.
.

Đề xuất Dân tộc hóa các danh từ tôn xưng giáo phẩm


Việc sử dụng những danh từ tôn xưng thượng tọa, hòa thượng… đã tạo nên sắc thái trang trọng đối với các bậc tu hành Phật giáo, theo tuổi tác, theo hạ lạp. Có thể coi việc xác định hệ thống giáo phẩm Phật giáo Việt Nam là một thành quả của chấn hưng Phật giáo Việt Nam.

Hiện nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sử dụng các danh xưng hòa thượng, thượng tọa, đại đức để gọi các bậc tu hành trong Phật giáo. Đối với ni giới, thì giáo phẩm có các danh từ như ni sư, ni trưởng. Trong đó, các danh từ thượng tọa, hòa thượng, ni sư, ni trưởng dùng để gọi riêng hàng giáo phẩm.

Theo tác giả Nguyễn Đại Đồng, bài “Danh xưng hòa thượng, thượng tọa và đại đức”, đăng trên ấn phẩm định kỳ “Suối nguồn”, Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang, số 12, tháng 11/2013 thì (trang 162), văn bản quy định các chức danh giáo phẩm như thế là Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất năm 1964.

Như vậy, hiện nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sử dụng những danh xưng như trên là kế thừa từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Giáo hội Phật giáo Việt Nam không đưa ra được các hệ thống danh xưng giáo phẩm riêng của mình, trên cơ sở hoàn thiện hơn hệ thống danh xưng đã có.

Trong hệ thống danh xư như đang dùng, cứ 20 năm thì lên một cấp, nhưng đợi giáo phẩm hòa thượng, trên 60 tuổi đời, thì đến các vị trên 80 tuổi, không có quy định phù hợp trong Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Có nơi gọi trưởng lão hòa thượng, có nơi gọi đại lão hòa thượng.

Việc sử dụng những danh từ tôn xưng thượng tọa, hòa thượng… đã tạo nên sắc thái trang trọng đối với các bậc tu hành Phật giáo, theo tuổi tác, theo hạ lạp. Có thể coi việc xác định hệ thống giáo phẩm Phật giáo Việt Nam là một thành quả của chấn hưng Phật giáo Việt Nam.

Với những danh từ như thượng tọa, hòa thượng, người tu sĩ Phật giáo có vẻ được tôn trọng hơn trước, so với các từ và cụm từ như linh mục, đức giám mục, đức tổng giám mục của đạo Ca tô La Mã.

Tuy nhiên, hệ thống danh xưng giáo phẩm hiện dùng cũng có những hạn chế, mà dưới đây sẽ phân tích.

Hạn chế thứ nhất, là như tác giả Nguyễn Đại Đồng đã chỉ ra, là xuất xứ của những danh xưng trên là từ Phật giáo Trung Quốc. Và như bài viết đã dẫn nêu câu hỏi, “Phải chăng chúng ta vận dụng Tì ni mẫu và Hành sự sao của Phật giáo Trung Quốc ngày xưa, mà Phật giáo các nước không theo mẫu này nữa?” (1).

Trong bối cảnh các thế lực bài Phật giáo Việt Nam ra sức chứng tỏ Phật giáo Việt Nam chỉ là phiên bản xuất khẩu của Phật giáo Trung Quốc, thì việc chỉ ra các danh xưng giáo phẩm Phật giáo Việt Nam là theo Phật giáo Trung Quốc mà chính Phật giáo Trung Quốc không còn sử dụng, không có lợi cho Phật giáo Việt Nam.

Người viết bài này có cách hiểu khác về vấn đề. Có thể hiểu rằng những vị tôn túc soạn thảo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất khi sử dụng các danh từ đại đức, thượng tọa, hòa thượng chỏ có ý mượn những từ Hán Việt có sẵn, rồi đưa ra các tiêu chuẩn mới về tuổi đời, hạ lạp để thiết lập hệ thống giáo phẩm mới, với những từ xưng hô danh hiệu trang trọng. Không phải tác giả Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đi “học tập” Phật giáo Trung Quốc!

Hạn chế thứ hai là hệ thống giáo phẩm mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thiết lập không thống nhất với Phật giáo thế giới, thành ra bất tiện khi sử dụng. Hai trường hợp đã xảy ra. Trường hợp không dùng đến danh xưng thượng tọa, hòa thượng, như trường hợp Phật tử Việt Nam gọi Đại đức Narada, dù vị cao tăng này phải được gọi là hòa thượng và ngài đã ở Việt Nam lâu năm.

