.
.

Cần khai thác di sản tư liệu Phật giáo Việt tại Pháp


Tại lễ hội chùa Hương xuân Mậu Tuất 2018, du khách hoan hỷ lớn khi lần đầu được chiêm ngưỡng 32 bức ảnh độc đáo về khu danh lam thắng tích Hương Sơn xưa. Số ảnh tư liệu này chủ yếu do người Pháp chụp từ tháng 3 năm 1927 đến năm 1955, là những tư liệu có giá trị lịch sử vô cùng to lớn, lưu lại kiến trúc của quần thể chùa Hương, hình ảnh khách hành hương lễ Phật…


Giá trị từ triển lãm ảnh “Chùa Hương Xưa-Nay”

Cùng với Lễ khai hội chùa Hương xuân Mậu Tuất, ngày 21-2-2018 (tức mồng 6 tháng Giêng) tại chùa Thiên Trù đã đồng thời khai mạc triển lãm ảnh “Chùa Hương Xưa-Nay”. Với 108 bức ảnh được chụp trong thời gian từ năm 1927 đến năm 2018, điểm nhấn tại triển lãm là 32 bức ảnh cổ chụp từ cách đây hơn 60 năm trở về trước, lần đầu được ra mắt công chúng đương đại.

Chúng ta đều biết, thế gian là vô thường. Hơn nữa, bị hỏa can qua, chiến tranh tàn phá, những công trình nguy nga tráng lệ được mệnh danh “Một tòa cổ sái”“Biệt chiếm nhất Nam Thiên” vào nửa đầu thế kỷ XX đã không còn. Người đương thời du xuân Hương Tích tuy cũng được chiêm ngưỡng tòa ngang dãy dọc đẹp phiêu mặc như tranh giữa nơi sơn thủy hữu tình, nhưng đó là những công trình được xây dựng lại từ nửa thế kỷ nay, không mấy ai biết được quang cảnh Thiên Trù – Hương Tích xưa rộng hẹp, dáng dấp ra sao. Một bộ ảnh chùa Hương xưa vừa mới tìm lại được là kho tư liệu vô cùng giá trị, cho chúng ta được nhìn, được thấy những “tòa cổ sái nguy nga bậc nhất trời Nam” trong quá khứ.

TT.Thích Minh Hiền, trụ trì chùa Hương cùng các cộng sự đã đi tìm tại nhiều thư viện và trung tâm lưu trữ dữ liệu tại Pháp và Việt Nam như Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO), Thư viện Quốc gia Pháp (Bibliothèque nationale de France)… và đã mục sở thị được nhiều ảnh tư liệu lịch sử về chùa Hương.

Chiêm ngưỡng những cổ ảnh, du khách rất đỗi thích thú khi được mở rộng tầm nhìn về quá khứ. Bến Trò ngày nay san sát những hàng quán làm dịch vụ phục vụ du khách, cùng với cổng soát vé đồ sộ. Nhưng tấm ảnh chụp bến Trò vào năm 1927, trên bến hiện hữu chỉ một căn nhà xây mái ngói theo kiểu nhà dân để du khách dừng chân, nghỉ ngơi chốc lát trước khi lên Thiên Trù. Đường lên Thiên Trù nhỏ hẹp hoang sơ, chỉ là lối mòn nhỏ men theo những khe hẹp giữa những vách đá…

Chiêm ngưỡng những tấm ảnh năm 1927 nhìn từ sân chùa Thiên Trù và toàn cảnh chùa nhìn từ cổng, tất thảy người xem hẳn sẽ quá đỗi ngạc nhiên. Bởi sân chùa xưa không có gác chuông cổ kính như ngày nay, mà chạy dọc 2 bên sân là đôi tòa nhà hai tầng bằng gạch, các cửa vòm cuốn, theo kiến trúc pha trộn phong cách Pháp và Á Đông – kiểu kiến trúc nhà cửa rất thịnh hành ở Hà Nội vào nửa đầu thế kỷ XX. Quán sát những cổ ảnh Thiên Trù xưa, ta nhận ra vào cách đây gần một thế kỷ, kiến trúc “Biệt chiếm nhất Nam Thiên”kết cấu “Ngũ môn tam cấp” – tức năm cửa ba bậc. Qua cổng đến sân, hai bên sân hiện diện dãy lều tranh làm hàng quán. Lên cao hơn, du khách thong dong bước trên bảo thềm thứ hai, đi giữa hai bên là những gian nhà cầu cho khách ngủ trọ.

Di sản Phật giáo Việt Nam tại Pháp

Năm 2018, hướng tới kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Pháp – Việt Nam, Cục Văn thư và Lưu trữ Việt Nam và Cục Lưu trữ Pháp có nhiều dự án hợp tác, trong đó đáng chú ý là phối hợp xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận khối tài liệu lưu trữ Đông Dương là di sản tư liệu thuộc chương trình “Ký ức thế giới”.

