.
.

Hãy học cách ăn để cơ thể luôn khỏe mạnh


Dân gian có câu “bệnh tòng khẩu nhập, họa tòng khẩu xuất”, nghĩa là hầu hết bệnh tật đều do thói quen ăn uống của con người mà ra, cũng như hầu hết tai họa đều bắt nguồn từ lời nói của mỗi người. Ăn không đúng cách sẽ không mang lại sức khỏe cho cơ thể đồng thời gây ra nhiều chứng bệnh. Bệnh tật cũng từ việc ăn uống không đúng cách. Chữa bệnh cũng bằng việc ăn uống đúng cách.

1. Bữa ăn ngày càng bị “biến đổi”

Mỗi chúng ta hẳn đều có những ký ức về những bữa cơm gia đình ngày còn nhỏ: cả nhà quây quần cùng ăn cơm tối, không vội vàng, không tất bật, mọi người mời người lớn tuổi dùng cơm trước. Mỗi bữa cơm là một cơ hội để các thành viên trong gia đình chia sẻ và thắt chặt tình cảm với nhau hơn.

Thế nhưng ngày nay, cuộc sống bận rộn khiến bữa cơm gia đình đã “biến dạng” đi rất nhiều, đến mức có thể biến mất. Do công việc, mỗi người về nhà vào một thời điểm khác nhau, có những người về rất trễ. Vậy là khi đói, mỗi người lấy cơm, canh, đồ ăn ra 1 tô lớn đem hâm trong lò vi sóng, rồi ngồi ăn cho tiện, có khi vừa ăn vừa xem Tivi hoặc chơi điện thoại. Đồ ăn nấu 1 lần có thể để tủ lạnh ăn vài bữa. Cũng có khi trên đường đi làm, đi học về là chúng ta mua đồ ăn sẵn, về nhà mỗi người một phần, ai rảnh thì ăn trước.

Cùng với sự thay đổi về bữa ăn gia đình cũng như cách chúng ta ăn uống, thời đại hiện nay còn “sinh ra” rất nhiều chứng bệnh liên quan đến ăn uống như: bệnh chán ăn, bệnh ăn vô độ (lúc nào cũng thèm ăn và ăn rất nhiều), bệnh nghiện đồ ăn nhanh, nghiện đồ ngọt,…

Tất nhiên, thói quen ăn uống không tốt như vậy sẽ khiến con người sinh ra nhiều bệnh tật. Chưa có bao giờ mà tỉ lệ người mắc bệnh đau bao tử, tiểu đường, béo phì, huyết áp cao, gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ,… lại nhiều như hiện nay. Đó là hậu quả trực tiếp của thói quen ăn uống không đúng cách.

2. Quan điểm về ăn uống trong Phật giáo

Ðối với đạo Phật, vấn đề ăn uống rất là quan trọng, cho nên ăn uống cần phải tiết độ đúng cách ăn uống của Phật giáo, như trong Kinh Tương Ưng Bộ – tập 4, đức Phật có dạy: “Này hiền giả, thế nào là tiết độ trong ăn uống? Ở đây này hiền giả, Tỳ kheo như lý giác sát, thọ dụng các món ăn.

Không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự mình làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được duy trì và được bảo dưỡng, để thân này khỏi bị thương hại, để hỗ trợ Phạm hạnh. Nghĩ rằng: “Như vậy ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên các cảm thọ mới, và ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an ổn”. Như vậy, này hiền giả, là tiết độ trong ăn uống”.

Như vậy, theo lời Phật dạy, chúng ta ăn là để duy trì sự sống, để giữ cơ thể được khỏe mạnh nhằm tu tập lâu dài, thăng tiến về tâm linh chứ không phải ăn để thỏa mãn các giác quan của mình.

Người Phật tử khi ăn không nên cầu ăn ngon, không nên đòi ăn “sơn hào hải vị”, ăn không phải cho bản thân mập mạp, đẹp đẽ, ăn cũng không để tìm thú vui. Có thể nói mục đích của chúng ta là ăn để sống, để có sức khỏe mà tu tập chứ không phải sống để ăn, để hưởng thụ, để vui thú.

3. Những điều cần chú ý trong bữa ăn của Phật tử

Ăn uống thế nào để có một sức khỏe tốt, tinh tiến trong việc tu tập và cũng phù hợp với cuộc sống hiện đại lúc này? Đây là câu hỏi mà mỗi chúng ta đều đang cần được giải đáp. Hãy cùng tham khảo và thực tập những điều gợi ý sau đây như một trợ duyên trên con đường tu tập.

Khi ăn nên duy trì chánh niệm.

