.
.

Tu theo Đạo Phật để góp vào sự văn minh của nhân loại


Vừa qua, TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chính TGHPGVN đã thuyết giảng về chủ đề TU THEO ĐẠO PHẬT ĐỂ GÓP VÀO SỰ VĂN MINH CỦA NHÂN LOẠI” cho hơn 1500 phật tử và Chúng thanh niên Phật tử Phật Quang Nghệ An tham gia khóa tu thiền tại chùa Viên Quang (Nam Thanh – Nam Đàn – Nghệ An). Bài Pháp thoại giúp cho các phật tử thấy được tầm quan trọng của việc tu thiền đối với cuộc đời mỗi người nói riêng và sự phát triển của xã hội nói chung. Từ đó, mọi người có thêm động lực vượt qua những khó khăn, tiếp tục con đường tu học, sớm chứng ngộ để góp sức xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp, văn minh.


Được biết, hàng tháng vào ngày đầu tháng {tức mùng 1(AL)}, tại chùa Viên Quang đều diễn ra khóa tu thiền bắt đầu từ 6h30” tối ngày thứ sáu cho đến 13h00” trưa của ngày chủ nhật, dưới sự hướng dẫn của TT Thích Chân Quang. Tuy rằng tu Thiền rất khó, nhưng hiện nay rất nhiều người yêu thích thiền, đặc biệt là giới tri thức trẻ, bao gồm các doanh nhân, sinh viên, học sinh. Cho nên khóa tu tại chùa Viên Quang ngày càng đông, đã thu hút một lượng lớn đủ tầng lớp phật tử tham gia. Đó là những dấu hiệu tốt cho sự phát triển của Phật giáo Nghệ An ngày nay.

Nhưng số lượng phật tử đến chùa đông nhất vẫn là buổi thuyết Pháp của TT.Thích Chân Quang. Ai nấy đều khát khao chờ đến dịp định kỳ diễn ra khóa tu để được nghe giảng. Vì vậy, sự chú  tâm lắng nghe pháp thoại ở các phật tử rất cao, dù Pháp hội rất đông người nhưng không một tiếng nhỏ lao xao, ai nấy đều dán chặt ánh mắt ngưỡng mộ lên màn hình để theo dõi từng lời diễn giải. Lúc ấy, họ như nếm được pháp vị, sống được với chính mình, và thực hiện niết bàn ngay trong hiện đời. Đó là lý do mà  các phật tử, đặc biệt là giới trẻ ngày càng tích cực hơn đối với đời sống tu hành và phụng sự, không để phí phạm chút thời gian nào. Hầu như sự bận rộn cho việc tu, cho việc làm thiện luôn là mục đích sống an vui của mọi người.

Đi vào nội dung chính, phần mở đầu, Thượng tọa khẳng định không thể phủ nhận tu thiền cực khổ vô cùng. Nhưng cái khổ đó sẽ đưa ta vào sự giác ngộ tâm linh. Đức Phật và tất cả Thánh nhân khác cũng đều đắc đạo nhờ thiền định.

Với chúng ta, khi vượt qua những khó khăn ban đầu, tâm bắt đầu an lạc rồi sẽ thấy thiền định là niềm hạnh phúc không gì so sánh được. Thiền chính là chân lý, là trí tuệ, là đạo đức. Lúc đó, không gì có thể lung lay ta được nữa.

Thêm nữa, ta không ngờ rằng từ sự hư vô của thiền định mà bao nhiêu điều lơi ích sẽ đâm chồi, nảy nở. Những con người tu thiền nhìn như tĩnh tại vậy mà chính họ sẽ dựng nên nền văn minh tương lai cho nhân loại, đóng góp và sự tiến bộ của xã hội. Đây cũng là nội dung bài Pháp mà Người muốn truyền đạt đến các phật tử.

Đầu tiên, nói đến thiền thì không thể không nhắc đến đạo Phật vì thiền chính là cái lõi của đạo Phật. Người khẳng định, chúng ta không thiên vị đạo Phật nhưng thật sự, đạo Phật chính là sự tiến bộ đỉnh cao của nhân loại. Vì sao? Vì đạo Phật được những con người tiến bộ, trí tuệ, trí thức bậc nhất trên thế giới tìm đến.

Như ta thấy, từ xưa đến nay các tôn giáo đều bắt đầu từ niềm tin. Có những niềm tin rất vô lí nhưng con người vẫn được yêu cầu phải làm mà không cần giải thích. Đến khi khoa học phát triển, tiến bộ thì những điều đó không còn được chấp nhận. Lúc này, các tôn giáo cần chỉnh sửa giáo lý của mình để nó còn một chút chân lý trong đó.

Vậy mà, Einstein – nhà bác học vĩ đại đã khẳng định rằng chỉ riêng đạo Phật là không cần sửa vì nó phù hợp và dẫn đạo cho khoa học.

