.
.

Khởi nghiệp theo lời Phật dạy


Nhân ngày Doanh nhân VN (13-10) vừa qua, trang PG-TT đã thực hiện cuộc khảo sát với một số Phật tử, bạn trẻ từ 20 đến 45 tuổi – đang bước đầu chuẩn bị khởi nghiệp cũng như một trong số họ là những người đã và đang hài lòng với công việc hiện tại của mình.

Nhiều người khẳng định, nếu tin nhân quả, học và ứng dụng lời Phật dạy vào công việc hàng ngày sẽ giúp cho mình thành công và xã hội phát triển, niềm tin giữa người với người được nâng lên…

a khoinghiep.jpg

Lợi mình, lợi người

Theo đó, hầu như 100% người được hỏi đang chuẩn bị khởi nghiệp cũng như những doanh nhân đã và đang thành đạt đều cho rằng trong kinh doanh, làm ăn thì ai cũng có… mưu tính. Nếu chúng ta hiểu việc mưu tính theo nghĩa nhân văn thì đây là một động thái tìm ra phương cách để làm mới cho doanh nghiệp, công ty của mình. Ngược lại, thì sự mưu tính trở thành cuộc đối đầu, triệt hạ lẫn nhau để mong cầu lợi nhuận.

Chị Từ Thị Ánh Tuyết – chủ hộ kinh doanh ở Q.Thủ Đức, TP.HCM – bày tỏ: “Làm ăn thì việc tính toán là chuyện bình thường, tuy nhiên bản thân mỗi người và riêng cá nhân tôi đều muốn lợi mình, lợi người”. Chị Tuyết khẳng định, không vì bản thân mình mà dùng những trò gian dối trong việc làm ăn, kinh doanh. Lúc khởi nghiệp cũng thế và bây giờ tôi vẫn thế – chị chia sẻ.

Cô Trần Thu Hà – tiệm phở Hà, Q.Bình Thạnh, TP.HCM – thì bộc bạch, một bát phở ngon không chỉ có gia vị đậm đà mà còn ở cái tâm, cái hồn của người đầu bếp khi nấu. Nếu nghĩ lợi mình thì khi bán ế sẽ nấu lại nước lèo cũ, sợ bỏ thì lỗ, còn cho khách ăn thực phẩm qua ngày thì mất khách, quan trọng hơn là thất đức. Lợi mình thì phải lợi luôn cho người.

Còn theo anh Nguyễn Minh – tài xế taxi ở Q.12 (TP.HCM): “Không phải không biết mưu tính thì mình bị gọi là ngu si, mà bản thân mình phải biết việc gì đúng sai để ứng xử. Bản thân tôi luôn tâm niệm khách đi xe phải được phục vụ chu đáo, không được lừa khách chạy đường vòng để kiếm thêm tiền. Từ những ngày đầu lập nghiệp, tôi luôn nói với bản thân mình rằng, đã làm nghề chân chính thì không được dùng nghề chân chính kiếm những đồng tiền bất lương, đôi bên cùng có lợi là công bằng nhất”.

 “Theo mình thì việc mưu tính chắc chắn là phải có, tuy nhiên chúng ta phải biết thời điểm nào thích hợp, mưu tính theo mình hiểu là phương hướng giúp cho việc làm ăn đi lên chứ không phải mưu tính để hãm hại người khác nhằm mưu lợi trên sự ích kỷ chỉ mong lợi lộc về cho mình”, chị Trần Thanh Tuyền – chủ shop thời trang nữ ở Q.3 (TP.HCM) nói.

Có một số bạn trẻ tâm niệm trong câu chuyện khởi nghiệp theo lời Phật dạy với Giác Ngộ còn lạc quan bày tỏ rằng việc gì cũng tùy duyên. Theo các bạn, việc ta kinh doanh được hay mất do nhân quả mình gieo trồng tốt hay xấu quy định. Rất nhiều người vì sự mưu tính mà rơi vào con đường ác nghiệp hoặc vì mưu tính cho nhu cầu cá nhân nên bất chấp, trở nên vô cảm với cuộc sống, dĩ nhiên không còn an lạc, dù giàu mà khổ.

