.
.

Nhà sư Việt gieo hạt giống Phật pháp trong nhà tù Mỹ


Trong mỗi chuyến đi, thầy phải vượt trên dưới 600 cây số đi và về, đến giảng dạy Phật pháp tại các trại tù của bang California (Hoa Kỳ), nơi mà thầy gọi là “các tu viện bất thường” để gặp gỡ “những người bạn pháp” trong “Tăng đoàn đặc biệt” nơi đó…


Mùa xuân năm 2013, khi sắp hoàn thành luận án nghiên cứu sinh, thầy Thích Thiện Tâm (người Việt, hiện đang sống và tu học ở Hoa Kỳ) đã quyết định ghi danh tham gia chương trình dạy Phật pháp cho tù nhân ở một số bang của Hoa Kỳ, do giáo sư Lewis Lancaster khởi xướng. Đây là giấc mơ hơn mười năm ấp ủ của vị giáo sư này và thầy Thiện Tâm là một trong số ba người tiên phong trong hoạt động này khi ấy.

Hinh  1.jpgThầy Thiện Tâm (ngồi, thứ 2 từ trái sang) tham dự hội thảo 
“Chia sẻ kinh nghiệm giảng dạt Phật giáo trong tù”, tháng 11-2016 tại San Dimas, California

Mang Phật pháp vào nhà tù

Với suy nghĩ “đây chính là cơ hội để bản thân có thể đáp đền trọng ân Tam bảo và mong muốn được làm gì đó lợi ích, tốt đẹp cho những tù nhân người Việt cũng như tù nhân thuộc các sắc tộc khác nhau đang thọ án trong các nhà tù tại các bang trên nước Mỹ”, thầy Thiện Tâm đã bắt đầu dành hết tâm sức của mình cho những chuyến đi vào nơi ngục tối, đưa Phật giáo đến với những tù nhân tuyệt vọng và bất an – với niềm tin rằng “Phật pháp có thể giúp người lạc bước cải sửa bản thân và mang lại bình yên, khơi dậy bản tâm hướng thiện nơi họ ngay trong đời sống lao tù và cả cho sự tái nhập cộng đồng sau khi được phóng thích”.

Và thế là từ mùa hè năm 2013, sự len lỏi của ánh sáng và sự thực hành Phật pháp cùng bước chân thầy Thiện Tâm lần đầu tiên có mặt nơi song sắt của trại tù Chuckawa Valley (thành phố Blythe, California) trong tinh thần thiện nguyện, bất vụ lợi của nhóm Phật giáo dấn thân (The Engaged Buddhist Alliance).

Chương trình Phật pháp và thiền học này hiện được các trại tù bang California chấp thuận theo Đề xuất số 57 (Proposition 57, do bang California đệ trình, được bỏ phiếu chấp thuận tháng 11-2016 và có hiệu lực toàn bang). Theo đó, nếu tù nhân đến tham dự chương trình được 52 giờ trong một năm thì án tù giam của họ sẽ được giảm một tuần. Vì sự thiết thực này, số tù nhân đến tham gia chương trình ngày càng tăng lên và khá nhiều tù nhân đang nằm trong danh sách chờ được bố trí tham gia vì sự giới hạn về không gian của “lớp học đặc biệt” này, tối đa không quá 35 người.

Lớp học giáo lý và thực hành Phật pháp trong song sắt nhà tù

Giới thiệu và giảng dạy Phật pháp cùng phương pháp thực hành thiền chánh niệm là những trọng tâm của khóa học.

Các nội dung Phật học được thầy Thiện Tâm đưa vào chương trình giảng dạy cho sự chuyển hóa cần thiết với tù nhân không nằm ngoài những giáo lý cốt lõi như: Tứ đế, Bát Chánh đạo, Tam Pháp ấn, Ngũ uẩn, Lục độ, Thập nhị nhân duyên, giáo lý về nghiệp và nhân quả… “Song song với pháp học, các tù nhân còn có thể hành thiền ngay trong không gian phòng giam của mình cũng như có thể thực hành chánh niệm trong mọi sinh hoạt cá nhân và các hoạt động cộng đồng khác của nhà tù”, thầy chia sẻ.

