theo quan điểm Phật giáo, ăn chay ngoài việc đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, ăn chay còn tránh việc sát sanh, vì sát sanh sẽ đưa đến quả báo hiện đời tuổi thọ ngắn, tương lai sanh vào ba đường xấu. Ăn chay còn nuôi dưỡng hạt giống từ bi trong tâm thức. Hơn thế, hành giả ăn chay là người không sát sanh, còn thực hành hạnh vô úy thí, tức là không đem sự sợ hãi, sự khiếp đảm, khổ đau cho mọi loài. Đây chính là một nguồn công đức vô tận không thể nghĩ bàn mà đức Phật đã dạy.
Hỏi:
Kính thưa quý thầy, vợ chồng chúng con còn trẻ. Chúng con đã quy y Tam Bảo được một năm và cả hai vợ chồng dự tính sẽ phát tâm ăn chay trường. Tuy nhiên, nghe nhiều người nói ăn chay ảnh hưởng đến việc sinh con, hay ăn chay thì không đủ dinh dưỡng nên chúng con cảm thấy phân vân. Nay chúng con gửi điều thắc mắc này đến quý thầy mong cho vợ chồng con một lời khuyên.
(Âu Thành Huệ, Thị trấn Cần Giuộc, Long An Email:[email protected])
Đáp:
Bạn Huệ thân mến !
Có thể nói rằng phương pháp ăn chay đều có nguồn gốc từ các tôn giáo. Thế nhưng phương pháp ăn chay lại có sự thay đổi tùy theo quan điểm của mỗi trường phái khác nhau. Một số trường phái ăn chay thì cho phép dùng các loại thực vật, vì vậy nhiều người khi nghĩ đến ăn chay chỉ đề cập đến thực vật. Ví dụ ăn chay với Công giáo là không ăn các thực phẩm từ thịt gia súc, nhưng vẫn có thể ăn cá, hải sản. Ở Ấn độ, Nhật Bản hay Trung Á có những trường phái ăn chay cực kỳ nghiêm ngặt, chỉ cho ăn ngũ cốc, cấm cả trái cây. Thế nhưng đối với quan điểm Phật giáo ăn chay để làm gì? Tại sao người Phật tử được khuyến khích nên ăn chay?
Dưới góc độ khoa học, ăn chay trước hết sẽ tránh được những tác hại so với việc ăn thịt như: các bệnh lý về tim mạch, ung thư, ngộ độc thực phẩm, béo phì, đái tháo đường, sỏi mật…
Nhiều người cho rằng ăn chay không thể cung cấp đủ các loại chất cần thiết cho cơ thể. Do vậy mà có nhiều người đã hạn chế hoặc không dám ăn chay. Tuy nhiên, ngày nay ăn chay đang là khuynh hướng thịnh hành ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, vì nó giúp ngăn ngừa được nhiều bệnh tật. Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng của tâm lý đám đông do đa số mọi người đều cho rằng ăn chay sẽ không đủ chất. Đây là hạn chế lớn nhất. Như trong kinh Pháp Cú, Đức Phật đã nói “we are what we think!” “Mình chính là ý nghĩ của mình”(1) Nếu chúng ta thấy ăn chay không bổ dưỡng thì nó sẽ không bổ dưỡng và ngược lại. Đây là góc độ của tâm thức chứ không còn là góc độ của dinh dưỡng. Từ lâu, khoa học đã gieo vào chúng ta là ăn chay sẽ không cân đối, cần phải có thức ăn từ động vật. Do vậy, mà đại đa số mọi người cứ mãi ám ảnh. Trên thực tế thì hoàn toàn ngược lại.
Theo nghiên cứu của giới chuyên môn, một khẩu phần ăn được xem là đảm bảo sức khỏe trước hết phải đảm bảo số lượng của bữa ăn. Nếu chúng ta ăn ít quá thì sẽ suy dinh dưỡng, còn ngược lại thì sẽ sinh béo phì. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là làm sao đầy đủ các chất dinh dưỡng để tạo nên sự cân đối.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng thì thực phẩm ăn chay phải đầy đủ 4 nhóm. Nhóm thứ nhất là rau trái, cần đến 500gr mỗi ngày. Rau trái cung cấp muối khoáng, sinh tố, các chất chống oxy hóa, chống lão hóa. Ngũ cốc là nhóm thứ nhì. Đây có thể là gạo, bánh mì, khoai củ… Trung bình mỗi ngày cần 300gr tùy mỗi người. Các thứ này sẽ cung cấp năng lượng, tinh bột, vitamin nhóm B tạo nên cảm giác no khi ăn. Nhóm thứ ba là nhóm cung cấp chất đạm, gồm: đậu, sữa…, một ngày cần khoảng từ 50 đến 100gr. Nhóm cuối cùng là dầu ăn và gia vị. Cần 20 đến 30gr dầu ăn mỗi ngày; gia vị như muối, đường càng ít càng tốt. Dầu ăn sẽ cung cấp các chất béo cần thiết cho cơ thể. Chế độ ăn nên ăn đầy đủ ba bữa trong một ngày.
