Với tôi, việc dụng công tu hành không phải chỉ thời khóa tụng kinh, sám hối, ngồi thiền hay trì chú mà là nhìn lại chính mình qua những việc phải đối diện hàng ngày. Có lẽ, vấn đề chính yếu vẫn là diệt cho được hạt giống tham, sân, si.
Ai tâm không an trú
Không biết chân diệu pháp
Tịnh tín bị rúng động
Trí tuệ không viên thành.
(Kinh Pháp cú, phẩm Tâm)
Cũng vậy, khi cái tốt không nhiều chắc hẳn cái ác sẽ nhanh chóng lấp đầy trong lòng của mỗi người. Những niệm tham, sân, si tức là vọng tưởng sẽ lấp đầy cái tâm thiếu sự phòng hộ, cái tâm không có thói quen nhìn lại hay cũng gọi là thường biết vọng. Để huân tập thói quen tốt này cũng là một hành trình đầy gian nan vì đang đi ngược lại với tập nghiệp thường xuyên hướng ngoại. Vì thế không gì khác hơn là phải tự xây dựng cho mình một kỷ luật tu hành tùy theo duyên của mỗi người.
Nhờ sự biết vọng liên tục nên bất cứ việc gì xảy ra, ta có thể bình tĩnh và xem đó là một cơ hội để tự đánh giá mình trong bước đường tu tập. Cũng nhờ đó mà ta có thể làm chủ được cảm xúc, suy nghĩ, hành động và từ đó ứng dụng vào các việc nhỏ nhặt hàng ngày như ăn mặc, giao tiếp… cho đến những việc lớn hơn như những khó khăn, thách thức trong cuộc sống
Đôi khi, chúng ta vấp phải những hoàn cảnh đau lòng như mất đi người thân, người tu biết vọng phải biết làm chủ được những ý niệm khiến cho tâm trí không rối loạn để có thể vững chãi lo chuyện hậu sự cho trọn vẹn, cũng như làm chủ được nỗi buồn làm ảnh hưởng đến công việc.
Người tu biết vọng thuần thục thì tâm như như bất động, dụ như chiếc thuyền dính đá ngầm, không có sóng vọng tưởng nào làm cho nó lay động được, như trong lời giảng của Tỳ-kheo Mi Tiên trong Mi Tiên vấn đáp:
Xin Đại đức cho nghe về trường hợp ghe thuyền dính đá ngầm?
Thế nếu ghe thuyền dính đá ngầm thì tình trạng nó ra sao, hở đại vương?
Thưa, ghe thuyền dính đá ngầm rồi thì không tới, không lui được.
Tâu, vâng. Khi tâm của một hành giả đã diệt thảy tất cả mọi tà tư duy, đã làm cho yên lặng luyến ái, sân hận, đã phá vỡ si mê rồi – thì tâm ấy sẽ trạm nhiên, bất động, thanh tịnh; sẽ ở yên một chỗ, chẳng còn xao động, chẳng còn lăng xăng đi chỗ này, chỗ nọ, chỗ kia, chỗ khác nữa!
Vâng, vâng! Còn điểm nào nữa không, hở Đại đức?
Tâu, còn điểm hai nữa. Là khi thuyền dính đá ngầm rồi, hẳn là thuyền phải chìm xuống.
Cũng thế, một hành giả khi tâm đã trạm nhiên, thanh tịnh, bất động rồi, sẽ từ từ chìm lắng vào trong Pháp. Khi tâm đã chìm lắng trong Pháp, vững chắc trong Pháp, thì không có gì có thể lay động được nữa. Đúng như ngài Xá-lợi-phất đã thuyết: “Thuyền khi chìm trong biển thì không có gì lay động được. Một vị Tỳ-kheo tâm đã chìm vào trong Pháp rồi, những lợi lộc, danh vọng, khen tặng… chẳng thể làm cho dao động được”.
Khi người tu biết vọng thuần thục thì chuyện vượt qua các khổ ách là điều rất đơn giản, nhẹ nhàng. Con người ta vốn dĩ có tập khí chấp ngã, luôn nghĩ cho mình, chúng ta cho rằng những cảm thọ là mình nên khi những khó khăn ập đến, ta thường bị khổ đau, khổ đau vì không thể chấp nhận.
Ai còn tham luyến (tức còn ngã ái chấp đây là của tôi, ngã mạn chấp đây là tôi, ngã kiến chấp đây là tự ngã của tôi), thời có dao động. Ai không tham luyến, thời không dao động. Ai không dao động, thời được khinh an. Ai được khinh an thời không thiên chấp. Ai không thiên chấp, thời không có đến và đi. Ai không có đến và đi, thời không có diệt và sanh. Ai không có diệt và sanh, thời không có đời này đời sau, không có giữa hai đời. Đây là sự đoạn tận khổ đau (Kinh Tương ưng bộ, Niết-bàn).
Để không còn khổ đau, chúng ta nên luôn nghĩ đến điều lợi ích cho kẻ khác, sống phụng sự vì lợi ích chung. Vào Phật đạo là phải đi qua cửa Vô ngã, qua ít thì bớt khổ ít, qua nhiều thì bớt khổ nhiều, qua trọn vẹn thì dứt khổ, Niết-bàn an vui. Người tu mà ôm ấp bản ngã nặng, cố chấp không buông là trái với con đường mình đi, là quay lưng với ánh sáng giác ngộ.
Phương Ân