.
.

Mở rộng con tim, yêu thương như chư Bồ-tát…


“Đừng từ bỏ yêu thương. Khi yêu thương quá khắc nghiệt hay đớn đau, hãy mở rộng con tim của mình, sâu rộng thêm nữa”, ngài Pema Khandro Rinpoche dẫn lời vị thầy Phật giáo nổi tiếng thế kỷ XIX, ngài Patrul Rinpoche khi nói về việc tu dưỡng yêu thương không giới hạn để vượt qua đau khổ của chính mình và khởi phát tâm từ cho mình.


anh bandoc TT 1.jpgNgười trẻ trao yêu thương dịp cuối năm bằng những món quà nhỏ giữa phố Sài Gòn – Ảnh: Tr.Minh

Ngài kể câu chuyện về cặp ong vàng chung sống hạnh phúc trong vườn hoa sen. Mỗi ngày, chúng cười đùa trìu mến với nhau, cùng chia sẻ những suy nghĩ sâu thẳm nhất của mình. Nhưng sau đó, một cơn bão ập đến và người bạn đời của chú ong vàng kia qua đời. Biệt ly nàng ong đức hạnh mình hết lòng yêu thương, chú ong vàng kia vô cùng đau khổ.

Để vượt qua nỗi đau này, chú ong vàng đi khắp nơi tìm lời khuyên và được khuyên rằng: “Chúng sanh hữu tình đã từng là bậc cha mẹ tử tế của ngươi trong nhiều tiền kiếp, hiện có thể đang lang thang dưới sự tồn tại của duyên hợp. Dù luôn khao khát hạnh phúc, họ vẫn phải trải qua khổ đau. Có khi, họ chẳng có lấy bạn bè. Hãy mang vào bên trong tâm mình tình yêu thương và lòng bi mẫn lớn lao đó khi tưởng nhớ về họ. Niệm tưởng đến họ giúp đánh thức nỗ lực của bạn. Với yêu thương to lớn đó, hãy nuôi dưỡng ước nguyện xóa sạch mọi khổ đau của chúng sanh”.

Mở rộng con tim để vượt qua khổ đau

Khi yêu thương trong chúng ta mỏi mệt hay đã đạt đến những giới hạn nào đó, chúng ta hãy nên mở rộng con tim mình ra, sâu rộng hơn nữa và hòa vào trong tình yêu thương bao la hơn.

Sự cởi mở này là bước đầu để đánh thức “bản tính anh hùng tự nhiên” trong mỗi chúng ta, vốn được biết đến là tình yêu thương của chư Bồ-tát. Chúng ta có thể mở rộng yêu thương ra trong những thời khắc đau khổ vì sự tổn thương và lòng bi mẫn của chúng ta luôn hòa quyện vào nhau.

Như chú ong vàng kia, chúng ta có thể bắt đầu cơi nới con tim mình bằng cách cảm nhận lòng bi mẫn cho chính mình và sau đó đưa vào trong tâm những người đồng cảnh ngộ với mình. Sự thực hành này sẽ đối kháng lại bản năng tự bảo vệ vốn có của con người chúng ta. Dường như khi suy ngẫm về những khổ đau của người khác và mở rộng con tim mình, chúng ta lại thật sự có được thêm sức mạnh. Nó cho chúng ta mục tiêu và sự nhẫn nại. Việc mở rộng con tim làm thức tỉnh nỗ lực nội tại của chúng ta bởi lòng bi mẫn và “bản tính anh hùng tự nhiên” được kết nối với nhau.

Nhưng ước nguyện sống một cuộc đời với từ tâm thường bị che mờ bởi cách tư duy theo thói quen của chúng ta. Chúng ta có thể bắt đầu với những chủ ý giàu yêu thương, nhưng lại dễ dấn thân vào việc nắm bắt những điều mình kỳ vọng hay bị lạc lối trong những điều có vẻ vi tế, nhẹ nhàng. Vậy chúng ta tu dưỡng thế nào để có tình yêu không giới hạn được vững trú trong trí tuệ?

Vị thầy Tây Tạng Longchenpa đã nói rằng, tình yêu thương không giới hạn nên được phát triển “cho từng người một”. Chúng ta bắt đầu từ chính sự trải nghiệm của mình. Chúng ta nhớ đến yêu thương nhận được từ một người. Sau đó chúng ta mở rộng nó ra để bao gồm thêm một người khác, và một người khác nữa, cho đến khi yêu thương của chúng ta có thể biến mãn đến cho tất cả các chúng sanh một cách không giới hạn, như bầu trời kia.

