.
.

Hội thảo : “Ấn Độ – xứ sở Đức Phật” lần V tại Sarnath


Ngày 04/10/2016, sau khi ăn sáng xong, phái đoàn đại biểu bao gồm cả 10 xe được đưa từ Varanasi về Sanarth. Đây thực sự là Thánh Tích đầu tiên trong Tứ Động Tâm mà phái đoàn được đưa đến tham quan và Hội Thảo.

Lộc Uyển là tên Hán Việt, Lộc nghĩa là con nai, Uyển nghĩa là khu vườn đẹp; như vậy Lộc Uyển có nghĩa là Khu vườn nai xinh đẹp. Danh từ Lộc Uyển được dịch nghĩa từ tiếng Pāli là Sarnath (vua của loài nai); hay từ Migadāya (vườn nai). Sở dĩ gọi là Migadāya (vườn nai) vì khu vườn này được vua xứ Ba-la-nại bảo vệ các loài nai sống tự do trong khu vườn này và không cho dân chúng giết hại; nhờ thế nơi đây rất yên tịnh, thanh vắng và trở thành nơi cư trú lý tưởng của các vị ẩn sĩ tiến tu đạo nghiệp. Chính 5 anh em Kiều Trần Như sau khi nhận thấy đạo sỹ Cù Đàm (Gotama) rời bỏ nếp sống khổ hạnh chạy theo lợi dưỡng (theo quan điểm của họ), họ đã thất vọng, rời bỏ Bồ Tát Tất Đạt Đa tại núi Tuyết Sơn, gần Bồ Đề Đạo Tràng, để về vườn này tu tập. Vì thế, sau khi thành Đạo, Đức Phật đã từ Bồ Đề Đạo Tràng về Lộc Uyển này để Chuyển Pháp Luân với bài Pháp Tứ Diệu Đế cho 5 người bạn đồng tu khổ hạnh với mình ngày xưa là 5 anh em Kiều Trần Như nghe. Chính nơi lịch sử này chứng kiến sự hình thành Tam Bảo ba ngôi (Phật Pháp Tăng) đầu tiên theo thời kỳ Chánh Pháp của Đức Phật Thích Ca.

Theo kinh tạng Pāli, khu rừng này thường được gọi là chỗ “Chư thiên đọa xứ” (Isipatana), vì nơi đây có 500 vị Bích Chi Phật nhập diệt giữa hư không, xác thân tứ đại các Ngài rơi xuống tại nơi này, nên nơi này được gọi là Isipatana. Vào thế kỉ thứ VII, khi ngài Huyền Trang đến chiêm bái thánh tích này, Ngài cho biết có một bảo tháp được xây để đánh dấu nơi xác thân của 500 vị Bích Chi Phật rơi xuống, ngày nay thì bảo tháp này không còn nữa

Cảm giác đầu tiên thật là dễ chịu khi vừa đến vườn Lộc Uyển ngay nơi Tháp Dhamek cũng gọi là Tháp Dhamekh hay Dhamekha, Tháp rất to, hình khối tròn, cao hơn 91m,  bắt nguồn từ chữ Sanskrit Dharmarajika Stupa, dịch nghĩa là Tháp Chánh Pháp Ngự Trị, chúng tôi gặp lại được Tăng Thân Làng Mai đang ngồi Thiền trang nghiêm xung quanh Tháp. Quý vị đại biểu có thể đi kinh hành, tham quan hoặc ngồi thiền với Tăng Thân Làng Mai trong vòng 45 phút. Thú thật, khi gặp những người với nhiều quốc tịch khác nhau, đồng mặc áo nhật bình màu nâu, đội nón lá, trang phục đơn giản tôi có niềm tự hào và cảm phục Thiền Sư Nhất Hạnh một vị đạo sư Phật Giáo lớn, ảnh hưởng nhiếp độ hàng trăm triệu người trên thế giới. Một vị đệ tử của Ngài là Ông Sangtum trong Ban Tổ Chức Hội Nghị này đang nằm trong Ban Quản Lý dự án xây dựng một Làng Mai ở gần chân núi Hy Mã Lạp Sơn.

