.
.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam hội nhập quốc tế


HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ HĐCM, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế T.Ư cho biết, GHPGVN ra đời năm 1981, lúc đó chỉ có 6 ban ngành, sau đó mới xây dựng và củng cố tổ chức, kiện toàn các ban chuyên môn. Trước yêu cầu mới, tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ III (1992), Ban Phật giáo Quốc tế chính thức ra mắt.

Kể từ sau khi thành lập, theo đường hướng của Trung ương GHPGVN và sự lãnh đạo khéo léo của cố Trưởng lão HT.Thích Minh Châu, chư vị giáo phẩm HT.Thích Chơn Thiện, HT.Thích Hiển Pháp – nguyên Trưởng ban Phật giáo Quốc tế T.Ư và HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ HĐCM GHPVN kiêm Trưởng ban Phật giáo Quốc tế T.Ư đương nhiệm, Ban đã từng bước hoàn thiện và cách tân về mọi mặt như tổ chức, hành chánh, trẻ hóa nhân sự, quan hệ ngoại giao, hoạt động Phật sự trong và ngoài nước… phù hợp theo nhu cầu hội nhập và phát triển toàn diện của Giáo hội và đất nước.

hoinhap2.jpg
HT.Thích Trí Quảng cùng lãnh đạo Phật giáo các nước tại Đại lễ Vesak LHQ, Thái Lan – Ảnh: H.Độ

GHPGVN mở rộng quan hệ quốc tế

Trong 35 năm qua, GHPGVN đã tích cực thể hiện vai trò quan hệ Phật giáo quốc tế của mình. Giáo hội đã trở thành thành viên của các tổ chức quốc tế như Hội Phật giáo Châu Á vì Hòa Bình (ABCP), Thành viên sáng lập Liên minh Phật giáo Thế giới (Ấn Độ), Hội Phật giáo Thế giới Truyền bá Chánh pháp, Hội Đệ tử Như Lai Tối thượng (Sri Lanka), Ủy ban Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (Thái Lan), Ủy ban Đại học và Cao đẳng Phật giáo Thế giới tại Thái Lan, Thành viên Hội Sakyadhita Thế giới cũng như lãnh đạo Hội Phật tử Việt Nam tại Pháp và châu Âu…

Bên cạnh đó, trong thành tựu chung còn ghi nhận, GHPGVN đã và đang liên kết thân hữu với các nước Phật giáo Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Triều Tiên, Mông Cổ, Sri Lanka, Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan – Trung Quốc và một số nước châu Âu, Tây Âu, Bắc Mỹ…

Không chỉ vậy, Giáo hội còn tổ chức nhiều phái đoàn đại diện GHPGVN đi thăm hữu nghị một số nước Phật giáo trong vùng Đông Nam Á như Campuchia, Phật giáo Lào, Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Myanmar; thăm viếng, thuyết giảng Phật pháp và tổ chức lễ cầu an đầu năm, lễ Thượng ngươn, Lễ Phật đản và Vu lan tại các trung tâm văn hóa Phật giáo tại châu Âu cho Hội Phật tử Việt Nam yêu đạo Phật tại Pháp, Cộng hòa Séc, Ukraina, Liên bang Nga, Hungary, Ba Lan, Đức, Lào…

Hồi tưởng lại những buổi đầu có quan hệ ngoại giao với các nhà lãnh đạo Phật giáo nói riêng và tôn giáo các nước, HT.Thích Trí Quảng nói: “Khi chưa tham gia công tác Phật giáo quốc tế (còn làm Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư – PV), tôi đã được tham dự các hội nghị về tôn giáo ở Nga, Ý, rồi Mỹ. Ở đó, tôi gặp lại những người bạn học của mình trong thời gian du học tại Nhật cũng như những lãnh đạo tôn giáo khác, họ nhìn và có cảm tình với hình ảnh của một tu sĩ Phật giáo VN – thấy đây là ông thầy tu thiệt chứ không phải mang màu sắc chính trị nào cả. Từ đó, khi tôi đại diện Phật giáo VN tham gia các hoạt động giao lưu quốc tế thì được chấp nhận”.

Hòa thượng khẳng định, để có thể phát triển ngoại giao quốc tế giữa Phật giáo với các tôn giáo khác thì người làm công tác ấy ngoài việc có trình độ thì phải học cách chấp nhận nhau.

Khi mình chấp nhận truyền thống tôn giáo khác cũng như sự đa dạng trong Phật giáo của mình, từ Nguyên thủy tới Đại thừa thì dễ đến với nhau hơn, Hòa thượng bày tỏ.