Hiện tại chúng tôi chưa tìm thấy một tư liệu nào chứng minh rằng người ăn chay sẽ bị ảnh hưởng đến việc sinh con. Có chăng chỉ là những trường hợp ăn chay mà không đúng cách, không đủ dinh dưỡng dẫn đến nam giới yếu về sinh lý. Vì thế vợ chồng bạn hãy an tâm về việc ăn chay trường của mình. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý ăn chay sao cho chế độ dinh dưỡng đầy đủ, không nên ăn uống quá đơn giản dẫn đến việc sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trong Kinh Tăng Chi bộ, kinh Rất Nhẹ, Đức Phật có dạy:
“Này các Tỷ-kheo, sát sanh được thực hiện, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến địa ngục, đưa đến loại bàng sanh, đưa đến cõi ngạ quỷ. Quả dị thục hết sức nhẹ của sát sanh là được làm người với tuổi thọ ngắn.” (1)
Ngoài ra cũng trong Kinh Tăng Chi bộ, kinh Nguồn nước công đức, đức Phật cũng khẳng định rằng:
“Này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận sát sanh. Này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử từ bỏ sát sanh, đem cho không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hận thù cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hại cho vô lượng chúng sanh; sau khi cho vô lượng chúng sanh, không sợ hãi, không hận thù, không hại, vị ấy sẽ được san sẻ vô lượng không sợ hãi, không hận thù, không hại.” (2)
Như vậy theo quan điểm Phật giáo, ăn chay ngoài việc đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, ăn chay còn tránh việc sát sanh, vì sát sanh sẽ đưa đến quả báo hiện đời tuổi thọ ngắn, tương lai sanh vào ba đường xấu. Ăn chay còn nuôi dưỡng hạt giống từ bi trong tâm thức. Hơn thế, hành giả ăn chay là người không sát sanh, còn thực hành hạnh vô úy thí, tức là không đem sự sợ hãi, sự khiếp đảm, khổ đau cho mọi loài. Đây chính là một nguồn công đức vô tận không thể nghĩ bàn mà đức Phật đã dạy.
Chúng tôi thiết nghĩ, trong một gia đình mà cả vợ lẫn chồng biết ăn chay trường như gia đình bạn, không sát sanh, tâm từ bi được nuôi dưỡng trong tâm thức cả vợ lẫn chồng, hệ quả tất yếu dẫn đến vợ chồng bạn sẽ sinh được những đứa con ngoan hiền, hiếu thuận và xinh đẹp. Gia đình bạn sẽ hạnh phúc hơn nếu cả hai cùng biết áp dụng Năm Giới Phật dạy trong đời sống tại gia. Bởi ăn chay đem lại nhiều lợi ích như thế cho nên Albert Einstein (1879 – 1955), nhà bác học nổi danh của thế kỷ thứ 20, người đã phát minh ra thuyết tương đối và được tặng giải Nobel về vật lý học năm 1921 cũng là một người ăn chay trường. Ông đã không ngần ngại khi phát biểu: “Không gì ích lợi cho sức khỏe của con người để có cơ hội sống lâu trên quả địa cầu này bằng cách ăn chay”. (3)
Nguồn: Chùa Hoằng Pháp
* * *
Tài liệu tham khảo
1.Dhammapada, Choices
http://www.thebigview.com/buddhism/dhammapada-01.html
2. Kinh Tăng Chi bộ, kinh Rất nhẹ,
http://minhhanhdp.brinkster.net/access_to_insight/ChanhHanh/Vipaka%20Sutta.htm
3. Kinh Tăng Chi bộ, kinh Nguồn nước công đức,
http://minhhanhdp.brinkster.net/access_to_insight/ChanhHanh/Abhisanda%20Sutta.htm
4. Ăn chay và quan niệm của danh nhân thế giới
http://gdpthoaihai.org/vi/news/song-dao/am-thuc-chay/414-an-chay-va-quan-niem-cua-danh-nhan-the-gioi.html