Mỗi lần gặp gỡ tại các trại tù, thầy Thiện Tâm có thời gian trung bình từ một giờ rưỡi đến hai giờ để hướng dẫn cho các tù nhân. Trong đó, 20 phút đầu dành cho việc thuyết giảng giáo lý Phật, 30 phút tiếp theo cho hành thiền và thời gian còn lại dành cho các tù nhân chia sẻ kinh nghiệm thực hành hoặc trình bày các thắc mắc về giáo lý và sự thực hành của bản thân. Ngoài ra, để gia cố thêm cho sự thực hành này, mỗi năm thầy còn xin phép Ban quản lý nhà tù thêm hai ngày hướng dẫn thiền tập và cùng hành thiền trong yên lặng với tù nhân, trong khoảng thời gian từ 8g30 sáng đến 3g30 chiều.

Thấu hiểu được khát khao “muốn thoát khổ và để được an vui” của các tù nhân khi tìm đến khóa học Phật giáo này nên bằng tấm lòng từ ái và tâm nguyện mạnh mẽ của vị xuất sĩ, thầy đã không nề hà những chướng ngại trên con đường “gieo hạt giống Phật” để phần nào giúp “làm vơi đi nỗi khổ niềm đau” cho những người trót lầm lỗi đang bị pháp luật chế tài tại các trại giam.

Thầy cho biết, tuy không gặp nhiều khó khăn trong việc liên lạc với Ban quản trị nhà tù để xin phép cho khóa học được tiến hành nhưng một số nhà tù nơi thầy đến giảng dạy không phải lúc nào cũng sẵn lòng hợp tác. Một số cai tù không thông báo hoặc không mở cửa cho tù nhân đến tham dự khóa học như lịch trình đã được duyệt và sắp xếp từ trước. Tuy vậy, một tín hiệu vui là khoảng 5 năm trở lại đây, chính sách của trại tù đã phần nào thay đổi nhưng “vẫn cần phải cải cách nhiều để có thể tạo điều kiện cho tù nhân hoàn thiện nhân cách và đạo đức”. Có lẽ vì còn nhiều bất cập như hiện nay nên gần 70% tù nhân sau khi ra tù tái phạm tội chỉ trong thời gian ba năm, thầy chia sẻ thêm.

Và trong số 7 trại tù thầy Thiện Tâm đến mở khóa học thì có 4 trại với quãng đường đi về gần 650 cây số. Do vậy, thầy phải bắt đầu chuyến đi đến các nhà tù từ 3g sáng, thực hiện việc giảng dạy từ 8g sáng đến 4g chiều và mất gần bốn tiếng đồng hồ để quay trở về. Về sau, do sức khỏe không cho phép đi về trong ngày với lộ trình xa như vậy nên thầy phải lái xe đến trại tù trước một đêm và nghỉ lại để sáng hôm sau bắt đầu việc giảng dạy của mình.

Theo thầy, khó khăn lớn nhất là tìm thêm người cùng chí nguyện và có đủ các điều kiện cũng như sự sẵn lòng tham gia, theo tiêu chí và chương trình của khóa học để hoạt động này được lan rộng hơn nữa. “Trên thực tế, ngoài những vị xuất gia, tìm được những cư sĩ am tường và có sự thực hành Phật pháp hay có sự thiền tập chuyên chú để hướng dẫn cho người khác thì tương đối khó. Và nếu có người đáp ứng được các tiêu chí này thì họ cũng không thể sắp xếp tham gia vì cuộc sống thường nhật khá bận rộn”.

Thử thách là vậy, nhưng suốt 4 năm qua thầy vẫn miệt mài, cần mẫn đi và về trong lặng lẽ với hành trang duy nhất chính là sự chuyên chở giáo pháp Phật đến những nơi tăm tối nhất này, không mệt mỏi và không gián đoạn.

Mọi chúng sanh đều bình đẳng trước cơ hội học Phật

Chỉ sau khoảng gần một năm hướng dẫn trong tù, thầy Thiện Tâm đã quan sát thấy nhiều sự biến chuyển tích cực và tốt đẹp từ phía những tù nhân tham gia khóa học. Để có thể am tường và hiểu rõ hơn về tình trạng cưỡng chế tù giam này trên đất Mỹ, thầy mỗi ngày đều dành vài giờ đồng hồ nghiên cứu với hy vọng có thể mở rộng hoạt động hữu ích này đến với nhiều tù nhân hơn. Trên thực tế, Hoa Kỳ là một trong những quốc gia giàu có và phát triển bậc nhất trên thế giới nhưng lại có số lượng tù nhân nhiều nhất thế giới, chiếm khoảng 24% trong tổng số tù nhân của thế giới trong khi dân số nước Mỹ chỉ chiếm khoảng 5% dân số thế giới. Và trong vòng năm năm qua, chính phủ liên bang cũng như tiểu bang đang có những chính sách giảm bớt số tù nhân.

