.
.

Tuổi chớm già: nhìn lại một quãng đường


Giống như một người leo đến đỉnh núi cao thường nhìn lại quãng đường đã qua của mình coi nó thế nào, có người thì hài lòng, có người thì nghĩ rằng đáng lẽ mình nên…leo ở một phía khác!

Tuổi chớm già, cũng đã lên đến đỉnh núi của mình rồi, “quá nửa đời người rồi”, như người ta thường nói, nên cũng hay… nhìn lại, và có người dễ sửng sốt “nhìn lại mình đời đã xanh rêu”.

Nói chung người ta hay tự dối mình là đã “rất hài lòng” con đường vừa trải qua của mình (chứ không lẽ đòi đi lại lần nữa), đặc biệt là ở những người có nhiều thành tựu trong cuộc sống. Các cuộc phỏng vấn các nhà văn, các nghệ sĩ nổi danh, thường ta nghe họ trả lời “rất hài lòng”, “nếu có lập lại một cuộc đời như vậy cũng sẽ chọn như vậy…” nhưng đa số âm thầm biết rằng cái sự chọn lựa kia hình như đã đến một cách tình cờ nào đó, đã từ trên trời rơi xuống hơn là từ cái ý nguyện ban đầu của họ.

Có người định học y khoa để thành bác sĩ thì do tình cờ thành… nhạc sĩ, có người định làm họa sĩ thì sau này thấy mình thành thợ hồ. Có người mơ làm ca sĩ thì sau thấy mình nấu bếp ở nhà hàng, ngược lại có người là những cô bé lọ lem, một hôm thành tài tử ciné. Thường ở tuổi đôi mươi, người ta bay bổng với những ước mơ, những lý tưởng của mình, có khi là những ảo tưởng, những ảo vọng. Có người mơ thành lãnh tụ, cải tạo xã hội, có người mơ thành nhà văn, nghệ sĩ để lại tên tuổi ngàn đời sau, nhưng đến ba mươi tuổi nhiều người đã nhận ra thực tế, đã có những kinh nghiệm thực tiễn.

Đến bốn mươi người ta thực tế hơn, người ta hết mơ hồ nữa, chấp nhận mình là mình, rồi đến năm mươi người ta vỡ lẽ ra nhiều điều, ngạc nhiên “thấy đời mình là những quán không”, một cuộc sắp xếp, những nỗi ngẫu nhiên, ấy là cái tuổi người ta “tri thiên mệnh”, tuổi chớm già.

Danh lợi đã xong, ảo vọng đã hết, người ta muốn có nếp sống yên ả, một mai một cuốc một cần câu, nhạc ngựa bò vàng đeo đủng đỉnh, mặc ai hỏi mặc ai không hỏi tới. Tuy vậy thường thấy có hai tình huống xảy ra ở tuổi này: hoặc là người ta tiếp tục hoạt động năng nổ, sáng tạo mạnh mẽ – hoặc là người ta chựng lại, không thể phát huy gì thêm.

Nói chung, khả năng sáng tạo thường đã chựng lại, kinh nghiệm có thể có nhiều nhưng khó mà có những sáng tạo như thời còn trẻ, người ta thường gặt hái những thành quả cũ của mình, hoặc chấp nhận những gì mình đã có, rồi đôi khi chuốc lục tô hồng cho thêm chút thăng hoa.

Đa số chớm gìa đã có một vị trí nào đó trong xã hội, có người có quyền lực, có người thành công trong kinh tế, có người đã có tiếng tăm trong một lãnh vực, nhưng không phải là không có những người thất bại, lỡ dở sự nghiệp công danh, mang những nỗi u hoài cay đắng với chính mình “tài cao phận thấp chí khí uất” (TĐ). Ở đàn ông, đỉnh cao là ở tuổi bốn mươi đến năm mươi, sau đó chựng lại và bằng lòng với những thành tựu của mình, cho đến sáu mươi thì thường đã quá già để có thể đảm nhận những công việc mới, đòi hỏi tính năng động sáng tạo mới, và đã phải chuẩn bị để nhường lại cho lớp đàn em.

Nữ cũng vậy, đa số sau những năm tháng chăm lo cho chồng cho con, trở lại với công việc khi con đã khôn lớn, cũng thường bị nhìn như đã quá già để đảm đương những công việc mới, khi đã tới tuổi ngoài năm mươi. Khi nhớ lại tuổi thanh xuân, người ta sẽ tiếc phải chi thế này phải chi thế khác. Bây giờ người ta đã thực tế hơn, không còn những lãng mạn bồng bột nữa và do vậy ngươì ta nhìn đời trần trụi hơn.

Cũng có sự khác nhau giữa nam và nữ trong việc đánh giá lại mình trong tuổi chớm già này. Ở người đàn ông, khi tóc hoa râm, khi những nếp nhăn xuất hiện trên vầng trán, trên đuôi mắt, ấy là lúc thường được nhìn như một người nghiêm túc, đứng đắn, một “quý ông” được trọng vọng trong các buổi tiếp tân, trong các ngày lễ lộc, nhiều khi được đối xử theo kiểu “kính lão đắc thọ” của những người trẻ tuổi.

Ở phụ nữ thì khác, khi tóc muối tiêu, khi những nếp nhăn xuất hiện trên vầng trán, trên đuôi mắt, ấy là lúc họ ít muốn tiếp xúc ở những nơi hội hè đình đám, thường tự coi như mình đã già, mặc dù vẫn luôn được mọi người kính trọng vì tuổi tác, vì kinh nghiệm. Cũng có hai cách sống: một là cố gắng duy trì sự trẻ trung năng nổ của mình, ráng hoạt động, tỏ ra chưa bao giờ biết mệt mỏi, chưa bao giờ chịu đầu hàng và tuổi tác hoàn toàn không có ý nghiã gì cả, hoặc chấp nhận tiến trình tự nhiên của tạo hóa, an phận và sống với triết lý thuận thiên, tự tại, còn gọi là triết lý “ghế xích đu”, các làn sóng lắc lư dần dần rồi tàn lụi, dịu dàng mà từ tốn.

Đỗ Hồng Ngọc