Chân thành làm nên thành công

Chị Hoàng Thị Ngọc – Giám đốc Công ty Thẩm mỹ viện Ngọc Hường (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) nói với CTV Giác Ngộ, trong bất kỳ vấn đề gì mà nhất là trong kinh doanh phải luôn có yếu tố chân thành. “Nếu bạn vì ham tiền rồi dùng thuốc hoặc mỹ phẩm không tốt để giới thiệu cho khách, được lần đầu rồi họ sẽ đi luôn khi biết mình lừa dối họ chỉ vì tiền” – chị Ngọc tâm niệm.

Chủ xưởng thời trang quần áo nam, nữ ở Q.Gò Vấp, TP.HCM –  Nguyễn Thị Anh Thư chia sẻ: “Mình là một Phật tử, dĩ nhiên mình sẽ học tập, ứng dụng giáo lý của Đức Phật vào công việc, cuộc sống. Mình không có quan niệm rằng trong kinh doanh nếu nhân từ quá sẽ bị thua thiệt. Nhân từ ở đây là mình làm đúng luật pháp, bên cạnh đó đúng quy chuẩn đạo đức làm người. Thì đấy là yếu tố thành công chứ nhỉ?”.

Cô Nguyễn Thị Thuận (vựa trái cây Út Thuận – TP.Long Xuyên, An Giang) kể: “Có người hỏi vì sao vựa trái cây của tôi luôn đông khách, tôi cười mà không biết trả lời sao. Nhưng tôi nghĩ cứ thật tâm, ưu đãi hết mức thì dù có nhiều vựa khác người ta vẫn nhớ mình… Đúng rồi, sự chân thành!”.

Chủ shop MIMI (Q.3, TP.HCM) – chị Trần Hà Ái Mi chia sẻ rằng, mới góp vốn mở shop thời trang, có đám bạn bảo nên mua hàng ký thay vì mua từng cái về bán chẳng lời bao nhiêu, rồi cứ bảo rằng hàng mình là hàng Thái Lan đem về, có vậy mới nhanh giàu. “Tôi nghe vậy chỉ cười nhưng không bao giờ làm thế, bởi như vậy là mình không có sự chân thành và thiếu tôn trọng khách hàng. Vả lại, tôi nghĩ chỉ cần hàng mình đẹp, giá có cao chút, tư vấn thân thiện khách vẫn mua. Ngược lại, họ biết mình lừa họ chỉ vì vài chục ngàn hay vài trăm ngàn thì chẳng những mất khách mà uy tín cũng không còn”, cô chủ trẻ này khẳng định.

Trong kinh doanh luôn nhớ lời Phật dạy

Anh Lê Minh Đăng – Phó Giám đốc Công ty TNHH tổ chức sự kiện Quang Đăng (Q.Tân Phú, TP.HCM) là một Phật tử nên đã hoan hỷ trải lòng mình thật nhiều với Giác Ngộ khi nói đến việc cạnh tranh trên thương trường. Lắm lúc khó khăn, anh như bị cuốn vào vòng danh lợi mà không nghĩ đến hậu quả việc mình làm. Nhưng rồi sau đó, anh Minh Đăng nhớ đến quý sư đã từng chuyển tải về lời Đức Phật trong nhiều thời pháp – “Nhân quả đến nhanh hơn so với dự kiến của chúng ta” và đã “thoát” được sức hấp dẫn của đồng tiền, không đánh mất bản thân (tự tánh sáng suốt của mình).

BS.Hoàng Minh Tiến công tác tại Bệnh viện Thái Bình thì bày tỏ, tôi ủng hộ và tán thán những ai kinh doanh, khởi nghiệp trên tinh thần lời dạy của Đức Phật. Bên cạnh làm ăn chân chính, khi có lợi nhuận, dĩ nhiên mình phải dành tiền tái đầu tư, lo cho gia đình và không quên lo việc công ích xã hội.

Trong quá trình khảo sát, tiếp xúc nhiều người, chúng tôi còn góp nhặt được một điều là, nếu hiểu “thiểu dục tri túc” là an phận, không cần tiền, không cần tài sản dư thì điều đó không đúng tinh thần Đức Phật dạy. Theo đó, Đức Phật không dạy chúng ta sống tiêu cực mà Ngài luôn hướng dẫn mọi người thăng hoa trong đời sống tinh thần và có hạnh phúc thật sự. Sống “biết đủ” nên bằng lòng với kết quả có được – đừng muốn vượt hơn khả năng, nhất là trong kinh doanh rồi buồn đau, thất vọng đến cuối cùng lại bằng mọi giá hãm hại người để chiếm lợi cho mình.

Trần Hà Vân (GNO)