.
.

Đệ tử Phật – Người tu trì giới luật


Đệ tử của Phật là “Tu trì giới luật”. Còn quyến thuộc của ma là “Hủy hoại giới luật”, chẳng tuân thủ chế độ của Phật… Phàm là “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành”. Ai giữ nghiêm chế độ của Phật, đây là đệ tử của Phật.

Kính thưa các quý vị thiện tri thức!

Phật giáo ngày nay, có thể nói là: “Vàng thau lẫn lộn, rồng rắn hỗn tạp”. Tại vì sao?

Bởi vì, lúc ban sơ, khi ma vương thấy Thế Tôn thành Phật, nó dùng mọi thứ ma thuật để nhiễu loạn Thích Ca Mâu Ni Phật. Tuy nhiên, chẳng có cách chi phá hoại được cảnh giới của Phật.

Ma vương này, trong khi chẳng còn phương pháp chi thi thố nữa. Hắn liền nói:

“Hôm nay, tuy ta chẳng làm gì được ông. Nhưng tương lai, đến lúc Phật pháp của ông sắp diệt, ta có thể sai quyến thuộc, ma con, ma cháu của ta lẫn lộn trong Phật giáo của ông. Ta ăn cơm “Phật giáo” của ông, mặc y phục Phật giáo, nhưng ta phải “đá” trong bát cơm của ông; đem Phật giáo của ông, phá hoại đến thân thể chẳng còn miếng da nguyên vẹn.”

Phật nghe được ma vương Ba-tuần phát ra những lời thệ nguyện ác độc này. Phật chẳng nhẫn nại được, cho nên ngài âu lo thời mạt pháp (Pháp nhược, ma cường): Rất nhiều đạo tràng bên trong đều có quyến thuộc của ma vương. Trên danh nghĩa là làm phật sự, trên thực tế là đang đảo loạn Phật giáo.

Do đó có thể thấy được: Trong Phật giáo ngày nay, họ miệng thì nói lời của Phật giáo, nhưng trên thực tế, chẳng làm việc của Phật giáo khiến cho những Phật giáo đồ chính tín thông thường lòng tin bị lay động. Lay động rồi, cho nên cũng chẳng có con mắt trạch pháp nên không nhận ra ai là đệ tử Phật, ai là đệ tử của ma.

Vậy nay, tôi dạy quý vị về con mắt trạch pháp:

Quý vị có thể quan sát thì phân biệt ra được chỗ khác nhau giữa đệ tử Phật và đệ tử của ma.

Đệ tử của Phật là “Tu trì giới luật”. Còn quyến thuộc của ma là “Hủy hoại giới luật”, chẳng tuân thủ chế độ của Phật.

Chế độ của Phật là gì? Chế độ của Phật là dạy người chẳng tranh, chẳng tham, chẳng cầu, chẳng tự tư, chẳng tự lợi. Đừng nên vì lợi ích của riêng mình mà nói dối, lừa người. Phàm là những người nói dối lừa người, vừa quen biết thì anh biết hắn là con cháu của ma vương.

Họ chẳng tuân thủ giới luật của Phật.

Phàm là “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành”. Ai giữ nghiêm chế độ của Phật, đây là đệ tử của Phật. Muốn phân biệt “Đệ tử Phật, đệ tử ma”, ta cần quan sát họ: Người “Phật giáo đồ” này họ có phải suốt ngày cứ mải tranh danh, mải đoạt lợi rồi cùng người đấu tranh. Lúc tâm đấu tranh vừa khởi dậy đồng thời tướng Tu la hiện ra rồi. Tướng Tu la hiện ra thì diện mạo của Tu la cũng đã lộ ra.

Anh lại xem họ có phải nịnh bợ những kẻ có tiền, coi rẻ người nghèo? Có phải suốt ngày, họ ở đó tính cái bài toán để kiếm ra tiền?

Chỗ của họ ngày ngày đều vô cùng náo nhiệt, vô cùng phồn hoa, cầu danh cầu lợi. Tại sao phải cầu danh, cầu lợi? Bởi vì họ ích kỷ. Họ, tại sao phải ích kỷ? Là vì muốn tư lợi. Bởi vì họ ích kỷ lại tư lợi, chẳng có tinh thần “đại công vô tư”, chẳng có tinh thần “chí thành vô thiên”.

Chỗ hành, chỗ làm trên mặt xem ra là thuộc về Phật Tông Chỉ, cuối cùng là muốn phá hoại Phật giáo. Như vậy, chúng ta phải nên nhận thức: “Đây là quyến thuộc của ma vương”. Tuy tướng mạo giống như một “Phật giáo đồ”, mà lại làm những việc thủ đoạn.

Lúc đó, anh có thể nhận ra họ là “Phật giáo đồ” chân chính hay là ở trong Phật giáo để rồi buông trôi theo kẻ xấu, chẳng nói chân lý mà toàn nói những việc mê tín. Nói những lời khiến người ta chẳng biết theo bên nào là đúng.

Thật sự muốn làm một đệ tử của Phật, nhất định phải có con mắt trạch pháp.

Nếu anh chẳng có con mắt trạch pháp, trong Phật giáo, anh muốn làm việc thiện có thể ngược lại: trong thiện có ác, khiến cho thiện ác lẫn lộn thì là “lên chẳng đến trời, xuống chẳng đến đất”, treo lơ lửng giữa không trung (hay còn gọi là treo lưng chừng trời). Như vậy, anh bảo có khổ sở hay không?

Lên không lên, xuống không xuống. Muốn lên cũng chẳng thể lên, muốn xuống cũng chẳng thể xuống. Chẳng biết phải trải qua biết bao nhiêu trăm ngàn vạn ức kiếp mới có thể có cơ hội lại gặp được Phật pháp.

Quý vị thử nghĩ xem. Có phải ta nên đặc biệt, đặc biệt thận trọng một chút hay không?

HT Tuyên Hóa