Hiện tại, nước Mỹ có khoảng 2,3 triệu tù nhân tiểu bang và liên bang với ít nhất 60% tù nhân là người da đen và người gốc Latin (theo Thống kê Tư pháp Hoa Kỳ) và 9% tù nhân là người châu Á; trong đó người Việt Nam chiếm tỷ lệ cao nhất (hiện có khoảng gần 600 người Việt trong các trại tù bang California, chưa tính đến số tù nhân trong 7 trại tù liên bang ở California), kế đến là người Campuchia, Philippines, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc – theo AAPIP – Asian American/Pacific Islander in Philanthropy.

Riêng tại tiểu bang California hiện có 130.000 tù nhân. Do vậy, từ một trại giam khi mới bắt đầu năm 2013, đến giờ thầy Thiện Tâm đã phụ trách giảng dạy cho 7 trại tù (6 trại tù nam và 1 trại tù nữ). Hiện thầy cũng đang liên lạc với tù nhân ở 22 trại giam bang California và 3 trại giam ở các bang Arizona, Mississippi và Minnesota.

Các tù nhân tham gia khóa học thuộc đủ các chủng tộc như: người da trắng, da đen, Latin, châu Á và cả người Mỹ bản địa; đặc biệt đa số họ đều ở độ tuổi từ ngoài 20 đến ngoài 30.

Để sự thực hành được cộng hưởng…

Song song với việc dạy Phật pháp và chia sẻ thiền tập, thầy Thiện Tâm còn hướng dẫn các tù nhân cách áp dụng Phật pháp – đặc biệt là giáo lý Tứ đế, cũng như sự quán chiếu và niệm thân hành vào sinh hoạt thường nhật của họ.

“Cụ thể là hướng dẫn các tù nhân cách dành thời gian mỗi ngày quán xét tâm của mình và cố gắng giữ chánh niệm trong mọi hoàn cảnh, từ hành động đến lời nói. Khi bị phiền não chi phối, nên cố gắng nhận diện nó và không nên có những phản ứng vô ích, tránh tạo nhân bất thiện. Bằng sự thực hành này, các tù nhân ‘thấy’ được phiền não của chính mình và biết cách làm giảm bớt phiền não, khổ đau cho mình cũng như tránh làm điều xấu ác trong đời sống tù giam”, thầy giải thích.

Bên cạnh đó, các tù nhân còn duy trì sự liên lạc thường xuyên với thầy qua email hoặc thư bưu điện để có những trao đổi, chia sẻ về việc học và hành cũng như những chuyển biến của bản thân trong và sau khóa học. Điều xúc động là mỗi dịp Khánh đản, trong các chuyến thăm tù, thầy Thiện Tâm đều mang theo tượng Phật đản sanh để cùng các tù nhân thực hiện nghi thức tắm Phật, dù thật giản dị và đơn sơ nhưng cũng giúp họ hiểu rõ ý nghĩa của lễ Mộc dục.

Ngoài ra, thầy còn trao tặng sách Phật học và chuỗi niệm Phật cho các tù nhân. Đặc biệt, nếu có khó khăn về việc ăn, mặc sau khi ra tù, họ có thể viết thư hoặc liên lạc trực tiếp với thầy cũng như nhóm kết nối Step Into Compassion để được hỗ trợ.

Những hạt giống lành đã bắt đầu nảy mầm nơi đất chết

Sau bốn năm tiếp xúc và tìm hiểu văn hóa, tâm lý người dân Hoa Kỳ, thầy phát hiện ra rằng “đa số họ không chấp nhận và không thỏa mãn về hình tướng, tâm tính của bản thân cũng như thiếu từ tâm cho mình – họ thường không tha thứ cho bản thân dù phạm phải một lỗi nhỏ”. Điều này điển hình nhất là với dân số tù nhân nam, nữ trong các trại giam. Quan sát trên cũng được ghi rõ trong các sách của những bác sĩ tâm lý như Jack Kornfield, Tara Brach tại Hoa Kỳ.