Nên ăn trong một trạng thái tinh thần thanh thản, và trong một môi trường thoải mái, yên tĩnh. Nên có vài phút nghỉ ngơi trước khi ăn để tâm trí tĩnh lại. Đừng ăn vội vàng. Nên tránh những tiệm ăn đông đúc, ồn ào, không sạch sẽ. Ăn trong những quán ăn như vậy sẽ làm bữa ăn kém ngon và hiệu quả.

Nếu chúng ta ăn vội vàng hoặc ăn trong tâm trạng căng thẳng, bực bội, thức ăn sẽ không được tiêu hóa đúng cách, và sẽ gây nhiều hậu quả cho cơ thể. Khi tâm trí rối lên, toàn bộ cơ thể chúng ta cũng rối loạn. Khi con người tức giận, dạ dày bị trương lên, cứng và đỏ, mất đi tính mềm dẻo và sự nhu động tự nhiên.

Do đó, khi ăn trong trạng thái tức giận, thức ăn không tiêu hóa được mà còn trở thành khối thức ăn dư thừa, thối và sinh ra các loại axit, độc tố có hại cho cơ thể. Như vậy thà không ăn còn tốt hơn.

Nhai kỹ thức ăn.

Hầu hết chúng ta đều ăn uống vội vàng, ăn thật nhanh để còn làm việc khác. Điều này rất có hại cho cơ thể. Đối với những loại thức ăn từ tinh bột như cơm, bánh mì, mì sợi,… sự tiêu hóa bắt đầu ngay trong miệng.

Khi nhai, nước bọt được tiết ra và trộn lẫn với thức ăn, tiêu hóa một phần thức ăn trước khi xuống đến dạ dạy. Nếu nhai không kỹ, nuốt thức ăn vội vàng sẽ làm cho các thức ăn xuống đến dạ dày khi chưa được tiêu hóa, gây ảnh hưởng đến sự tiêu hóa ở dạ dày. Nếu xảy ra trong thời gian dài có thể gây yếu dạ dày, sinh ra nhiều loại bệnh đường ruột.

Không ăn quá nhiều.

Như Phật đã dạy, chúng ta ăn chỉ nhằm có đủ sức khỏe để tu tập chứ không phải ăn để hưởng thụ. Việc ăn tham, ăn quá nhiều sẽ chỉ có hại cho cơ thể chứ không phải ăn càng nhiều thì càng tốt. Khi chúng ta ăn quá nhiều sẽ bắt toàn bộ hệ thống tiêu hóa phải làm việc quá sức và làm cho việc tiêu hóa thức ăn không hoàn thành.

Khi thức ăn chỉ được tiêu hóa một phần, tiêu hóa nửa vời, chúng sẽ trở thành những khối thức ăn thối rữa độc hại cho cơ thể.

Không kén chọn món ăn.

Chúng ta ăn uống với mục đích giải thoát, vì vậy ăn để sống chứ không phải sống để ăn. Cho nên có món gì thì chúng ta ăn món nấy chứ không phải vì ăn ngon cho sướng miệng mà đi chọn lựa thức ăn này thức ăn khác. Người tu theo Phật giáo mà còn lựa chọn món ăn này hay món ăn kia là không phải đệ tử của Phật.

Ngồi ăn với tư thế thích hợp.

Khi ăn, hãy ngồi thẳng lưng để năng lượng có thể tự do đi dọc cột sống và không gây lực đè lên các cơ quan tiêu hóa. Tốt nhất là ngồi vòng chân (xếp chân bằng tròn) khi ăn. Không nên ăn khi đứng.

Không ăn vặt giữa các bữa ăn.

Phải mất bốn tiếng đồng hồ để thức ăn được tiêu hóa hoàn toàn và ra khỏi dạ dày của ta, và tập trung lại được các dịch tiêu hóa sẵn sàng cho bữa ăn sau. Nếu chúng ta ăn nhiều lần một ngày, những dịch tiêu hóa này không có thời gian tập trung đủ nồng độ và sẽ không đủ sức để tiêu hóa hoàn toàn bữa ăn tiếp sau đó.

Và những thức ăn không được tiêu hóa hết sẽ trở thành những chất có hại cho cơ thể. Vì vậy, chỉ nên ăn khi ta thực sự đói và không nên ăn quá bốn lần mỗi ngày.

Nghỉ ngơi sau bữa ăn.

Sau các bữa ăn, đừng hoạt động nhiều về cơ bắp hay tâm trí. Sau khi ăn, các cơ quan tiêu hóa cần tập trung toàn bộ năng lượng của cơ thể vào việc tiêu hóa thức ăn. Nếu chúng ta hoạt động cơ bắp hay tâm trí nhiều, năng lượng và máu trong cơ thể bị phân tán để thực hiện những hoạt động ấy, sẽ làm cản trở quá trình tiêu hóa. Tốt nhất là sau bữa ăn, hãy đi “thực phạn kinh hành” nghĩa là vừa đi bộ chậm chậm vừa niệm Phật.

Giác Hương Hạnh