Nghĩa là khoa học phải tiến bộ thì mới theo kịp đạo Phật. Sau câu nói đó, nhiều nhà tri thức trên khắp thế giới đã tìm đến đạo Phật và hoàn toàn bị thuyết phục. Vậy nên, đạo Phật là một tài sản cực kì quý giá của nhân loại, chúng ta đang nắm tài sản đó trong tay mà không hay.

Thượng tọa cho rằng, chúng ta may mắn hơn rất nhiều người trên thế giới này vì được sống trong một đất nước Phật giáo, mở mắt chào đời đã có đạo Phật. Do đó, ta phải gắng sức, tinh tấn tu tập, đừng phụ bạc nhân duyên tốt đẹp của cuộc đời mình. Đồng thời, ta cũng phải giúp đỡ những người quanh mình biết đến đạo Phật, đừng để một đất nước Phật giáo lại có những người không biết đến đạo Phật. Nếu không, họ sẽ cản đường cho sự tiến bộ, vì đạo Phật là sự tiến bộ của nhân loại.

Nhắc đến sự văn minh, tiến bộ, theo lẽ thường thì ai cũng thích ở nơi văn minh hơn. Nhưng nếu ta đang sống ở một nơi chưa văn minh lắm thì liệu ta sẽ đi tìm nơi tốt hơn để ở, hay nguyện ở lại để xây dựng quê hương cho nó tốt đẹp hơn?

Trong luật pháp, con người được quyền chọn nơi mà mình muốn sống. Nhưng nếu nói theo lương tâm, đạo đức, trách nhiệm thì những người bỏ đất nước mình để tìm đến một nơi sung sướng hơn thì thật là đáng trách.

Người giải thích, trách nhiệm, lí tưởng của chúng ta là đưa đất nước mình tiến bộ lên, sánh vai với các cường quốc trên thế giới. Đừng đợi về một nơi nào đó giàu có sẵn, hãy bắt đầu từ nơi nghèo khổ. Cụ thể là bắt đầu từ quê hương mình, làm sao cho nó trở nên văn minh, giàu đẹp hơn. Nhưng làm thế nào để đạt được điều đó?

Theo Thượng tọa, rất nhiều việc phải làm, nhưng cốt yếu là phải tu tập thiền định vì thiền định mang lại cho con người ba tố chất, đó là: nội tâm thanh tịnh, tâm hồn đạo đức và tâm trí tuệ. Có đủ ba tố chất này rồi, ta sống ở đâu cũng sẽ mang sự văn minh đến đó.

Để đánh giá được sự văn minh của xã hội, Người chỉ ra bốn tiêu chuẩn. Một là sạch sẽ (đặc biệt không có gì được xem là rác); Hai là con người biết sống tử tế, yêu thương, nhường nhịn; Ba là con người thông minh, có kĩ thuật cao; Bốn là xã hội đẹp đẽ.

Đầu tiên, Thượng tọa lí giải về một xã hội văn minh buộc phải sạch sẽ, không thể văn minh khi môi trường, đời sống con người còn dơ bẩn được. Và một người tu thiền, khi đạt được tâm thanh tịnh thì tự nhiên hiện ra một hiệu ứng là không bao giờ chấp nhận sự dơ bẩn trong cuộc đời, dù là một sự dơ bẩn rất nhỏ. Một người sống sạch sẽ chưa chắc tâm đã thanh tịnh, nhưng một người tâm thanh tịnh rồi thì chắc chắn sạch sẽ. Người có tâm thanh tịnh, ngoài việc không chấp nhận sự dơ bẩn, họ còn không cho phép mình có một ý niệm sai trong tâm hồn.

Thêm nữa, trong cái sạch sẽ của xã hội văn minh, có một quan điểm cực kì quan trọng là thái độ đối với rác. Nghĩa là rác rất được tôn trọng, không bị xem là thứ vứt đi, vô giá trị. Vì sao? Vì người tu thiền luôn trân quý mọi điều, kể cả rác. Họ có trí tuệ để nhìn ngược về quá khứ cũng như nhìn xa về tương lai.

Khi nhìn về quá khứ, họ thấy rác thật ra là tài nguyên quý giá của trái đất. Khi nhìn về tương lai, họ thấy việc mang rác đi chôn lấp, đốt bỏ sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường và đời sống. Vậy nên, họ cố gắng làm sao để tạo ra rác ít nhất có thể. Hơn nữa, họ hiểu rằng trong những tội ác mà con người đã liệt kê, chúng ta đã bỏ qua một tội ác là tạo ra quá nhiều rác. Như thế, rõ ràng người tu thiền là người đóng góp rất lớn cho một xã hội văn minh.

