.
.

Đôi vợ chồng tí hon


Con đường nhỏ đất đá lởm chởm, bề ngang chỉ đủ lọt thỏm chiếc xe máy dẫn chúng tôi đến thôn Phong Ngũ Đông, xã Điện Thắng Nam (TX.Điện Bàn, Quảng Nam). Hỏi thăm, đám trẻ con rành mạch chỉ “Có phải anh Hưng lùn ưng chị Ngọc tí hon, sửa xe miễn phí không chú. Đi nữa, quẹo tay mặt là thấy cái nhà có bờ rào chè tàu cao nhứt đó”…


Như là cổ tích

Anh Võ Văn Hưng (sinh năm 1975), còn vợ là Lê Thị Bích Ngọc (sinh năm 1983). Vừa mới lọt lòng, di chứng chất độc da cam cướp đi tuổi thơ bình dị của Hưng. Cơ thể không lành lặn, 10 ngón tay, mỗi ngón vỏn vẹn chỉ có 2 đốt, đôi chân bị teo tóp co quắp, đi lại rất khó khăn, đã thế anh còn mang trong mình chứng suy tim nặng, nhiều khi chết ngất.

Hoàn cảnh của chị Ngọc cũng chẳng khá hơn là bao, chị mang trong mình chứng bệnh chậm phát triển về thể chất, mặc dù nhận thức của chị như người bình thường. Ngày trưởng thành Ngọc như một đứa trẻ 8 tuổi, cao chưa đến 1 mét, nặng tầm 25kg, nỗi mặc cảm, tự ti cứ thế đeo bám anh Hưng và chị Ngọc cho đến ngày lớn lên.

XH 1 938.JPG
Dù là khuyết tật, khó khăn nhưng anh Hưng vẫn giúp đỡ được người khác

Đến tuổi trưởng thành, Hưng, Ngọc lại có mối tình đẹp như cổ tích, định mệnh giúp anh thợ sửa xe tật nguyền và cô gái tí hon trở nên vợ chồng. Chị Ngọc nhớ như in, cách đây 14 năm, chị gặp anh trong một lần sửa xe đạp, anh thấy chị đồng cảnh ngộ nên sửa xe giúp không lấy tiền. Dần dà, qua những cuộc chuyện trò, Hưng và Ngọc nảy sinh tình cảm và quyết định đến với nhau trong dự gièm pha của người đời. Bởi, họ cho rằng hai người đều là người khuyết tật, đến với nhau chỉ là gánh nặng.

Dưới mái hiên ngôi nhà, chị Ngọc nhìn sang anh Hưng thỏ thẻ: “Ông trời không cho ai thứ gì và cũng không lấy đi của ai tất cả. Cơ thể tôi như đứa trẻ nhiều khi cũng nghĩ là thứ bỏ đi nhưng nghĩ lại vẫn thấy may mắn và hạnh phúc khi có được người chồng để chăm sóc cho nhau đến cuối đời”.

Theo lời kể của Hưng, bố mẹ anh muốn tìm cho anh, cô gái không cần xinh đẹp nhưng có sức khỏe để thay họ chăm sóc anh. Gia đình Ngọc cũng cho rằng, con mình cơ thể  tí hon như một đứa trẻ, lấy chồng rồi chỉ làm khổ nhà chồng mà thôi. Mỗi lần nghe bố mẹ nói vậy, cả hai chỉ biết im lặng và khóc.

Kiên định với tình yêu của mình, cuối cùng hai gia đình cũng tổ chức cho một đám cưới đơn sơ. Anh Hưng tâm sự: “Từ hồi có vợ đến nay thấm thoát cũng được 14  năm rồi. Hai vợ chồng tằn tiện cất được ngôi nhà nho nhỏ để che mưa, che nắng. Sống với nhau mới thấu, mới hiểu và thương nhau hơn, hai vợ chồng tui lúc nào cũng vui vẻ, hạnh phúc”.

Sẻ chia hạnh phúc

Hưng luôn tâm niệm “tàn nhưng không phế”, hàng ngày anh sửa xe cho bà con trong làng. Nghèo khó vất vả là vậy nhưng anh không bao giờ lấy tiền của trẻ em và người già. Anh nói: “Vá cái lốp xe, sửa cái phanh, tôi chỉ làm miễn phí, nếu lấy 5 nghìn tiền công thì cũng chẳng giàu hơn nhưng đối với những đứa trẻ, người già vùng quê này thì 5 nghìn cũng là chuyện khó. Mình giúp được cho ai thì mình giúp chứ cũng không nghĩ hơn thua làm chi”.

Hàng ngày, Ngọc đến cơ sở giữ trẻ của xã để chăm sóc cho các em bé, lương thì không bao nhiêu nhưng được chăm trẻ đối với chị là một niềm vui bởi được giúp ích cho đời. Hưng, Ngọc cũng thèm khát một lần được gọi là bố, là mẹ. Nhiều lần anh, chị vào Sài Gòn rồi ra Huế chữa bệnh nhưng vẫn không có kết quả, phần do anh Hưng bị nhiễm chất độc da cam, phần vì Ngọc quá nhỏ bé nên không thể làm mẹ được. Bù đắp cho những mất mát, họ quấn quýt, chăm sóc nhau.

Nói về tình yêu, nghị lực của Hưng và Ngọc, anh Hà Đức Tư, Trưởng thôn Phong Ngũ Đông chia sẻ: “Vợ chồng anh Hưng không được may mắn, hai người bị tật nguyền từ nhỏ, ngày trưởng thành, họ đến với nhau. Dù chưa có con nhưng không vì thế mà tình cảm của họ rạn nứt.

Vợ chồng anh Hưng vẫn sống yêu thương nhau, xây dựng gia đình hạnh phúc và đóng góp rất nhiều cho xã hội bằng những việc làm đầy ý nghĩa”. Câu chuyện tình yêu và những việc làm ý nghĩa của họ làm niềm cảm hứng, truyền thêm sức mạnh, niềm tin sống cho những phận đời còn lắm éo le.

Văn Mến