.
.

Thái tử Tất-đạt-đa xuất gia: Biểu tượng của Từ bi, Trí huệ và Dũng lực


Nhân kỷ niệm ngày đức Phật xuất gia tìm đạo ( 8/2 âm lịch), xin mạo muội phân tích sự kiện quan trọng này dưới nhãn quan của một người phật tử phàm phu và vì thế xin được phép đặt sự kiện thái tử xuất gia như là hành động của một con người bình thường.

Đức Phật Thích Ca xuất hiện trên cõi ta-bà này đã hai mươi sáu thế kỷ và giáo pháp của ngài giờ đây đã lan tỏa khắp cùng năm châu bốn biển.

Nếu nói ngài là một vị giáo chủ của một tôn giáo thì đúng là ngài là một vị giáo chủ đặc biệt nhất không giống như bất kỳ vị giáo chủ nào của các tôn giáo khác trên toàn cầu. Trước hết điều đặc biệt nhất là ngài là một giáo chủ nhưng xuất hiện ở trần gian trong hình hài một con người như hàng triệu triệu con người khác trên hành tinh.

Điều tiếp theo là hình như chưa có vị giáo chủ một tôn giáo nào mà đặt vị trí của tín đồ ngang hàng với mình  như Đức Phật (Phật và chúng sanh cùng một thể tánh), cũng không có vị giáo chủ nào tuyên bố rằng nếu tín đồ cố gắng tu hành thì sẽ đắc quả ngang với mình như đức Phật (Lời Phật: Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành).

Chỉ ba điều đặc thù này thôi cũng đủ cho thấy Đức Phật là một vị giáo chủ siêu việt và bình đẳng như thế nào. Cũng vì những nét đặc thù như thế nên mặc dầu đã ra đời cách đây hai mươi sáu thế kỷ nhưng đến nay giáo lý đạo Phật vẫn là có một sự thu hút mãnh liệt đối với những ai yêu thích nghiên cứu hoặc tu tập theo tôn giáo này.

Trỏ lại với Đức Phật, sau khi tự tìm ra chân lý về vũ trụ và nhân sinh ngài đã đem ánh sáng đạo mầu đó giáo hóa cho chúng sanh trong suốt bốn mươi lăm năm (theo giáo lý Nguyên Thủy) và để lại cho nhân loại một kho tàng kinh điển đồ sộ mà muốn đọc qua một lượt tất cả những kinh điển đó e cần phải bỏ ra cả một đời người!

Đối với đa số các tôn giáo khác thì tín đồ đề y nương vào giáo lý của vị giáo chủ đã tuyên thuyết để thực hành là được, vì những vị giáo chủ đó không phải là một con người mà họ là bậc thánh nên hành vi của họ không phải là hành vi của một con nguời bình thường, nhưng đối với Phật giáo thì ngoài việc thực hành những lời dạy của Đức Phật trong giáo điển ra, cuộc đời của Đức Phật cũng là một bài thuyết giáo không lời và rất hiệu quả.

Thật vậy cuộc đời của đức Phật từ khi sơ sanh cho đến khi nhập diệt là những bài giáo pháp rất thiện xão mà người phật tử cần chiêm nghiệm để tu tập. Các nhà viết sử đã ghi nhận rằng vào thời Đức Phật còn tại thế những người tìm đến xin xuất gia cầu học đạo với ngài đa số họ ngưỡng mộ chính là  hành vi nhân thân của ngài hơn là nghe giáo pháp của ngài.

Đức Phật lịch sử đã ra đời cách đây hai mươi sáu thế kỷ, một thời gian khá lâu để cho chúng ta có thể tìm hiểu một cách chính xác nhất về chi tiết cuộc đời của ngài. Hiện nay chúng ta được biết cuộc đời của ngài qua kinh sách, qua những lời truyền tụng từ nhiều đời được những nhà viết sử ghi lại, trong đó có những hiện tượng huyền bí đan xen vào.