Hạn chế thứ ba là gọi bừa các vị tu sĩ nước ngoài theo hệ thống giáo phẩm Việt Nam căn cứ vào việc áng chừng số tuổi. Thành ra, Phật tử Việt Nam tự… phong giáo phẩm cho chư tăng nước ngoài.

Hạn chế thứ tư là việc gây nhiễu cho hệ thống giáo phẩm Việt Nam từ phim Hồng kong, Đài Loan, Trung Quốc chiếu dày đặc trên các kênh truyền hình trong nước. Trong các phim này, người xuất gia tu Phật được gọi là hòa thượng, người xuất gia nhỏ tuổi là tiểu hòa thượng. Xem quen những phim cổ trang Trung Quốc, Đài Loan, Hong kong, người xem thấy từ hòa thượng không còn trang nghiêm. Từ đó, một số không ít người trong xã hội rối loạn với những danh xưng giáo phẩm Phật giáo. Những người này nghĩ rằng đại đức là to nhất trong chùa, kiểu như các đức cha trong đạo Ca tô La mã. Còn thì vô tư gọi các tu sĩ là hòa thượng như phim.

Kết quả là các nhà báo dùng những danh từ chung chung không phải là chính thức trong Phật giáo như nhà sư, sư thầy. Gọi nhà sư, sư thầy thì ai cũng hiểu, không sợ gọi sai, nhưng người Phật tử lại nghe không quen tai.

Cách gọi nhà sư, sư thầy chung chung là cách gọi loại trừ vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vì các danh xưng chính thức mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đưa ra đối với tu sĩ không được sử dụng.

Hạn chế thứ năm là vì quá tôn xưng trang trọng, cho nên các từ tôn xưng đại đức, thượng tọa, hòa thượng tạo nên sự ngăn cách, không thân mật. Từ thầy lại là từ chung, gọi người mới xuất gia là thầy, cũng như gọi hòa thượng là thầy thì không thích hợp.

Đạo Ca tô La Mã thấy rõ nhược điểm của các từ tôn xưng như linh mục, giám mục, tổng giám mục, giáo hoàng là kém thân mật, nên đã tạo ra một hệ thống song song để dùng trong cách gọi kính mến, gần gũi. Linh mục thì gọi là cha, giám mục thì gọi đức cha, tổng giám mục thì gọi đức tổng. Giáo hoàng thì gọi đức thánh cha (ở đây có chỗ không phải, họ gọi mẹ Thiên chúa là “Đức Mẹ”, còn gọi các giám mục người phàm là “đức cha”, nghe như phối ngẫu).

Tuy vậy, hệ thống thân mật trong danh xưng giáo phẩm của họ cũng phát huy tác dụng. Mọi người trong xã hội dù không theo đạo Ca tô La Mã cũng biết cha là nhỏ hơn đức cha. Trong từ đức cha vừa có sự tôn trọng (do hình vị “đức”), vừa có sự gần gũi (do hình vị “cha”).

Để giải quyết các hạn chế như vừa kể trên, người viết đề xuất một hệ thống danh xưng giáo phẩm mới cho Phật giáo Việt Nam kế thừa truyền thống dân tộc, vừa bảo đảm sự trang trọng, vừa bảo đảm sự gần gũi, thân mật.

Hệ thống danh xưng giáo phẩm được đề xuất có thể sử dụng song song với hệ thống đã có và được chính thức hóa bằng cách ghi kèm vào hiến chương sửa đổi.

Trong truyền thống dân tộc ta, các từ như sư thầy, sư bác, sư ông, sư cụ, sư cố là những từ vừa gần gũi, vừa kính trọng có thể dùng trong hệ thống giáo phẩm kế thừa truyền thống Phật giáo Việt Nam. Dưới đây là gợi ý:

Đại đức = sư thầy

Thượng tọa = sư bác

Hòa thượng = sư ông

Đại lão hòa thượng = sư cố

Ni sư (giữ nguyên)

Ni trưởng = sư bà

Ngoài ra, điều rõ ràng là hệ thống cấp bậc giáo phẩm thượng tọa, hòa thượng, ni sư, ni trưởng không có trong kinh Phật, không phải do pháp Phật định ra, mà chỉ mới định ra ở Việt Nam hơn 50 năm nay.

Hệ thống đó là thiết kế chủ quan của người đời sau. Cho nên nó có thể thay đổi, điều chỉnh sau cho hoàn thiện hơn.

Minh Thạnh