẩn khi ngộ đạo rồi, ông thấy tất cả thế gian không có cái gì quan trọng, tiền của danh lợi đối với ông là một trò chơi không đáng gì hết. Cho nên ông không cần, ông đem đổ cái mình không cần, để dứt hẳn lòng tham luyến của cải thế gian.
HỎI: Đọc trong sách con thấy cư sĩ họ Bàng là một học giả Khổng giáo và là người giàu có ở đời Đường. Ông tự dự những pháp hội với nhiều Thiền sư danh tiếng, ông đem tài sản của mình đổ xuống sông để cầu đạo Vô thượng Bồ đề. Chúng con thắc mắc tại sao ông đem vàng bạc bỏ phí đi mà không bố thí cho kẻ khốn cùng nghèo khổ?
ĐÁP: Tôi xin giải thích điều này để quí vị khỏi thắc mắc. Ông Bàng Uẩn là một nhà khá giả, sau khi ngộ đạo rồi, những tiền của còn lại ông chở đem đổ xuống sông hết. Từ đó về sau ông sống một cuộc đời thanh bạch, ông bện sáo để con gái đem ra chợ bán, bà Bàng ở nhà với đứa con trai đi làm ruộng. Lý ra của cải dư ông đem bố thí thì tốt hơn, tại sao lại đem đổ xuống sông? Điều này làm cho nhiều người thắc mắc. Đây tôi giải thích cho quí vị hiểu.
Chúng ta nghĩ tới người nghèo kẻ thiếu đem tiền của dư giúp họ là do lòng từ bi, song việc làm đó có khi là tâm muốn được phước nữa. Ở đây ông Bàng Uẩn khi ngộ đạo rồi, ông thấy tất cả thế gian không có cái gì quan trọng, tiền của danh lợi đối với ông là một trò chơi không đáng gì hết. Cho nên ông không cần, ông đem đổ cái mình không cần, để dứt hẳn lòng tham luyến của cải thế gian. Mình biết cái đó là nhân của tham lam, nếu đem cho người khác là tăng thêm lòng tham lam cho người ta. Cái mình thấy nó không nghĩa lý gì chỉ tăng trưởng lòng tham, mà đem cho người khác là vô tình nuôi dưỡng tham lam cho người.
Lẽ phải của ông là ông không muốn tham cũng không muốn cho người khác tham, đó là lý của ông. Còn việc giúp người nghèo khổ, người bệnh tật thì ở thế gian này không cùng. Đem tiền của làm việc phước thiện để giúp kẻ nghèo đói thì đó là tâm từ thiện, còn nhân khác nhau: Cái nhân từ bi giúp đỡ để có phước và cái nhân dứt sạch tham lam ở mình ở người, hai cái nhân này hoàn toàn không giống nhau. Cái phải của người này chưa phải là cái phải của người kia. Chúng ta có quyền phê bình nhưng chưa chắc chúng ta phê bình đã đúng.
Hòa thượng Thích Thanh Từ