Trên tinh thần hội nhập và chấp nhận nhau như Hòa thượng Trưởng ban nói, GHPGVN tiếp đón hàng trăm phái đoàn Phật giáo và các tổ chức Phật giáo quốc tế như phái đoàn Đại sứ quán các nước, Vua sãi Tép Vong và Bộ trưởng Bộ Nghi lễ Tôn giáo Chính phủ Hoàng gia Campuchia, Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước; Tổ chức IOC Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc, Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới (Nhật Bản), Hội quán Đạo đức Phật giáo Nhật Bản, phái đoàn Pakistan, Phật giáo Ấn Độ (Kim Cang thừa), các phái đoàn Phật giáo Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan – Trung Quốc, Phật giáo Thái Lan, đoàn Viện Nghiên cứu Tôn giáo Toàn cầu Hoa Kỳ, đoàn Nữ giới Hội Sakyadhita…

Các phái đoàn trên đã đến thăm viếng và trao đổi thông tin tại Văn phòng I và II Trung ương Giáo hội và tại một số trụ sở Văn phòng tỉnh, thành hội Phật giáo trong cả nước.

Một mốc son khác là, GHPGVN đã tham dự Hội nghị thành lập tổ chức Liên minh Phật giáo Toàn cầu tại Ấn Độ vào cuối tháng 11-2011 cũng như kỷ niệm 2.600 năm Phật Thành đạo dưới cội bồ-đề tại Bồ Đề Đạo Tràng thuộc tiểu bang Bihar (Ấn Độ) và tại Sri Lanka.

Nhằm trao đổi kiến thức và giao lưu về mặt học thuật trên diễn đàn Phật giáo quốc tế, GHPGVN đã cử đoàn tham dự 66 cuộc hội nghị và hội thảo quốc tế tại các nước như Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar, Triều Tiên, Mông Cổ, Sri Lanka, Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan, Philippines, Indonesia, Tây Ban Nha và Singapore… Đặc biệt, đoàn đại diện GHPGVN đã tham dự 6 lần Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan và 2 lần Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc tại New York (Hoa Kỳ).

Với quyết tâm và nỗ lực của mình, GHPGVN còn đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc năm 2008 (tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội) và năm 2014 (tại Bái Đính, Ninh Bình) với sự hiện diện của gần 100 quốc gia và các vùng lãnh thổ trên thế giới, đạt nhiều thành quả tốt đẹp qua cái nhìn đầy khâm phục của các nước Phật giáo và các tổ chức quốc tế về Việt Nam nói chung, GHPGVN nói riêng. Theo HT.Thích Trí Quảng, đây chính là thành tựu nổi bật nhất trong sứ mệnh hội nhập quốc tế của GHPGVN.

Bên cạnh đó, Giáo hội cũng đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Nữ giới Phật giáo Thế giới lần thứ XI tại Nhà Truyền thống-Văn hóa Phật giáo TP.HCM (chùa Phổ Quang, Q.Tân Bình) vào năm 2010 và được đánh giá cao về công tác tổ chức chuyên nghiệp.

Vai trò của Tăng Ni trẻ

Vấn đề đối ngoại của đất nước nói chung và của Phật giáo nói riêng rất quan trọng. Nếu quan hệ quốc tế không được mở rộng, hoạt động Phật giáo chúng ta không thể tồn tại và phát triển lâu dài trên thế gian. Chủ trương về quan hệ quốc tế của đất nước ta là đa phương, đa dạng, làm bạn với tất cả. Các vị tu sĩ có trình độ nên tham gia công tác ngoại giao với Phật giáo các nước cũng như với các tôn giáo khác. Chủ trương của tôi là sau này, sẽ đào tạo nhiều ngôn ngữ tại Học viện Phật giáo VN – TP.HCM để tăng cường năng lực ngôn ngữ Tăng Ni, khi liên lạc và hợp tác với nước ngoài mới được thuận lợi, hiệu quả tốt hơn.

Bài học của các tổ chức tôn giáo nhìn về Phật giáo VN là thống nhất và cởi mở. Con đường xuyên suốt của Phật giáo là làm cho các tôn giáo hiểu nhau hơn. Làm được như thế mới cùng xây dựng thế giới hòa bình.

HT.Thích Trí Quảng

Trả lời câu hỏi của Giác Ngộ về việc, Phật giáo VN cần phát huy những thế mạnh cũng như khắc phục hạn chế nào để hội nhập sâu rộng hơn, đem hình ảnh Phật giáo nước ta đến với đông đảo bạn bè thế giới trong giai đoạn mới này, HT.Thích Trí Quảng cho rằng, ngoài việc quan hệ giữa Giáo hội với Giáo hội thì cần phát triển mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân. Vì theo Hòa thượng, giữa Giáo hội với Giáo hội thì còn có nhiều mặt, nhưng giữa cá nhân với cá nhân thì sẽ dễ dàng hơn.

Chứng minh cho điều đó, Hòa thượng lấy ví dụ từ kinh nghiệm cá nhân, trong quá trình tham dự các hội nghị tôn giáo trên thế giới cũng như tham gia vào tổ chức Mặt trận Tổ quốc VN. Chính ở trong môi trường đa tôn giáo đó, những nhà hoạt động tôn giáo, những tu sĩ trí thức đã gặp nhau trong ý niệm cùng xây dựng thế giới hòa bình, bỏ qua những rào cản khác để đến với nhau, lắng nghe và hiểu nhau.

