.
.

Tháng Giêng du lịch tâm linh, nguyện cầu bình an


Những ngày đầu năm mới, Phật tử khắp mọi miền đất nước đều dành một khoảng thời gian để “nuôi dưỡng” tâm linh, viếng chùa, lễ Phật. Tết, do đó, không chỉ là dịp các gia đình đoàn viên, mà còn là dịp để mọi người trải nghiệm đời sống tâm linh qua những chuyến hành hương đến với cửa thiền… 

Thực ra, không chỉ có Phật tử mới tham gia hành hương đầu năm, mà những du khách thích khám phá cuộc sống an yên nơi cửa thiền cũng hào hứng với các tour du lịch tâm linh do các công ty du lịch tổ chức.

Háo hức những ngày xuân mới

Mặc dù đến 20 tháng Giêng mới khởi hành viếng Phật, hành hương sang các quốc gia: Thái Lan, Myanmar, Lào nhưng những ngày cuối năm, cô Nhuận Nguyên (Bảo Lộc, Lâm Đồng) đã bắt đầu nôn nao. Cô cho biết: “Theo truyền thống, những ngày đầu năm mới, tôi thường lên chùa Từ Lâm lễ Phật, chúc Tết quý sư. Năm nay, có thêm điểm đặc biệt là sau các ngày mùng, tôi sẽ đi du lịch hành hương với các bạn đạo. Vui nhất là khi thông báo với các con về chương trình du lịch hành hương, đứa thì cho tiền vé, đứa cho tiền ăn uống, ngủ nghỉ. Cả nhà đều rất hoan hỷ. Tháng Giêng mà đủ duyên lành như thế thì không còn gì vui bằng”.

Hinh 1.JPG
Phật tử khởi đầu năm mới bằng những chuyến hành hương tâm linh – Ảnh: Bảo Toàn

Cùng chung niềm háo hức vui xuân, đón Tết, ngay khi thầy Tâm Nhơn, quản tự chùa Pháp Minh (huyện Bình Chánh, TP.HCM) thông báo về chương trình hành hương thập tự, rất nhiều Phật tử “miền quê” đã hưởng ứng. Với ý nguyện hành hương về các ngôi chùa nghèo ở tỉnh Đồng Nai, Vũng Tàu để gieo duyên lành, nguyện cầu hạnh phúc cho gia đình và bình an cho nhân loại, Phật tử có người góp đường, người góp dầu ăn, người góp gạo, người góp mì gói với lòng đầy hoan hỷ.

Chương trình hành hương đầu năm ngày nay không chỉ phổ biến ở thành thị, mà còn hiện diện ở khắp các tỉnh thành. Ở những vùng sâu, vùng xa như huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, chương trình hành hương đầu năm của Phật tử lúc nào cũng rôm rả.

ĐĐ.Thích Tánh Bình, trụ trì chùa Quan Âm trải lòng: “Phật tử ở quê một năm chỉ có dịp Tết được đi nhiều nơi tham quan, nghỉ dưỡng. Mặc dù công tác Phật sự đầu năm nhiều bận rộn, tuy nhiên vào ngày mùng 5 Tết, chúng tôi đều dành thời gian để hướng dẫn Phật tử hành hương các chùa lớn trong huyện. Thứ nhất là tạo nhân duyên cho Phật tử lễ Phật, thứ hai là đảnh lễ chư tôn đức và nghe giảng dạy từ quý ngài, được quý ngài chúc mừng năm mới. Để từ đó, bà con mở rộng thêm hiểu biết về Phật pháp và cách ứng xử theo quan niệm của Phật giáo”. Một điều đặc biệt là đi hành hương đầu năm, nhà chùa chủ yếu hướng Phật tử có sự an vui nên bao giờ chuyến đi cũng đầy ắp tiếng cười.

Trong tháng Giêng, có nhiều chùa tổ chức cho Phật tử hành hương vào các ngày mùng đầu năm, có chùa thuận theo Phật tử tổ chức vào các ngày sau rằm tháng Giêng. Và với chùa Khánh Ninh (huyện Cần Giuộc, Long An), chương trình hành hương vào ngày rằm bao giờ cũng đặc biệt. Bởi lẽ, trước khi đi hành hương, chùa sẽ lên danh sách những ngôi chùa hành hương, chọn khoảng 4 đến 5 chùa đẹp, thanh tịnh để niêm yết cho Phật tử biết.