Thứ hai, xã hội văn minh là xã hội mà con người sống yêu thương, tử tế với nhau. Người có công phu thiền định thì thường nhắc mình rằng không có gì là của ta nên cái tâm ích kỉ trong họ dần bị phá vỡ. Nếu trước đây, họ chỉ nhìn thấy bản thân mình thì giờ họ có thể thấu rõ tâm tình và cuộc đời của người khác. Thấy người đạo đức họ phải khen, thấy kẻ khốn khó họ phải giúp đỡ. Tức là, họ bị thôi thúc phải làm điều gì đó cho con người. Nếu ai cũng có tâm này, cả xã hội này sẽ trở thành xã hội tương trợ, ấm áp tình người.

Thứ ba, xã hội văn minh thì phải có công nghệ và kĩ thuật cao. Để đáp ứng điều này, đòi hỏi con người phải thông minh hơn. Và thiền chính là công cụ để nâng trí thông minh của con người lên, bởi tâm thanh tịnh trong thiền định chừng nào thì trí tuệ, sự thông minh sáng suốt của con người càng cao chừng ấy. Khi đó, chúng ta có thể đóng góp cho đời nhiều sáng kiến, kĩ thuật độc đáo, lợi ích.

Cuối cùng, xã hội văn minh là xã hội đẹp đẽ. Đẹp trong từng căn nhà, từng khu phố, đẹp trên cả đất nước. Mà tâm thanh tịnh, đạo đức, trí tuệ chừng nào thì ta càng có ý thức về cái đẹp chừng ấy. Lúc đó, ta không cho phép mình tạo ra môi trường xấu xí. Đồng thời, luôn ý thức bày biện mọi thứ cho xã hội được đẹp đẽ.

Nói về nhân quả, người luôn ý thức giữ gìn, bày biện mọi thứ vì cái đẹp chung thì sẽ được quả báo là có khuôn mặt đẹp. Giống như người Nghệ An có nét đẹp sang trọng kì lạ mà những miền khác khó có được. Cũng không khó để lí giải bởi đây là vùng địa linh nhân kiệt, nơi sản sinh ra nhiều nhân tài có trí tuệ hơn người, lúc nào cũng ý thức về việc bảo vệ và gìn giữ vẻ đẹp của môi trường.

Tóm lại, một xã hội văn minh cần có ba cái tâm từ thiền định: tâm thanh tịnh, tâm trí tuệ và tâm đạo đức. Vì vậy, mỗi người cần có bổn phận phải tu tập thiền định dù ngồi thiền rất vất vả. Ta nên nhớ, ngành nghề nào cũng đều khởi đầu bằng gian nan. Hơn nữa, ngồi thiền có vất vả thế nào cũng không đáng gì so với các chiến sĩ – những người có khi phải hi sinh cả tính mạng vì Tổ quốc.

Dịp này, Thượng tọa nhắc nhở, muốn tu thiền có kết quả thì ta phải làm sao để giúp người khác tu tập tinh tấn, tiến bộ trước. Lúc nào cũng phải có tâm nguyện rằng muốn mọi người trên đời đều tu tập thiền định. Thiền định không chỉ vất vả mà còn khó. Nhưng hãy kiên nhẫn giải thích, dẫn dắt và khuyến khích mọi người cùng đi. Đây là vừa giúp mình, vừa giúp đời, thật đáng nên làm.

Tóm lại, thiền là một chủ đề rất quen thuộc, được Thượng tọa nhắc đến rất nhiều trong các bài giảng của mình. Tuy nhiên, mỗi bài Người giới thiệu, khuyến khích một gốc cạnh khác, giúp các phật tử có một cái nhìn đầy đủ, toàn diện hơn về pháp môn tu này. Bởi thiền ngoài đỉnh cao là giác ngộ giải thoát, thiền không chỉ góp phần xây dựng Phật giáo, thiền còn đóng góp rất lớn trong việc xây dựng con người và xã hội văn minh.

Qua bài Pháp thoại này, mọi người thấy thêm những lợi ích nữa của việc tu thiền. Không thể chối bỏ sự vất vả trong việc tu thiền, nhưng so với những lợi ích mà tu thiền mang lại thì dù có vất vả đến đâu, chúng ta cũng cố gắng khắc phục, vượt qua, bởi đây là con đường chắc chắn, bền vững nhất để xây dựng một xã hội tốt đẹp, tiến bộ.

Thêm nữa, xây dựng xã hội văn minh là điều bức thiết phải làm. Con người thông minh, khoa học phát triển, tất yếu xã hội phải tiến lên. Sống trong cùng một đất nước, mang trong mình một dòng máu thì không ai được phép cho mình đứng ngoài nhiệm vụ ấy. Và chỉ có tu thiền và giúp đỡ nhau cùng tu thiền thì chúng ta mới thực hiện được mục tiêu này. Đây cũng là thông điệp mà Thượng tọa muốn truyền trao đến các phật tử trong khóa tu lần này./.

Tuệ Đăng