Yêu thương không biên giới mở rộng đến cho người chúng ta quen biết trước. Đây là lý do vì sao Phật giáo nhắc nhở chúng ta nên nhớ đến yêu thương nhận được từ cha mẹ và sau đó thiết lập trên nền tảng đó.

Có khi mối quan hệ giữa chúng ta và cha mẹ không phải lúc nào cũng dễ dàng, hay có khi chỉ nghĩ đến quan hệ này cũng đã làm tim đau nhói. Nhưng đây cũng chính là một phần của sự thực hành, vì sự tu dưỡng yêu thương kết nối chúng ta với trải nghiệm của cả cuộc đời này – cả vẻ đẹp lẫn những nỗi đau của thế giới này.

Yêu thương ở đâu, khi chúng ta không thể cảm nhận nó?

Nhớ đến trải nghiệm về yêu thương và sự tử tế tiếp nhận được từ người khác thôi thúc chúng ta bước lên trên sự biệt lập đang có mặt. Nó giúp làm tan chảy những bức tường thành chúng ta dựng nên giữa bản thân mình và người khác. Khám phá sự dịu dàng tự nhiên bên trong của mình, chúng ta nhận thức được rằng con đường của tâm từ là lối sống đáng tin cậy hơn vì niềm tin và con tim dịu dàng của lòng bi mẫn luôn được nối kết mật thiết với nhau.

Sự thực hành về tình thương đôi khi khó khăn, thậm chí còn làm dày thêm những đau đớn. Hôm nay chúng ta quyết tâm yêu thương, tử tế và có lẽ hôm sau chúng ta không thể kết nối được với yêu thương? Yêu thương lạc nơi nào? Yêu thương ở đâu khi chúng ta không thể cảm nhận được nó?

Điều tất yếu là cuộc sống này luôn có những bi kịch và những điều không chắc chắn nhưng chúng ta có thể đối diện với chúng bằng ý nghĩ thuần túy, đơn nhất để thôi thúc việc tu dưỡng từ tâm cho mình.

Hiền triết Phật giáo người Ấn Độ Vimalakirti khi được hỏi, “Làm thế nào chúng ta tìm thấy yêu thương vô ngại của chư Bồ-tát?”, đã trả lời rằng: “Chúng ta phải biết rõ vô ngã và sự rỗng không”. Khi yêu thương mệt mỏi, chúng ta phải hướng đến sự cởi mở nền tảng và từ bỏ cuộc chiến của cái ngã.

Cởi mở con tim đồng thời giúp khơi tạo nguồn tài nguyên sẵn có. Đây là lý do vì sao tình thương của chư Bồ-tát như ánh trăng sáng soi đong đầy trong hàng trăm bát nước. Mỗi bát nước được chan đầy ánh trăng, nhưng không phải vì ánh trăng làm được điều này bằng những nỗ lực thúc bách. Có thứ ánh sáng bất tận vì mặt trăng đang thư thái như chính hành trạng của mình, hiến tặng lan tỏa thứ ánh sáng tự nhiên của mình.

Kết nối với yêu thương không giới hạn giúp mang lại sự buông xả. Khi chúng ta đối diện với các hoàn cảnh sống bằng thái độ của tâm từ, nó mang đến cho chúng ta một cách sống ổn định, bất kể thái độ của người chung quanh.

Phật giáo nói rằng vì vô thường, người từng là bạn hữu của ta có thể là kẻ thù của ta hiện đời, và người hiện đời là bằng hữu của ta có thể sẽ là kẻ thù của ta một ngày nào đó. Bạn bè có thể không chủ tâm phương hại chúng ta. Vì thế, chúng ta sẽ thiếu vững vàng nếu lệ thuộc vào cách người khác liên quan đến mình để quyết định xem chúng ta nên có từ tâm hay không.

Chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong những phản ứng hơn là sống trong sự buông xả khởi sanh từ sự quyết tâm sống trong sự hòa dịu và ấm áp. Khi có biến cố trong vườn hoa sen, chúng ta được vững định bằng cách mở rộng lòng với bất cứ điều gì xảy đến, với một con tim rộng mở hơn.

PEMA KHANDRO RINPOCHE
Trần Trọng Hiếu (theo Lion’s Roar)

______________

* Bài sau: Tập yêu chính mình để hạnh phúc – kể câu chuyện của 3 người trẻ Việt tập thương chính mình vì hiểu, đó cũng là cách thương người…