Đó là một bình minh rất đẹp trên bãi cỏ xanh mướt xung quanh Tháp. Chúng tôi tận hưởng thực tại nhiệm mầu này, không có cảm giác phải chờ đợi cho dù bao lâu nữa. Ngài Dhammapāla là một danh Tăng nổi tiếng người  Sri Lanka là người đứng ra vận động chư Tăng và Phật tử trên thế giới thành lập hội Maha Bodhi để đòi lại thánh tích Bồ-đề Đạo tràng từ trong tay những người Ấn giáo. Năm 1891, ngài Dhammapāla đến thánh tích Sarnath, nhìn thấy cảnh tượng điêu tàn của khu thánh tích, cũng như Phật giáo ở nơi này, đau lòng trước cảnh ấy, Ngài đã phát nguyện ở lại nơi này vận động cộng đồng chư Tăng và Phật tử khắp nơi trên thế giới quan tâm và ủng hộ. Riêng bản thân, Ngài đã vận động xây dựng một ngôi chùa nổi tiếng ngay cạnh thánh tích này. Chính phủ Ấn Độ tri ân ghi ân bằng cách lấy tên Ngài đặt tên cho một con đường ở đây và đem xá-lợi Phật khai quật được ở Taxila, Nagarjuni Konda, hiến tặng Ngài để tôn thờ trong chùa này. Cộng đồng chư Tăng và Phật tử các nước trên thế giới đã đến chiêm bái thánh tích này và xây dựng những ngôi chùa đại diện của nước mình gần thánh tích Sarnath và cùng chung lo Phật sự. Trong đó có Pháp Hữu của chúng tôi là Sư Tường Quang cũng đã đứng ra kêu gọi xây dựng được Chùa Việt Nam mang tên Chùa Đại Lộc góp phần làm cho Phật giáo ở nơi đây được phát triển trở lại.

Phái đoàn đại biểu được đưa vào Chùa Chính (Main Temple) tại Lộc Uyển để chiêm ngưỡng Xá Lợi Phật. Đó là những phần từ di thể của Đức Phật Thích Ca, sau khi trà tỳ khi Ngài Nhập Niết Bàn ở Câu Thi Na. Đảnh lễ Xá Lợi của Đức Phật ngay tại Tứ Động Tâm là phước duyên rất lớn để tiêu trừ nghiệp chướng, thân cận Tam Bảo, giao cảm Như Lai, tăng trưởng lòng tịnh tín và nguyện xả báo thân phụng sự Đạo Pháp để chứng được Pháp thân như Ngài. Ở Việt Nam có nhục thể Ngài Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường Chùa Đậu, có trái tim bất diệt của Bồ Tát Thích Quảng Đức thì khắp nơi trên thế giới vẫn còn lưu lại và thờ phượng Xá Lợi Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Đệ Tử như là minh chứng cho thường giữa vô thường, những gì được kết tựu từ công đức tu hành vô lượng vượt ra ngoài giới hạn tầm thường hư hoại của tứ đại ngũ uẩn, mang lại niềm tin và lợi lạc vô biên cho cuộc đời.

Vì đây là nơi Đức Phật chuyển Pháp Luân, cho nên tôi thành tâm đi từng bước chuyển các bánh xe Pháp Luân theo mô thức Phật Giáo Tây Tạng đặt kề Đại Tự Lộc Uyển. Từ việc làm bằng hình tướng quay cho các bánh xe đó chạy tròn, tâm thức tôi nguyện góp phần cho Pháp luân thường chuyển ngộ tâm khai. Tôi cũng đứng tần ngần chiêm ngưỡng hình ảnh Đức Phật chuyển Pháp Luân cho 5 anh em Kiều Trần Như. Kính lạy Như Lai, con đã trở lại đây rồi, con là một thành phần của hàng Tăng Bảo. Nguyện Chư Phật Tổ gia bị cho con thêm nhiều năng lượng để thực hiện “hoằng Pháp vi gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp” để con chân cứng đá mềm, không ngại khó, không ngại xa, không màng tính toán đông người nghe hay ít người nghe, được gì hay không được gì cho mình, lịch dày hay cả 3 đến 4 thời Pháp trong một ngày, nguyện còn chút hơi sức con mang ra xiển dương cho Đạo Pháp, phá mê khai ngộ cho những ai hữu duyên.

Ngày mồng 04/10/2016 là ngày chính của Hội nghị nên cuộc Hội Thảo diễn ra kéo dài và liên tục thông qua nhiều diễn giả khác nhau tại Hội Trường chính của Lộc Uyển : Bộ Du Lịch và Văn Hóa Ấn Độ trình bày về các dự án ngân sách mà chính phủ Ấn Độ phê duyệt chi để nâng cấp các hạ tầng cơ sở, phương tiện giao thông máy bay và các tuyến đường thuận tiện, bảo trì và trùng tu các Thánh Tích,  có diễn giả trình bày về những Thánh Tích chính của Phật Giáo, dấu chân của Đức Phật và Thánh Đệ Tử đã in xuyên qua nhiều tiểu bang thành phố khác nhau ở Ấn Độ, nhiều vị diễn giả các nước khác nhau như Tích Lan, Bangladesh …trình bày các dự án họ đến với các phái đoàn Ấn Độ, cần những sự hợp tác trong ngành du lịch để cho các phái đoàn hành hương đảnh lễ Thánh Tích được nhiều lợi lạc tâm linh nhất.

