.
.

Tôn giáo & đạo đức


Trong thời đại khoa học ngày nay, nhiều người cho rằng tôn giáo là vô nghĩa, vậy thì cơ sở nào cho những giá trị như thế? Làm thế nào để tìm ra cách thúc đẩy chúng ta sống đạo đức mà không cần nhờ vào các tín ngưỡng truyền thống?


 

a phathoc.jpg
Tôn giáo là đời sống tinh thần cơ bản của nhân loại

Mặc dầu nhân loại có thể sống mà không cần tôn giáo, nhưng không thể sống mà không có những giá trị bên trong. Vì thế lập luận của tôi về sự độc lập của đạo đức đối với tôn giáo rất đơn giản.

Theo tôi thấy, đời sống tinh thần có hai chiều hướng. Chiều hướng thứ nhất là sự an lạc tinh thần căn bản – tôi muốn nói đến sự cân bằng và sức mạnh tinh thần và tình cảm bên trong – không lệ thuộc vào tôn giáo mà xuất phát từ bản chất bẩm sinh của con người, là một chúng sinh có xu hướng tự nhiên là nghiêng về lòng từ bi, nhân ái, và quan tâm đến người khác. Chiều hướng thứ hai là đời sống tinh thần dựa vào tôn giáo và gắn kết với một tôn giáo hay phương cách hành trì đặc thù nào đó.

Sự khác biệt giữa hai chiều hướng này cũng giống như sự khác biệt giữa nước và trà. Đạo đức và các giá trị bên trong không có nội dung tôn giáo giống như nước, là thứ mà chúng ta cần hàng ngày để sống còn và khỏe mạnh.

Đạo đức và các giá trị bên trong trong bối cảnh tôn giáo giống như trà. Trà mà chúng ta uống có thành phần chính là nước, nhưng nó còn chứa vài thành phần khác – lá trà, gia vị, như đường, còn ở Tây Tạng, là muối – và nó làm cho trà giàu chất dinh dưỡng và gia tăng sinh lực hơn, và đó là thứ chúng ta mong muốn hàng ngày. Nhưng dù trà được pha chế thế nào đi nữa thì thành phần chính vẫn là nước.

Trong khi chúng ta có thể sống mà không có trà, chúng ta không thể sống thiếu nước. Tương tự như thế, chúng ta sinh ra không có tôn giáo, nhưng chúng ta không sinh ra mà lại không có nhu cầu về lòng từ bi.

Vì thế, sâu xa hơn tôn giáo là đời sống tinh thần cơ bản của nhân loại. Chúng ta có một xu hướng tự nhiên, nằm trong bản chất con người, là nghiêng về phía tình yêu, lòng tốt, tình thương, bất kể chúng ta có theo một tôn giáo hay không.

Khi chúng ta nuôi dưỡng xu hướng sâu xa nhất này – khi chúng ta có chủ ý vun trồng các giá trị bên trong mà chúng ta ngưỡng mộ ở người khác – thì chúng ta bắt đầu sống một cuộc sống nghiêng về tinh thần. Vì thế, một thách thức cho chúng ta là tìm ra phương cách để đặt nền tảng cho đạo đức và hỗ trợ cho việc vun trồng các giá trị bên trong, phù hợp với thời đại khoa học, trong khi vẫn không bỏ qua các nhu cầu sâu xa hơn của tinh thần, mà đối với nhiều người thì tôn giáo mới đáp ứng được.

Dalai Lama
(trích Beyond Religion: Ethics for a Whole World,
Trần Ngọc Bảo dịch)