Đến mỗi ngôi chùa, trưởng đoàn sẽ có giới thiệu một số thông tin cơ bản về cơ sở thờ tự, sau đó mọi người sẽ lễ Phật, ngồi thiền, nghe chia sẻ Phật pháp, cúng dường thanh tịnh và đi chùa tiếp theo. “Sẽ có một khoảng thời gian để Phật tử cảm nhận vẻ đẹp thanh tịnh ở mỗi cảnh chùa, được chụp một số bức ảnh lưu niệm của chuyến đi hành hương và được tận hưởng niềm vui hành hương vào những ngày đầu năm mới. Đó chính là lý do năm nào chùa tổ chức hành hương, Phật tử cũng hào hứng hưởng ứng”, ĐĐ.Thích Minh Thạnh bộc bạch.

Điều hoan hỷ nhất là, trong tháng Giêng, không chỉ cô bác Phật tử hành hương, lễ Phật mà các bạn trẻ – đặc biệt là các bạn đoàn sinh Gia đình Phật tử cũng nối tiếp truyền thống, dành thời gian để về chùa lễ Tam bảo, chúc Tết quý thầy. Ba năm nay, năm nào cũng vậy, cứ vào ngày mùng 1Tết là các bạn đoàn sinh Gia đình Phật tử Phật Bửu (tỉnh Long An) “ưu tiên” đi Tết ở chùa nhà.

Sau khi chúc Tết sư phụ và quý thầy đang tu học tại đây, các bạn đoàn sinh lại cùng nhau hành hương đến mười ngôi chùa lân cận để lễ Phật, cúng dường, gieo duyên với Tam bảo. “Hình ảnh các em Gia đình Phật tử về chùa lễ Phật đầu năm rất dễ thương. Nhất là khi đi ngoài đường bắt gặp hình ảnh các anh chị lớn (huynh trưởng) chở các em nhỏ (sen non) đi chùa. Trong màu áo lam thanh thoát, các em trò chuyện vui vẻ với nhau làm không khí ngày Tết miền quê thêm ấm áp, rôm rả”, một bác Phật tử phấn khởi cho biết.

Xu hướng du lịch, kết hợp hành hương

Tết năm nay, không chỉ các chùa tổ chức hành hương cho Phật tử mà chương trình du lịch tâm linh của các công ty du lịch cũng nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Chị Việt Thảo, đại diện Công ty Du lịch VietTravel cho biết: “Trong tháng Giêng, bắt đầu từ ngày mùng 1 Tết, tour du lịch tâm linh của VietTravel ngày nào cũng kín lịch, nhất là các tour hành hương nước ngoài đến Ấn Độ, Thái Lan, Bhutan”.

Hinh 2.jpg
Hành hương đầu năm nét đẹp văn hóa của người Phật tử – Ảnh: Bảo Toàn

Thông tin từ anh Hoài Vũ, đại diện Công ty Du lịch Migola Travel cũng cho biết: “Năm 2017, Migola Travel đón một lượng lớn khách đăng ký tour du lịch tâm linh đầu năm, không chỉ hành hương trong nước mà còn sang các nước bạn. Nhiều khách chia sẻ, mong muốn kết hợp đi du lịch với trải nghiệm, hành trì tâm linh để năm mới nhiều an vui và tất cả mọi người rất hào hứng cho ngày khởi hành”. Từ những thông tin này, có thể thấy, xu hướng kết hợp du lịch và trải nghiệm tâm linh của người Việt Nam ngày càng tăng.

Chia sẻ lý do vì sao chọn chương trình hành hương đầu năm cho cả gia đình, chị Kim Anh (Q.2, TP.HCM) bày tỏ: “Sau ngày mùng một, mùng hai đón Tết tại gia và chúc Tết ông bà, mình đặt tour cùng gia đình đi du lịch hành hương để vui xuân. Mình muốn dành nhiều thời gian để mọi thành viên trong gia đình đến các ngôi chùa lễ Phật và học được nhiều hơn lời dạy của Đức Phật, nếp sống thanh đạm ở cửa thiền để áp dụng vào cuộc sống. Sở dĩ mình chọn Huế vì không gian và khung cảnh ở các ngôi chùa Huế rất đẹp, hiền hòa, thanh tịnh. Đến đây, gia đình mình có thể ngắm nhìn, tận hưởng hương vị Tết bình an của dân tộc. Và, đây cũng là cơ hội giúp các con hiểu hơn về truyền thống văn hóa của ông cha”.

Vui xuân đón Tết, hành hương về cửa thiền để tìm sự bình an và quay về với nguồn cội ngày nay đã trở thành xu hướng. Với nhiều người, Tết không chỉ mang ý nghĩa gia đình sum họp, các thành viên vui vẻ bên nhau, hạnh phúc đón chào năm mới, mà Tết còn gắn liền với đời sống tâm linh. Đó là những giá trị tốt đẹp nuôi dưỡng hồn quê, đất tổ, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc mà những người con đất Việt đang phát huy, gìn giữ.

Hạnh Ý – Như Danh