Từ thực tế này, kể từ năm 2016, thầy Thiện Tâm đã bổ sung thêm thiền tâm từ (từ sách hướng dẫn của Thiền sư Ajahn Pasanno và tác giả Sharon Salzberg) và thiền tha thứ vào khóa học để hướng dẫn cho tù nhân, giúp họ giải tỏa và cởi mở những xung đột, bức xúc và dồn nén chất chứa trong tâm từ những sai lầm đã mắc phải.

Hinh 3.jpg
Hình ảnh Đức Phật do một tù nhân 30 tuổi người Mỹ vẽ tặng thầy Thiện Tâm năm 2016

Kể từ năm 2017, thầy Thiện Tâm dành thời gian nói về tâm lý Phật học và hướng dẫn những phương pháp để các tù nhân chấp nhận bản thân mình. Kết quả là, “sau vài tháng thực tập, các tù nhân cảm nhận được sự an lạc xuất phát từ nội tâm của mình và luôn mỉm cười. Khi được đưa vào nơi họp mặt dành tù nhân các tôn giáo, các tù nhân có sự thực hành đều hoan hỷ dù ban đầu họ rất căng thẳng. Sau một thời gian tu học, họ đều cảm thấy nhẹ nhàng và vui vẻ”, thầy hân hoan chia sẻ.

Hầu hết các tù nhân nữ người Á Đông trong trại tù nữ đều đến tham gia khóa học này của thầy Thiện Tâm. Điều ngạc nhiên là có một số tù nhân người Mỹ, vốn không theo đạo Phật sau khóa học đã phát nguyện được quy y Tam bảo. Có thể thấy rằng, như Đức Phật đã dạy, trong mỗi chúng sanh đều có tự tánh Phật, nếu được khơi dậy và được tạo đủ điều kiện thì sự cải đổi từ bất thiện sang thiện lành, từ chưa tốt đẹp trở nên tốt đẹp hơn sẽ được tiến hành và đó như là một khát vọng sâu thẳm nơi mỗi con người muốn hướng thiện, bất kể người đó thuộc màu da, sắc tộc hay tôn giáo nào.

Nơi đạo Phật được áp dụng một cách thực tiễn

Khi được CTV Giác Ngộ hỏi về ý nghĩa của từ bi theo tinh thần Phật giáo trong hoạt động giảng dạy Phật pháp cho tù nhân, thầy trải lòng:

“Hồi mới xuất gia, Hòa thượng y chỉ thường dạy rằng, ‘Từ là ban vui/ Bi là cứu khổ’. Lúc đó, tôi chỉ cứ niệm suông chứ thật sự không thấu hiểu được ý nghĩa, cũng như không biết thực hành như thế nào cho đúng với ý nghĩa của lời dạy. Mãi cho đến khi có nhân duyên vào giảng dạy và tiếp xúc nhiều hơn với các tù nhân thì mới bắt đầu hiểu và có sự thực hành một cách thực thụ, trong ý nghĩa lời dạy ấy”.

Thầy chia sẻ câu chuyện thời Đức Phật – có ngài Vô Não giết 999 người để lấy ngón tay của họ và thái tử A Xà Thế giết vua cha để đoạt ngôi. Cả hai đều thành tâm sám hối với Đức Phật và ngài Vô Não đã chứng Thánh quả.

Từ những mẩu chuyện đó, tuy hoàn cảnh và thời đại bây giờ khác hơn nhưng cũng trên tinh thần giáo huấn đó của Đức Phật – đối với những người đã phạm phải sai lầm dù lớn hay nhỏ, nếu họ muốn thay đổi và tìm đến mình thì thầy luôn sẵn sàng và hoan hỷ đón nhận, hết mình trợ duyên cho họ.