Là những phật tử sống cách xa Đức Phật đến hơn hai ngàn sáu trăm năm vì thế  chúng ta cũng không dám tìm hiểu và xác quyết thật hư câu chuyện về cuộc đời ngài. Trước hết vì ngài là một vị bồ-tát giáng trần theo nguyện lực thì những hiện tượng kỳ bí trong cuộc đờì ngài là một điều hoàn toàn có thể xảy ra, cũng có thể  những đệ tử hậu lai của ngài vì quá tôn sùng ngài mà vẽ vời thêm những câu chuyện huyền bí chung quanh cuộc đời ngài để tôn vinh ngài và tăng phần thuyết phục đối với người đời sau …

Thái độ của người phật tử chúng ta là nên tiếp nhận tất cả mà không nên phân tích, lý luận thực hư theo nhãn quan của phàm phu để rồi rơi vào cực đoan hoặc giao động niềm tin là một điều không nên. Vì cho dù xét cuộc đời ngài về khía cạnh lịch sử thực tế hay huyền sử thì cái nào cũng có những mặt tích cực của nó.

Nhân kỷ niệm ngày đức Phật xuất gia tìm đạo ( 8/2 âm lịch), xin mạo muội phân tích sự kiện quan trọng  này dưới nhãn quan của một người phật tử phàm phu và vì thế xin được phép đặt  sự kiện thái tử xuất gia như là hành động của một con người bình thường.

Lịch sử đã ghi lại thái tử Tất-đạt-đa sinh ra trong một gia tộc vương quyền, phụ thân của ngài là quốc vương của thành Ca-tỳ-la-vệ, vì vậy đương nhiên ngài là một hoàng tử. Tìm hiểu lịch sử chúng ta cũng biết rằng thành Ca-tỳ-la-vệ hồi đó chỉ là một tiểu quốc và đời sống người dân xứ đó cách đây 26 thế kỷ chắc chắn rất nghèo và có một lối sống còn hoang sơ lắm! Chắc chắn là không có được một hoàng thành nguy nga tráng lệ và con người với những phục sức đẹp đẻ, sang trọng như chúng ta thấy trên phim ảnh hoặc tranh, truyện tái hiện về cuộc đời ngài hiện nay.

Nhưng chúng ta cũng cần biết một điều là ở cái xứ mà phân biệt giai cấp hàng đầu thế giới như thế thì những người trong giai cấp sát-đế-lỵ, hơn nữa là một thái tử là một người sắp nối ngôi vua cha trong tương lai thì mọi tiện nghi phục vụ cho đời sống của ngài chắc chắn là phải xa hoa sung sướng lắm. Chuyên kể rằng sau khi thái tử hạ sanh được ông tiên A-tư-đà đến tiên đoán rằng sau này nếu làm vua sẽ là một bậc chuyển luân thánh vương cai trị khắp thiên hạ, còn nếu xuất gia tu hành thì sẽ đạt quả vị giác ngộ và làm vị giáo chủ.

Với niềm mong mỏi có được một người con nối nghiệp vương quyền nên  vua Tịnh-phạn đã làm tất cả để hướng cuộc sống và tâm tư của thái tử theo hướng hưởng thụ dục lạc thế gian như xây cung vàng điện ngọc, được học hành với những vị thầy tài danh nhất, được hầu hạ bởi những cung nữ xinh đẹp nhất, được ăn những món cao lương mỹ vị nhất và sau này khi trưởng thành được cưới nàng công chúa Da-du-đà-la xinh đẹp nhất. Bên cạnh đó vua tìm cách không cho ngài tiếp xúc với bất kỳ cảnh khổ nào của thế gian đang xảy ra chung quanh, để ngài chỉ thấy chung quanh mình là một cuộc sống  xa hoa sung sướng mà không hề có ý niệm nào về cảnh khổ cuộc đời! Có thể ví ngài là một con chim được nuôi từ khi mới ra khỏi trứng trong cái lồng vàng bị bịt kín!

