.
.

Là Phật tử, để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn


Thế giới mà chúng ta đang sống thường xuyên bị vấy bẩn bởi năm thứ uế trược do chính chúng ta gây ra, bắt nguồn từ tham lam, sân hận và si mê. Đó là sự vẩn đục của thời kỳ, kiến thức, tâm lý, con người và đời sống.

Tuy vậy, một người nếu được hộ trì bởi chánh giới và luôn chánh niệm trong mọi hoạt động thì dù ở trong thế giới Ta-bà, vẫn an nhiên, vô nhiễm. Trong lời kinh Giáo huấn vắn tắt lúc sắp Niết-bàn, Phật dạy: “Nếu chánh niệm có sức lực vững mạnh, thì dẫu phải vào trong đám giặc ngũ dục, cũng không bị chúng sát hại; tựa như tướng sĩ lâm trận mà mặc áo giáp lát đồng, thì không còn sợ hãi gì nữa”.

Như vậy là khéo an trú. Nhưng, người con Phật không chỉ nghĩ cho bản thân, mà luôn nghĩ đến tha nhân, phát nguyện dõng mãnh, tinh tấn sống theo ba loại tịnh giới: nhiếp luật nghi (đoạn ác) nhiếp thiện pháp (tu thiện) và nhiêu ích hữu tình (lợi người) như lời Phật dạy. Đó là lý tưởng sống xứng đáng.

Lý tưởng ấy cũng chính là mong ước xây dựng một xã hội tốt đẹp, vững mạnh mà xã hội nói chung đều mong muốn. Nhưng, con người trong xã hội có cần kiệm – liêm chính – chí công – vô tư hay không, không thể chỉ hô hào bằng khẩu hiệu, mà phải có phương pháp rèn luyện, thực hành cụ thể. Phương pháp ấy đã được Đức Phật hướng dẫn cho chúng đệ tử, nhất là chúng đệ tử tại gia, qua một pháp thức giản dị: thọ trì Tam quy – Ngũ giới.

Sau khi thọ trì Tam quy – Ngũ giới, một người mới chính thức trở thành Phật tử. Đó là nấc thang đầu tiên trên con đường sống tốt đẹp mà người ấy sẽ góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn. Bấy giờ, người con Phật sẽ được an trú trong sự tỉnh giác (Phật), bước đi trên con đường chân chính (Pháp) và sống trong môi trường trong sạch (Tăng).

Người ấy xây dựng một lý tưởng sống tốt đẹp, khởi đầu bằng việc không gây tổn hại đến bản thân và tha nhân thông qua năm điều căn bản: không gây tổn hại đến sự sống của chúng sanh (đặc biệt nhất là mạng sống của con người); không lấy bất kỳ những thứ gì không thuộc về mình, cho dù nhỏ như cây kim, ngọn cỏ (dĩ nhiên, bao gồm cả những việc như trốn thuế, ăn chặn, khai gian, nhũng nhiễu v.v…); không tà hạnh (sống theo chế độ một vợ một chồng như quy định của pháp luật; không ép buộc đối phương làm theo ý muốn của mình; việc vợ chồng phải đúng lúc, đúng chỗ…); không nói dối, nói lời cay nghiệt (trừ khi nói dối với mục đích tốt như giúp người…); không uống và tiếp nhận các chất gây say, nghiện, tổn hại đến thể chất, tinh thần.

Việc giữ gìn năm giới sẽ tạo nên một con người thuần thiện, đó là nền tảng căn bản của đạo đức Phật giáo nói riêng và xã hội nói chung. Hiện nay, để đánh giá một xã hội văn minh hay không, người ta vẫn dựa vào những tiêu chí căn bản ấy.

Sau khi thọ trì Tam quy – Ngũ giới, chư Tăng thường khuyên Phật tử hàng ngày dành ra ít phút để ít nhất, niệm được bảy lần danh hiệu Phật, và nhắc lại việc “con đã quy y Phật, Pháp, Tăng và giữ gìn năm cấm giới”. Đây không phải là một hình thức, nghi lễ suông, mà là việc cần phải làm để không quên mình là Phật tử. Các thành viên trong gia đình, nhất là cha mẹ, thọ trì Tam quy – Ngũ giới và hàng ngày hành trì như thế chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến bầu không khí chung của gia đình và đặc biệt là việc hình thành nhân cách của con cái về lâu dài, là ý thức tích cực góp phần xây dựng xã hội theo lời Phật dạy.

Quảng Kiến