“Tôi có những người bạn thân thuộc tôn giáo khác, như Hồng y Phạm Minh Mẫn ở TP.HCM. Ngài Hồng y thường đến thăm tôi và gặp nhau ở chỗ cùng muốn xây dựng một xã hội hòa bình”. Đối với những mối quan hệ cá nhân trong tinh thần hội nhập với Phật giáo nước ngoài cũng như với tôn giáo bạn, Hòa thượng nhắc tới vai trò của Tăng Ni trẻ – ngày nay được đào tạo dưới nhiều cấp học (cả thế học lẫn Phật học), nhiều người du học nước ngoài, đã góp phần mở rộng quan hệ này.

“Chính vì có mối quan hệ rộng rãi trên thế giới nên khi mình tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc họ đến tham dự với mình số lượng hàng ngàn người, đại diện cho gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ”, HT.Thích Trí Quảng chia sẻ.

Trong hơn 35 năm qua, GHPGVN đã giới thiệu 476 Tăng Ni sinh du học chương trình thạc sĩ và tiến sĩ Phật học tại các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Myanmar, Sri Lanka, Thái Lan, Pháp, Nhật, Mỹ, Úc và Đài Loan… Hiện nay, số lượng Tăng Ni tốt nghiệp tiến sĩ và thạc sĩ chuyên ngành Phật học và các ngành khác có trên 100 vị đã trở về nước tham gia các công tác của các ban, viện Trung ương Giáo hội, các ban chuyên môn tại các Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, thành cũng như tham gia giảng dạy tại các Học viện Phật giáo VN, các lớp Cao đẳng, các Trường Trung cấp Phật học trên cả nước, và có trên 200 Tăng Ni sinh hiện đang du học tại các nước.

hoinhap1.jpg
HT.Thích Thiện Nhơn, HT.Thích Thiện Pháp, HT.Thích Thiện Tâm với Lama Lobzang,
Tổng Thư ký Liên minh Phật giáo Thế giới (IBC) trong một hội nghị của IBC tại Ấn Độ – Ảnh: H.Độ

“Lược sử Phật giáo Việt Nam” giới thiệu PGVN ra thế giới

Một thành tựu khác được ghi nhận trong công tác giới thiệu PG nước ta ra thế giới chính là việc Ban Phật giáo Quốc tế T.Ư đã hoàn thiện công việc biên soạn và ấn hành tập sách “Lịch sử Phật giáo Việt Nam”.

Ấn phẩm này trong giai đoạn đầu được in song ngữ Anh-Việt, ra mắt ở nhiệm kỳ VI (2007-2012), dưới sự chứng minh của chư tôn giáo phẩm Hòa thượng lãnh đạo Trung ương Giáo hội và sự chỉ đạo của HT.Thích Trí Quảng. Được biết, sắp tới sẽ tiếp tục phiên dịch ra các ngôn ngữ như Trung, Nhật, Hàn, Pháp… theo nhu cầu của Giáo hội, nhằm giới thiệu cho các nước và tổ chức Phật giáo trên thế giới hiểu rõ và chính xác hơn về GHPGVN.

Tuy nhiên, dẫu có nhiều kết quả đạt được, nhưng những người con Phật VN, nhất là những vị hoạt động trong ngành Phật giáo quốc tế vẫn luôn trăn trở, mong muốn GHPGVN tăng thêm uy thế trong quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế với các nước Phật giáo bạn trên thế giới.

Theo ĐĐ.Thích Quang Thạnh, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Phật giáo Quốc tế T.Ư, Giáo hội cần chủ động thành lập một tổ chức quốc tế riêng theo bản sắc văn hóa truyền thống của Phật giáo VN với sự tham gia của các thành viên từ nhiều nước và các tổ chức Phật giáo trên thế giới, nhằm mở rộng hơn nữa mối quan hệ hợp tác Phật giáo quốc tế giữa GHPGVN và các nước Phật giáo trên thế giới qua các mặt hoằng pháp, giáo dục, văn hóa…, phù hợp với thời đại phát triển khoa học và điều kiện mở cửa giao lưu văn hóa của đất nước.

Song song với hướng hoạt động đó, các ban ngành, viện Trung ương cần có sự phối hợp nhịp nhàng và chặt chẽ hơn nữa trong khi thực hiện công tác quan hệ Phật giáo quốc tế; có sự quan tâm, hỗ trợ và động viên nhiều hơn nữa về mặt tâm linh cho đồng bào Phật tử kiều bào đang sinh sống và làm việc tại hải ngoại và củng cố đội ngũ con em Phật tử kiều bào ở hải ngoại nhằm kế thừa di sản truyền thống văn hóa VN và Phật giáo VN thông qua việc tổ chức các khóa tu học ứng dụng Phật pháp dành riêng cho các thanh thiếu niên Việt kiều; lắng nghe nguyện vọng tâm tư của các em để hỗ trợ, tư vấn và chia sẻ những kinh nghiệm sống thực tế qua lời dạy của Đức Phật với sự hài hòa phong tục tập quán của Việt Nam cùng nước sở tại…

Lưu Đình Long