Thế nhưng với tâm thức của một vị bồ-tát tái thế, chỉ cần một vài cảnh khổ của trần gian lọt vào mắt ngài, và với tư duy tuệ giác của một vị bồ-tát đang hiện thân để thực hành hạnh nguyện, ngài đã “thấy” được tất cả sự huyển hóa của chốn trần gian và khổ đau của nhân loại và vì thế chí nguyện xuất gia tìm đạo cứu độ chúng sanh cứ nung nấu tâm can ngài không lúc nào rời khỏi. Bao nhiêu dục lạc trong chốn cung cấm mà ngài đang có đã không làm cho ngài vơi đi nỗi niềm này.

Thế rồi khi chí nguyện đã chín muồi, vào ngày trăng tròn tháng hai sau một buổi yến tiệc linh đình trong hoàng cung ngài đã cùng với người hầu thân cận Xa-nặc, với con ngựa Kiền-trắc âm thầm từ biệt cha già, vợ con, người thân rời khỏi kinh thành. Đến bờ sông Anoma ngài xuống ngựa dùng gươm cắt tóc, cởi hoàng bào đưa và dặn Xa-nặc về tạ tội với phụ vương xin hãy tha thứ và đừng tìm ngài nữa vì từ đây ngài đã quyết chí xuất gia tìm đạo cứu chúng sanh.

Thế là ngài đã dứt áo ra đi, từ đây mở ra một chân trời mới, một mình một bóng ngài đã lặn lội nơi đèo sâu núi thẳm để tìm đạo. Thế rồi sau hai lần học đạo, sáu năm khổ hạnh rừng già,  cuối cùng là bốn mươi chín ngày tham thiền nhập định dưới gốc cây tất-bát-la bên dòng sông Ni-liên-thuyền ngài đã chứng thành đạo quả tìm ra chân lý cứu chúng sanh. Kể từ đó ngài đem ánh đạo mầu hoằng hóa và cho đến bây giờ trải qua hai mươi sáu thế kỷ ánh đạo vàng đã sáng soi khắp cõi ta-bà, cứu độ muôn vàn chúng sanh thoát khỏi bể khổ trầm luân, đồng thời  để cho hôm nay chúng ta được duyên phước nhận mình là đệ tử của ngài và học theo ngài trên hành trình giải thoát biển khổ đến bến bờ an vui, giải thoát.

Xét về cuộc đời của đức Phật lịch sử, chúng ta thấy ngài xuất hiện giửa cõi trần thế này với một hình ảnh một con người đích thực, cũng phải chịu luật vô thường chi phối, cũng phải trải qua các giai đọan của một đời người là sinh-già-bệnh-chết, cũng đầy đủ thất tình, lục dục của kiếp nhân sinh. Nhưng cái khác biệt lớn nhất giửa ngài và chúng ta là ngài đã vượt thoát ra tất cả, ngài đã đoạn trừ khỏi mọi dục lạc thế gian mà ngài đang hưởng thụ. Cuộc sống với những tiện nghi xa hoa mà ngài đang có là niềm mơ ước của biết bao người, thế nhưng ngài đã dứt khoát buông bỏ để dấn thân làm người du sĩ ngày đêm lặn lội nơi rừng sâu núi thẳm, âm thầm tìm chân lý cứu chúng sanh.

Đang có một đời sống ngập chìm trong mọi dục lạc cao sang của một vị thái tử vì sao mà ngài lại cam đảm từ bỏ như thế? Phải chăng vì ngài vốn là một một bậc đã hoàn toàn giác ngộ và tất cả những gì xảy ra trong đời ngài chỉ là một sự “thị hiện” để làm gương, chỉ là một pháp phương tiện để giáo hóa chúng sanh?. Nếu thật sự như thế thì giáo pháp của ngài khó mà thuyết phục được hậu thế noi theo để tu tập vì ai cũng sẽ nghĩ rằng:

– Dầu sao thì ngài cũng là một vị Phật rồi, nên những hành vi của ngải để đạt  được quả vị giác ngộ là điều đương nhiên và tất cả những gì diễn ra trong cuộc đời đức Phật chỉ là mang tính phương tiện để giáo dục tín đồ, chứ phàm phu tục tử như chúng ta ai mà làm được như ngài!