Vào ngày 5-12-2017, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Việt Nam và Cục Lưu trữ Pháp đã phối hợp tổ chức tọa đàm với chủ đề 100 năm di sản Việt Nam – Pháp “Nhìn lại những ký ức chung”. Theo đó, từ sau năm 1954 đến nay, khi Pháp không còn các thuộc địa, Cơ quan Lưu trữ Quốc gia hải ngoại Pháp trực thuộc Cục Lưu trữ Pháp thực hiện chức năng bảo quản tài liệu lưu trữ của Cơ quan Quốc vụ khanh (Secrétariats d’Etat) và các bộ phụ trách các thuộc địa Pháp từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX và tài liệu lưu trữ do các thuộc địa cũ giao nộp trong các năm 1954 – 1962. Trong đó, hiện có hàng chục nghìn tài liệu về Việt Nam được thu thập trong nửa đầu thế kỷ XX đang được bảo tồn giữ gìn tại Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại Pháp.

Tại hội thảo, sau khi phía Cục Lưu trữ Pháp trình bày về sự đồ sộ của bộ tư liệu di sản Việt Nam đang được lưu trữ tại Pháp, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về tư liệu Phật giáo Việt Nam hiện lưu trữ tại Pháp, và cách tiếp cận với những tư liệu hiện hữu đó? Ông Benoit Van Reeth – Giám đốc Cơ quan Lưu trữ Quốc gia hải ngoại Pháp cho biết: Hiện cơ quan Lưu trữ Quốc gia hải ngoại Pháp đang lưu trữ 140 nghìn tấm ảnh chụp tại Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ XX. Những tấm ảnh này do các quan chức của bộ máy cai trị Pháp, kỹ sư xây dựng, bác sĩ, các nhà nghiên cứu văn hóa khảo cổ chụp.

Đây là nguồn tài liệu di sản vô cùng đồ sộ, rất có ích cho cả Pháp và Việt Nam. Trong kho ảnh này, có hơn 80 nghìn tấm ảnh về các ngôi chùa và các di sản Phật giáo của Việt Nam. Nhiều bức ảnh là minh chứng cho tình trạng các công trình trong quá khứ mà hiện nay – do chiến tranh, thời gian – đã bị thay đổi, hủy hoại. Rất nhiều công trình giá trị mà ngày nay đã không còn như chùa Báo Thiên, chùa Báo Ân, chùa Phật Tích, chùa Dạm…

Vào đầu thế kỷ XX, Pháp đã thiết lập tại Việt Nam một số cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa Đông Dương, điển hình là Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO); Nha Lưu trữ tại Việt Nam; Thư viện Đông Dương… Trước khi EFEO ra đời, một số ngôi chùa lớn và vô cùng giá trị về lịch sử tại Hà Nội đã bị phá hủy để nhường chỗ cho xây dựng bưu điện và nhà thờ lớn. EFEO đã tham vấn cho chính quyền đô hộ Pháp tại Việt Nam trong việc quản lý, cấp kinh phí tu sửa, xử lý các khiếu nại liên quan đến di tích. Rất nhiều ngôi chùa đã được EFEO chỉ đạo trùng tu vào thời đó như: chùa Thầy, chùa Lý Triều Quốc Sư, chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Bút Tháp…

Sau khi hội thảo kết thúc, ông Benoit Van Reeth còn gọi nhóm phóng viên quan tâm đến tư liệu Phật giáo ra gặp riêng, trao đổi số điện thoại, email, và cho biết: Cơ quan Lưu trữ Quốc gia hải ngoại Pháp sẵn sàng đón tiếp những ai quan tâm đến di sản Phật giáo Việt Nam tại Pháp để cung cấp tư liệu, sẵn sàng chia sẻ về kho tư liệu ảnh đồ sộ liên quan đến Phật giáo Việt Nam. Rồi ngài Benoit Van Reeth ghi vào sổ tay, nói khi về Pháp sẽ tập hợp, phân tách ảnh, tư liệu Phật giáo ra bộ tư liệu riêng để sẵn sàng trao tặng Việt Nam.

Được biết chư Tăng chùa Hương từ đề xuất và thông tin từ một số người hữu duyên, đã liên hệ với Cục Văn thư và Lưu trữ Việt Nam và Cục Lưu trữ Pháp, để rồi kết quả đã có được những tấm ảnh quý giá từ phía Pháp – chùm ảnh đã được đề cập từ phần đầu bài viết này.

Tuy vậy, với 32 tấm cổ ảnh chùa Hương chỉ là phần quá nhỏ nhoi trong số hơn 80.000 bức ảnh về di sản Phật giáo của Việt Nam. Kho di sản ảnh này không chỉ có giá trị vô cùng to lớn cho chúng ta được nhìn thấy những ngôi chùa này trong quá khứ, đáp ứng việc nghiên cứu lịch sử và di sản Phật giáo; mà còn vô cùng giá trị để phục vụ cho việc phục dựng các di sản Phật giáo đã mất.

Thiết nghĩ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên chăng có sự liên lạc với Cơ quan Lưu trữ Quốc gia hải ngoại Pháp, xúc tiến việc tổ chức các đoàn sang Pháp để tiếp cận, khai thác kho tư liệu di sản vô cùng giá trị này. Xin kết thúc bài viết bằng câu nói mà ông Benoit Van Reeth đã nhắn nhủ cùng chúng tôi: “Không có tài liệu lưu trữ tức là không có ký ức, là thiếu vắng sự ổn định”.

Chu Minh Khôi