“Đời sống trong nhà tù vốn dĩ vô cùng khắc nghiệt và thống khổ, về thể chất lẫn tinh thần. Các phạm nhân đến với đạo Phật để tìm kiếm những phương pháp giúp họ đối diện và vượt qua những thống khổ, phiền não trong cảnh sống giam cầm. Do vậy, tôi nguyện tận tâm lực giúp đỡ bằng cách chỉ dẫn cho họ những phương pháp thực hành (thiền chánh niệm, tâm từ, tâm bi) để họ có được niềm vui trong cuộc sống thực tại và dần dà có sự chuyển biến trong tâm tính, trở nên thiện lành hơn khi về với xã hội, về với gia đình. Tuy nhiên với một số ít tù nhân mang án chung thân, sự thực hành này chẳng những mang đến cho họ cơ hội học hỏi và thay đổi bản thân mình, họ còn lan tỏa sự hiểu biết và thực hành của mình để giúp đỡ những tù nhân khác trong tù”, thầy bộc bạch.

Thiết nghĩ, đây chính là tâm từ, tâm bi của đạo Phật được áp dụng một cách thực tiễn trong tù giam – thầy nói và cho biết – vẫn thường nhắc nhở các tù nhân về sự hướng thượng và thiện lành trong đối đãi với bản thân, với người xung quanh và riêng mình thì luôn nhiệt thành, đối đãi với các tù nhân bằng cái tâm của mình. Vì có làm như vậy thì các tù nhân mới tin và thực hành theo những gì mình giảng giải, hướng dẫn dầu đa số tù nhân đến nghe pháp và hành thiền đều theo tôn giáo khác.

Thầy Thiện Tâm hoàn thành luận án tiến sĩ Sự phát triển của Sám hối ở Trung Quốc trong giai đoạn đầu của thời kỳ trung cổ (The Development of Buddhist Repentance in Early Medieval China) năm 2013 tại trường University of the West, Rosemead, California.

Giáo sư Lewis Lancaster năm nay 85 tuổi, từng giảng dạy tại Đại học Berkeley-University of California Berkeley từ năm 1967-2000, Hiệu trưởng trường University of the West từ năm 2004-2006. Ông là Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Bản đồ Văn hóa Điện tử, Đại học Berkeley từ 1997 với 55 ấn phẩm sách và các bài viết học thuật đã được xuất bản.

 

Nội dung một số lá thư & chuyển biến của tù nhân:

– “Sau khi đến ngồi thiền và thực hành thiền tâm từ, tôi quyết định viết thư cho cha mình sau 20 năm không liên lạc. Sau ba tháng thực hành, tôi mới nhận ra rằng mình còn thương cha nhiều lắm”, thư của một nữ tù người Hàn Quốc ở trại tù bang California.

– Một nam tù nhân người Campuchia 40 năm ở trại Ironwood, (vào tù từ lúc 18 tuổi) sau vài tháng tu, anh này vừa khóc vừa chia sẻ rằng: “Tôi đã làm khổ mẹ mình và mong được mẹ tha thứ cho mình. Bản thân tôi cũng đã biết cách tha thứ cho những người đã đưa tôi vòng lao lý”. Đáng lưu ý là sau khi tu học anh mới biết trong đạo Phật có phương pháp tha thứ cho bản thân bằng cách khởi phát và nuôi dưỡng tâm từ cho mình và cho người khác.

– Một tù nhân da đen ngoài 30 tuổi thụ án được 8 năm. Sáu năm ở trại Chuckawalla, anh luôn có “oán tắng hội khổ” với một người cai tù. Nhưng sau khi nghe bài pháp về Ngũ uẩn, anh đã “thấu hiểu được ý nghĩa thâm sâu của nó”, anh cảm nhận rằng “Tôi đã thù hằn người cai tù cũng như những tù nhân khác một cách vô lý. Tôi đi xin lỗi các tù nhân và bắt đầu hòa thuận với họ…” Anh cũng đến gặp người cai tù để nói lời xin lỗi, “Dù người cai tù còn do dự chưa chịu bỏ lỗi, tôi vẫn kiên trì và cuối cùng lời xin lỗi được chấp thuận”.

– “Tôi rất vui mừng vì có thể được trò chuyện cùng thầy ngay trong nhà tù này. Tôi đã kể cho gia đình nghe về thầy và công việc của thầy. Chính những người như thầy đây, đã giúp đưa chúng tôi trở về với những giá trị cuộc sống chân chính, giúp chúng tôi biết trân quý cuộc đời này hơn. Tôi thật lòng trân trọng thầy…”, chia sẻ của một tù nhân khác.


Trần Trọng Hiếu