.
.

Vấn nạn tự tử trong giới trẻ và hậu quả sau khi chết


Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, chúng ta ngày càng tiếp thu được nhiều thông tin qua các phương tiện truyền thông đại chúng, biết được hàng ngày hàng giờ có nhiều bạn trẻ tự tử mà nguyên do bị ức chế tình cảm, phiền não gia đình, thất vọng công danh, tự ti bản thân, buồn khổ cô đơn, trầm cảm bi khổ, bế tắc tiền tài, lo sợ bị đe dọa…


Tâm lý bị tác động ảnh hưởng đến quá trình nhận thứcvà tư duy. Nên sự việc tới các bạn trẻ đó không thể tìm thấy lối thoát nào cho bản thân mà chỉ còn cách quyên sinh tử tự.

Nhưng tự tử xong rồi thì để lại hậu quả bi thương cho người thân, nỗi buồn cho bạn bè…lại tạo thêm nghiệp cho mình, vì tự tử là bất hiếu, hiếu dưỡng chưa báo lại đoạn hiếu nghĩa, ân dưỡng dục sinh thành nặng tựa núi Thái Sơn, mà chỉ vì cá nhân ích kỷ lại mang tội danh bất hiếu. Lại nữa, đâu phải chết là hết, mà có khi bị níu lại chỗ đã mất do nghiệp lực, hay đầu thai chuyển kiếp… nhưng nỗi buồn, nỗi cô đơn, nỗi ưu phiền lại nằm trong tâm thức người mất không thể nào phai nhòa mà theo cùng người đó vào trong vòng luân hồi sinh tử.

Tự tử là nghiệp nặng vì có ba lý do sau: thứ nhất thân thể cha mẹ cho lại đành tâm hủy hoại, thứ hai chưa giúp ích báo hiếu dưỡng dục cha mẹ mà nỡ lòng đứt đoạn cuộc sống phân ly, thứ ba là tâm phiền não sân si tìm về cõi chết.

Sau khi chết thì người chết sẽ như thế nào?
Đó là tồn tại tại dưới dạng linh hồn, bên các nhà vật lý gọi là tồn tại dưới dạng trường năng lượng sinh học, bên đạo giáo gọi là âm linh. Linh hồn được tâm thức điều khiển chi phối. Tùy theo nghiệp lực mà bị đọa vào địa ngục, đọa vào đường súc sinh hay ngạ quỷ. Rất ít người đầu thai lại làm người vì nghiệp quá nặng. Mà nếu có đầu thai làm người thì tuổi thọ khá ngắn, dễ bị chết yểu nguyên nhân là do đời trước không biết quý sinh mạng. Nhà Phật có dạy, để có thân người đã khó, do vậy chúng ta hãy sống có ích khi có được thân mạng quý giá này.

Chúng ta nếu có những tâm lý như u uất lo buồn, bi thương sầu não, tự ti mặc cảm…thì có nhiều cách để khắc chế, để làm giảm nhẹ đi trạng thái tiêu cực như trò chuyện giao tiếp người thân bạn bè để tìm cách khắc phục thông qua sự cảm thông chia sẻ, còn có cách là sử dụng thiền quán, chánh niệm tư duy quán xét những ý nghĩa không tốt, cảm xúc tiêu cực đó từ đâu ra, nguồn gốc của chúng thật không có mà do tư tưởng khởi lên trong vọng niệm nhận thức sinh ra, vọng niệm không theo thì tư tưởng tan biến. Hay nhất tâm niệm Phật, chú tâm vào danh hiệu của chư Phật, chư đại bồ tát, nhờ các Ngài gia trì gia hộ, tinh tấn chuyên cần niệm phật, làm tâm bất động giữa những tư tưởng xao động, để từ đó thân tâm được an ổn ngõ hầu quay về cuộc sống thực tại hiện tiền không khổ lụy.

Theo lý nhân quả, tất cả đều do nghiệp lực lôi kéo, nên tự tử cũng không ngoại lệ. Nên ta phải nhận thức được “tất cả các cảm thọ của tâm do vọng niệm mà sinh khởi, mà vọng niệm có là do bám chấp vào hư vọng của trần lao, hư vọng của chấp thủ mà mình coi đó là quan trọng, coi đó là hạnh phúc, coi đó là đích ngắm mà khi không được lại sinh ra buồn khổ thì thật là khổ trong khổ sinh ra khổ”.

Là người Phật tử, chúng ta nhận thức được cuộc đời là vô thường, sống trong chánh niệm, an trú trong hiện tại, tâm không sở cầu, an nhiên tĩnh lặng sẽ bớt đi phiền não nơi trần thế.

Đối với người tự tử, chúng ta phải thương yêu họ, họ chỉ vì thiếu nhận thức, thiếu hiểu biết hay một phút nông nỗi mà làm ra sai lầm không đáng có, để rồi ân hận thì đã quá muộn. Chúng ta nếu biết nếu thấy hãy niệm Phật cho họ, cầu siêu cầu an cho họ, làm những việc công đức hồi hướng cho họ. Khi tâm yêu thương thành khẩn của ta hướng về họ thì ta sẽ chiêu cảm được tâm bi thương của họ để tâm người đã mất được yên tĩnh an lành sẽ làm giảm đi cái nghiệp sâu dày của họ.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Quảng Minh