Thế cho nên ngài cũng chỉ là một con người, nhưng là một con người có TRÍ TUỆ tuyệt vời  và đang mang hạnh nguyện của một vị bồ-tát giáng trần nên dù được sống trong nhung lụa và hằng ngày chỉ thấy chung quanh mình những điều tốt đẹp đang diễn ra, nhưng chỉ cần một đôi lần chứng kiến những cảnh khổ ở đời ngài cũng đã “thấy” được nỗi khổ đau của kiếp sống nhân sinh.

Là một con người với tâm ĐẠI BI nên ngài có một trái tim rộng lớn, không chỉ biết thương yêu cha mẹ, vợ con và những người thân mà ngài đã đem tâm từ rải khắp quần sanh, thương xót chúng sanh đang trầm luân trong biển khổ. Với tâm đại bi nên ngài không chỉ biết giúp đở họ bằng vật chất như sự hành xử của một con người bình thường mà ngài đã quyết chí đi tìm cho ra ngọn ngành của sự khổ và từ đó tìm cho được con đường thoát khổ, tìm cho ra giải pháp đoạn trừ đau khổ tận gốc rể để cứu độ tất cả chúng sanh.

Với tâm ĐẠI TRÍ nên dù chứng kiến rất ít nhưng  ngài đã thấy tất cả khổ đau mà chúng sanh đang ngụp lặn trong đó, với tâm ĐẠI BI ngài đã chọn con đường thoát ra khỏi ngục vàng của chốn hoàng cung, hy sinh tình yêu thương với những người thương yêu nhất là cha già, vợ con, thân quyến để  dấn thân tìm đạo  để cứu đời. Nhưng để hiện thực hóa tâm đại bi, đại trí và để đạt được chí nguyện ấy ngài phải có một DŨNG LỰC kiên cường mới thực hiện được.

Vì xuất thân là một con người nên ngài cũng phải chiến đấu quyết liệt với bản thân để hy sinh tình thương của cha già, vợ đẹp, con thơ và những tình thân khác, ngài cũng phải kiên cường lắm mới từ bỏ ngai vàng đầy quyền uy và những dục lạc đang thụ hưởng để dứt áo ra đi dấn thân vào rừng hoang, núi sâu đối diện với bao gian lao, chướng ngại để tìm đạo…

Cuộc hành trình tìm chân lý của ngài  còn nhiều điều để phật tử hậu lai suy ngẫm và học hỏi, nhưng cái thời khắc bi tráng nhất có lẽ là lúc ngài đứng bên bờ sông Anoma dùng gươm cắt tóc và cởi hoàng bào đưa cho Xa-nặc. Chúng ta không khỏi động lòng khi hình dung giây phút bi hùng ấy, giây phút mà thanh gươm báu cắt đứt mái tóc dài của người, nhóm trần lao kia đã ra khỏi thân ngài như là một lời nguyện kể từ đây con đường ngài đi dù bao nhiêu gian khổ cũng quyết tìm cho ra chân lý, dù bao nhiêu chướng ngại cũng không thối chuyển tâm nguyện. Chí nguyện ấy thật kiên cường biết bao và cuối cùng ngài cũng đã thành tựu đạo quả để cho hôm nay nhân loại được tắm gội trong ánh hào quang tỏa rạng giáo pháp của ngài.

Một bậc đại giác đã viên thành đạo quả, một giáo pháp được lan truyền cứu độ vô số chúng sanh suốt chiều dài hai mươi sáu thế kỷ và mãi mãi về sau. Tất cả đã đươc khởi đầu bằng một cuộc chia ly đậm chất bi tráng và hào hùng. Bởi vậy có thế nói sự kiện thái tử Tất-đạt-đa xuất gia là biểu tượng của TỪ BI, TRÍ TUỆ VÀ DŨNG LỰC vậy./.

Bài viết: “Thái tử Tất-đạt-đa xuất gia: Biểu tượng của Từ bi, Trí huệ và Dũng lực”
Tâm Lễ