Trong giờ nghỉ trưa chúng tôi tranh thủ đến thăm Sư Tường Quang và công trình Chùa Đại Lộc Sư xây dựng hơn 10 năm qua. Sư đã có đến 20 năm tu học tại xứ Phật (kể từ năm 1997) và nhập được quốc tịch Ấn Độ, hoàn thành các chương trình Tiến Sỹ tại các trường Đại Học Ấn Độ. Đó là vị Pháp Hữu của chúng tôi : hiền hòa, khiêm tốn, sôi nổi, nhiệt tình, quý mến đồng hương, tổ chức được các việc làm từ thiện, dạy Anh Văn, Pali cho người Ấn Độ và Sư nói và sinh hoạt với tiếng Ấn Độ – Hindi. Dân quê xung quang Chùa Đại Lộc rất quý kính Sư. Sư chỉ đạo xây Chùa Đại Lộc phối hợp giữa vẻ đẹp mỹ thuật Việt Nam và Ấn Độ. Cái cổng Tam Quan đặc biệt của kiến trúc Ấn Độ trong khi Tượng Phật Thích Ca theo cách Việt Nam và có Chùa Một Cột ngoài sân để mỗi người Việt Nam đến đây như có cảm giác đang ở quê hương mình.

Sau khi kết thúc cuộc Hội Thảo chiều ngày 04/10/2016, phái đoàn đại biểu Việt Nam tản bộ dạo quanh vườn Lộc Uyển để Theo Dấu Như Lai, ôn lại kỷ niệm Tăng Đoàn dạo ấy. Một ngày thật thấm nhuần Hỷ Lạc tại Sanarth từ việc lắng nghe các diễn giả trình bày, đến việc thưởng thức món ăn đặc sản Ấn Độ, đảnh lễ Xá Lợi, thiền hành, theo vết tích năm xưa cho đến việc được thăm Chùa Đại Lộc Việt Nam gần Lộc Uyển. Kết thúc Hội Thảo tại Sanarth phái đoàn tranh thủ về tham dự dạ tiệc, nghỉ ngơi để rồi ngày hôm sau lên đường tham quan Nalanda, Trúc Lâm Tịnh Xá, Linh Thứu. Mọi người đều hân hoan khi nghĩ đến Thánh Tích được tôn trọng và quan tâm bảo trì và phát triển, những dự án quốc tế phối hợp sẽ giúp cho việc hành hương chiêm bái Thánh Tích diễn ra thuận tiện và an lạc hơn nữa. Chúng ta gặp nhau tại đây nơi Thánh Tích thiêng liêng và cùng làm sao tạo duyên cho nhiều người khác cũng được phước duyên hành hương Phật Tích. Tứ DIệu Đế bao trùm tất cả các bài Pháp như là lõi cây, như là dấu chân voi bao trùm các dấu chân khác. Cả cuộc đời chúng ta hành trì Bát Chánh Đạo, tu tập theo Tứ Diệu Đế, sống trong Tăng Thân và với tâm nguyện chuyển Pháp luân rộng và xa đến khắp nơi nơi cho nên tất cả nhịp điệu sống chúng ta đều có mối liên hệ gắn liền với Lộc Uyển, nên thơ, đáng yêu và rất thiêng liêng này.

4-v-ong-vinod-zutshi-thu-ky-nganh-du-lich-ando-copy 4-v-shri-vinod-zutshi-thu-ky-bo-du-lich-copy 4-x-tac-gia-ngoi-nghe-copy 5-a-thu-ky-du-lich-up-dien-van-chao-mung-copy 5-ong-thu-ky-nganh-du-lich-up-copy 5-t-tac-gia-ngoi-nghe-copy 5-u-ong-thu-ky-nganh-du-lich-up-dien-van-khai-mac-copy 06-ts-sharma-6-bo-truong-bo-du-lich-va-van-hoa-ando-copy 6-bo-truong-bo-du-lich-va-van-hoa-ando-copy 7-b-qua-luu-niem-voi-thu-truong-thai-lan-copy 7-c-qua-den-to-chuc-du-lich-the-gioi-copy 7-d-qua-den-vi-dai-dien-nepal-copy 7-e-tang-qua-den-ong-thu-ky-bddt-copy 7-ong-om-prakash-singh-truong-nganh-du-lich-up-copy 8-a-ht-va-t-n-tu-copy 8-ong-thu-ky-bo-du-lich-dieu-hanh-phan-thuyet-trinh-copy 8-p-cu-toa-vn-lang-nghe-copy 9-thuyet-trinh-vien-phan-thuyet-trinh-copy 9-v-cu-toa-copy

Sarnarth 04/102016

Thích Đồng Trí