.
.

Cần dạy trẻ làm điều tốt, trở thành người tốt


Rất lâu rồi tôi mới chứng kiến một hành động đẹp, tình người, khi bắt gặp một em nhỏ khoảng 8 tuổi cầm tờ giấy bạc 10.000 đồng bằng cả hai tay lễ độ dúi vào tay một bà lão mù ăn xin giữa lòng hội chợ đông đúc. Xa một chút là nụ cười rạng rỡ, hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ đang chờ. Có lẽ họ là cha mẹ của em, rồi cả ba hòa lẫn vào dòng người.



Tờ giấy bạc mệnh giá 10.000 đồng không lớn so với giá cả thị trường luôn biến động từng ngày, nhưng lại mang đậm lòng nhân ái của một con người với một con người đầy tính nhân văn. Đặc biệt hơn, đó lại xuất phát từ sự giáo dục từ những người lớn đã hướng thiện tâm hồn trẻ thơ để dần hình thành một nhân cách sống đẹp, từ tâm, sống vì mọi người.

Tôi cũng đã từng chứng kiến khá nhiều trường hợp trẻ em hỗn hào, vô phép, trịch thượng với người lớn, kể cả những người thân trong gia đình mình khi chúng không được đáp ứng nhu cầu. Nhiều trẻ tỏ thái độ xa lánh, khinh miệt, xem thường những cụ già ăn xin, người bán vé số, bán hàng rong, những bạn học cùng trang lứa, những hoàn cảnh khó khăn. Chúng cười cợt, bêu rếu trên nỗi đau, nỗi thiếu thốn của bạn bè một cách thích thú, xem đây là niềm vui của chúng. Điều đáng buồn và lo lắng là đã có những bậc phụ huynh chẳng những không có biện pháp giáo dục, ngăn chặn những suy nghĩ và hành động lệch lạc, nguy hiểm ấy mà còn có thái độ đồng tình, ủng hộ.

Có lần, người bạn nhà cạnh bên sang khoe với tôi: đứa con anh trước đây rất “khó dạy”; “bướng bỉnh”; “kiêu căng” nhưng từ khi anh thường xuyên cho cháu đến các nhà nuôi dưỡng người già, trẻ em mồ côi thì cháu đã thay đổi suy nghĩ hành động, giờ cháu rất ngoan, hiền, biết thương người, mua “heo đất” để dành tiền ăn sáng, quà vặt để mua quà cho các bạn nghèo, tặng cho các bà cụ ăn xin. Anh chị rất mừng và ngạc nhiên về sự thay đổi lạ thường này và đúc kết kinh nghiệm tuy cũ nhưng không hề cũ “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

Ngày nay, dưới tác động nhiều chiều của xã hội, tình trạng bạo lực, tiêu cực xảy ra ngày càng nhiều, nhất là ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Vì vậy sự giáo dục của gia đình đang là điểm tựa rất quan trọng giúp trẻ hình thành lòng nhân ái, sống hướng thiện, biết chia sẻ, biết yêu thương với mọi người ngay từ tấm bé. Người lớn nên dành thời gian và tập thành thói quen sưu tầm những tấm gương người tốt việc tốt, những câu chuyện phù hợp với lứa tuổi để giáo dục trẻ về lòng nhân ái, tập cho con biết chia sẻ với mọi người xung quanh. Đặc biệt, chính người lớn phải là tấm gương cho trẻ về lòng nhân ái để các em noi theo.

Dạy trẻ làm điều tốt, trở thành người tốt ngay từ bây giờ quả là điều cần thiết, cấp bách, vô cùng quan trọng với mỗi gia đình chúng ta, bởi người xưa có dạy “ở hiền, gặp lành” và “gieo gió, gặt bão”. 
Phương Anh